Trong khu phố Filmore ở Gentilly vùng New Orleans, kế cận với hồ Pontchartrain và công viên, là một thửa đất tư lớn nhất thành phố. Ngay bây giờ 25 mẫu đất (acres) này là một cánh đồng bỏ hoang, cây cỏ rậm rạp và ở giữa có một cái nền bê tông cuả một ngôi nhà lớn bị san bằng. Ngay vệ đường, người ta vẫn còn thấy một cái mốc còn mang dấu hiệu cuả dòng Nữ tu Thánh Giuse.

Nhưng chẳng bao lâu nữa, khu đất này sẽ biến thành một khu vườn nước rộng lớn, vừa là một thắng cảnh khi trời nắng, vừa là chỗ thoát nước khi trời mưa.

Giấc mơ ‘trị thuỷ’ ở New Orleans bắt đầu sau cơn bão Katrina (năm 2005) với tâm bão có cường độ số 5 đi thẳng vào New Orleans. Với sự giúp đỡ của một kiến trúc sư địa phương áp dụng phương pháp trị thuỷ từng có 800 năm kinh nghiệm cuả người Hà Lan, những nữ tu New Orleans sắp giúp dựng lên một công viên nước lớn nhất ở Hoa Kỳ, công viên ‘The Mirabeau Water Garden’.

Thành phố New Orleans được xây dựng trên một vùng đầm lầy, thổ nhưỡng là đất sét trộn với than bùn (clay and peat, peat do rơm rạ tạo thành), cho nên không thấm nước tốt, mỗi khi có mưa thì tạo ra lũ. Năm 2005 khi cơn bão Katrina đổ vào, hệ thống thoát nước cuả thành phố bị quá tải là nguyên nhân chính gây ra cảnh ngập lụt và phá hủy toàn diện ở đây.

Sau khi sơ tán vì cơn bão và được trở về nhà, Sơ tổng quyền tỉnh dòng Thánh Giuse là Joan Laplace đã bàng hoàng khi nhìn thấy cảnh tàn phá trong thành phố. Các đại lộ chính chỉ còn là các mảnh vỡ. Ván lợp nhà, máy điều hòa, tủ lạnh chất đống cao đến 30 mét.

Khi về đến khu đất cuả cộng đoàn, khu đất 25 acres từng được giữ gìn cẩn thận đã bị phá tan hoang, tòa nhà mốc meo nham nhở; tầng 1 bị ngập và hư hỏng. Rồi chưa đầy một năm sau vào tháng 8 năm 2006, sét đánh vào mái nhà, gây hỏa hoạn. Tu viện từng là nhà cuả 150 nữ tu, thì nay không có đủ chỗ chứa cho 30 nử tu còn lại.

Số nữ tu giảm sau nhiều chục năm cũng làm cho hội dòng Thánh Giuse phải kết nhập nhiều cộng đoàn ở Hoa Kỳ lại với nhau. Do đó, về cơ bản, thì đây là sự kết thúc của tu viện dòng Thánh Giuse ở New Orleans.

Nhưng đây cũng là sự khởi đầu của một dự án mới. Ngay sau Katrina, các Sơ bắt đầu tìm cách mang lại cho 25 mẫu đất đó một cuộc sống thứ hai, và giúp bảo vệ thành phố khỏi những cơn bão lụt trong tương lai.

Sơ Laplace, 79 tuổi, nói về cơn bão Katrina: “Những tàn phá cho thấy chúng ta đã chuẩn bị ít như thế nào để chăm sóc cho người dân khi họ cần.”

Các nữ tu đã không bán khu đất cho các nhà phát triển ngay lập tức, mặc dù Sơ Laplace nói rằng các nhà phát triển sẽ “nắm bắt nó rất nhanh” và với một số tiền hời. Nhưng các nữ tu không muốn kiếm lời, ngay cả khi họ nhận ra rằng số tiền đó có thể được tái đầu tư vì một lợi ích lớn hơn. Họ cảm thấy có trách nhiệm đối với cộng đồng xung quanh của họ, một cộng đồng mà họ đã sống chung kể từ khi nhà dòng đến từ Pháp vào năm 1855.

Do một tình cờ, nhà dòng được giới thiệu với công ty kiến trúc Waggonner & Ball đang thực hiện công việc sửa chữa thành phố dựa vào những tham khảo từ chi nhánh ở Hà Lan cuả họ để đảm bảo New Orleans có thể vượt qua những cơn bão tiếp theo. Lúc đó Waggonner & Ball cần một địa điểm cho một dự án thoát nước, mà các Sơ lại có một địa điểm bỏ trống.

Sơ Laplace nói: “Là nữ tu, chúng tôi không biết mình sẽ làm được việc gì. Chúng tôi chỉ cố gắng nói, 'Đây là một tài sản tuyệt vời, chúng tôi không cần nó vì chúng tôi quá nhỏ... Vậy chúng tôi nên làm gì? ' Chúng tôi liên tục cầu nguyện về điều đó, và sau đó David Waggonner và công ty của ông ấy nảy ra ý tưởng này và hỏi về khả năng thực hiện nó ở đây. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một câu trả lời cho những lời cầu nguyện của chúng tôi. ”

Nhà dòng đã cho thành phố thuê mảnh đất rộng 25 mẫu với giá 1 đô la một năm và một điều kiện: nó được sử dụng để “nâng cao và bảo vệ các cộng đồng lân cận”.

Dự án Mirabeau Water Garden đã nhận thầu, và công việc sẽ bắt đầu khi đại dịch cho phép.

Cuối cùng thì sau khi hoàn thành, vùng đất mà các nữ tu vẫn coi là vùng đất thánh, là cái nôi cho nhiều thế hệ nữ tu chỉ biết phục vụ, sẽ tiếp tục phục vụ các cộng đồng lân cận, cung cấp một tấm gương cho các thành phố khác về việc quản lý nước. Một vùng đất từng bị lao đao vì lửa và nước thì bây giờ là, theo lời của Sơ Pat Bergen, “đem lại phước lành cuả nước…” (“bless the water…”)