1. Trung Quốc đã suýt mua được hãng hàng không yêu thích của các vị Giáo Hoàng

Italia Trasporto Aereo SpA, có tên thương mại là ITA Airways, là hãng hàng không quốc doanh của Ý. Hãng hàng không cao cấp này của Ý thuộc sở hữu hoàn toàn của Chính phủ Ý thông qua Bộ Kinh tế và Tài chính. Là người kế nhiệm cho hãng hàng không Alitalia, hãng hàng không này được lên kế hoạch tiếp quản phần lớn tài sản của Alitalia. Hãng hàng không mới sẽ hoạt động đến hơn 41 điểm đến trong nước, Âu Châu và một số điểm đến liên lục địa.

Hãng hàng không Alitalia bắt đầu hoạt động từ năm 1946. Nó thuộc sở hữu của chính phủ Ý cho đến năm 2009, khi nó trở thành một công ty tư nhân sau khi tái tổ chức và sáp nhập với hãng hàng không Air One của Ý bị phá sản. Alitalia tái tổ chức một lần nữa vào năm 2015 sau khi nhận được khoản đầu tư từ Etihad Airways, và Tập đoàn Air France-KLM.

Sau nhiều nỗ lực thất bại trong việc tạo ra lợi nhuận, hãng hàng không này đã rơi vào khủng hoảng vào năm 2017 chỉ vài ngày sau khi Etihad Airways rút vốn khỏi Alitalia. Ngày 17 tháng 5 năm 2017, chính phủ Ý ra quyết định quốc hữu hóa hãng hàng không Alitalia và muốn bán hãng hàng không này.

Sau nhiều cuộc đàm phán thất bại với Delta Air Lines, và EasyJet, chính phủ Ý đã có ý định bán Atalia lại cho China Eastern Airlines.

China Eastern Airlines (中国东方航空公司) là một trong 3 hãng hàng không lớn nhất của Trung Quốc có trụ sở tại sân bay quốc tế Hồng Cao (Hongqiao, 虹桥) của Thượng Hải. Về mức thu nhập China Eastern Airlines đứng thứ nhì chỉ sau China Southern Airlines, nhưng trên Air China.

Theo các báo cáo của Bộ Kinh tế và Tài chính Italia, trong thời gian từ năm 1974 đến 2014, là khoảng thời gian Atalia nằm dưới quyền quản lý của chính phủ, chính quyền Ý đã phải tốn khoảng 7.4 tỷ euro trang trải các thâm hụt của hãng hàng không này. Vì thế, tháng Ba, năm ngoái, Ý rất muốn bán hãng hàng không này cho Trung Quốc, bất chấp những chống đối của dân chúng. Tuy nhiên, kế hoạch của họ bất thành. Do hậu quả của đại dịch coronavirus, không chỉ Atalia mà hầu hết tất cả các hãng hàng không trên thế giới đều rơi vào tình trạng thê thảm. Trung Quốc lợi dụng tình hình này đã trả một giá rẻ mạt.

Vào ngày 10 tháng 10 năm ngoái 2020, chính phủ Ý đã ký một nghị định cho phép hãng hàng không được tổ chức lại với tên gọi Italia Trasporto Aereo SpA, hay ITA Airways, với ít máy bay hơn, ít nhân viên hơn.

Vào ngày 26 tháng 8 năm 2021, ITA chính thức bán vé trên trang web mới ra mắt của mình.

Trong năm nay, hãng hàng không mới sẽ bắt đầu bay đến New York, Boston và Miami, và tiếp tục mở rộng các chuyến bay đến Los Angeles và Washington, DC vào năm 2022, và Chicago và San Francisco vào năm 2023.


Source:Wiki

2. Hãng hàng không Alitalia và các vị Giáo Hoàng

Hãng hàng không Alitalia - được biết đến với kỷ lục an toàn gần như hoàn hảo và sự phục vụ khách hàng chu đáo đến mức đáng kinh ngạc – đã chính thức ngừng hoạt động vào ngày 15 tháng 10. Thông báo được đưa ra vào mùa hè vừa qua, đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên của một hãng hàng không được thành lập vào năm 1946.

Sự sụp đổ của hãng hàng không và sự ra đời của hãng hàng không mới mang tên ITA là một câu chuyện kinh doanh mà các phương tiện truyền thông trong vài tuần qua đã bỏ qua góc độ tôn giáo.

Những khách hàng trung thành duy nhất của Alitalia trong những năm qua là các vị giáo hoàng. Năm 1964, khi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục công du đến Israel, Alitalia đã trở thành hãng hàng không chính thức của các Đức Giáo Hoàng.

Alitalia đã tung mây lướt gió rất nhiều dặm dưới triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, hiện đã là một vị thánh, là người đã đến thăm 129 quốc gia trong suốt 27 năm làm chủ chăn Giáo Hội Hoàn Vũ. Chiếc máy bay được Đức Giáo Hoàng sử dụng - được báo chí gọi là Shepherd One như một cách để so sánh nó với chiếc Air Force One của tổng thống Mỹ. Alitalia tiếp tục được sử dụng bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và bây giờ là Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trên các chuyến bay này, các vị Giáo Hoàng tổ chức các cuộc họp báo và đưa ra các tin tức nóng bỏng.

Alitalia và các vị Giáo Hoàng sẽ mãi mãi gắn bó với nhau. Trong những năm qua, đã có một số bài báo rất hay được thực hiện xoay quanh cách Đức Giáo Hoàng tông du và những tiện nghi mà hãng hàng không Ý dành cho ngài. Một trong những bài báo hay nhất về chủ đề này được thực hiện bởi Philip Pullella, phóng viên lâu năm tại Vatican của Reuters vào năm 2019, sau khi đã thực hiện 140 chuyến đi tháp tùng các vị Giáo Hoàng.

Nhà báo này cho biết như sau:

Không có máy bay dành riêng cho Đức Giáo Hoàng, không có chiếc “Vatican One”. Nhà lãnh đạo của 1.3 tỷ người Công Giáo trên thế giới sử dụng các chuyến bay thuê bao và trong hầu hết các chuyến bay giới báo chí và Đức Giáo Hoàng bay cùng với nhau.

Quay trở lại những năm 1980, chúng tôi gõ lạch cạch trên các máy đánh chữ và phì phèo những điếu thuốc. Khi chúng tôi bay, phi hành đoàn Alitalia từng phát cho chúng tôi mỗi người cả một cây thuốc, 10 gói.

Ngày nay, nội quy mới cấm hút thuốc trên máy bay và không còn những tiếng lách cách của máy đánh chữ nữa.

Trái ngược với các chính phủ khác, những quốc gia sở hữu máy bay để đưa đón các nguyên thủ quốc gia đi khắp nơi, Vatican không sở hữu một chiếc máy bay phản lực có thể bay đường dài. Kể từ sau Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, các chuyến bay đặc biệt chuyên chở Đức Giáo Hoàng đều gắn cờ của Ý, và đều là của hãng Alitalia.

Các chuyến bay Alitalia chở các vị Giáo Hoàng này đều có số hiệu chuyến bay đặc biệt là AZ4000. Đôi khi nó cũng được gọi là Shepherd One, chẳng hạn như khi Đức Phanxicô đến thăm Hoa Kỳ vào năm 2015.

Số chuyến bay từ 4000 trở lên được dành cho các chuyến bay Alitalia đặc biệt, không theo lịch trình. Ví dụ, khi chiếc 777-200ER chở Đức Thánh Cha Phanxicô đến Abu Dhabi trở về Rôma trống rỗng, nó mang số hiệu AZ8033.

Khi bay khoảng cách xa hơn, Alitalia giao các máy bay phản lực thân rộng, hai lối đi của mình cho sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng, A330-200 hoặc 777. Khi hạ cánh, phi công mở cửa sổ buồng lái và hiển thị cờ của quốc gia đang đến thăm, cùng với cờ của Vatican.

Khi bay khoảng cách ngắn hơn, Đức Giáo Hoàng bay trên chiếc máy bay Airbus một lối đi của Alitalia, như A320 hoặc A321. Và để bay những khoảng cách thậm chí còn gần hơn, Đức Giáo Hoàng di chuyển trên một chiếc trực thăng do Không quân Ý vận hành, thường xuyên nhất là chiếc Agusta Westland AW139 cũng được các quan chức chính phủ Ý sử dụng.

Năm 2014, Alitalia đưa ra một thông cáo báo chí kỷ niệm 50 năm hợp tác của hãng hàng không với Tòa thánh. Triển lãm tại Sân bay Leonardo da Vinci của Rome có các bức ảnh từ kho lưu trữ của Alitalia cũng như của tờ Quan Sát Viên Rôma, là tờ báo chính thức của Vatican.

Trong một bài đăng trên Crux ngày 24 tháng 8 với tiêu đề, “Mùa thu năm nay, chuyến du lịch của Giáo hoàng sẽ thay đổi với việc đóng cửa hãng hàng không yêu thích của Giáo hoàng.” Tờ này cho biết như sau:

Kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2021, các chuyến bay của hãng hàng không mới toanh ITA sẽ bay trên bầu trời, với hệ thống quản lý mới và biểu tượng mới, cũng như cảm giác mới về hy vọng của công ty sau cuộc đấu tranh tồn tại kéo dài nhiều năm của Alitalia, khiến chính phủ Ý phải tốn khoảng 7.4 tỷ euro từ năm 1974 đến 2014.

Ban đầu ITA sẽ bắt đầu với quy mô nhỏ hơn Alitalia, giảm xuống chỉ còn 60 máy bay thay vì 92, và chỉ có 5,000 nhân viên thay vì 11,000. Tuy nhiên, người ta dự đoán rằng ITA có thể thuê thêm vài nghìn công nhân cũ của Alitalia vào năm 2022, tùy thuộc vào tình hình kinh doanh.

3. Tuyên bố của Ita Airways

Hôm 24 tháng 11 năm 2021, ban giám đốc của hãng hàng không mới toanh Ita Airways, đã ra một tuyên bố như sau:

Rome, ngày 24 tháng 11 năm 2021 - Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cất cánh lần đầu tiên vào ngày 2 tháng 12 với Ita Airways, hãng hàng không quốc gia mới. Chuyến bay của Đức Giáo Hoàng sẽ khởi hành lúc 11:00 từ sân bay quốc tế Fiumicino của Rôma với điểm đến là sân bay quốc tế Larnaca, của quốc đảo Cyprus.

Chuyến bay sẽ được thực hiện bằng máy bay Airbus A320 với hàng chữ kỷ niệm “Chào đời năm 2021”, do ITA Airways để kỷ niệm ngày bắt đầu hoạt động, diễn ra vào ngày 15 tháng 10 vừa qua.

Tại sân bay Fiumicino, Đức Thánh Cha sẽ được Ban Giám Đốc chào đón bao gồm Chủ tịch Điều hành của ITA Airways Alfredo Altavilla, Giám đốc Điều hành Fabio Maria Lazzerini và Giám đốc Thương mại Emiliana Limosani. Theo dự trù, máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay Larnaca lúc 3:00 chiều giờ địa phương.

Tháp tùng Đức Thánh Cha Phanxicô có phi hành đoàn 9 người gồm 3 phi công và 6 tiếp viên hàng không. Người giám sát các hoạt động trên máy bay sẽ là Phi công Riccardo Privitera, Giám đốc điều hành các chuyến bay của ITA Airways với kinh nghiệm 18,000 giờ bay. Cùng với anh ta là phi công trưởng Corrado Di Maria và phi công Michele Altobelli. Cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, còn có đoàn tùy tùng của Đức Giáo Hoàng, các đại diện báo chí Ý và quốc tế. Đội ngũ ITA Airways chuyên phục vụ các chuyến bay đặc biệt cũng có mặt trên máy bay.

Fabio Maria Lazzerini, Giám đốc điều hành kiêm Tổng Giám đốc của ITA Airways, tuyên bố: “Đối với chúng tôi, đó là một vinh dự và là nguồn tự hào to lớn khi được tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến tông du đến Síp. và đây có phải là một lý do nữa để vui mừng khi vận chuyển Đức Thánh Cha, người không ngừng nhắc lại những giá trị cao cả của việc phục vụ. Chúng tôi bắt đầu hoạt động chỉ mới hơn một tháng trước và mỗi ngày chúng tôi đều làm việc để trở thành một nhà vận chuyển hiệu quả và sáng tạo, đồng thời đại diện cho đất nước của chúng tôi, trên toàn thế giới”
Source:Ita Airways