1. Nạn nhân đột quỵ khẳng định Đức Mẹ Loreto đã đến bên giường và cứu anh

Một người chồng kể rằng anh đã sống sót sau một cơn đột quỵ như thế nào nhờ sức mạnh đầy quyền năng của Đức Maria vào thời khắc nguy cấp nhất.

Tờ “Il Messaggio della Santa Casa di Loreto”, nghĩa là “Thông điệp của Nhà Thánh Loreto”, đã đăng một lời chứng tuyệt vời từ một cặp vợ chồng tên là Fabrizio và Maria Rita Musino. Người chồng kể lại câu chuyện đầy kịch tính về một cơn đột quỵ mà anh đã sống sót nhờ sự cứu giúp của Đức Mẹ Maria vào lúc nguy cấp nhất.

Đó là ngày 13 tháng 6 năm 2019 khi Fabrizio, một nhạc sĩ, cảm thấy đau dữ dội ở đầu khi anh đang chỉ có một mình trông nhà giúp cho mẹ ruột của anh. Anh chỉ có đủ thời gian để báo cho vợ mình, là một bác sĩ, qua điện thoại trước khi bước vào trạng thái bán hôn mê.

Vợ anh, là Maria Rita, ngay lập tức chạy đến hiện trường và nhận ra rằng anh đang bị đột quỵ nghiêm trọng. Cô đã gọi dịch vụ khẩn cấp, và đi cùng Fabrizio bằng máy bay trực thăng đến khoa phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Đại học Gemelli ở Rôma.

Fabrizio đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật khẩn cấp để cầm máu và hút máu bị rò rỉ, vì nếu những giọt máu ấy vẫn còn bên trong hộp sọ, chúng sẽ gây ra tổn thương thần kinh nghiêm trọng.

Bệnh nhân đang bị đe dọa nghiêm trọng về tính mạng, đã lấy lại được liên lạc với thế giới sau ba ngày được chăm sóc đặc biệt. Anh ấy bị đau dữ dội ở cổ, và có cảm giác đơ cứng, chóng mặt và nôn mửa, nhưng may mắn thay anh ấy đã có thể cử động tay và chân.

Thật không may, anh ấy bị nhiễm trùng tiết niệu từ ống thông tiểu của mình, và nó chuyển thành nhiễm trùng huyết. Anh ấy bị sốt rất cao và không có phản ứng thuận lợi với thuốc kháng sinh và thuốc hạ sốt. Fabrizio nói với Thông điệp của Nhà Thánh Loreto:

Tôi nhớ buổi chiều hôm đó tôi muốn cầu nguyện cùng với vợ mình. Vợ tôi chỉ có thể vào phòng trong vài phút với hàng nghìn biện pháp phòng ngừa và mặc một chiếc áo choàng dùng một lần. Chúng tôi đọc một kinh Kính Mừng, và giữa những giọt nước mắt của cả hai chúng tôi, chúng tôi tái lập lời thề hôn nhân của mình “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời”. Sau đó, vợ tôi xức lên trán tôi bằng dầu của Nhà Thánh Loreto, đọc những lời cầu nguyện thích hợp dâng lên Chúa, hôn tôi và ra ngoài.

Fabrizio sợ phải đối mặt với màn đêm trong những điều kiện khó khăn đó, nhưng đến một lúc nào đó, anh cảm thấy mình không còn cô đơn nữa.

Anh cho biết:

“Đêm đó, Mẹ Thiên Chúa vĩ đại, Đức Maria Rất Thánh, đã đến bên giường tôi. Tôi đã không ngủ, tôi chắc chắn; Tôi không nghiện ma túy và tôi không dùng những loại thuốc có thể gây ảo giác. Đột nhiên tôi có cảm giác có thể cảm nhận được siêu việt. Khoảng cách ngăn cách tôi với những gì bên ngoài thực tại khách quan là tối thiểu. Những gì nằm ngoài trải nghiệm giác quan của tôi thực sự nằm trong căn phòng bên cạnh. Tôi nhớ mình đã cảm thấy một sự bình yên tuyệt vời và một cảm giác yêu thương mãnh liệt — sự bình yên đó, tình yêu đó và sự hòa hợp mà tôi có thể hít thở trong một môi trường quen thuộc”.

Chính lúc này, Fabrizio đã nhìn thấy Đức Trinh Nữ xuất hiện, một hình hài duyên dáng, uy nghiêm, đang bồng Chúa Giêsu Hài Đồng trên tay. Cô đến chân giường của anh và mỉm cười với anh mà không nói gì.

Mẹ Maria mặc một chiếc áo dài như trong bức tượng Đức Mẹ Loreto, khuôn mặt xinh đẹp đầy duyên dáng của Mẹ, tỏa sáng.

Mọi nỗi đau của anh ấy đều tan biến

Ngay lập tức mọi nỗi đau của anh ấy chấm dứt: anh ấy vẫn im lặng, chỉ tràn ngập bởi cảm giác khỏe mạnh và thanh thản khiến anh ấy chìm vào giấc ngủ yên, “như một đứa trẻ trong vòng tay của Mẹ mình”.

Trong những ngày sau đó, các loại thuốc đã trở nên hiệu quả và chữa khỏi nhiễm trùng, và quá trình chữa bệnh của anh ấy bắt đầu. Hôm nay, Fabrizio suy tư về việc có bao nhiêu người, thánh hiến và giáo dân, đã cầu nguyện cho anh — ở Loreto, nơi anh và vợ đã đi hành hương nhiều lần, ở Ý, và ở khắp nơi trên thế giới, nơi anh quen biết nhiều nhạc sĩ và giáo viên. Anh nói, chính sức mạnh của dàn đồng ca cầu nguyện đó đã khiến Đức Mẹ đến giải cứu anh. Anh nói với tờ “Thông điệp của Nhà Thánh Loreto”:

“Một chuỗi cầu nguyện thực sự đã được tạo ra, một dàn đồng ca, mà tôi tin rằng, đã vang tới tận thiên đường, mạnh mẽ, quyền năng và chân thành đến nỗi khiến Đức Trinh Nữ Maria cảm động, người không chỉ cứu tôi khỏi cái chết mà còn muốn tôi được gặp Mẹ.”

Nhờ có Đức Maria, Fabrizio đã được tái sinh.

Trải nghiệm phi thường về sự tái sinh thể chất và tinh thần này đã thay đổi hoàn toàn quan điểm mà Fabrizio sống và đối mặt với cuộc sống.

“Hôm nay tôi cảm thấy rằng tôi thực sự là một con người mới, được tái sinh trong Chúa Giêsu Kitô. Đã từng nhìn thẳng vào cái chết, nhưng hơn hết là hiểu được vĩnh cửu là gì, và những điều đang chờ đợi chúng ta sau cuộc sống này, mọi thứ trong thế giới này đều có giá trị tương đối. Một cuộc sống trần thế đã được ban cho chúng ta và nhiệm vụ của chúng ta là phải sống nó theo cách tốt nhất có thể — nghĩa là, như một hành động tạ ơn Cha toàn năng, cố gắng thực hành mỗi ngày những lời dạy của Phúc Âm, luôn luôn tìm kiếm hướng về quê hương trên trời, nơi Mẹ chúng ta đang chờ đợi chúng ta trong sự hiệp thông của các thánh.”
Source:Aleteia

2. Giám mục của Buenaventura nhận được lời đe dọa tử vong: “Hôm nay ông sẽ là nạn nhân”

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc trong bản tin hôm 8 tháng 2, cho biết như sau:

“Chúng tôi rất lo lắng cho cuộc sống của Đức Cha Rubén Darío Jaramillo của Buenaventura, người, với tư cách là một mục tử tốt và với nỗi đau của người dân trong trái tim mình, đã tố cáo những gì đang xảy ra trong khu vực này, nơi các nhóm vũ trang đã hành động chống lại người dân,” Cha Darío Echeverri, Tổng Thư ký của Ủy ban Hòa giải Quốc gia (CCN), cho biết sau khi Giám mục Buenaventura nhận được nhiều lời đe dọa ám sát. Vị linh mục Công Giáo phàn nàn rằng một số nơi trong khu vực cảng Buenaventura cấm không cho Đức Cha đến, mặc dù chúng nằm trong lãnh thổ giáo phận của ngài, và vì thế, ngài không thể thực hiện sứ mệnh mục vụ của ngài ở đó.

Vị Giám Mục đã kêu gọi chính phủ quốc gia “đặc biệt chú ý đến cảng này, cảng quan trọng nhất ở Colombia”, đồng thời kêu gọi các nhóm vũ trang ngừng các cuộc tấn công vào người Afro và dân bản địa sống ở đó, cũng như những người nhập cư từ khắp nơi trên đất nước.

Trong một thời gian, Đức Cha Rubén Darío Jaramillo đã kêu gọi các nhà chức trách phải hành động dứt khoát vì theo lời Đức cha, “đây không chỉ là bạo lực, mà là một cuộc chiến thực sự”.

Khu vực cảng Buenaventura là hiện trường của các cuộc đụng độ giữa các băng nhóm tội phạm, tranh giành quyền kiểm soát khu vực, nhằm sử dụng vào việc buôn bán ma túy và đánh thuế hàng hóa. Tội phạm cũng sử dụng súng máy và lựu đạn. Nhiều gia đình đã tìm nơi ẩn náu ở nơi khác, nhiều gia đình khác bị mắc kẹt vì các cuộc đụng độ vũ trang.
Source:Fides

2. Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: Niềm tin nơi sự phục sinh giúp chúng ta đối diện với cái chết mà không sợ hãi

Sáng thứ Tư, ngày 09 tháng Hai năm 2022 đã có hơn 500 tín hữu hành hương đến tham dự buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, bắt đầu lúc quá 9 giờ, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ sáu kể từ đầu năm nay

Như thường lệ, sau khi Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá khai mạc, mọi người đã nghe tám nhân viên tại Tòa Thánh đọc bằng tám thứ tiếng đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu (25:42.45-47):

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các con hãy tỉnh thức vì các con không biết ngày nào Chúa sẽ đến. Vì thế ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà chủ đặt làm đầu các gia nhân của ông để cho họ lương thực đúng giờ? Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về thấy đang làm như vậy! Thực, Thầy bảo các con: ông sẽ đặt đầy tớ ấy đảm trách tất cả các tài sản của ông”.

Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài về thánh Giuse. Bài thứ mười một này mang tựa đề: “Thánh Giuse giúp chết lành”.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý tuần trước, một lần nữa, được kích thích bởi hình ảnh Thánh Cả Giuse, chúng ta đã suy gẫm về ý nghĩa của việc các thánh cùng thông công hay hiệp thông. Và bắt đầu từ đó, hôm nay tôi xin đào sâu lòng sùng kính đặc biệt mà người dân Kitô giáo luôn dành cho Thánh Cả Giuse như vị thánh quan thầy của sự chết lành. Một lòng sùng kính nảy sinh từ ý nghĩ cho rằng Thánh Giuse đã chết với sự trợ giúp của Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu, trước khi ngài rời mái nhà Nadarét. Không có dữ kiện lịch sử nào, nhưng vì Thánh Giuse không còn được nhìn thấy trong đời sống công cộng nữa, nên người ta cho là ngài đã chết ở Nadarét, với sự hiện diện của gia đình. Và bên cạnh ngài khi qua đời là Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Đức Bênêđíctô XV, một thế kỷ trước, đã viết rằng "qua Thánh Giuse, chúng ta trực tiếp đến với Mẹ Maria, và qua Mẹ Maria, đến nguồn gốc của mọi sự thánh thiện, đó là Chúa Giêsu". Cả Thánh Giuse và Mẹ Maria đều giúp chúng ta đến với Chúa Giêsu. Và bằng cách khuyến khích các thực hành ngoan đạo để tôn vinh Thánh Giuse, ngài đặc biệt đề nghị một thực hành, và nói như vậy: "Vì ngài xứng đáng được coi là người bảo vệ hữu hiệu nhất cho những người hấp hối, từng qua đời với 'sự trợ giúp của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, nên sẽ là việc chăm sóc của các Mục tử thánh thiện khi cổ vũ và ưu ái [...] các hiệp hội đạo đức đã được thành lập để cầu khẩn Thánh Giuse giúp người hấp hối, chẳng hạn như hiệp hội "Chết lành", hiệp hội "Quá cảnh Thánh Giuse" và "cho Những Người hấp hối" (Tự sắc Bonum sane, 25 tháng 7 năm 1920): đó là những hiệp hội vào thời đó.

Anh chị em thân mến, có lẽ ai đó nghĩ rằng ngôn ngữ này và chủ đề này chỉ là di sản của quá khứ, nhưng thực tế mối liên hệ của chúng ta với cái chết không bao giờ là về quá khứ cả, nó luôn luôn hiện diện. Đức Bênêđíctô cho biết, cách đây mấy ngày, khi nói về bản thân rằng "ngài đang đứng trước cánh cửa tối tăm của sự chết". Ta nên cảm ơn Đức Bênêđíctô, người, ở tuổi 95, vẫn còn sáng suốt nói với chúng ta rằng: "Tôi đang đối đầu với cảnh tối tăm của sự chết, cánh cửa tối tăm của sự chết". Đó không phải là một lời khuyên tuyệt vời ngài đã dành cho chúng ta hay sao! Điều gọi là nền văn hóa "cảm thấy tốt" tìm cách xóa bỏ thực tại chết chóc, nhưng một cách bi đát, đại dịch coronavirus đã mang nó trở lại hàng đầu. Thật là khủng khiếp: cái chết ở khắp mọi nơi, và rất nhiều anh chị em đã mất đi những người thân yêu mà không thể gần gũi với họ, và điều này càng làm cho cái chết trở nên khó chấp nhận và xử lý hơn. Một y tá nói với tôi rằng một người bà bị bệnh covid sắp chết và nói: "Tôi muốn từ biệt gia đình tôi, trước khi tôi đi." Và cô y tá can đảm lấy điện thoại di động của cô và để bà tiếp xúc với họ. Quả là cảnh dịu dàng của cuộc từ biết ấy...

Mặc dù vậy, chúng ta cố gắng bằng mọi cách loại bỏ ý nghĩ về sự hữu hạn của mình, do đó tự đánh lừa bản thân vì nghĩ rằng mình có thể lấy sức mạnh khỏi cái chết và xua đuổi nỗi sợ hãi. Nhưng đức tin Kitô giáo không phải là cách để xua đuổi nỗi sợ hãi cái chết, đúng hơn, nó giúp chúng ta đối đầu với nó. Không sớm thì muộn, tất cả chúng ta sẽ đi đến cánh cửa đó.

Ánh sáng đích thực, một ánh sáng soi sáng mầu nhiệm sự chết, phát xuất từ sự phục sinh của Chúa Kitô. Đây là ánh sáng. Và Thánh Phaolô viết: Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Kitô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15: 12-14). Có một điều chắc chắn: Đức Kitô đã phục sinh, Đức Kitô đã sống lại, Đức Kitô đang sống giữa chúng ta. Và đây là ánh sáng đang chờ đợi chúng ta đằng sau cánh cửa tử thần tăm tối đó.

Anh chị em thân mến, chỉ nhờ đức tin vào sự sống lại, chúng ta mới có thể phớt lờ vực thẳm của sự chết mà không bị sợ hãi lấn át. Không chỉ vậy: chúng ta có thể trả lại một vai trò tích cực cho cái chết. Thật vậy, suy nghĩ về cái chết, được soi sáng bởi mầu nhiệm Chúa Kitô, sẽ giúp chúng ta nhìn mọi sự của cuộc sống bằng con mắt mới. Tôi chưa bao giờ thấy một chiếc xe dọn đồ di chuyển đằng sau một chiếc xe tang! Đằng sau một chiếc xe tang: Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nó. Chúng ta sẽ đi một mình, không có gì trong túi của tấm vải liệm: không có gì. Vì tấm vải liệm không có túi. Sự cô đơn của cái chết: đó là sự thật, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một chiếc xe tang mà đàng sau có một chiếc xe dọn đồ. Tích lũy chẳng ích gì nếu một ngày kia chúng ta sẽ chết. Điều chúng ta phải tích lũy là lòng bác ái, là khả năng chia sẻ, khả năng không thờ ơ với nhu cầu của người khác. Hoặc, tranh luận với anh / chị / em, bạn bè, người thân trong gia đình, hoặc với anh / chị / em trong đức tin có ích chi nếu một ngày nào đó chúng ta sẽ chết? Nổi nóng, nổi nóng với người khác có ích gì? Đối đầu với cái chết, nhiều vấn đề được giản lược. Khi chết mà được hòa giải là điều tốt, không để lại mối hận thù và ân hận nào! Tôi muốn nói một sự thật: tất cả chúng ta đều đang trên đường đến cánh cửa đó, tất cả mọi người.

Tin Mừng cho chúng ta biết cái chết đến như một tên trộm, vì vậy Chúa Giêsu nói: nó đến như một tên trộm, và dù chúng ta cố gắng kiểm soát sự xuất hiện của nó đến mức nào, có lẽ bằng cách lên kế hoạch cho cái chết của chính chúng ta, nó vẫn là một biến cố mà chúng ta phải đối phó và trước nó chúng ta cũng phải lựa chọn.

Vẫn còn hai điều Kitô hữu chúng ta phải xem xét. Đầu tiên: chúng ta không thể tránh khỏi cái chết, và chính vì lý do này, sau khi đã làm mọi cách con người có thể làm được để cứu người bệnh, sẽ là vô luân khi dấn thân vào những cách chữa trị vô ích (xem Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 2278). Câu nói đó của những người trung thành với Thiên Chúa, của những người đơn sơ: “Hãy để ngài chết trong bình an”, “giúp ngài chết trong bình an”: khôn ngoan biết bao nhiêu! Xem xét thứ hai liên quan đến phẩm chất của chính sự chết, phẩm chất của nỗi đau, của đau khổ. Thực vậy, chúng ta phải biết ơn tất cả những sự giúp đỡ mà y học đang cố gắng cung cấp, để nhờ điều gọi là “chăm sóc giảm đau”, mọi người đang chuẩn bị sống phần cuối cùng của cuộc đời, có thể làm được điều đó một cách xứng với con người hết sức có thể. Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận để không nhầm lẫn sự trợ giúp này với mưu toan không thể chấp nhận được là dẫn đến việc giết người. Chúng ta phải đồng hành với người đang tiến đến sự chết, nhưng không được gây ra cái chết hoặc giúp đỡ bất cứ hình thức tự sát nào. Tôi nhớ rằng quyền được chăm sóc và chữa trị của tất cả mọi người luôn phải được ưu tiên, để những người yếu nhất, đặc biệt là người già và bệnh tật không bao giờ bị vứt bỏ. Sống là một quyền, chứ không phải chết, là điều phải chấp nhận, không được áp đặt. Và nguyên tắc đạo đức này áp dụng cho mọi người, không chỉ các Kitô hữu hay tín hữu.

Nhưng ở đây, tôi muốn chỉ ra một vấn đề xã hội có thật. Việc “Lập kế hoạch” đó - tôi không biết đó có phải là từ ngữ đúng hay không - nhưng nó đẩy nhanh cái chết của những người già. Rất nhiều lần người ta thấy trong một tầng lớp xã hội nào đó người già, vì họ không có phương tiện, được cho ít thuốc hơn mức họ cần, và điều này là vô nhân đạo: điều này không giúp đỡ họ, điều này còn đẩy họ vào cái chết sớm hơn. Và điều này không phải là con người cũng không phải là Kitô hữu. Người cao niên phải được coi như một báu vật của nhân loại: họ là túi khôn của chúng ta. Và nếu họ không còn nói được nữa, và nếu họ không còn làm chúng ta hiểu được nữa, họ vẫn là biểu tượng của túi khôn con người. Họ là những người đã đi trước chúng ta và để lại cho chúng ta biết bao điều đẹp đẽ, bao kỉ niệm, bao khôn ngoan. Làm ơn, xin đừng cô lập người già, đừng tăng tốc cái chết của người già. Vuốt ve một người già cũng có hy vọng giống như vuốt ve một đứa trẻ, bởi vì khởi đầu và kết thúc của cuộc đời luôn là một mầu nhiệm, một mầu nhiệm cần phải được trân trọng, đồng hành, chăm sóc, yêu thương.

Xin Thánh Cả Giuse giúp chúng ta sống mầu nhiệm sự chết một cách tốt nhất. Đối với một Kitô hữu, chết lành là được cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đến gần chúng ta ngay trong giây phút cuối cùng của cuộc đời chúng ta. Ngay trong kinh Kính Mừng, chúng ta cũng cầu xin Đức Mẹ ở gần chúng ta “và trong giờ lâm tử”. Chính vì lý do này, tôi muốn kết thúc bài giáo lý này bằng cách cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ cho những người đang hấp hối, cho những người đang trải qua giây phút vượt qua cánh cửa tối tăm này, và cho các thân nhân trong gia đình đang trải qua tang tóc. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện:

Kính mừng Maria

Xin cám ơn anh chị em