1. Lòng trung thành của một chú chó Ấn Độ, thể hiện ra trong thiên tai, khiến nhiều người cảm động
Sáng Chúa nhật 7 tháng 2 năm 2021, một phần băng sơn trên dãy núi Garhwal Hy Mã Lạp Sơn bị sụp, tạo nên một dòng nước và bùn vĩ đại, phá vỡ hai con đê khổng lồ đang được xây cất trong dự án thủy điện và tràn ngập toàn thung lũng Dhauli Ganga, ở bang Uttarakhand. Bộ trưởng nội vụ Amit Shah cho biết có 35 người còn bị kẹt trong đường hầm của công trình kiến thiết và toán cứu cấp tiếp tục tìm kiếm.
Hội đồng Giám mục Ấn Ðộ chia buồn với gia đình các nạn nhân bị thiệt mạng vì thiên tai này. Tính cho đến ngày Chúa Nhật 14 tháng Hai, 41 người đã được ghi nhận là thiệt mạng, trong khi vẫn còn hơn 160 được ghi nhận là mất tích.
Ðức Hồng Y Oswald Gracias, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Ðộ đã ra thông cáo bày tỏ đau buồn vị thảm họa này, chia buồn với các gia đình nạn nhân, cũng như ca ngợi những nỗ lực cứu cấp của chính phủ và các cơ quan nhà nước. Ðức Hồng Y Gracias cũng cho biết cơ quan bác ái Caritas của Công Giáo đang tích cực góp phần cứu trợ các nạn nhân.
Trong một điện văn chia buồn, được Đức Hồng Y Pietro Parolin ký thay mặt ngài, Đức Thánh Cha viết: “Tôi bày tỏ sự gần gũi với các nạn nhân thiên tai tại miền bắc Ấn Ðộ, nơi một tảng băng bị lở tạo nên lụt lội dữ dội và đảo lộn công trình xây hai trung tâm điện lực. Tôi cầu nguyện cho các công nhân bị thiệt mạng và gia đình họ, cũng như tất cả những người bị thương và bị tổn hại.”
Trong vụ không may này, thông tấn xã AFP ghi nhận một câu chuyện cảm động liên quan đến một chú chó màu đen tại làng Tapovan, trong thung lũng Dhauli Ganga. Chú chó này may mắn sống sót và từ chối không chịu đi khỏi nơi người ta thấy nó.
Biết bao nhiêu lần các binh lính và những người trong đội tìm kiếm xua nó đi chỗ khác, nó lại tìm cách quay về chỗ cũ để tìm chủ. Một sĩ quan quân đội tin rằng chủ của chú chó này là một người thợ trong số 35 người thợ mỏ vẫn còn bị kẹt trong đường hầm. Con chó như đang tìm cách kêu gọi các binh sĩ Ấn Độ cứu người chủ của nó còn bị kẹt trong đó.
Matters India, một tờ báo Công Giáo, ghi nhận rằng lòng trung thành của chú cho này là bài học luân lý cho nhiều người. Theo thống kê vào năm 2017, Ấn Độ có khoảng 1.2 tỷ dân. Cảnh của khó người khôn gây ra một sự suy đồi đạo lý trầm trọng, thể hiện qua các con số tội ác kinh hoàng. Trung bình, mỗi ngày tại Ấn Độ có đến 87 vụ hiếp dâm phụ nữ. Lòng trung thành thường không được đánh giá cao. Tờ báo kết luận rằng: “Lòng trung thành của chú chó này là tấm gương cho nhiều người.”
2. Sáng kiến Thứ Tư Lễ Tro của tổng giáo phận Cebu, Phi Luật Tân để các thành viên gia đình rắc tro cho nhau
Một tổng giáo phận ở Phi Luật Tân sẽ cho phép các thành viên trong gia đình rắc tro cho nhau tại nhà để đánh dấu sự khởi đầu của Mùa Chay vào ngày 17 tháng 2.
Ucanews đưa tin Tổng giáo phận Cebu ở miền trung Phi Luật Tân đã phát hành một hướng dẫn cầu nguyện vào ngày 10 tháng 2 về việc cử hành Thứ Tư Lễ Tro tại nhà cho những người không thể đến nhà thờ do các hạn chế của COVID-19. Trẻ em và người già không được phép tham dự các cuộc tụ họp đông người như ở nhà thờ.
Tổng giáo phận cho biết: “Những người không thể đến nhà thờ vào ngày này có thể tham gia việc cử hành Thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro trên truyền hình trực tiếp hoặc phát lại”.
Người chủ gia đình sẽ hướng dẫn cả gia đình cầu nguyện theo hướng dẫn chung. Sau khi cầu nguyện, gia trưởng nên rắc tro lên đầu của mỗi người trong nhà để tránh tiếp xúc với họ. Các gia đình sẽ kết thúc buổi lễ bằng một lời cầu nguyện và dấu thánh giá.
Ucanews cho biết giáo phận đã đăng các liên kết đến các hướng dẫn cầu nguyện trên mạng xã hội.
Tổng giáo phận Cebu cũng nhắc nhở người Công Giáo rằng Thứ Tư Lễ Tro là ngày ăn chay và kiêng thịt, giống như tất cả các ngày Thứ Sáu trong Mùa Chay.
Đức Tổng Giám Mục Cebu Jose Palma cho biết Mùa chay là thời gian để người Công Giáo đào sâu mối quan hệ với Chúa Giê-su.
“Chính Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta trở thành môn đệ của Ngài để mọi người có thể biết rằng chúng ta có một Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc chúng ta”, Palma nói trong một bài giảng gần đây.
Những người Công Giáo địa phương cho biết tổng giáo phận đang đưa ra một giải pháp thiết thực để giải quyết những hạn chế do đại dịch gây ra.
“Đây là một cách mới để đánh dấu sự khởi đầu của Mùa Chay. Mọi người thường đổ xô đến các nhà thờ, nhưng đại dịch đã khiến Thứ Tư Lễ Tro năm nay trở nên khác biệt, vì vậy đây là một cách tốt để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19”, Frances Cespon ở Cebu nói.
Hội đồng Giám mục Philippines đã cho phép một sai lệch khác so với tiêu chuẩn Thứ Tư Lễ Tro cho những ai muốn đi nhà thờ. Các Giám Mục cho biết mọi người sẽ được phép sử dụng bất kỳ cây khô hoặc lá cây nào thay cho lá cọ già để làm tro.
Thông thường, tro được lấy từ lá cọ cũ được sử dụng trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá vào năm trước, nhưng năm nay lại thiếu hụt do các hạn chế COVID-19 được áp dụng vào năm ngoái.
Source:Crux
3. Chỉ thị của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích về việc cử hành Thứ Tư Lễ Tro trong năm nay
Thứ Tư Lễ Tro năm nay sẽ rơi vào ngày 17 tháng Hai. Hôm thứ Ba, Vatican đã đưa ra hướng dẫn về cách các linh mục có thể xức tro vào Thứ Tư Lễ Tro trong bối cảnh đại dịch coronavirus.
Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã công bố một chỉ dẫn vào ngày 12 tháng Giêng, hướng dẫn các linh mục đọc công thức xức tro một lần cho tất cả mọi người có mặt, thay vì cho từng người.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích Công văn số 17/21
Chỉ dẫn cho ngày Thứ Tư Lễ Tro
Việc xức tro trong thời gian xảy ra đại dịch
Vị Linh mục đọc lời nguyện làm phép tro. Ngài rảy nước thánh lên tro, không nói gì cả. Sau đó, ngài nói với tất cả những người hiện diện chỉ một lần duy nhất công thức như được ghi trong Sách Lễ Rôma, áp dụng công thức ấy cho tất cả mọi người nói chung:
“Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”, hoặc “Ta là thân cát bụi, sẽ trở về với cát bụi”.
Sau đó, vị Linh mục rửa tay, đeo khăn che mặt và xức tro cho những ai đến với mình, hoặc nếu thích hợp, ngài sẽ đến với những người đang đứng tại chỗ. Vị Linh mục lấy tro và rắc lên đầu mỗi người mà không nói gì cả.
Từ Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, ngày 12 tháng Giêng năm 2021.
+ Đức Hồng Y Robert Sarah
Tổng trưởng
+ Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche
Tổng Thư Ký
Source:Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích
4. Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 14/2/2021
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Quảng trường tuyệt đẹp dưới ánh mặt trời! Thật là đẹp!
Bài Tin Mừng hôm nay (x. Mc 1: 40-45) trình bày cho chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một người đàn ông bị bệnh phong. Những người cùi bị coi là không trong sạch và theo quy định của Luật pháp, họ phải ở bên ngoài các trung tâm dân cư. Họ bị loại khỏi mọi mối quan hệ con người, xã hội và tôn giáo: chẳng hạn, họ không thể vào các hội đường, không thể vào các đền thờ, đây là những hạn chế tôn giáo. Nhưng ngược lại, Chúa Giêsu cho phép người đàn ông này đến gần Ngài, Ngài thương cảm đến mức đưa tay ra và chạm vào anh ta. Điều này là không thể tưởng tượng được vào thời điểm đó. Đây là cách Chúa Giêsu hiện thực hóa Tin Mừng mà Ngài loan báo: đó là Thiên Chúa đến gần cuộc đời chúng ta, Ngài động lòng trắc ẩn vì số phận của nhân loại bị tổn thương và đến để phá bỏ mọi hàng rào ngăn cản chúng ta trong mối quan hệ với Ngài, với những người khác và với chính chúng ta. Ngài đã đến gần… đó là sự gần gũi.
Bên cạnh đó còn có lòng thương cảm. Phúc Âm kể rằng Chúa Giêsu, khi nhìn thấy người bị bịnh phong, đã động lòng thương xót, và mủi lòng. Có ba từ chỉ phong cách của Thiên Chúa: đó là gần gũi, thương cảm, và dịu dàng. Trong biến cố này, chúng ta có thể thấy hai “sự phạm giới” gặp gỡ nhau: sự phạm giới của người bị phong cùi đến gần Chúa Giêsu, vì lẽ ra anh ta không được làm như vậy; và sự phạm giới của Chúa Giêsu, Đấng động lòng trắc ẩn, đã mủi lòng chữa lành cho anh ta. Ngài không nên làm điều đó. Cả hai người họ đều là những người đã phạm giới. Cả hai người đã vượt các rào cản.
Sự phạm giới đầu tiên là của người bị phong cùi: bất chấp các quy định của Luật pháp, anh ta thoát ra khỏi sự cô lập của mình và đến với Chúa Giêsu. Căn bệnh của anh được coi là một hình phạt thiêng liêng, nhưng, nơi Chúa Giêsu, Ngài có thể nhìn thấy một khía cạnh khác của Thiên Chúa: đó không phải là Thiên Chúa trừng phạt, nhưng là Cha của lòng nhân ái và tình yêu, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và không bao giờ loại trừ chúng ta khỏi lòng thương xót của Người. Như thế, người đàn ông đó có thể thoát khỏi sự cô lập của mình bởi vì trong Chúa Giêsu, anh ta tìm thấy Thiên Chúa, Đấng chia sẻ nỗi đau của mình. Hành vi của Chúa Giêsu thu hút anh ta, đẩy anh ta ra khỏi chính mình và giao phó cho Ngài câu chuyện đau đớn của anh ta. Và cho phép tôi đưa ra một suy nghĩ ở đây dành cho nhiều cha giải tội tốt lành, những vị có hành vi thu hút mọi người, những vị cảm thấy rằng các ngài không là gì cả, những vị cảm thấy mình thấp lè tè trên mặt đất vì tội lỗi của mình, những người với sự dịu dàng, với lòng trắc ẩn… Cha giải tội tốt là người không cầm roi trên tay, nhưng biết tiếp đón, lắng nghe và nói rằng Chúa tốt lành và Chúa luôn tha thứ, rằng Chúa không mệt mỏi khi tha thứ. Tôi yêu cầu tất cả các bạn ở đây hôm nay tại Quảng trường này, hãy dành một tràng pháo tay cho những cha giải tội nhân từ này.
Sự phạm giới thứ hai là của Chúa Giêsu: dù Luật cấm đụng đến người phong cùi, nhưng Người vẫn động lòng, đưa tay ra mà rờ vào người ấy để chữa lành. Có người sẽ nói: Ngài đã phạm tội. Ngài đã làm điều mà luật pháp nghiêm cấm. Ngài là một kẻ vi phạm. Đúng là: Ngài đã phạm giới. Ngài không giới hạn bản thân mình trong lời nói mà thôi, nhưng chạm vào anh ta. Tiếp xúc với tình yêu có nghĩa là thiết lập một mối quan hệ, tham gia vào sự hiệp thông, tham gia vào cuộc sống của một người khác đến độ chia sẻ các vết thương của họ. Với cử chỉ đó, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng không thờ ơ, không giữ mình ở một “khoảng cách an toàn”. Thay vào đó, vì lòng trắc ẩn Ngài đến gần và chạm vào cuộc sống của chúng ta để chữa lành đời ta bằng sự dịu dàng. Đó là phong cách của Chúa: gần gũi, thương cảm, và dịu dàng. Ngài là một người phạm giới vĩ đại theo nghĩa này.
Thưa anh chị em, ngay cả trong thế giới ngày nay, nhiều anh chị em của chúng ta vẫn mắc phải căn bệnh này, bệnh Hansen, hoặc các bệnh tật và những tình trạng khác khiến xã hội kỳ thị họ. “Người này là một kẻ tội lỗi”. Hãy suy nghĩ một chút khi người phụ nữ đó bước vào bàn tiệc và đổ nước hoa lên chân Chúa Giêsu. Những người khác thầm thì: “Nếu ngài là một tiên tri, hẳn ngài phải biết người phụ nữ này là ai: một kẻ tội lỗi đáng khinh bỉ”. Thay vào đó, Chúa Giêsu hoan nghênh, đúng hơn, cảm ơn cô ấy: “Tội lỗi của con đã được tha thứ”. Đó là sự dịu dàng của Chúa Giêsu. Định kiến xã hội cô lập những người này qua những từ như: “Người này không trong sạch, người kia là kẻ tội lỗi, người này là kẻ gian, người đó…” Vâng, đôi khi điều đó là đúng. Nhưng chúng ta không được đánh giá thông qua định kiến. Mỗi người trong chúng ta đều có thể trải qua những vết thương lòng, thất bại, đau khổ, ích kỷ khiến chúng ta khép mình lại với Chúa và những người khác vì tội lỗi khép chúng ta vào chính mình vì xấu hổ, vì sỉ nhục, nhưng Chúa muốn mở rộng lòng chúng ta. Trước tất cả những điều này, Chúa Giêsu loan báo cho chúng ta rằng Thiên Chúa không phải là một ý tưởng hay một học thuyết trừu tượng mà Thiên Chúa là Đấng “tự làm nhiễm bẩn” Ngài với những vết thương của con người chúng ta và không ngại tiếp xúc với vết thương của chúng ta. Có người sẽ nói “Nhưng thưa Cha, Cha đang nói gì vậy? Thiên Chúa làm ô nhiễm chính mình à?”. Thưa, không phải tôi nói điều này, Thánh Phaolô đã nói điều đó: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cr 5:21) Hãy nhìn cách Thiên Chúa làm ô nhiễm chính mình để đến gần chúng ta, để có lòng trắc ẩn và khiến chúng ta hiểu được sự dịu dàng của Ngài. Gần gũi, thương cảm và dịu dàng.
Để tôn trọng các quy tắc liên quan đến danh tiếng tốt và truyền thống xã hội, chúng ta thường bịt miệng nỗi đau hoặc đeo mặt nạ để ngụy trang nó. Vì những tính toán thiệt hơn xuất phát từ tính ích kỷ của chúng ta và quy luật nội tại của nỗi sợ hãi, chúng ta không muốn dính líu đến đau khổ của người khác. Nhưng thay vì làm như thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn cho chúng ta sống hai “sự phạm giới” này, hai “sự phạm giới” trong bài Tin Mừng hôm nay: sự phạm giới của người phong cùi, để chúng ta có thể can đảm thoát ra khỏi sự cô lập của mình và thay vì ở lại và cảm thấy có lỗi với bản thân hoặc khóc lóc phàn nàn vì thất bại của chúng ta, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu như chúng ta là; “Chúa ơi, con ra nông nỗi này”. Chúng ta sẽ cảm thấy cái ôm ấy, cái ôm của Chúa Giêsu thật đẹp. Và rồi sự phạm giới của Chúa Giêsu, một tình yêu vượt ra ngoài những quy ước, vượt qua những định kiến và nỗi sợ hãi khi can dự vào cuộc sống của người khác. Chúng ta hãy học cách vượt qua những rào cản như hai người này: như người phong và như Chúa Giêsu.
Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình này khi giờ đây chúng ta cầu khẩn với Mẹ trong kinh Truyền Tin.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:
Anh chị em thân mến,
Tôi luôn biết ơn sự tận tụy của những người cộng tác vì người di cư. Tôi cảm ơn tất cả các bạn vì những gì các bạn đã làm cho những người di cư. Đặc biệt hôm nay, tôi cùng với các Giám mục Columbia bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhà chức trách Colombia đã thực hiện quy chế bảo vệ tạm thời đối với những người di cư Venezuela hiện diện tại quốc gia đó, thúc đẩy việc chào đón, bảo vệ và hội nhập. Không phải một quốc gia siêu giàu có, phát triển đang làm điều này. Không: điều này đang được thực hiện bởi một quốc gia có nhiều vấn đề về phát triển, đói nghèo và hòa bình. Gần 70 năm chiến tranh du kích. Nhưng với vấn đề này, họ đã có đủ can đảm để nhìn những người di cư đó và lập ra quy chế này. Cảm ơn các bạn Columbia. Cảm ơn các bạn!
Hôm nay là Lễ các Thánh Cyrilô và Methôđiô, những nhà truyền bá Phúc âm cho các dân tộc Slav, được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố là các vị Đồng bảo trợ của Âu Châu. Tôi trìu mến chào tất cả các cộng đoàn đang sống trong các lãnh thổ được các thánh truyền bá Phúc âm. Xin lời cầu bầu của các ngài giúp chúng ta tìm ra những cách mới để truyền đạt Tin Mừng. Hai vị thánh này không quản ngại tìm những cách mới để truyền bá Phúc Âm. Và nhờ sự chuyển cầu của các ngài, chúng ta hãy cầu xin cho các Giáo Hội Kitô phát triển trong ước muốn tiến tới sự hiệp nhất trọn vẹn trong khi tôn trọng những khác biệt.
Hôm nay là ngày lễ tình nhân, tôi không thể không gửi một suy nghĩ và lời chào đến các cặp đính hôn, và những người đang yêu. Tôi đồng hành với anh chị em trong lời cầu nguyện của tôi và tôi chúc phúc cho tất cả anh chị em.
Và bây giờ lời chào của tôi gửi đến các bạn, những tín hữu của Rôma và những người hành hương. Tôi cũng thấy những người Pháp, và người Mễ Tây Cơ, người Tây Ban Nha, người Ba Lan. Chào mừng tất cả anh chị em! Chúc mừng tất cả anh chị em!
Chúng ta bắt đầu Mùa Chay vào Thứ Tư tới đây. Đó sẽ là thời điểm thuận lợi để mang lại một ý nghĩa của niềm tin và hy vọng cho cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang sống. Và như đã nói trước đây, anh chị em đừng quên ba từ giúp chúng ta hiểu phong cách của Chúa. Đừng quên ba từ này: gần gũi, thương cảm, và dịu dàng. Cùng nhau, chúng ta hãy nói to lên:
Gần gũi, thương cảm, và dịu dàng.
Chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em một bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Cảm ơn anh chị em!
Source:Holy See Press Office