Theo tường thuật của Inés San Martín thuộc tạp chí Crux Now, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngài đã cho Tổng thống Nga Vladimir Putin biết ngài sẵn sàng đến Moscow để vận động cho hòa bình.



Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere della Sera, Đức Giáo Hoàng cho biết ngài cũng đã cảnh cáo thượng phụ Kirill của Nga không nên trở thành "cậu bé giúp lễ" cho Điện Kremlin, và so sánh cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine với nạn diệt chủng ở Rwanda.

Đức Phanxicô nói, “Vào ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh, tôi đã gọi điện cho Tổng thống Ukraine Zelensky. Nhưng vào dịp đó, tôi đã không gọi cho Putin. Tôi được nghe ông ấy nói vào tháng 12 nhân ngày sinh nhật của tôi nhưng lần này thì không, tôi đã không gọi ”.

Tuy nhiên, ngài muốn làm "một cử chỉ rõ ràng" cho thế giới thấy, đó là lý do ngài đến tòa Đại sứ Nga tại Tòa thánh.

Đức Phanxicô tiết lộ, “Tôi yêu cầu họ giải thích; Tôi nói, ‘làm ơn dừng lại’”. Trước đó, ngài đã thừa nhận rằng, "Tôi đã yêu cầu Đức Hồng Y [Pietro] Parolin, 20 ngày sau cuộc khởi chiến, gửi cho Putin thông điệp cho hay tôi sẵn sàng đến Moscow. "

Bất chấp những nỗ lực ngoại giao của Vatican, Đức Giáo Hoàng cho biết Tòa Thánh vẫn chưa có câu trả lời và ngài lo ngại rằng Putin sẽ không thể, hơn là sẽ không, gặp ngài vào lúc này.

Ngài nói, "Nhưng một sự tàn bạo như vậy, làm thế nào bạn có thể không ngăn chặn nó? 25 năm trước với Rwanda, chúng ta đã trải qua điều tương tự."

Theo tờ báo Ý, đã có một giọng bi quan trong ý kiến của Đức Giáo Hoàng khi ngài nhắc lại những nỗ lực mà Vatican đã và đang thực hiện để cố gắng bảo đảm một lệnh ngừng bắn.

Đức Giáo Hoàng cũng được trích dẫn nói rằng ngài đã cố gắng suy nghĩ về gốc rễ của hành vi dường như không thể ngăn cản của Putin, thừa nhận rằng đó có thể là "NATO sủa trước cửa nhà của Nga."

Ngài nói, “Tôi không thể nói liệu cơn giận này có bị kích động hay không. Nhưng có lẽ được tạo điều kiện."

Về câu hỏi các nước NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine để cố gắng chống lại cuộc xâm lược của Nga, tờ báo Ý cho biết Đức Phanxicô đã bày tỏ sự nghi ngờ của mình.

Một mặt, học thuyết của ngài về hòa bình tập trung vào việc lên án cuộc chạy đua vũ trang và kêu gọi phi sản xuất vũ khí, nhưng ngài hiểu nhu cầu của người Ukraine là phải tự vệ.

Đức Giáo Hoàng nói, “Tôi không thể trả lời, tôi còn ở quá xa, câu hỏi liệu có đúng hay không việc cung cấp vũ khí cho người Ukraine. Điều rõ ràng là vũ khí đang được thử nghiệm ở vùng đất đó. Người Nga hiện biết rằng xe tăng ít có tác dụng và đang nghĩ đến những thứ khác. Các cuộc chiến tranh được thực hiện vì điều này: để thử nghiệm vũ khí mà chúng ta đã sản xuất. Đây là những gì đã xảy ra trong Nội chiến Tây Ban Nha trước Thế hai”.

Ngài nói: “Buôn bán vũ khí là một tai tiếng, rất ít người chống lại nó. Hai hoặc ba năm trước tại [cảng Genoa của Ý], một con tàu chở đầy vũ khí được chuyển đến trên một con tàu chở hàng lớn để vận chuyển chúng đến Yemen. Các công nhân bến cảng không muốn làm điều đó. Họ nói, hãy nghĩ về những đứa trẻ ở Yemen. Đó là một việc nhỏ nhưng là một cử chỉ tốt đẹp. Nên có nhiều biến cố như vậy ”.

Nhấn rằng ngài đã cử hai Hồng Y đến Ukraine - Michael Czerny và Konrad Krajewski - kể từ khi chiến tranh bắt đầu, ngài nói, “Tôi cảm thấy tôi không nên đi. Tôi phải đến Moscow trước, tôi phải gặp Putin trước. Nhưng tôi cũng là một linh mục, tôi có thể làm gì? Tôi làm những gì tôi có thể. Nếu Putin mở cửa…”

Đức Giáo Hoàng cũng chia sẻ thêm về cuộc trò chuyện của ngài với Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill và lý do tại sao thượng phụ cho rằng mình không cố gắng thuyết phục Putin lui bước.

Đức Phanxicô nhắc lại, “Tôi đã nói chuyện với Kirill trong 40 phút qua Zoom. Trong suốt 20 phút đầu tiên, với một tấm thiệp trên tay, ngài đã đọc cho tôi tất cả những lời biện minh cho cuộc chiến. Tôi đã lắng nghe và nói với ngài: Tôi không hiểu gì về điều này. Ngài ạ, chúng ta không phải là các giáo sĩ nhà nước, chúng ta không thể sử dụng ngôn ngữ của chính trị, mà phải sử dụng ngôn ngữ của Chúa Giêsu. Chúng ta là mục tử của cùng một dân thánh của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tìm cách tạo hòa bình, ngăn chặn ngọn lửa vũ khí ”.

Đức Phanxicô cũng nói rằng “Đức Thượng phụ không thể trở thành cậu bé giúp lễ của Putin,” và cuộc gặp thứ hai giữa hai vị, được dự định tổ chức vào ngày 14 tháng 6 tại Giêrusalem, đã bị hủy bỏ.

Thảo luận về sự báo động của ngài về một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba đang diễn ra từng phần - điều mà ngài đã nói từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng vào năm 2013 - Đức Phanxicô nói rằng đó là một nhận xét thực tiễn, khi nhìn vào sự kiện này là Syria, Yemen, Iraq và nhiều người châu Phi, những nơi từng có hết cuộc chiến tranh này đến cuộv chiến tranh khác”.

Ngài nói: “Có những quan tâm quốc tế trong mọi vấn đề này”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô cũng cho hay, “Người ta không thể nghĩ rằng một quốc gia tự do có thể gây chiến với một quốc gia tự do khác”.

Ngài cũng thừa nhận rằng, sau phản ứng từ Ukraine về việc một phụ nữ từ Ukraine và một phụ nữ khác từ Nga vác cây thánh giá trong nghi thức Đi Đàng Thánh giá do Đức Giáo Hoàng chủ trì vào Thứ Sáu Tuần thánh, Đức Hồng Y Krajewski đã nhấn mạnh rằng bài suy niệm dọn sẵn đã không được đọc lên.

Đức Phanxicô cho hay, “Họ đã đúng, ngay cả khi chúng ta không thể hiểu hết được. Họ có một sự nhạy cảm; họ cảm thấy bị đánh bại hoặc bị nô lệ bởi vì trong Chiến tranh thế giới thứ hai, họ đã phải trả giá quá nhiều. Quá nhiều người đã chết, đó là một dân tộc tử vì đạo.”

Đức Giáo Hoàng cũng lấy làm tiếc rằng không có đủ “ý chí” cho hòa bình và ngài “bi quan” về cuộc chiến kể từ khi chứng kiến sự leo thang của Nga và nỗ lực chiếm toàn bộ cảng Biển Đen của Ukraine.