Tạp chí The Pillar vừa có một cộng tác viên người Ukraine, Anatolii Babynskii, hiện là chuyên viên nghiên cứu tại Viện Giáo Sử của Đại Học Công Giáo Ukraine. Bài đầu tiên của ông trên The Pillar nói đến khái niệm Russkiy-mir - thế giới Nga của Vladimir Putin được thảo luận nhiều nhưng ít được hiểu rõ - và nền ngoại giao của Vatican đã đóng vai trò như thế nào đối với thế giới quan tôn giáo và chính trị của Moscow. Nguyên văn xin đọc tại địa chỉ https://www.pillarcatholic.com/p/russkiy-mir-the-russian-world-meets?s=w



Trong một bài phát biểu năm 2014 nhằm biện minh cho việc sáp nhập Crimea, Vladimir Putin không dừng lại ở các luận điểm chính trị - thực vậy, ông đã đi xa hơn nhiều. Ông đưa ra một khuôn khổ cho một thế giới quan sẽ định nghĩa các năm tháng của ông trong chức vụ tổng thống Nga và điều này sẽ được thường xuyên lặp lại bởi cả các đồng minh chính trị của Putin lẫn các nhà lãnh đạo của Giáo Hội Chính thống Nga.

Hiểu được thế giới quan đó là chìa khóa để hiểu được cuộc xâm lược của Nga vào tháng trước ở Ukraine. Nhưng điều quan trọng nữa là hiểu được tác động của nó đối với các cuộc đối thoại đại kết giữa Vatican với Giáo Hội Chính thống giáo Nga, một điều xem ra chắc chắn sẽ thay đổi sau khi Nga xâm lược có vũ trang vào quốc gia láng giềng của mình.

Năm 2014, khi nhắc đến Thánh Vladimir, Hoàng tử của Kyiv và là tên thánh của Putin, Tổng thống Nga đã lập luận rằng việc trở lại năm 988 của Hoàng tử này sang Chính thống giáo phương Đông “đã xác định trước cơ sở toàn diện của nền văn hóa, văn minh và các giá trị nhân bản vốn thống nhất các dân tộc Nga, Ukraine, và Belarus”.

Cùng lúc đó, trong “bài phát biểu về Crimea” nổi tiếng của Putin, quan niệm Russkiy Mir – ý thức hệ “thế giới Nga”, rất phổ biến trong nền chính trị và Giáo hội Nga - đã được phản ảnh một cách rộng dài và khéo léo. Nó cũng lên khuôn khu vực địa lý được Putin chú ý đặc biệt.

Cho đến năm 2000, Russkiy Mir chủ yếu là vấn đề của giới trí thức. Nhưng vào đầu thế kỷ 21, nó đã trở thành một chiến lược bán chính thức của cả các chính trị gia Nga lẫn các nhà lãnh đạo của Tòa Thượng phụ Moscow liên quan đến các quốc gia láng giềng của Nga.

Theo quan điểm của họ, “thế giới Nga” bao gồm gần như toàn bộ Đông Âu - tất cả các lãnh thổ mà ở các thời điểm khác nhau đều là bộ phận của Đế quốc Nga và Liên bang Xô viết, bao gồm cả cộng đồng cư dân của các quốc gia này ở các khu vực khác trên thế giới.

Khi mô hình "thế giới Nga" bắt đầu nắm bắt được trí tưởng tượng chính trị của Putin, giới lãnh đạo Nga bắt đầu thúc đẩy các quốc gia láng giềng của mình tiến tới sự hội nhập kinh tế, quân sự, chính trị và văn hóa gần nhất có thể.

Đến lượt mình, Giáo Hội Chính thống Nga đóng một vai trò quyền lực mềm, vì mạng lưới các giáo xứ của họ, vốn tồn tại sau sự sụp đổ của Liên Xô, vẫn là một trong những công cụ gây ảnh hưởng hữu hiệu nhất ở các nước khác.

Elena Volkova, một nhà trí thức và cựu giáo sư tại Đại học quốc gia ở Moscow, gần đây đã nói ở Ukraine rằng ý thức hệ “thế giới Nga” có thể được rút gọn thành một kết luận ngắn gọn:

“Nga phải giành lại lãnh thổ của đế quốc. Quyền lực độc quyền đối với các linh hồn phải thuộc về Giáo Hội Chính Thống Nga. Bất cứ cuộc nói chuyện nào về sự độc lập của nhà nước hoặc giáo hội đều bị coi là công việc của kẻ thù, kẻ ngay lập tức bị coi là người theo chủ nghĩa Satan và người theo chủ nghĩa ly giáo, kẻ thù của Giáo hội”.

Ở Belarus, ít có vấn đề trong việc thực hiện chiến lược này, nhưng ở Ukraine, chương trình nghị sự chính trị “thế giới Nga” gặp phải những trở ngại nghiêm trọng đối với việc du nhập chiến lược này.

Đối với nhiều nhà phân tích, dường như giới lãnh đạo chính trị Nga chưa bao giờ thực sự nghĩ tới sự khác biệt về lịch sử văn hóa và chính trị của Nga và Ukraine. Và đối với Giáo Hội Chính thống Nga, tình hình thậm chí còn khó khăn hơn, một phần do sự đa dạng tôn giáo của Ukraine.

Taras Antoshevskyi, Giám đốc Dịch vụ Thông tin Tôn giáo Ukraine, nói với The Pillar, “Bảng màu tôn giáo Ukraine khá đa dạng”.

Ở Ukraine, “có những cơ cấu phát triển tốt của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp và Công Giáo La Mã, mặc dù họ là thiểu số - chỉ 10% người Ukraine là Công Giáo – nhưng họ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các diễn trình tôn giáo xã hội trong nước”.

Antoshevski nói thêm, “Ngược lại, Chính thống giáo Ukraine bị chia rẽ kể từ năm 1989: một bộ phận tiếp tục hợp nhất với Tòa Thượng phụ Moscow, trong khi một nhóm khác đòi độc lập và vào năm 2019 đã nhận được tư cách tự trị từ Tòa thượng phụ Constantinople”.

“Và sau đó có nhiều cộng đồng Tin lành rất tích cực về mặt xã hội.”

Ý thức hệ “thế giới Nga” phần nào phổ biến với Tòa Thượng phụ Moscow và thế hệ cũ, vốn muốn khôi phục Liên Xô, nhưng nó đã bị các thành viên của các Giáo Hội khác và xã hội Ukraine rộng lớn hơn tri nhận một cách tiêu cực.

Sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine ở Ukraine có lẽ đã trở thành vấn đề nghiêm trọng nhất đối với Giáo Hội Chính Thống Nga.

Trong một chuyến thăm Ukraine năm 2009, Thượng phụ Kirill của Moscow, trong một bài giảng, đã mô tả Người Công Giáo Hy Lạp Ukraine là những người cố gắng “thay đổi cuộc sống của mọi người bằng vũ lực, thay đổi văn hóa, đức tin, bản sắc dân tộc của họ”.

Quan điểm của Kirill rất rõ ràng: bản sắc và văn hóa Ukraine thuộc về “thế giới Nga” và những người Công Giáo Hy Lạp Ukraine đã pha mình vào điều đó.

Không muốn trực tiếp giải quyết những bất đồng lịch sử chung với người Công Giáo Hy Lạp Ukraine, Tòa Thượng phụ Moscow đã tìm cách giải quyết vấn đề của mình bằng bàn tay của Vatican.

Kể từ những năm 1990, hầu hết mọi nỗ lực của Giáo Hội Chính Thống Nga trong cuộc đối thoại Công Giáo-Chính thống đều tập trung vào giải pháp cho “vấn đề qui hiệp” (uniate problem)- tức là các vấn đề giáo hội học và văn hóa đặt ra cho Giáo Hội Chính Thống Nga do sự hiện hữu của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine.

Lợi dụng mong ước của Vatican muốn tiếp tục đối thoại với Giáo hội Nga, ban lãnh đạo của Tòa Thượng phụ Moscow nhằm thúc đẩy Vatican quay trở lại tình trạng trước năm 1989, khi Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine chính thức bị cấm ở Liên Xô và sau năm 1946 chỉ hiện hữu một cách hầm trú và ở hải ngoại.

Sau khi sáp nhập Crimea, và trước chuyến thăm của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin tại Moscow vào năm 2017, Tổng Giám Mục Hilarion Alfeev, người trên thực tế là Bộ trưởng Ngoại giao của Tòa Thượng phụ Moscow, một lần nữa nhắc lại rằng “Vấn đề nhức nhối nhất trong tương quan giữa các Giáo hội của chúng ta là Nghị quyết Qui Hiệp (*), vốn đã và đang gây tổn hại nghiêm trọng cho các mối tương quan Chính thống-Công Giáo nói chung trong nhiều thế kỷ”.

Quan điểm của Hilarion không hoàn toàn xa lạ với một số người ủng hộ chính sách Ostpolitik ở Vatican, họ sẵn sàng đối thoại với Moscow ngay cả khi những người Công Giáo Đông phương Ukraine phải trả giá.

Và thực thế, sự xuất hiện của các Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Hy Lạp ở Ukraine và Lỗmani vào những năm 1980 từ tình huống hầm trú đã ảnh hưởng đến tiến trình đại kết. Nhưng tình hình đó cho thấy mức độ cuộc đối thoại Công Giáo-Chính thống phụ thuộc vào tình hình ở châu Âu thời hậu chiến.

Cha Andrii Mykhaleiko, một nhà Giáo sử học tại Đại học Công Giáo Eichstätt-Ingolstadt ở Đức, nói với The Pillar rằng “tình hình sau năm 1989 xác nhận rằng cuộc đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính thống phụ thuộc vào hiện trạng địa chính trị và đại kết của những năm 1970 và Những năm 1980, cả Chính thống giáo và Công Giáo đều không thể thấy trước những thay đổi của năm 1989 ”.

Kể từ năm 1989, tình hình chính trị ở Đông Âu đã thay đổi đáng kể, nhưng cuộc đối thoại đại kết, ít nhất là ở khu vực này của thế giới, dường như vẫn khiến nhiều người Ukraine trở thành con tin cho những nỗ lực của Nga nhằm xây dựng lại đế chế dưới chiêu bài “Thế giới Nga".

Nhưng hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine đã làm dấy lên câu hỏi về việc duyệt lại chính sách Ostpolitik của Vatican, vì cả hai vấn đề của chính sách đối ngoại và đối thoại đại kết.

Và đối với nhiều người Ukraine theo dõi cách tiếp cận của Vatican trong cuộc đối thoại với Moscow, vài tuần qua đã làm rõ điều mà người Công Giáo ở Đông Âu đã tranh cãi trong nhiều thập niên: rằng mục tiêu duy trì quan hệ giữa Tòa thánh và các chế độ độc tài bằng mọi giá sẽ chỉ gây hại cho Giáo Hội Công Giáo và sứ mệnh của nó trên thế giới.

Nếu không có gì khác, cuộc chiến dường như chắc chắn sẽ thay đổi đường nét của các cuộc đối thoại đại kết của Vatican và thay đổi một cách nhanh chóng.

Tiến sĩ Oleh Turii, phó viện trưởng Đại học Công Giáo Ukraine, nói với The Pillar tuần này rằng:

“Chúng tôi thấy hiện nay người ta đang đoàn kết như thế nào xung quanh các nguyên tắc nền tảng và các giá trị tốt đẹp cho tương lai của nhân loại. Điều này cho chúng ta hy vọng rằng nó cũng sẽ sớm chữa lành cuộc đối thoại đại kết”.

“Các mối liên hệ chân thành giữa các Kitô hữu không thể được xây dựng trên các tối hậu thư, dối trá, hay ý thức hệ. Chúng chỉ có thể phát triển trên nền tảng mong muốn chân thành của cả hai bên là khôi phục sự thống nhất của Giáo hội”.
_______________________________________________________
Ghi chú

(*) Có ý nói tới Union of Brest, tức nghị quyết năm 1596 đã tạo ra Giáo Hội Công Giáo Ukraine.