LỜI GIỚI THIỆU

Tôi hân hạnh được Bạch Diện Thư Sinh có hảo ý cho xem bản thảo cuốn Mặt Trận Đại Học. Tôi đọc ngay và nhận thấy cuốn sách thật đặc sắc, sống động. Căn cứ vào dữ kiện cụ thể, tài liệu chính xác, tác giả đã phản ánh đúng thời kỳ rối ren mà VNCH phải đương đầu, nhất là đã dựng lại bức tranh tình hình xáo trộn liên tiếp xẩy ra tại các Phân khoa Đại học Sài Gòn trong những năm 60, 70 thế kỷ trước, cụ thể là tại Văn khoa, nơi tôi giảng dậy nhiều năm.

Cuộc chiến khốc liệt do CSBV phát động hầu xâm chiếm Miền Nam tự do đã qua đi gần 40 năm, đến nay, chẳng còn bao nhiêu bí mật về cuộc chiến mà người quan tâm chưa biết.

Thế nhưng, riêng tôi, tôi vẫn ao ước biết sự thật ẩn nấp đàng sau biết bao cuộc xuống đường, bãi khoá, ám sát, triển lãm, văn nghệ đấu tranh, hát cho đồng bào tôi nghe. Tệ hại nhất là thảm cảnh ba đồng nghiệp của chúng tôi là Gs. Nguyễn Văn Bông, Gs. Lê Minh Trí, và Gs. Trần Anh đã bị sát hại trên đường từ giảng đường về nhà hoặc từ nhà tới sở làm, rồi một số sinh viên của chúng tôi bị bắn, bị sát hại ngay tại đây, ngay tại ngôi trường chúng tôi giảng dậy.

Tôi thật ngạc nhiên và vui mừng tìm được câu trả lời khá thoả đáng trong cuốn Mặt Trận Đại Học. Cuốn sách là tài liệu hiếm hoi, cho thấy, hoá ra Cộng sản Việt Nam đã đánh VNCH bằng đủ mọi mật trận. Đại học cũng biến thành mặt trận do Thành đoàn Cộng sản lãnh đạo, nghĩa là có giáo sư theo Việt Cộng, có sinh viên là cán bộ Thành đoàn Cộng sản. Họ là lực lượng gây xáo trộn tại các các Phân khoa Đại học. Cũng may mắn và đáng khen, trước tình hình trường ốc bị gây xáo trộn liên tục như thế, đã xuất hiện một tập thể sinh viên Quốc gia ý thức được trách nhiệm của người thanh niên thời chiến, vừa chăm chỉ học hành vừa tích cực hoạt động hầu đẩy lùi ảnh hưởng của tổ chức Thành đoàn Cộng sản ra khỏi học đường.

Ngoài ưu điểm kể trên, tôi cũng chăm chú theo dõi những khám phá khác của tác giả về một số nhân vật tiêu biểu có liên quan tới mặt trận tại Đại học thời cận đại cũng như trong lịch sử trường ốc Việt Nam. Riêng phần tác giả coi các Nho sĩ thuở trước như là các sinh viên và Phong trào Văn Thân là phong trào sinh viên tranh đấu lại là một ý kiến mới mẻ.

Mặt trận tại Đại học là mặt trận đặc thù, không liên quan tới một số đông người như những mặt trận khác, nhưng tầm ảnh hưởng chính trị của mặt trận này trong nước và quốc tế không phải là nhỏ so với các mặt trận khác trong toàn cuộc chiến.

Vì thế, chắc chắn cuốn sách Mặt Trận Đại Học sẽ lôi cuốn sự chú ý của độc giả thường quan tâm tìm hiểu về cuộc chiến Quốc-Cộng trước 1975 tại Miền Nam Việt Nam.

Tôi hân hạnh giới thiệu tác phẩm cùng bạn đọc bốn phương, đồng thời thành thật cảm ơn tác giả.

Toronto, Canada. Mùa Thu 2014.

Gs. Đỗ Khánh Hoan

Trưởng Ban Anh văn, Đại học Văn khoa Sài Gòn