Trên CNA ngày 20 tháng 5, 2022, Sue Ellen Browder bình luận rằng: Nếu phán quyết của Tòa án Tối cao Pháp viện về việc hợp pháp hóa phá thai trên toàn quốc bị lật ngược, thì đó không phải là do một bên thua và bên kia thắng, mà vì quan điểm của nó được xây trên cát. Sau đây là bản dịch Việt Ngữ bài nhận định của tác giả:



Cách đây vài năm, trong khi thực hiện một số phóng sự điều tra về lịch sử của phong trào nữ quyền cho cuốn sách Subverted (Bị lật đổ) của mình, tôi đã đi từ California đến Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ để đọc các hồ sơ của Harry A. Blackmun. Trong diễn trình nghiên cứu trước đây, tôi đã phát hiện ra rằng một cuốn sách ít được biết đến có tựa đề Abortion (Phá thai) - chứa đựng nhiều sai sót về lịch sử, xã hội, luật pháp và thần học - đã được sử dụng làm nền tảng để xây dựng các lập luận trong ý kiến năm 1973 của Tối cao Hoa Kỳ về Roe v. Wade Doe v. Bolton, hợp pháp hóa việc phá thai ở mọi tiểu bang vào bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ.

Để nền dân chủ của chúng ta hoạt động hữu hiệu, người Mỹ dựa vào Tối cao Pháp viện để xây dựng ý kiến pháp lý của mình chỉ trên những nguồn tin cậy và vững chắc nhất. Vậy làm sao Tòa án lại có thể trích dẫn cuốn sách không đáng tin cậy này đến bảy lần để làm nguồn cho quyết định gây tranh cãi nhất thế kỷ 20?

Chánh án Harry Blackmun, tác giả của Roe Doe, dường như đã giữ lại mọi mẩu giấy vụn trên bàn làm việc của mình – 500,000 trang tất cả, (cùng với 38 giờ lịch sử truyền miệng) hiện nằm trong khoảng 1,600 hộp trên hơn 600 bộ Anh kệ trong Thư viện Quốc hội Mỹ. Vì vậy, các hồ sơ Blackmun dường như có thể chứa những manh mối giúp làm sáng tỏ bí ẩn.

Cuộc tranh luận phá thai ở quốc gia của chúng ta thường được coi như một cuộc chiến tranh văn hóa giữa “những người theo Đảng Dân chủ cấp tiến” chống lại “những người Cộng hòa bảo thủ”. Vấn đề phân cực mạnh mẽ này đã ảnh hưởng đến cả ba nhánh của chính phủ ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương. Vậy làm thế nào mà Harry Blackmun, được mọi tường trình cho là một người đàn ông tốt của gia đình, tự xưng là đảng viên Đảng Cộng hòa bảo thủ và Kitô hữu, lại kết cục viết ra các ý kiến trong các vụ RoeDoe để hợp pháp hóa việc phá thai ở mọi tiểu bang?

Nói một cách nhẹ nhàng, điều ấy không dễ hiểu. Là người được Richard Nixon bổ nhiệm và là đảng viên Cộng hòa bảo thủ được Thượng viện Hoa Kỳ xác nhận trong cuộc bỏ phiếu 94-0, Blackmun từng lớn lên trong một khu dân cư thuộc giai cấp lao động ở St. Paul, Minnesota, là con trai của một người cha phải vật lộn kiếm sống bằng việc bán buôn rau trái. Có tài hùng biện, Blackmun đã giành được học bổng vào Harvard ở tuổi 16, nhưng việc xa nhà đối với anh là một điều khó khăn. Đêm trước khi lên đường vào học năm đầu tại Harvard, cả anh lẫn mẹ anh đều khóc, và anh viết trong nhật ký của mình rằng “chia tay với những người thân tốt nhất ở nhà và với những người bạn tuyệt vời nhất trên đời, quả là một công việc cực kỳ khó khăn.” Ở tuổi 61, khi đến Tòa án, Blackmun được cho là một người chồng và một người đàn ông gia đình tận tụy, tham dự Giáo Hội Giám lý Thống nhất, đóng góp mười phần trăm thường xuyên và thậm chí thỉnh thoảng còn giảng thuyết nữa.

Ngay sau khi Blackmun đến tòa án, nhiệm vụ được giao cho ông như một bất ngờ không được chào đón. Trưởng Chánh án Warren Burger (một người bạn thời thơ ấu của ông) đã giao cho ông nhiệm vụ viết các ý kiến - mặc dù theo các cựu phóng viên của Washington Post là Bob Woodward và Scott Armstrong, tay nghề của Blackmun thiếu sự tinh tế và ông ta “cho đến nay là người viết chậm nhất tại Tòa án." Không những số phiếu của các chánh án trong cuộc họp kín sau khi tranh luận miệng quá gần để tuyên bố, mà Trưởng Chánh án còn tin rằng phán quyết cuối cùng của Tòa án sẽ thành hay không là điều phụ thuộc vào việc ghi ý kiến của Blackmun.

Thật không may cho Blackmun, phá thai là một chủ đề được ông hiếm khi nghĩ đến. Một buổi tối kia vào năm 1972, ngay sau khi được giao nhiệm vụ viết các ý kiến về việc phá thai, Blackmun đang ăn tối tại nhà với vợ là Dottie và ba cô con gái lớn của họ. Ông hỏi bốn người phụ nữ ngồi quanh bàn, "em và các con có quan điểm gì về việc phá thai?" Nhà báo Linda Greenhouse của tờ New York Times tường trình rằng con gái út Susan của ông, nhớ lại: “Câu trả lời của mẹ hơi lệch về cánh hữu trung tâm. Mẹ cổ vũ lựa chọn nhưng với một số hạn chế. Câu trả lời của Sally đã được suy nghĩ cẩn thận và ở giữa đường.... Nancy, một sinh viên tốt nghiệp trường Radcliffe và Harvard, đưa thử một ý kiến tả khuynh về mặt trí thức. Tôi lúc ấy vẫn chưa ra khỏi giai đoạn hippie của mình nên phun ra một câu trả lời thật xa về cánh tả, làm ông già điếng hồn. Bố đặt nĩa xuống và đẩy ghế ra sau. Người nói 'Tôi nghĩ tôi phải đi nằm. Tôi bị đau đầu'."

Tuy nhiên, khi đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn, Blackmun không hề chểnh mảng. Được giao một công việc khó khăn phải làm, ông đã quyết tâm làm đúng. Để viết ý kiến của mình, ông lui vào thư viện ở tầng hai của của chánh án, nơi ông dành phần lớn thời gian thức trong cô đơn im lặng, chăm chỉ làm việc bên chiếc bàn dài bằng gỗ gụ. Nhiều tháng trôi qua. Khi tuyết mùa đông tan vào mùa xuân và hoa anh đào nở rộ, Blackmun vẫn cu ky một mình trong thư viện.

Theo hồ sơ của Blackmun, giữa tháng 5, khi cuối cùng, Blackmun đưa bản thảo ý kiến về vụ Roe của mình cho một trong các thư ký luật cánh tả về chính trị, lãnh lương 15,000 đô la một năm, viên thư ký tỏ ý "ngạc nhiên" vì bản dự thảo đã được viết một cách thô thiển và tổ chức rất kém. Nói một cách ngắn gọn hơn, Blackmun đã bị các đồng nghiệp, cả từ cánh tả lẫn cánh hữu tấn công tơi bời. Vì vậy, ông lấy lại bản thảo, yêu cầu mọi bản sao trả lại cho ông. Cảm thấy các tranh luận miệng về các vụ này yếu quá, nên ông đã lên kế hoạch đến thăm Thư viện Bệnh xá Mayo ở St. Paul, Minnesota, để thực hiện cuộc nghiên cứu của riêng ông về việc phá thai. Theo cuốn sách của Greenhouse, Bệnh xá Mayo là một địa điểm đặc biệt đối với Blackmun; Trước đó, ông từng dành điều sau này ông gọi là chín năm hạnh phúc nhất trong cuộc đời chuyên nghiệp của mình ở đó với tư cách là luật sư “của các bác sĩ”.

Theo The Brethren, trong khi ông đang nghiên cứu về việc phá thai tại Mayo vào mùa hè năm 1972, một trong những thư ký luật cấp tiến về chính trị của ông - George Frampton, 28 tuổi - đã ở lại Washington để giúp viết các ý kiến. Trái ngược với Blackmun, George (cựu chủ bút quản lý của Tạp chí Luật Harvard) là một nhà văn xuất sắc. Căn cứ vào hồ sơ ghi chép, rõ ràng là George đã giúp Blackmun sắp xếp các ý kiến và viết phần lớn lịch sử phá thai trong RoeDoe.

Hơn nữa, Blackmun và thư ký của ông đã xây dựng RoeDoe phần lớn dựa trên những các giả thiết sai lầm tìm thấy trong cuốn sách không đáng tin cậy đã đề cập trên đây. Được xuất bản vào năm 1966, tên đầy đủ của cuốn sách là Abortion: The first authoritative and documented report on the laws and practices governing abortion in the U.S. and around the world and how — for the sake of women everywhere — they can and must be reformed (Phá thai: Báo cáo có tài liệu và có thẩm quyền đầu tiên về các luật lệ và thực hành việc quản trị việc phá thai ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới cũng như - vì lợi ích của phụ nữ ở khắp mọi nơi - chúng có thể và phải được cải cách ra sao). Tác giả của nó là một nhà văn viết cho tạp chí tên là Lawrence Lader, người có tác phẩm quan trọng nhất trước đây là cuốn tiểu sử của người sáng lập ra Planned Parenthood, Margaret Sanger (người mà ông tuyên bố là “người có ảnh hưởng lớn nhất” trong cuộc đời mình).

Đồng sáng lập với Tiến sĩ Bernard Nathanson của Hiệp hội Quốc gia Bãi bỏ các Luật Phá thai (nay là NARAL Pro-Choice America), Lader là một người thừa kế kếch xù, người tin rằng thế giới đang trở nên quá đông người nghèo đến nỗi tất cả chúng ta sẽ sớm chết đói, một tiền đề mà ông đặt ra trong một cuốn sách khác của mình, Breeding Ourselves to Death (Tự nuôi mình để chết). Theo quan điểm của ông, cách để ngăn chặn tất cả những phụ nữ nghèo đó đẻ đái quá mức và hủy hoại hành tinh là giúp họ tránh thai, với việc phá thai như một phương án dự phòng khi việc tránh thai không thành công.

Là một nhà cách mạng tình dục, Lader viết trong cuốn Abortion II: Making the Revolution [Phá thai II: Làm Cách mạng] rằng ý tưởng hợp pháp hóa phá thai “đã đánh vào các chủ trương của Giáo Hội Công Giáo Rôma và các đức tin cực đoan, nhưng còn quan trọng hơn, đánh vào toàn bộ hệ thống luân lý tình dục mà tầng lớp trung lưu đã chỉ phục vụ ngoài môi.” Ông nói rằng việc can thiệp vào việc phá thai có nghĩa là toàn bộ hệ thống đạo đức tình dục ở Hoa Kỳ sẽ phải sụp đổ.

Lader từng viết cuốn Abortion của ông để tạo ra một lập luận nhằm bãi bỏ các luật phá thai ở mọi tiểu bang - và ông đã thành công. Lịch sử phá thai bịa đặt của ông ta, cùng với hai tài liệu lịch sử phá thai đầy sai sót của luật sư Cyril Means của NARAL, đã cung cấp cơ cấu căn bản cho phán quyết Roe v. Wade và được trích dẫn rõ ràng trong ý kiến 14 lần.

Một trong những lý lẽ thuyết phục nhất của Lader dựa trên giả thiết cho rằng phá thai theo yêu cầu là “quyền tự do tối thượng” cho phụ nữ - một “quyền” mà phụ nữ luôn mong muốn và là điều, do các phép lạ của y học hiện đại, giờ đây an toàn hơn việc mang thai. Trớ trêu thay, Sanger cuối cùng lại chia rẽ với Lader vì những ý tưởng triệt để của ông ta về phá thai; cô thường xuyên và nhiều lần lên án việc phá thai là tội giết người. Thế nhưng, cho đến cuối tháng 8 năm 1992, theo các hồ sơ ghi chép của mình, Blackmun vẫn lặp lại tuyên bố của Lader rằng phụ nữ “cần” phá thai để được “tự do” khi ông nói RoeDoe “tôi tin là ngã rẽ trên con đường mà chúng ta phải đi hướng tới việc giải phóng phụ nữ."

Điều mà Blackmun dường như không biết là hầu hết các nhà duy nữ lúc ban đầu, tức những người giành cho phụ nữ quyền bỏ phiếu, đều phản đối việc phá thai và cho đến năm 1967, lời kêu gọi cải tổ luật phá thai của Mỹ chủ yếu do nam giới lãnh đạo. Trong tập sách dày 1,283 trang tựa là Dispelling the Myths of Abortion History (Xua tan các huyền thoại về lịch sử phá thai), giáo sư luật của Đại học Villanova đã nghỉ hưu Joseph Dellapenna viết: “Mặc dù thần thoại ngày càng phát triển mô tả toàn bộ phong trào kiểm soát sinh sản, cũng như phong trào cải cách phá thai, trong suốt thế kỷ 20 như một ‘phong trào phụ nữ’, cả hai phong trào phần lớn do nam giới (đặc biệt là bác sĩ) lãnh đạo cho đến cuối những năm 1960." Hơn nữa, Dellapenna nhận xét rằng “cho đến gần đây hầu hết các nhà duy nữ đều là những người phản đối mạnh mẽ việc phá thai, và càng lùi xa về thời gian, các nhà duy nữ gần như đồng lòng tỏ ra thù địch với việc phá thai”.

Nên Dellapenna đặt câu hỏi tại sao lại có rất nhiều nhà sử học phò phá thai (kể cả Lader và Means) dường như “không thể thừa nhận rằng cho đến gần đây, ngay cả những nhà duy nữ đấu tranh nhất cũng coi phá thai là một tội ác ghê tởm chống lại thiên nhiên và chống lại phụ nữ, một tội ác mà xã hội nên cấm và cố gắng loại bỏ”? Ông kết luận rằng những người theo chủ nghĩa xét lại lịch sử đã tạo ra một lịch sử phá thai mới "mà không có bằng chứ nào chứng minh cho nó ngoại trừ trực giác của nhà sử học." Vì vậy, chắc chắn chính giả thiết sai lầm trong cuốn sách của Lader đã dẫn Blackmun và nhân viên của ông ta ra sai lạc.

Nhưng có lẽ chính lập luận có tính thuyết phục hơn của Lader hẳn có liên quan đến tôn giáo - và đặc biệt là với lịch sử Giáo Hội Công Giáo vốn lên án tội cố ý giết một đứa trẻ trong bụng mẹ. Bằng cách chọn và lấy những gì ông có có được trong lịch sử của Giáo Hội, Lader đã bịa ra một lịch sử, trong đó ông cho rằng Giáo hội đã bối rối trong suốt hai ngàn năm qua về việc vạch ra ranh giới phá thai và khi nào thì sự sống bắt đầu. Tự dệt nên một mạng lưới ngôn từ phức tạp, trong đó ông đưa vào một cuộc tranh luận thời trung cổ giữa các nhà thần học về việc khi nào thân thể của một thai nhi được “phú ban một linh hồn”, Lader đã tách linh hồn của đứa bé khỏi thể xác, do đó ngụ ý rằng cho đến khi một “bào thai” được “truyền” linh hồn, em bé trong bụng mẹ không phải là một con người thực ngay cả trong mắt của Giáo hội.

Điều Blackmun không biết là điều được Giáo Hội Công Giáo dạy từ thời các Tông đồ: một nhân vị sống động không bị tách thành hai phần (thể xác / tinh thần), mà là một linh hồn trong thân xác thống nhất. Như David Albert Jones, giám đốc Trung tâm Đạo đức Sinh học Anscombe của Oxford, đã nhận xét trong The Soul of the Embryo [linh hồn của bào thai], ngay cả trong những giai đoạn lịch sử khi cuộc tranh luận về “mặc lấy linh hồn” hay "phú ban cho một linh hồn" đang diễn ra, “việc cố ý phá hủy [phôi thai] đã bị coi là một hình thức tội giết người rồi." Chúa Kitô, Con Thiên Chúa vượt thời gian, đã đi vào thời gian bằng xác thịt như một phôi thai.

Khi Lader cắt và thái theo nghĩa đen một đứa trẻ trong bụng mẹ thành nhiều mảnh - cơ thể vật chất bị tách khỏi linh hồn - ông ta chỉ đơn giản làm vọng lại một tà giáo Ngộ đạo cũ từng gây khó khăn cho Giáo Hội Công Giáo từ thế kỷ thứ nhất. Thuyết Ngộ đạo, một thuyết dạy rằng một “hố phân cách” hiện hữu giữa Thiên Chúa và thế giới vật chất, là một thứ thay hình đổi dạng. Nó có thể có nhiều hình dạng tùy thuộc vào bất cứ ý tưởng nào hiện đang thịnh hành.

Tại sao Blackmun, người đã viết về khái niệm "phú ban linh hồn" [ensoulment] trong các ý kiến của mình, lại dễ mắc phải những sai sót thần học được Lader phổ biến? Mặc dù chúng ta không thể đọc được lòng của Blackmun, nhưng chúng ta có thể biết từ việc đọc các bài báo của ông rằng ông rất thích các lý thuyết của mục sư Tin lành tự do Harry Emerson Fosdick.

Là một nhân vật chủ chốt trong việc chia rẽ cấp tiến-cực đoan trong Phong trào Thệ Phản Hoa Kỳ vào những năm 1920, Fosdick là một người theo chủ nghĩa duy lý, người, trong suốt cuộc đời trưởng thành của mình, đã từ chối đọc kinh Tin Kính Nixêa hoặc Kinh Tin Kính Các Tông Đồ. Ông bác bỏ nhiều giáo huấn của các Tông đồ Kitô giáo, bao gồm cả sự sinh hạ đồng trinh Chúa Giêsu, sự phục sinh thể xác của Người và sự tái lâm (mà ông gọi là “kiểu nói lỗi thời về hy vọng”). Rao giảng “việc làm, chứ không phải tín điều”, Fosdick dạy rằng người ta trở thành “ngôi vị có thực chất” nhờ hành động. Coi đứa trẻ mới sinh như chưa hoàn thành lúc được sinh ra, ông viết: “Sự kiện căn bản liên quan đến các hữu thể nhân bản là mọi đứa trẻ sơ sinh bình thường đều [chỉ] sở hữu những điều thô sơ của cuộc sống bản thân.”

Một trong nhiều nhà phê bình của Fosdick, học giả Tân Ước J. Gresham Machen, từng tuyên bố, “Câu hỏi không phải là liệu ông Fosdick có chiếm được lòng người hay không, mà liệu điều nhờ thế ông chiếm được lòng họ có phải là Kitô giáo hay không”.

Tấn công lại những lời chỉ trích mình, Fosdick phản bác, “Họ gọi tôi là kẻ dị giáo. Vâng, tôi là một kẻ dị giáo nếu tính chính thống qui ước là tiêu chuẩn. Tôi nên xấu hổ vì sống trong thế hệ này chứ không phải vì là một kẻ dị giáo ”.

Tuy nhiên, hàng triệu người Mỹ (bao gồm cả Blackmun) nghĩ rằng Fosdick đơn giản chỉ là kỳ diệu. Đây là một “tin mừng” dễ hiểu, lấy con người làm trung tâm mà không có bất cứ thứ huyền thoại khó hiểu nào trong đó. Nhà kỹ nghệ, từ thiện và kiểm soát dân số John D. Rockefeller Jr bị cuốn hút vào phiên bản “Kitô giáo” của Fosdick đến nỗi ông đã tài trợ cho Nhà thờ Riverside không thuộc tuyên tín nào ở Manhattan (hoàn chỉnh với trường học, phòng tập thể dục, vũ trường và tháp chuông 22 tầng), nơi Fosdick trở thành mục sư đầu tiên và giảng đạo trong 16 năm.

Rất ấn tượng về Fosdick, Blackmun nhớ lại đêm Giáng sinh năm 1930 khi ông, một sinh viên đại học 22 tuổi, được giới thiệu với nhà thuyết giáo nổi tiếng tại nhà một người bạn và họ đã chia sẻ một buổi tối “giáo huấn” với nhau. Ở tuổi 78, trong một bài nói chuyện vào ngày 20 tháng 9 năm 1987, từ bục giảng của Nhà thờ Giám lý Thống nhất Metropolitan Memorial ở Washington, D.C., Blackmun nhắc lại:

“Tiến sĩ Fosdick lúc đó là mục sư cao cấp tại Nhà thờ Riverside và đang ở đỉnh cao danh tiếng khắp nước của mình.... Sau bữa ăn tối, ông hỏi chúng tôi có muốn đi qua nhà thờ và leo lên tháp chuông để ngắm thành phố từ độ cao đó không. Chúng tôi đã đồng ý. Ông dẫn người bạn cùng phòng của tôi và tôi lên những bậc thang dài trong cái lạnh của một đêm tháng mười hai ở New York. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được tầng của những quả chuông và nhìn ngắm điều dường như là một khối lượng lớn ánh sáng. Đèn của Bronx và ngược lên Hudson, chiếu sáng qua East River tới Queens và Brooklyn và Long Island, chiếu sáng về phía Tây qua Hudson đến New Jersey, và chiếu sáng về phía Nam qua chính Manhattan. Tôi đã thốt lên trước vẻ đẹp của nó và thật đặc biệt ra sao khi có mặt ở đó vào đêm Giáng sinh. Tiến sĩ Fosdick quay sang tôi và nói: ‘Anh bạn trẻ, thật là đẹp, nhưng dưới vẻ đẹp hiển nhiên đó và dưới ánh đèn đó có nhiều khốn khổ hơn bạn có thể tưởng tượng.’ Tôi không bao giờ quên.... Cuộc đấu tranh chống lại kẻ không hoàn hảo không bao giờ chiến thắng. … ‘Vấn đề… là bạn sẽ làm gì với nó?’ Đó, tôi nghĩ là thách thức - thách thức Kitô giáo nếu bạn muốn - cho thời nay”.

Theo phiên bản Kitô giáo của Fosdick, thế giới không hoàn hảo và không công bằng, và việc sửa chữa nó hoàn toàn phụ thuộc vào con người dũng cảm, mạnh mẽ, tự lập. Blackmun dường như hình dung mình là một con người như vậy. Chúng ta thường được nghe nói rằng một người phục vụ công chúng không được để mối liên hệ bản thân của mình với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (hoặc sự thiếu vắng chúng) tự “áp đặt” lên những người khác tại các nơi công cộng. Nhưng người ta không thể tách biệt điều họ tin với việc họ là ai và họ làm gì. Các niềm tin của Harry Blackmun về Thiên Chúa và con người đã ảnh hưởng rất nhiều và ảnh hưởng đến việc viết Roe v. Wade, một tài liệu công cộng đã góp phần vào cái chết của hàng triệu con người nhỏ bé vô tội. Như nhà báo Stuart Taylor Jr đã quan sát trên tờ Legal Times, Blackmun đã xem “mọi trường hợp phá thai là một mặt trận mới trong cuộc thánh chiến mà ông ta có lợi ích bản thân cao độ”. Bác bỏ thực tại của việc cuộc sống riêng tư của chúng ta ảnh hưởng đến quảng trường công cộng là sa vào ảo tưởng.

Còn đối với những sai sót lịch sử từng đưa ra các ý kiến phá thai của Tối cao Pháp viện thông qua các lịch sử pháp lý sai lệch do Lader và Means xây dựng, việc trình bày chi tiết tất cả những điều này sẽ cần một cuốn sách dài. May mắn thay, trong Dispelling the Myths of Abortion History [Xua tan các huyền thoại của lịch sử phá thai], Dellapenna đã vạch trần những sai lỗi đó cho chúng ta. Trong bài báo học thuật của mình “Vụ án lịch sử chống lại Roe v. Wade,” ông quan sát thêm rằng trong một phán quyết phá thai khác của tòa án, Casey v. Planned Parenthood (1992), “điểm duy nhất mà cả chín chánh án đều đồng ý... là Tính hợp hiến của các luật phá thai dựa trên sự tương thích của chúng với 'lịch sử và truyền thống' của quốc gia. Thật không may, lịch sử trong vụ Roe phần lớn là sai lầm, và không có chánh án nào trong vụ Casey dường như có xu hướng xem xét lại lịch sử đó theo bất cứ điều gì khác ngoài những từ ngữ tổng quát nhất."

Không hề hối tiếc về những sai sót lịch sử và thần học mà ông ta đã lén lút đưa vào Tòa án, Lader tự hào về những ý tưởng trong cuốn Abortion của mình, đến nỗi ông ta đã viết thêm hai cuốn sách nữa, Abortion II: The Making of a Revolution [Phá thai II: Làm một cuộc cách mạng] và Ideas Triumphant [Các Ý tưởng chiến thắng], trong đó ông ta khoe khoang về chiến thắng của mình. Ngày đưa ra phán quyết phá thai của Tối cao Pháp viện- ngày 22 tháng 1 năm 1973 - Tổng thống Lyndon B. Johnson qua đời, vì vậy vụ việc hầu như không được báo chí đưa tin vào ngày hôm đó. Nhưng Lader lưu ý, và ông ta rất phấn khởi. Ngày hôm sau, ông báo cáo, các nhà lãnh đạo của phong trào phá thai đã ăn mừng với rượu sâm banh, như Lader kể lại trong Ideas Triumphant.

Trong khi đó, vì các ý kiến có quá nhiều sai sót, RoeDoe nhanh chóng gây ra một cuộc tranh cãi gay gắt khiến Blackmun tội nghiệp trở thành mục tiêu chính của sự khinh bỉ học thuật và xỉ nhục của công chúng.

Sự thật toàn diện luôn hợp nhất mọi người. Nhưng “sự thật nửa vời, sự thật có giới hạn và sự thật nằm ngoài ngữ cảnh” (đó là cách được nhà triết học người Pháp Jacques Ellul, trong Propaganda: The Formation of Men's Attitudes [Tuyên truyền: Sự hình thành các thái độ của con người], cho biết hoạt động tuyên truyền có xu hướng chia rẽ chúng ta và chia cắt chúng ta. Những lời chỉ trích đầu tiên về cấu trúc phức tạp của ngôn từ được biết đến dưới danh Roe phát xuất từ cánh tả chính trị.

Trong một bài báo gay gắt trên Tạp chí Luật Yale, giáo sư luật cấp tiến John Hart Ely (một người ủng hộ việc phá thai) đã viết rằng Roe là “một quyết định rất tồi tệ.... Nó tệ bởi vì nó là luật hiến pháp tồi, hay đúng hơn là vì nó không phải là luật hiến pháp và hầu như không cho ta một cảm thức nào buộc phải cố gắng như thế. "

Lời phê bình của Ely sớm nhận được sự tham gia của nhiều tiếng nói có ảnh hưởng khác. Giáo sư luật Laurence Tribe nhận xét trên tạp chí Harvard Law Review: “Một trong những điều gây tò mò nhất về Roe là đằng sau màn khói lời nói của chính nó, phán kết có thực chất mà nó dựa vào không thể tìm thấy ở đâu. Giáo sư luật Gregory Sisk của Đại học St. Thomas, một trong các nhà phê phán Roe nghiêm khắc nhất, tuyên bố trong Missouri Law Review, “Sự nhất quán tổng quát giữa các học giả pháp lý, bất kể quan điểm của họ về phá thai hay kết quả tối hậu trong vụ này như thế nào, vẫn là ý kiến Roe vô giá trị về mặt trí thức và pháp lý.” Như các luật sư phò sinh Dennis J. Horan và Thomas J. Balch đã chỉ ra trong tiểu luận của họ “Roe v. Wade: Không có biện minh trong lịch sử, luật học hoặc luận lý học”: “Hầu như mọi khía cạnh của các lập luận lịch sử, xã hội học, y tế và pháp lý mà Chánh án Harry Blackmun sử dụng để ủng hộ những người chủ trương Roe đã bị chỉ trích dữ dội bởi các học giả. "

Trong khi đó, phản ứng của công chúng đối với Roe thay đổi từ tán dương khen ngợi đến phẫn nộ kịch liệt. Hàng chục nghìn lá thư gửi cho Blackmun dồn dập được gửi đến tòa án, và ông đã đọc gần như tất cả chúng, theo Edward Lazarus trong cuốn Closed Chambers: The Rise, Fall and Future of the Modern Supreme Court [Phòng kín: Sự trỗi dậy, sụp đổ và tương lai của Tối cao Pháp viện hiện đại]. Mọi tính từ có thể tưởng tượng đã chĩa mũi dùi vào Blackmun. Ông ta được gọi là Hitler, Đồ tể của Dachau, Pontius Pilate, Herod, một kẻ giết trẻ em và một thằng điên. Các người viết thư tuyên bố "mẹ của ông đáng lẽ nên phá thai ông" hoặc "Tôi đã cầu nguyện để ông chết ngay lập tức." Ông ta nhận được những lời đe dọa sát hại và, một lần, một viên đạn đã xuyên qua cửa sổ phòng khách nhà ông.

Blackmun, người tự coi mình không phải như một người ủng hộ việc phá thai mà đơn giản chỉ là một người đã nhận được một nhiệm vụ khó khăn và đã cố gắng hết sức để hoàn thành nó, nhưng trải nghiệm khiến ông mất phương hướng. Theo cuốn sách của Greenhouse, viết thư cho một linh mục Công Giáo là bạn riêng của ông, Blackmun đã thú nhận, "Tôi chia sẻ sự ghê tởm của cha đối với việc phá thai." Hơn nữa, nói về tất cả những bức thư giận dữ nhận được, ông đã nói với giám đốc dịch vụ tuyên úy tại Bệnh viện Rochester Methodist, "Trước đây, tôi chưa bao giờ bị xỉ nhục và tra tấn đích danh như vậy." Trong những năm tại Tối cao Pháp viện, Blackmun đã thay đổi từ một trong những thành viên bảo thủ hơn của Tòa án thành một trong những thành viên cấp tiến nhất của nó - có lẽ, một trong những thư ký của ông đã gợi ý, ít nhất một phần do sự tôn sùng mà ông nhận được từ cánh tả và sự phê phán gay gắt nhận được từ cánh hữu, như được kể lại trong Dispelling the Myths [Xua tan huyền thoại].

Mặc dù Blackmun quan tâm tới điều người Mỹ nghĩ về Roe, nhưng theo năm tháng, ông ta trở thành mặt dầy mặt dạn hơn và quyết tâm bám lấy khẩu súng của mình. Treo trên bàn viết của ông tại văn phòng tòa án là một câu trích dẫn đóng khung có tựa đề “Bổn phận như được Lincoln quan niệm”, điều mà theo Koh viết, có nghĩa:

“Nếu tôi cố gắng đọc, huống chi là trả lời, tất cả mọi cuộc tấn công nhằm vào tôi, thì cửa hàng này cũng có thể bị đóng cửa cho bất cứ kinh doanh nào khác. Tôi làm điều tốt nhất tôi biết - điều tốt nhất tôi có thể; và ý tôi là sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến khi kết thúc. Nếu kết thúc khiến tôi đúng, thì những gì nói chống lại tôi sẽ chẳng ảnh hưởng gì. Nếu kết cục khiến tôi sai, thì mười thiên thần thề rằng tôi đúng sẽ không tạo được điều chi khác biệt”.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Blackmun biết rằng ông ta và người thư ký của ông ta đã xây dựng Roe dựa trên những sai sót về lịch sử, pháp lý, xã hội và thần học của Lader - và nhiều nhà duy nữ coi việc phá thai như một tội ác chống lại phụ nữ? Ông ta có biết rằng Fosdick đã sáng chế ra thứ tôn giáo “tự coi mình như thần thánh” của riêng mình, bác bỏ Kinh thánh và các giáo huấn của các tông đồ hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu ông ta biết lập luận "phú ban linh hồn" của Lader (được đề cập cụ thể trong Roe), đã tách linh hồn của thai nhi ra khỏi thân thể, là không chính xác về mặt lịch sử và thần học? Nếu Roe sụp đổ, đó không phải là do một bên thua và bên kia thắng, mà vì quan điểm được xây dựng trên nền tảng cát.

Mặc dù Blackmun chưa bao giờ công khai hối hận vì đã viết RoeDoe, nhưng sự lưỡng nghĩa về các ý kiến đó dường như ám ảnh ông ta suốt quãng đời còn lại. Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào tháng 2 năm 1974 trên tờ Washington Post, ông đã tuyên bố một cách tiên tri rằng phán quyết Roe v. Wade sẽ được coi là "một trong những sai lầm tồi tệ nhất trong lịch sử của tòa án, hoặc một trong những phán quyết vĩ đại của nó, một bước ngoặt", như hồ sơ ghi chép của Blackmun đã cho biết. Phát biểu tại Bữa sáng Cầu nguyện Toàn quốc vào ngày 18 tháng 1 năm 1979, Blackmun trích dẫn Kinh thánh: “Tôi đặt trước anh em sự sống hay sự chết, phước lành hay lời nguyền rủa. Vậy hãy lựa chọn sự sống để anh em và con cháu anh em được sống.” Rồi, ông nói thêm,“Xin giúp giúp chúng con nhớ những từ ngữ đó. Và xin cho chúng con, thực sự, lựa chọn sự sống.”

Khi phát biểu trước công chúng, Blackmun từ chối thừa nhận bất cứ sai sót nào trong các ý kiến. Khi sắp nghỉ hưu, thậm chí ông còn châm biếm trong một bài nói chuyện tại Trường Luật Harvard rằng ông muốn “quanh quẩn và ngăn chặn những kẻ đùa cợt đó lật ngược Roe,” như Sisk kể lại trong “The Willful Judgement of Harry Blackmun.”

Thế nhưng, khi nói chuyện riêng sau cánh cửa đóng kín tại Viện Nghiên cứu Nhân bản Aspen (theo các hồ sơ của Blackmun, một nơi mà ông cảm thấy an toàn vì ông cho rằng không có mặt các phương tiện truyền thông), Blackmun đã thú nhận vào năm 1992, “Việc chèn ngôn ngữ, được một đồng nghiệp nhấn mạnh, đưa tới hậu quả cho rằng một bào thai không phải là một con người đã phát triển như một trọng tâm của hành vi lạm dụng. … Tôi ước gì ngôn ngữ đó không có mặt trong bản thảo cuối cùng.”

Blackmun đã nhiều lần nói rằng ông sẽ đem Roe “xuống mồ” với mình. Và quả ông đã làm như thế. Khi ông qua đời ở tuổi 90, gần như mọi tờ báo trong nước đều đề cập đến Roe hoặc "quyền" phá thai trong dòng tiêu đề trên các bài chia buồn vê ông. Đối với một cậu bé lớn lên trong một khu dân cư của tầng lớp lao động ở St. Paul và sau đó, trở thành một trong các thẩm phán nhiều uy quyền nhất ở Hoa Kỳ, sự kiện ký ức về ông được nối kết chủ yếu với một vụ duy nhất này quả là một di sản đáng buồn.Trong một bước ngoặt trớ trêu, tại lễ tưởng niệm của ông, được tổ chức vào ngày 9 tháng 3 năm 1999, tại Nhà thờ Metropolitan Memorial United Methodist, cộng đoàn đã hát bản nhạc yêu thích của Blackmun, The Whiffenpoof Song - “Chúng tôi là những chú cừu non tội nghiệp, chúng tôi là những chú cừu non lạc lối. ”

Một trong nhiều điều bất ngờ trong Hồ sơ Blackmun là một bài thơ cảm động của một tác giả ẩn danh. Không rõ liệu Blackmun, đảng viên Cộng hòa, đã viết nó hay chỉ đơn giản là một tác phẩm yêu thích của ông. Bài thơ được đánh trên một máy đánh chữ thủ công cũ của thế kỷ 20 và có tựa đề The Dawning:

“Tôi cầu nguyện như tên trộm thống hối đã cầu nguyện
Với Đấng đã chết trên đồi Canvê,

' Lạy Chúa, khi Ngài vào vương quốc của Ngài,
Xin hãy thương xót nhớ đến con. '

Chúng con không biết, không biết những gì chúng con đã làm,
Và, quả thực, Ngài là Con Thiên Chúa;

Ngài đã cầu nguyện cho chúng con, những người đã giết Ngài
Lạy Chúa, xin tha thứ, xin tha thứ cho con ngay bây giờ”.


Trong một số giới của xã hội chúng ta, Roe v. Wade đã được tôn thờ trong gần 50 năm như thể đó là một vị thần bằng đá mà dưới chân có khắc những chữ này "trên tảng đá này là cuộc giải phóng phụ nữ." Thực ra, ý kiến không phải như thế. Vì Roe chỉ đơn thuần là một tài liệu bằng giấy được xây dựng bằng những từ ngữ được viết đi viết lại bởi những người không hiểu biết - và, dưới ánh sáng của một ngày mới, có thể được viết lại.