ĐỨC CÔNG BẰNG
Đức Công Bằng là nguyên tắc sống của con người mọi thời, và cũng là “nguyên cớ” nhiều người vấp phạm. Bởi vậy, ngay từ thế kỷ 13 trước công nguyên, Chúa đã dạy Dân Người giữ đức công bằng qua Môsê, nơi giới răn “Thứ bảy chớ lấy của người” trong Thập Giới.
Phải siêu thoát với của cải, từ đó mới không bị của cải làm mình trở thành nô lệ và tội lỗi.
I. Kinh nghiệm con người :
- 1. Của dễ được thì dễ mất (tục ngữ Việt Nam)
- 2. Của thiên trả địa, của trời trời lại lấy đi
- 3. Tiền tài phá nhân nghĩa
- 4. Giàu sang nhiều kẻ tới nhà, khó khăn nên nỗi ruột rà xa nhau
- 5. Tiền bạc hoặc là phục vụ, hoặc là cai trị chủ nó (Horace)
- 6. Tài sản thật sự của một người là lợi ích mà người đó làm được trong cuộc đời này (Mohamed)
- 7. Nếu anh tiếp tục cho, thì anh tiếp tục có (TN Trung Quốc)
- 8. Người rộng rãi thì trời đãi
- 9. Cái giàu không phải lúc nào cũng mua được hạnh phúc (Southey)
- 10. Không có một trái tim giàu thì giàu có chỉ là một tên ăn mày bẩn thỉu (Emerson)
- 11. Người nghèo mà nhiều bạn thân hơn là giàu mà cô độc (Peacock)
- 12. Phúc cho ai dứt bỏ được thói tham lam là cội rễ của các tính mê… của cải thừa mứa trên thế gian này có ích gì, chúng không giúp được chúng ta sinh, cũng chẳng cản được chúng ta tử ? Chúng ta sinh vào thế gian này trần trụi và chúng ta chết đi mà chẳng mang theo được một xu nào, chúng ta bị chôn táng mà không đem theo được sản nghiệp của mình. (thánh Ambrôsiô)
- 13. Lòng ham mê của cải trần gian là một thứ nhựa bẫy làm vướng mắc linh hồn và không cho nó bay bổng lên tới Thiên Chúa. (thánh Augustinô)
- 14. Đừng lo lắng anh em có gì, nhưng hãy lo lắng anh em là gì. (thánh Gregorio Cả)
- 15. “Của cải chôn vùi con, nếu con đội nó lên đầu; của cải làm bệ chân con, nếu con đứng lên nó” (ĐHY. F.X. Nguyễn Văn Thuận-ĐHV. 407)
- 16. “Dùng của cải cách quảng đại, trọng của cải cách tế nhị, xa của cải cách anh hùng. Vì không phải của con, chính là của Chúa trao cho con sử dụng” (ĐHV. 414)
II. Lời Chúa dạy :
- 1.“Tôi chán ghét mọi gian lao vất vả tôi phải chịu dưới ánh mặt trời, những gì tôi để lại cho người đến sau tôi. Nào ai biết người ấy khôn hay dại ? Nhưng người ấy lại kẻ có thẩm quyền trên những gì tôi đã vất vả và khôn khéo làm ra dưới ánh mặt trời. Chuyện đó cũng chỉ là phù vân… Quả thế, có người đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công rồi lại trao sự nghiệp của mình cho một người không vất vả gì hết. Điều đó cũng chỉ là phù vân…chỉ là giả tràng xe cát” (Gv 2, 18-22)
- 2. “Tôi sinh ra vốn trần truồng, tôi trở về đất cũng trần truồng, Chúa ban cho Chúa lại lấy đi, tạ ơn Chúa” (Giob)
- 3. “Ở dưới bầu trời này mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời : Một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; môt thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; … làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì ?.. . ” (Gv 3, 1-10)
- 4. “Ngươi đừng cậy vào gia sản bất chính và đừng nói “đời sống của tôi thật là đầy đủ. Vì chưng trong thời báo oán trả ân cái đó có ích gì ? Khi còn mạnh khỏe chớ chạy theo đam mê của lòng người …(Hc 5, 1-10)
- 5. “Thời gian chẳng còn bao lâu nữa, vậy kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng dùng vì bộ mặt thế gian này đang biến đi”. (1Cr 7, 29.31)
- 6. “Anh em nợ ai cái gì thì hãy trả cho người ta cái đó” (Rm 13, 7)
Một khi thắm nhuần tinh thần siêu thóat Kitô giáo, người tín hữu sẽ không mắc phải những tội : trôm cướp, gian lận, cho vay ăn lời quá đáng, hối lộ, tham nhũng, đầu cơ tích trữ bắt chẹt người tiêu dùng, quịt nợ, không hoàn lại của đã mượn hay lượm được, không trả tiền công xứng đáng, trốn thuế, oa trữ của gian; tệ hại nhất là mua bán trao đổi thân xác con người. (x. Giáo Lý Công Giáo hỏi thưa, câu 417-419)
Người làm thiệt hại về tài sản của người khác, lỗi đức công bằng không phải chỉ xưng tội suông là đủ, mà phải lo đền trả cho người ta. Chính Giakêu đã làm gương : “Tôi lường gạt ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19, 8). Tuy không buộc phải đền “gấp bốn” như Giakêu, nhưng người Kitô hữu “buộc phải hoàn lại, hoặc nếu đồ vật đó không còn nữa, phải trả lại bằng hiện vật hay tiền mặt tương đương, kèm theo tiền lời và các lợi lộc khác mà sở hữu chủ của nó có thể hưởng được cách chính đáng. Tất cả những người đã tham gia vào việc trôm cắp một cách nào đó, hoặc đã thừa hưởng mà biết rõ là của phi pháp, đều phải hoàn trả cân xứng theo trách nhiệm và lợi lộc đã hưởng, ví dụ những người truyền lệnh, tàng trữ, giúp đỡ hoặc che dấu.” (Giáo Lý Toàn Cầu, số 2412)
Nguyên tắc luân lý Công Giáo buộc người làm thiệt hại tài sản người khác, phải bồi thường, hoàn trả càng sớm càng tốt. Phải bồi thường, hoàn trả cho chính chủ nhân, nếu người ấy chết thì phải bồi thường cho những người thừa kế của người ấy.. . nếu không biết ai phải được ta bồi thường hay nếu không thể (về mặt luân lý) làm việc bồi thường cho người bị hại, chẳng hạn sẽ kéo theo những khó khăn và phí tổn không đáng phải chịu.. . thì người sở hữu bất chính phải dùng tài sản ấy bồi thường cho người nghèo... Nếu người có bổn phận bồi thường lỡ chết mà chưa chu toàn bổn phận, thì những người thừa kế sẽ phải làm việc ấy. Tuy nhiên họ không buộc phải trả hơn mức mà họ có được. (x. Karl H. Peschke-Thần Học Luân Lý. Tr. 303-305)
Vượt trên cách cư xử công bằng, là lòng bác ái. Khi đó, người tín hữu sẽ không làm thiệt hại cho người khác, mà ngược lại, rất quảng đại giúp đỡ những người thiếu thốn vì “Cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20, 35) nhờ “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi.” (2 Cr 3, 14)
Bình An, 19.05.2005