Bài học khiêm nhường từ sông Gio-đan

(Suy niệm lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa)

Có thể khẳng định ngay rằng ngang qua lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa, Thiên Chúa cũng muốn tỏ mình Ngài nơi Đức Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể. Một Thiên Chúa cao sang và tinh tuyền, một Thiên Chúa uy nghi vô cùng, lọn tốt lọn lành mà lại chấp nhận bước xuống dòng sông Gio-đan để cho Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình. Cũng tại dòng sông Gio-đan, Thiên Chúa Cha đã giới thiệu Con của Ngài là Đức Giê-su cho nhân loại: “Đây là Con yêu dấu của Ta.”. Chiêm ngắm nơi dòng sông Gio-đan hôm nay, chúng ta đã bắt gặp hai gương mặt thật sự khiêm nhường đáng để chúng ta noi gương bắt chước.

Bài học khiêm nhường của Gio-an Tẩy Giả.

Sinh ra bởi gia đình Da-ca-ri-a, một tư tế giàu có, nhưng chúng ta lại bắt gặp một Gio-an hết sức đơn sơ, giản dị và nghèo khổ ngang qua việc cư ngụ nơi hoang địa thay vì nhà cao cửa rộng, ăn châu chấu và uống mật ong thay vì sơn hào hải vị, mặc áo lông lạc đà thay vì bảnh bao và sang trọng,…Ngài được sinh ra là làm sứ giả để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Có lẽ ông biết rõ bổn phận và sứ vụ của mình hơn ai hết, nên hôm nay trong khi nhiều người nhầm tưởng ông là Đấng Mesia, Ông đã khiêm tốn để khẳng định cách chắc chắn rằng: “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa.” (Lc 3, 16). Nếu xét theo tính xác thịt, ai ai cũng muốn được tâng bốc, muốn được người khác ca tụng và tôn vinh, nhưng Gioan đã không phải như vậy, ông đã chối từ ngay cái danh hiệu và cái cao sang mà dân chúng gán cho ông. Thái độ khiêm tốn của Gioan Tẩy Giả càng làm cho con người của ông có giá trị hơn, lời giảng thêm sâu sắc hơn khi ông giới thiệu về Đấng Cứu Thế cho dân chúng. Đấng đó có quyền thế và sẽ làm phép rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa, còn Gioan Tẩy Giả chỉ làm phép bằng nước để kêu gọi mọi người ăn năn sám hối để lãnh nhận ơn cứu độ. Phải chăng khi con người biết khiêm nhường là con người sẽ dễ dàng được đón nhận và được kính trọng? Đúng, Gioan Tẩy Giả đã được dân chúng đón nhận ngang qua lời kêu gọi sám hối của ông. Họ đã mau mắn ăn năn sám hối và đón nhận phép rửa của ông nơi dòng sông Gio-đan.

Bài học khiêm nhường của Đức Giê-su

Là Con Thiên Chúa làm người, giống con người mọi đang ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15), nhưng tại sao Đức Giê-su lại phải bước xuống sông Gio-đan để Gioan Tẩy Giả rửa tội cho mình? Có tội mới phải rửa tội, phải chịu thanh tẩy, ngược lại Đức Giê-su không có tội mà lại trở thành kẻ tội nhân. Điều này có nghĩa như thế nào? Chúng ta phải hiểu như thế nào đây? Chúng ta biết rằng Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho dân chúng tại sông Gio-đan để kêu gọi ăn năn sám hối nhằm đón nhận ơn cứu độ. Chúng ta thấy người tội lỗi xếp thành hàng để được nhận chìm nơi dòng sông Gio-đan bởi ông Gioan Tẩy Giả. Nơi đó, chúng ta cũng thấy xuất hiện một Đấng, Ngài là Ngôi Lời nhập thể, Đấng có quyền tha tội mà lại chấp nhận xếp vào hàng với những người tội lỗi để được đón nhận phép rửa của Gioan Tẩy Giả. Một hành động hơi ngược nhưng đây lại là bài học khiêm tốn của một vị Thiên Chúa toàn năng ngang qua Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người. Ngài là Thiên Chúa hữu hình ở với nhân loại, Ngài muốn cứu độ nhân loại thì Ngài cũng đã trở nên giống con người trong mọi sự. Ngài không mang tội nhưng dòng sông đầy những vết nhơ, đầy tội lỗi sẽ được thánh hoá khi Ngài bước xuống. Từ Con Người cực Thánh, ba lần Thánh “Thánh, Thánh, Thánh”, Đức Giê-su Ki-tô một khi đã chấp nhận hạ mình để đi vào trong tội luỹ của con người, thì con người tội lỗi đó sẽ được biến đổi và trở nên giống Con Thiên Chúa. Thật vậy, việc Đức Giê-su không mang tội nhưng đã chấp nhận để đi cùng đoàn người tội lỗi bước xuống dòng nước Gio-đan để được đón nhận phép rửa Gioan Tẩy Giả là một cử chỉ hết sức khiêm tốn. Nhờ việc sánh bước đó, mà từ nay những người tội lỗi sẽ được tha thứ và đón nhận sự đổi mới để trở thành thụ tạo mới, sinh khí mới. Nhờ việc bước xuống dòng sông Gio-đan để lãnh nhận phép rửa bởi nước, Đức Giê-su đã thánh hoá dòng nước Gio-đan và thiết lập bí tích Rửa tội không chỉ bằng nước nhưng còn bằng Thánh Thần và lửa nữa.

Quả thật, nhờ thái độ khiêm tốn của Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, con người chúng ta được sinh ra một lần nữa trong Thánh Thần. Nhờ thái độ khiêm tốn đó, Đức Giê-su đã đón nhận được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần tựa chim bồ câu đậu trên hai vai và đón nhận được lời minh chứng rõ ràng của Thiên Chúa Cha : “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con.” (Lc 3,22). Mặt khác, qua việc Đức Giê-su bước xuống sông Gio-đan đón nhận phép rửa, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mặc khải một cách rõ ràng: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Chúng ta phải sống như thế nào khi đã lãnh nhận Bí tích rửa tội?

Chúng ta thú nhận với nhau rằng ai đó trong chúng ta mới ghi danh vào sổ rửa tội cho có tên thánh và mang vào mình ‘cái mác’ người Công Giáo, nhưng xét cho kỹ thì chúng ta chưa thật sự sống bí tích rửa tội nơi môi trường chung quanh. Do đó, chúng ta không chỉ ghi tên vào sổ rửa tội, nhưng chúng ta được mời gọi sống xứng là con cái Chúa. Sống như thế nào đây? Chúng ta phải yêu thương nhau vì tình yêu bắt người từ Thiên Chúa. Để có tình yêu thì buộc chúng ta phải ở lại trong Thiên Chúa, gặp gỡ Chúa và đón nhận Ngài. Một khi đã đón nhận và gặp gỡ Ngài, chúng ta không thể không yêu thương và ở lại trong anh em. Vì thế, học hỏi gương khiêm tốn từ Gioan Tẩy Giả và Đức Giê-su nơi dòng sông Gio-đan, chúng ta biết sống khiêm tốn nhận ra thân phận yếu đuối thấp hèn của bản thân, tội lỗi của mình để biết chạy đến với Đức Giê-su, hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa hầu đón nhận sự bình an, sự tha thứ và sự sống đời đời. Chính Thánh Phaolô cũng đã khuyên nhủ chúng ta ngang qua ông Ti-tô: “chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.” (Tt 2,12). Phải chăng đây là một trong những cách thức chúng ta sống trọn vẹn bí tích Rửa tội trong cuộc sống thường ngày?

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương