Theo nhà bình luận Andrea Gagliarducci trên bản tin của CNA ngày 9 tháng 5 năm 2022, với cuộc phỏng vấn dành cho tờ báo Ý Corriere della Sera ngày 3 tháng 5, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như đốt cháy những nhịp cầu đối thoại đại kết với Giáo hội Chính thống Nga, một điều được Vatican dày công xây dựng.



May mắn một điều, các thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo đã nhóm họp tại Rôma trong cùng tuần đó, tạo ra một động lực mới cho cuộc đối thoại giữa các tuyên tín Kitô giáo.

Đối thoại đại kết hiện đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tình hình ở Ukraine. Trước chiến tranh, đã có một cuộc ly giáo Chính thống giáo, với việc thành lập Giáo Hội Chính thống Ukraine, dẫn đến sự rạn nứt giữa Tòa Thượng phụ Moscow và Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople.

Moscow tiếp tục mối liên hệ song phương với Rôma nhưng bác bỏ các biến cố đối thoại nội bộ Chính thống giáo do Constantinople chủ trì và cũng đưa ra một chính sách giáo hội hung hãn, ngay trước cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraina, dẫn đến việc thành lập một giáo phận ở Châu Phi trong lãnh thổ thuộc quyền tài phán của Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp của Alexandria và toàn bộ châu Phi.

Chiến tranh đã làm thay đổi tình hình. Ngay chi nhánh của Giáo hội Chính thống Ukraine có liên hệ với Tòa Thượng phụ Moscow cũng đã bác bỏ đường lối của Thượng phụ Kirill của Moscow và toàn bộ nước Nga, người vốn biện minh cho cuộc xâm lược của Nga.

Khả năng duy nhất để Tòa Thượng phụ Moscow thoát khỏi tình trạng bị cô lập là đối thoại với Rôma. Một cuộc gặp gỡ thứ hai giữa Đức Phanxicô và Kirill ở Giêrusalem đang được thăm dò. Nhưng sau đó Tòa thánh đã quyết định hủy bỏ cuộc họp.

Sau đó là cuộc phỏng vấn của Đức Giáo Hoàng với tờ Corriere della Sera, trong đó ngài kể lại cuộc điện đàm qua video của ngài với Thượng phụ Kirill vào ngày 6 tháng 3 và cảnh cáo nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga không nên trở thành “cậu bé giúp lễ của Putin”.

Nếu cuộc họp thứ hai bị hủy bỏ vì lý do thích đáng, thì lời nói của Đức Thánh Cha Phanxicô đã đốt cháy những nhịp cầu đối thoại với Tòa Thượng phụ Moscow.

Tòa thượng phụ phản ứng bằng cách nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn “giọng điệu sai lầm” để truyền đạt nội dung cuộc trò chuyện với Kirill, nhấn mạnh rằng “những lời nói như vậy khó có thể mang lại cuộc đối thoại xây dựng hơn nữa giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Chính thống giáo Nga, một điều rất cần thiết tại thời điểm hiện nay."

Tòa Thượng phụ Moscow đã đăng bản tóm tắt những lời của Kirill nói với Đức Giáo Hoàng trên trang web chính thức của mình. Bản văn nêu bật vụ thảm sát được báo cáo của những người nói tiếng Nga ở thành phố Odesa, miền nam Ukraine vào năm 2014 và sự mở rộng về phía đông của NATO, cho hay đó là hai nguyên nhân khiến Nga xâm lược Ukraine. Kirill nói với Đức Giáo Hoàng rằng tình hình hiện tại khiến ông ta “rất đau đớn”.

Ông ta nói, “Đoàn chiên của tôi ở cả hai phe xung đột và hầu hết trong số họ là những người Chính thống giáo. Một phần của phe đối lập cũng nằm trong đoàn chiên của ngài. Do đó, tôi muốn, bỏ khía cạnh địa chính trị sang một bên, để đặt ra vấn đề làm thế nào chúng ta và các Giáo hội của chúng ta có thể ảnh hưởng đến tình hình. Làm thế nào chúng ta có thể cùng nhau hành động để mang lại hòa bình cho các bên thù địch với mục đích duy nhất là thiết lập hòa bình và công lý? Điều rất quan trọng là trong những điều kiện này nên tránh leo thang hơn nữa”.

Trên thực tế, Tòa Thượng phụ Moscow đã yêu cầu Rôma không xem xét các biến cố chính trị và quốc gia, trong khi giữ cho mình khả thể nói chuyện và bình luận về chúng – trong yếu tính, tiếp tục là một Giáo hội nặng tính quốc gia. Đây là một quan điểm mà Đức Giáo Hoàng và Tòa thánh không thể chấp nhận: đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cuộc xung đột phải được đương đầu từ góc độ tôn giáo, bỏ chính trị sang một bên.

Lập trường của những người trên chiến tuyến rất khác nhau. Một bài phát biểu vào tuần trước của Đức Đại Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, đã làm sáng tỏ thêm tình hình.

Phát biểu tại cuộc họp toàn thể của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo vào ngày 5 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nhấn mạnh rằng cuộc chiến do Nga tiến hành là "ý thức hệ" và nhằm "loại bỏ người dân Ukraine." Ngài nhấn mạnh các huấn thị được đưa ra cho các binh sĩ Nga về cách đối xử với người Ukraine, nói rằng chúng giống như một “cẩm nang diệt chủng”.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nhấn mạnh rằng cuộc chiến đã củng cố sự hiệp nhất giữa các cộng đồng tôn giáo của Ukraine. Ngài nêu rõ Hội đồng Các Giáo Hội và Tổ chức Tôn giáo Toàn Ukraine, bao gồm đại diện của Giáo Hội Chính thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Moscow "trong 70 ngày đã có thể chuẩn bị 17 tài liệu" liên quan đến cuộc chiến.

Một cách đặc biệt, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nhắc lại rằng vào trước cuộc tấn công của Nga, Hội đồng Các Giáo Hội và Tổ chức Tôn giáo Toàn Ukraine đã tự đề xuất mình làm trung gian hòa giải, bởi vì “nếu các nhà ngoại giao và chính trị gia không thể tránh được cuộc đối đầu vũ trang, thì những người theo giáo hội chúng tôi muốn trở thành cơ quan có thể làm trung gian theo một nghĩa nào đó và cũng để ngăn chặn cuộc đối đầu vũ trang ”.

Hội đồng Các Giáo Hội và Tổ chức Tôn giáo Toàn Ukraine cũng đã viết “một lá thư cho các nhà lãnh đạo tôn giáo của Belarus” khi chính phủ Nga buộc Belarus hỗ trợ trong cuộc xung đột.

Theo Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, việc làm của Hội đồng Các Giáo Hội và Tổ chức Tôn giáo Toàn Ukraine và sự tham gia tích cực của các thành viên của Giáo Hội Chính thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Moscow cho thấy "nạn nhân chính của cuộc tấn công này của Nga là Giáo Hội Chính thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Moscow."

Đức Tổng Giám Mục Onufriy, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Moscow, lên án chiến tranh. Đồng thời, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cho biết, “ít nhất 15 linh mục Chính thống giáo của Nga trong số 53” ở Ukraine đã ngừng không cầu nguyện cho Thượng phụ Kirill trong các buổi phụng vụ thánh.

Nhà lãnh đạo Công Giáo cho biết cũng có một “sự chuyển các giáo xứ từ sự quản lý của Tòa Thượng phụ Moscow sang sự quản lý của Giáo hội Chính thống Ukraine.” Cho đến nay, hơn 200 giáo xứ đã hoàn thành việc di chuyển này.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nhấn mạnh rằng phản ứng đại kết đối với cuộc chiến là nhất trí và là một trong những "sự lên án rõ ràng."



Trong lời phát biểu dẫn nhập của ngài tại cuộc họp toàn thể, Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch người Thụy Sĩ của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo, đã đề cập đến cuộc chiến đang diễn ra.

Ngài nói: “Năm nay, một cách bất ngờ, chủ nghĩa đại kết cũng đã phải đối đầu với những căng thẳng nghiêm trọng. Trên hết, tôi nghĩ đến cuộc chiến khủng khiếp của Putin ở Ukraine, cuộc chiến không những tạo ra sự chia rẽ sâu xa và mới mẻ trong thế giới Chính thống giáo, mà còn gây ra sự khó chịu đại kết nghiêm trọng ”.

“Sự kiện một cuộc chiến khủng khiếp như vậy, với rất nhiều người tị nạn và bị sát hại, còn được hợp pháp hóa từ quan điểm tôn giáo hẳn phải làm rung chuyển một linh hồn đại kết và xứng đáng với cái tên mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đặt cho nó: phạm thượng.”

“Nếu chúng ta còn xem xét rằng trong cuộc chiến ở Ukraine, các Kitô hữu chiến đấu chống lại các Kitô hữu và cả việc người Chính thống giáo sát hại lẫn nhau, thì chúng ta phải nhìn nhận tính nặng nề của những vết thương đại kết đã gây ra và để chữa lành, không những cần thời gian mà còn trên hết cần phải hoán cải.”

Đức Hồng Y Koch nói thêm rằng “cuộc xâm lược của Putin đã thúc đẩy các Kitô hữu và Giáo hội ở Ukraine đoàn kết với nhau”.

Ngài nói: “Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy Chúa có thể viết thẳng ngay cả trên những dòng rất ngoằn ngoèo".

Không có gì ngạc nhiên khi những lời lẽ bất ngờ và không mấy ngoại giao của Đức Giáo Hoàng đã gây ra phản ứng từ Tòa Thượng Phụ Moscow. Giáo Hội Chính thống Nga trước đây vốn trông mong nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô một cách khả dĩ để vượt qua sự cô lập quốc tế của mình.

Thực tế, xem ra Đức Giáo Hoàng đã đốt cháy những nhịp cầu đối thoại. Nhưng bằng cách nào đó, Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo đã tái lập chúng, đồng thời nói rõ rằng họ không đồng ý với cuộc chiến ở Ukraine hoặc các chủ trương của Tòa Thượng phụ Moscow.