Ai cũng rõ đa số các Giám mục Hoa Kỳ thuộc khuynh hướng bảo thủ, nhưng những vị can đảm như Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles, đương kim Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, thì khá hiếm. Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ Tổng thống của Joe Biden, ngài đã không ngần ngại lên tiếng cho ông hay chính sách phò phá thai của ông đi ngược tín lý Công Giáo. Và từ ngày đó, ngài luôn lên tiếng tố cáo các khuynh hướng nhằm triệt tiêu tôn giáo nói chung và Kitô giáo, nhất là Công Giáo, nói riêng. Gần đây nhất ngài đã ngỏ lời với Hội Nghị Người Công Giáo và Đời Sống Công Cộng của Tây Ban Nha, tố cáo các hình thức tôn giáo giả mạo đang xuất hiện trong thời đại ta. Nhận thấy các nhận định của ngài rất thông sáng, nhưng chưa được giới truyền thông Công Giáo lưu ý thỏa đáng, Paul Kengor, giáo sư Khoa học Chính trị tại Cao đẳng Grove City, trên tạp chí Crisis (https://www.crisismagazine.com/2021/archbishop-gomez-reveals-the-pseudo-religions-of-our-time) đã lược trình lại chúng như sau:



Trong thời đại độc hại chia rẽ văn hóa gay gắt này, hiếm có điều gì chia rẽ mọi người một cách cay đắng như Lý thuyết Phê phán Chủng tộc (Critical Race Theory [tắt là CTR]), một điều không có gì phải ngạc nhiên vì CRT là phân chia. Nó phân chia người ta thành các nhóm chống đối nhau, thành các phạm trù người bị áp bức và người áp bức. Nhóm của bạn xác định bạn. Đó là một ý thức hệ rập khuôn và phân biệt dựa trên chủng tộc — trớ trêu thay, lại nhân danh chống phân biệt chủng tộc. Về phương diện này, nó thoáng mùi nhiều ý kiến xấu của Cánh tả chính trị, chẳng hạn như phong trào “khoan dung” nhưng lại bất khoan dung cứng ngắc đối với những người dám không đồng ý, hoặc phong trào “đa dạng” nhưng lại thiếu đa dạng đối với những người có quan điểm khác.

Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB), đã cảnh cáo trong hai tuyên bố tuyệt vời gần đây rằng CRT có thể biến thành một thứ gì đó thậm chí còn nguy hiểm hơn. Đức Tổng Giám Mục Gomez cảnh cáo về “các phong trào công bằng xã hội” đã trở thành “tôn giáo giả”. Thay vào đó, ngài thúc giục “cần phải mạnh dạn công bố Chúa Giêsu Kitô”. Ngoại trừ một bài báo tuyệt vời được đăng trên tờ National Catholic Register của Lauretta Brown, một bài báo đã ca ngợi và ghép nối cả hai tuyên bố một cách sâu sắc, nói chung các nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Gomez đã không thu hút được sự chú ý mà chúng xứng đáng được nhận.

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã đưa ra hai phát biểu bổ sung cho nhau. Đầu tiên là một bài diễn văn ảo ngày 4 tháng 11 ngỏ với Đại hội Người Công Giáo và Đời sống Công cộng ở Madrid. Nó xứng đáng được đọc toàn bộ. Bài báo này sẽ trích dẫn một vài đoạn chính ở đây.

Đức Tổng Giám Mục Gomez nêu rõ "một giai cấp lãnh đạo ưu tú" đã xuất hiện, một giai cấp "ít quan tâm đến tôn giáo" hoặc các truyền thống hoặc văn hóa địa phương. Nhóm ưu tú này điều hành các tập đoàn, chính phủ, trường đại học, cơ quan truyền thông và các cơ sở văn hóa và nghề nghiệp khác nhau — những cơ sở mà nhà lý thuyết Mácxít Antonio Gramsci vốn mô tả như băng chuyền văn hóa (Gomez không nêu tên Gramsci). Đối với nhóm này và “thế giới quan ưu tú của họ, không cần đến các hệ thống tín ngưỡng và tôn giáo lỗi thời. Trên thực tế, như họ thấy, tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo, chỉ cản trở xã hội mà họ hy vọng sẽ xây dựng”.

Đức Tổng Giám Mục Gomez lưu ý rằng đây là một diễn trình tục hóa, có nghĩa là “phi hóa Kitô giáo”, một diễn trình mà các vị giáo hoàng của chúng ta đã cảnh cáo nhiều năm nay; "Một nỗ lực có chủ ý ở Châu Âu và Châu Mỹ nhằm xóa bỏ cội nguồn Kitô giáo của xã hội và ngăn chặn bất cứ ảnh hưởng Kitô giáo nào còn sót lại". Đức Tổng Giám Mục Gomez lưu ý rằng ngay cả khán giả Madrid của ngài trong chương trình hội nghị của họ cũng sử dụng các thuật ngữ Mỹ như “nền văn hóa triệt tiêu” và “tính chính xác chính trị”, những nhãn hiệu độc hại được giới tinh hoa tiến bộ xuất khẩu một cách hữu hiệu. Ngài nói: "Và chúng tôi nhận ra rằng những điều bị hủy bỏ và sửa chữa thường là các quan điểm bắt nguồn từ niềm tin Kitô giáo - về sự sống con người và nhân vị, về hôn nhân, gia đình, và nhiều điều nữa".

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã vào sâu hơn trong việc liên kết những thực tại mới và đau đớn này với “các phong trào xã hội và ý thức hệ mới” vốn được “gieo mầm và chuẩn bị trong nhiều năm trong các trường đại học và các tổ chức văn hóa của chúng ta”.

Một trong số đó rõ ràng là lý thuyết chủng tộc phê phán và các nhóm như Black Lives Matter, mà Đức Tổng Giám Mục Gomez không gọi đích danh. Nhưng không phải là không có thiện cảm, ngài đã lưu ý điều này: “Nhưng với sự căng thẳng và sợ hãi do đại dịch và sự cô lập xã hội, và với việc giết một người da đen không vũ trang bởi một cảnh sát da trắng và các cuộc biểu tình diễn ra sau đó ở các thành phố của chúng ta, những phong trào này đã hoàn toàn được tự do hành động trong xã hội của chúng ta”.

Ở đây, Đức Tổng Giám Mục Gomez đã nói về George Floyd, người mà ngài không ngần ngại lên án tình huống của anh ta như là một thảm kịch cho mọi người, bao gồm cả bản thân anh ta; "Một lời nhắc nhở rõ ràng" rằng bất bình đẳng chủng tộc "vẫn còn ăn sâu trong xã hội của chúng ta". Đức Tổng Giám Mục Gomez nhấn mạnh rằng "Chúng ta cần ghi nhớ thực tại bất bình đẳng này". Tuy nhiên, những bất bình đẳng như vậy không có nghĩa là các Kitô hữu nên lao đầu vào các lý thuyết và phong trào thế tục hoặc vô thần để tìm các câu trả lời của họ, đặc biệt là khi khá nhiều phong trào này tìm cách thay thế suy nghĩ và hành động truyền thống của Kitô giáo. Đức Tổng Giám Mục Gomez nói:

Đây là luận án của tôi. Tôi tin rằng cách tốt nhất để Giáo hội hiểu các phong trào công bằng xã hội mới là hiểu họ như các tôn giáo giả mạo, và thậm chí là sự thay thế và đối thủ của các tín ngưỡng Kitô giáo truyền thống.

Với sự tan vỡ thế giới quan Do Thái – Kitô giáo và sự trỗi dậy của chủ nghĩa thế tục, các hệ thống tín ngưỡng chính trị dựa trên công bằng xã hội hoặc bản sắc bản thân đã tới lấp đầy khoảng trống mà niềm tin và thực hành Kitô giáo từng chiếm giữ.

Dù chúng ta gọi những phong trào này là gì - “công bằng xã hội”, “sự tỉnh thức” [wokeness], “chính trị bản sắc”, “tính liên giới” [intersectionality], “ý thức hệ kế thừa” [successor ideology] —họ đều cho mình cung ứng những gì tôn giáo vốn cung ứng. Họ cung ứng cho người ta lời giải thích các sự kiện và điều kiện trên thế giới. Họ cung ứng cảm thức ý nghĩa, mục đích sống và cảm giác thuộc về một cộng đồng.

Thậm chí còn hơn thế nữa, giống như Kitô giáo, các phong trào mới này kể “câu chuyện cứu rỗi” của chính họ.


Kẻo những người phò tỉnh thức ở Cánh tả tôn giáo lên tiếng phẫn nộ, phản đối rằng họ không biết Đức Tổng Giám Mục Gomez đang muốn nói gì (một nhóm Kitô hữu cánh tả đã làm điều đó, nhắm vào ngài với một bản kiến nghị), ngài đã trình bày với họ:

Ngày nay, có một câu chuyện khác ở ngoài kia - một trình thuật "cứu rỗi ” đối thủ mà chúng ta được nghe kể trên các phương tiện truyền thông và trong các định chế của chúng ta bởi các phong trào công bằng xã hội mới. Điều mà chúng ta có thể gọi là câu chuyện “tỉnh thức” diễn ra như thế này:

Chúng ta không thể biết mình từ đâu đến, nhưng chúng ta biết chúng ta có những mối quan tâm chung với những người có cùng màu da hoặc địa vị của chúng ta trong xã hội. Chúng ta cũng đau đớn ý thức được rằng nhóm của chúng ta đang đau khổ và bị xa lánh, không phải do lỗi của chúng ta. Nguyên nhân sự bất hạnh của chúng ta là chúng ta là nạn nhân của áp bức bởi các nhóm khác trong xã hội. Chúng ta được giải phóng và tìm thấy sự cứu chuộc qua cuộc đấu tranh không ngừng chống lại những kẻ áp bức chúng ta, bằng cách tiến hành một cuộc chiến giành quyền lực chính trị và văn hóa nhân danh việc tạo ra một xã hội công bằng.

Một cách rõ ràng, đó là một câu chuyện mạnh mẽ và hấp dẫn đối với hàng triệu người trong xã hội Mỹ và các xã hội khắp phương Tây. Thực thế, nhiều tập đoàn, trường đại học và thậm chí cả các trường công lập hàng đầu của Hoa Kỳ đang tích cực thúc đẩy và giảng dạy viễn kiến này.

Câu chuyện trên thu hút sức mạnh từ tính đơn giản trong cách giải thích của nó— thế giới được phân chia thành những người vô tội và nạn nhân, đồng minh và kẻ thù.


Đức Tổng Giám Mục Gomez chắc chắn thừa nhận rằng “người ta đang bị tổn thương” và có “những nhu cầu và đau khổ thực sự của con người”, bao gồm cả những người “cảm thấy bị kỳ thị…. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này”. Nhưng cách tốt nhất để tìm kiếm sự hòa giải chân chính không phải qua các ý thức hệ thế tục hiện đại này mà là qua trình thuật của Kitô giáo: “Chúng ta chỉ có thể xây dựng một xã hội công bằng trên nền tảng của sự thật về Thiên Chúa và bản chất con người. Điều này vốn là giáo huấn liên tục của Giáo hội chúng ta và các vị Giáo hoàng của Giáo hội trong gần hai thế kỷ nay”. Chúng ta phải “nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi người lân cận của chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục Gomez trích dẫn Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp Fratelli Tutti: trừ khi chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta, thì chúng ta không có lý do gì để đối xử với người khác như anh chị em của mình. "Đó chính là vấn đề ở đây".

Đức Tổng Giám Mục Gomez nói đó chính là vấn đề bởi vì “các lý thuyết và ý thức hệ phê phán ngày nay là vô thần một cách sâu xa”. Chúng phủ nhận linh hồn, tâm linh, chiều kích thiêng liêng và siêu việt của bản chất con người, thay vào đó, chúng giản lược ý nghĩa của con người vào các phẩm tính thể chất như màu da, sắc tộc, khuynh hướng tình dục hoặc quan niệm của chúng ta về phái tính. Giống như chủ nghĩa Mácxít, chúng giản lược yếu tính con người hoàn toàn vào vật chất.

Ở đây, Đức Tổng Giám Mục Gomez đã khôn khéo dừng lại để chỉ rõ không những ảnh hưởng của chủ nghĩa Mácxít trong các lý thuyết hiện đại này mà còn để nhắc nhở người Công Giáo biết yếu tố Mácxít trong các lý thuyết tương tự mà người Công Giáo mới biết gần đây: “Không nghi ngờ gì khi chúng ta có thể nhận ra trong các phong trào này một số yếu tố của thần học giải phóng, chúng dường như phát sinh từ cùng một viễn kiến văn hóa mácxít ”.

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã kết luận bằng cách nhấn mạnh những yếu tố không tưởng đầy nguy hiểm của những lý thuyết chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mácxít này:

Và như điểm cuối cùng, tôi xin lưu ý rằng các phong trào này đều có tính không tưởng. chúng dường như thực sự tin rằng chúng ta có thể tạo ra một loại “thiên đường trên trái đất”, một xã hội hoàn toàn công bằng, nhờ các nỗ lực chính trị của chính chúng ta.

Một lần nữa, thưa các bạn, trọng điểm của tôi là: Tôi tin rằng điều quan trọng là Giáo hội phải hiểu và lưu ý các phong trào mới này - không phải về các khía cạnh xã hội hoặc chính trị, mà như những thứ thay thế cho tôn giáo chân chính đầy nguy hiểm.

Khi phủ nhận Thiên Chúa, những phong trào mới này đã làm mất đi sự thật về con người. Điều này giải thích chủ nghĩa cực đoan và cách tiếp cận chính trị hà khắc, không khoan nhượng và không dung tha của họ.


Đó là lý do tại sao họ triệt tiêu một cách tàn nhẫn những người họ không đồng ý với. Chúa Giêsu không triệt tiêu người ta. Kitô giáo không triệt tiêu người ta. Đạo Công Giáo không triệt tiêu người ta. Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô mang lại sự tha thứ, lòng thương xót, sự hòa giải. Những niềm tin sai lầm này thì không. Chúng không tha thứ, hoàn toàn thiếu lòng thương xót và đức ái. Họ không tìm cách cứu chuộc “tội nhân” nhưng tiêu diệt họ. Họ không làm những gì Chúa Giêsu từng làm.

Và vì vậy, Đức Tổng Giám Mục Gomez hỏi, phải làm gì? Giáo hội nên phản ứng thế nào trước những phong trào thế tục mới này? Đây là câu trả lời của Đức Tổng Giám Mục:

Câu trả lời của tôi rất đơn giản. Chúng ta cần phải công bố Chúa Giêsu Kitô. Một cách mạnh dạn, sáng tạo. Chúng ta cần kể câu chuyện cứu rỗi của mình theo cách mới mẻ. Với lòng bác ái và sự tự tin, không sợ hãi. Đây là sứ mệnh của Giáo hội trong mọi thời đại và mọi thời điểm văn hóa.

Chúng ta không nên bị đe dọa bởi những tôn giáo mới này về công bằng xã hội và bản sắc chính trị. Tin Mừng vẫn là động lực mạnh mẽ nhất cho sự thay đổi xã hội mà thế giới chưa từng thấy. Và Giáo hội vốn "chống kỳ thị chủng tộc" ngay từ đầu. Mọi người đều được bao gồm trong sứ điệp cứu rỗi của Giáo Hội.


Quả Giáo hội vốn thực sự chống kỳ thị chủng tộc ngay từ đầu. Giáo Hội không cần phải rao giảng Ibram Kendi, mà là Chúa Giêsu Kitô. Kengor đã viết trên Crisis hồi tháng 7 năm 2020 về việc Giáo Hội Công Giáo đã lên án chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc như thế nào trong các thông điệp có niên đại ít nhất từ năm 1435, và tất nhiên, trước đó nữa, với chính thông điệp của Chúa Giêsu và các Tông đồ cách đây 2,000 năm. Đức Tổng Giám Mục Gomez nói: “Chúa Giêsu Kitô đã đến để loan báo sáng thế mới, người nam và người nữ mới, được ban cho quyền năng để trở thành con cái Thiên Chúa, được đổi mới theo hình ảnh của Đấng Tạo Hóa của họ…. Đó là ý của Thánh Phaolô khi ngài nói rằng trong Chúa Kitô không có người Do Thái hay người Hy Lạp, nam hay nữ, nô lệ hay tự do”.

Đức Tổng Giám Mục công khai thừa nhận rằng Giáo hội “không phải lúc nào cũng sống đúng theo các nguyên tắc cao đẹp của chúng ta”. Tuy nhiên, “thế giới không cần một tôn giáo thế tục mới để thay thế Kitô giáo. Nó cần các bạn và tôi trở thành những nhân chứng tốt hơn. Kitô hữu tốt hơn. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách tha thứ, yêu thương, hy sinh cho người khác, bỏ đi những chất độc tinh thần như oán hận và đố kỵ”. Không giống như những ý thức hệ thế tục gần đây.

Cuối cùng, Đức Tổng Giám Mục Gomez lưu ý rằng ngài tìm được cảm hứng không những trong thông điệp của Giáo hội định chế, mà cả “cảm hứng của các vị thánh và các nhân vật thánh thiện trong lịch sử của đất nước tôi”. Đức Tổng Giám Mục Gomez đã trưng dẫn một trong những điển hình yêu thích, cựu nô lệ trở thành linh mục, Đấng đáng kinh Augustus Tolton:

Câu truyện của ngài là một câu truyện tuyệt vời và thực sự có tính Hoa Kỳ. Ngài sinh ra trong cảnh nô lệ, cùng mẹ vượt ngục và trở thành người da đen đầu tiên được thụ phong linh mục ở đất nước tôi.

Cha Tolton đã từng nói, “Giáo Hội Công Giáo phản đối một chế độ nô lệ kép - tinh thần và thể xác. Giáo Hội cố gắng giải thoát chúng tôi khỏi cả hai”.


Đức Tổng Giám Mục Gomez nói, nếu chúng ta chọn hoạt động mà không có những nhân vật như Tolton, chúng ta có nguy cơ sa vào một “chủ nghĩa bộ lạc” mới, tức là “một ý tưởng tiền Kitô giáo về loài người như được chia thành các nhóm và phe phái cạnh tranh nhau”.

Đó chính là những điều chúng ta đang phải đối diện với các ý thức hệ hệ và phong trào mới này dựa trên bản sắc mới.

Đó quả là một bài phát biểu mạnh mẽ và đúng lúc của Đức Tổng Giám Mục Gomez.

Đáng chú ý không kém, Đức Tổng Giám Mục Gomez đã chọn những chủ đề này trong bài phát biểu của mình với các giám mục đồng nghiệp vào ngày 16 tháng 11, khởi động phiên họp mùa thu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Nhân dịp đó, ngài đã nhắc tới Martin Luther King Jr. và những người khác về “kinh tin kính của Mỹ”, mà ngài đã định nghĩa một cách đúng đắn là “niềm tin được phát biểu trong các văn kiện sáng lập của chúng ta, đó là tất cả mọi người nam nữ đều được tạo dựng bình đẳng và được phú bẩm phẩm giá thánh thiêng, một vận mạng siêu việt".

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã nói tới một bước ngoặt trong lịch sử, một bước ngoặt mà ngài lo sợ có thể trở thành tồi tệ hơn:

Trong phần lớn lịch sử của chúng ta, câu chuyện đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta bắt nguồn từ một thế giới quan trong Kinh thánh và các giá trị của di sản Do thái – Kitô giáo của chúng ta. Đó là câu chuyện về con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa…. Những gì chúng ta thấy xung quanh mình bây giờ là những dấu hiệu cho thấy trình thuật này có thể tan vỡ. Đây là một trong những hệ quả của việc sống trong một xã hội thế tục. Tất cả chúng ta đều cần đến Thiên Chúa để giúp làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa, nên khi chúng ta cố gắng sống mà không có Thiên Chúa, chúng ta có thể trở nên bối rối. Nhiều người hàng xóm của chúng ta đang tìm kiếm.

Và những gì những người hàng xóm đó thường bám vào, tiếp nhận từ bài diễn văn ngày 4 tháng 11 của Đức Tổng Giám Mục Gomez, là các phong trào tôn giáo giả mạo, đặc biệt những người, ngài nói với các giám mục trong diễn văn này, những người lớn lên không có tôn giáo và nghe Lời Chúa lần đầu tiên. Họ đang tìm kiếm và thường tìm ra câu trả lời sai trong các lý thuyết ý thức hệ tàn hại.

Các giám mục của chúng ta thường bị chỉ trích đã không đứng vững trước những ý tưởng và phong trào phá hoại khác nhau. Ở đây, người đứng đầu các giám mục đã chọn dấn thân, và ngài đã làm điều này một cách chu đáo, với lòng cảm thương và giọng nói tiên tri.

Hiển nhiên, tất cả chúng ta phải chống lại sự kỳ thị chủng tộc. Giáo hội đã làm như vậy trong nhiều thế kỷ mà không ủng hộ những ý thức hệ mới độc hại như lý thuyết chủng tộc phê phán, vốn gây chia rẽ hơn là hợp nhất. Giáo Hội đã làm được như vậy trong việc chống lại chủ nghĩa Mácxít kể từ thế kỷ 19, với sự phân tích thấu đáo và lời cảnh cáo mang tính tiên tri từ các vị giáo hoàng từ đức Piô IX, Lêô XIII đến Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI. Người đứng đầu các giám mục Hoa Kỳ đang tiếp tục truyền thống đó một cách thấm thía.