Theo tin Tòa Thánh, trong buổi yết kiến chung Thứ Tư, 13 tháng 10, diễn ra tại Đại sảnh Phaolô VI trong nội thành Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Thư Thánh Phaolô VI gửi tín hữu Galát. Tuần này ngài nhấn mạnh tới khía cạnh tự do Kitô giáo làm dây men cuộc giải phóng phổ quát. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!



Trong hành trình giáo lý của chúng ta về Thư gửi tín hữu Galát, chúng ta có thể tập trung vào điều đối với Thánh Phaolô vốn là cốt lõi của tự do: sự kiện là, với cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta đã được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết. Nói cách khác, chúng ta được tự do bởi vì chúng ta đã được giải thoát, được giải thoát bởi ân sủng - không phải bằng tiền bạc, được giải thoát bởi tình yêu, điều đã trở thành quy luật tối cao và mới mẻ của đời sống Kitô hữu. Tình yêu: chúng ta tự do vì chúng ta được giải phóng tự do. Thực thế, đây quả là điểm mấu chốt.

Hôm nay tôi muốn nhấn mạnh tới việc sự mới lạ của cuộc sống này đã mở lòng chúng ta để chào đón mọi người và mọi nền văn hóa, đồng thời mở lòng mọi người và mọi nền văn hóa hướng tới một sự tự do lớn hơn ra sao. Thực thế, Thánh Phaolô nói rằng đối với những người theo Chúa Giêsu Kitô, là người Do Thái hay người ngoại giáo không còn quan trọng nữa. Điều duy nhất đáng kể là “đức tin hoạt động nhờ tình yêu” (Gl 5:6). Tin rằng chúng ta đã được giải thoát, và tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã giải thoát chúng ta: đó là đức tin hoạt động nhờ tình yêu. Những kẻ gièm pha Thánh Phaolô - những người theo trào lưu cực đoan đến đó - đã tấn công ngài vì tính mới mẻ này, họ tuyên bố rằng ngài đã đưa quan điểm này ra khỏi cơ hội mục vụ, hay đúng hơn để “làm hài lòng mọi người”, rút gọn tối đa các yêu cầu từng nhận được từ truyền thống tôn giáo chặt chẽ hơn của ngài. Lý lẽ này y hệt như lý lẽ của những người cực đoan ngày nay: lịch sử luôn lặp lại chính nó. Như chúng ta đã thấy, việc chỉ trích mọi điều mới mẻ của Tin Mừng không chỉ thời đại của chúng ta mới có, nhưng nó có một lịch sử lâu dài đằng sau nó. Tuy nhiên, Thánh Phaolô không giữ im lặng. Ngài đáp lại một cách parrhesia [mạnh dạn] - đó là một hạn từ tiếng Hy Lạp nói lên lòng can đảm, sức mạnh - và ngài nói, “Giờ đây, tôi tìm kiếm sự ưu ái của loài người hay của Thiên Chúa? Hay tôi đang cố làm hài lòng người ta? Nếu tôi còn làm đẹp lòng người ta, thì tôi không nên làm tôi tớ Đức Kitô” (Gl 1:10). Ngay trong Thư thứ nhất gửi cho tín hữu Texalônica, ngài đã bày tỏ tâm tư bằng những từ ngữ tương tự; ngài nói rằng trong lời rao giảng của mình, ngài chưa bao giờ sử dụng “lời tâng bốc… hoặc che chở cho lòng tham; … Chúng tôi cũng không tìm kiếm vinh quang từ loài người ”(1Tx 2: 5-6), đó là những nẻo đường “tạo giả mạo”; một đức tin không phải là đức tin, nó là tinh thần thế gian.

Suy nghĩ của Thánh Phaolô một lần nữa cho thấy một sự sâu sắc đầy linh hứng. Đối với ngài, nghinh đón đức tin bao gồm việc từ bỏ không phải tâm điểm của các nền văn hóa và truyền thống, mà là những gì có thể cản trở tính mới mẻ và tinh ròng của Tin Mừng. Bởi vì tự do nhận được nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa không tham dự vào cuộc xung đột với các nền văn hóa hay với các truyền thống mà chúng ta đã nhận được, nhưng đúng hơn đưa vào trong chúng một tự do mới, một điều mới lạ có tính giải phóng, đó là Tin Mừng. Thật vậy, sự giải phóng có được nhờ phép rửa giúp chúng ta có được phẩm giá đầy đủ của con cái Thiên Chúa, để, trong khi luôn bám vào cội nguồn văn hóa của mình, chúng ta đồng thời mở lòng đón nhận tính phổ quát của đức tin, một đức tin đi vào mọi nền văn hóa, thừa nhận các hạt nhân của sự thật hiện diện ở đó, và phát triển chúng, mang những điều tốt đẹp chứa đựng trong chúng tới chỗ viên mãn. Chấp nhận rằng chúng ta đã được giải thoát bởi Đức Kitô – bởi cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh của Người - là chấp nhận và mang sự viên mãn đến cho cả các truyền thống khác nhau của mỗi dân tộc. Sự viên mãn đích thực.

Trong lời kêu gọi tiến tới tự do, chúng ta khám phá ra ý nghĩa đích thực của việc hội nhập văn hóa của Tin Mừng. Ý nghĩa đích thực này là gì? Là có thể loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô, Đấng Cứu Rỗi luôn tôn trọng những điều tốt đẹp và sự thật hiện hữu trong các nền văn hóa. Chuyện này không dễ dàng! Có rất nhiều cơn cám dỗ muốn tìm cách áp đặt mô hình sống của riêng mình như thể nó là mô hình tiến hóa nhất và hấp dẫn nhất. Biết bao sai lầm trong lịch sử rao giảng Tin Mừng do đã tìm cách áp đặt một mô hình văn hóa duy nhất! Sự độc dạng như một quy luật sống không phải là Kitô giáo! Hợp nhất thì được, độc dạng thì không! Thậm chí, đôi khi, người ta không chừa cả bạo lực để làm cho một quan điểm duy nhất chiếm ưu thế. Anh chị em hãy nghĩ tới những cuộc chiến tranh. Vì cách này, Giáo hội đã bị tước mất tính phong phú của nhiều phát biểu địa phương mà truyền thống văn hóa của cả một dân tộc vốn mang theo. Nhưng điều này hoàn toàn trái ngược với tự do của Kitô giáo! Thí dụ, tôi nhớ tới phương thức hoạt động tông đồ được thiết lập ở Trung Quốc với Cha Ricci, hoặc ở Ấn Độ với Cha De Nobili… [Một số người nói] “Không, đấy không phải là Kitô giáo!” Phải, đó là Kitô giáo, nó nằm trong nền văn hóa của người dân.

Nói tóm lại, viễn kiến của Thánh Phaolô về tự do hoàn toàn được soi sáng và làm cho sinh hoa kết trái bởi mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng trong việc nhập thể của Người - như Công đồng Vatican II nhắc lại - đã tự kết hợp một cách nào đó với mọi người (x. Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes, 22 ). Và điều này có nghĩa là không có sự độc dạng, thay vào đó là sự đa dạng, nhưng sự đa dạng hợp nhất. Do đó, nghĩa vụ phải tôn trọng nguồn gốc văn hóa của mọi người, đặt họ trong một không gian tự do không bị hạn chế bởi bất cứ sự áp đặt nào do một nền văn hóa chủ đạo duy nhất áp đặt. Đây là ý nghĩa của việc chúng ta gọi mình là người Công Giáo, của việc nói về Giáo Hội Công Giáo. Nó không phải là một danh xưng xã hội học để phân biệt chúng ta với các Kitô hữu khác; Công Giáo là một tĩnh từ có nghĩa là phổ quát: tính Công Giáo, tính phổ quát. Phổ quát, nghĩa là Công Giáo, Giáo hội, có nghĩa là Giáo hội chứa đựng trong mình, trong chính bản chất của mình, một sự cởi mở đối với mọi dân tộc và mọi nền văn hóa thuộc mọi thời đại, bởi vì Chúa Kitô đã sinh ra, đã chết và đã sống lại cho mọi người.

Bên cạnh đó, văn hóa tự bản chất là sự biến đổi liên tục. Nếu ai đó nghĩ về việc chúng ta được kêu gọi như thế nào để loan báo Tin Mừng trong thời điểm lịch sử có nhiều thay đổi văn hóa vĩ đại này, nơi mà một kỹ thuật ngày một tiên tiến hơn dường như đang chiếm ưu thế. Nếu chúng ta nói về đức tin như chúng ta đã làm trong những thế kỷ trước, chúng ta sẽ có nguy cơ không còn được các thế hệ mới hiểu nữa. Sự tự do của đức tin Kitô giáo - tự do Kitô giáo - không nói đến một viễn kiến tĩnh tụ về đời sống và văn hóa, mà là một viễn kiến năng động, và là một viễn kiến năng động ngay trong truyền thống. Truyền thống phát triển, nhưng luôn luôn với cùng một bản chất. Do đó, chúng ta đừng cho là mình sở hữu tự do. Chúng ta đã nhận được một hồng ân để chăm sóc. Đúng hơn, chính sự tự do yêu cầu mỗi người chúng ta phải thường xuyên di chuyển, hướng tới sự viên mãn của nó. Đó là thân phận của những người hành hương; đó là trạng thái của những người đi đường, liên tục xuất hành: được giải phóng khỏi chế độ nô lệ để tiến tới tự do viên mãn. Và đấy là hồng ân tuyệt vời mà Chúa Giêsu Kitô đã ban cho chúng ta. Chúa đã giải phóng chúng ta khỏi nô lệ một cách tự do, và đã đặt chúng ta lên đường để bước đi trong tự do hoàn toàn.