Công hàm bị trả lại

David Kertz cũng từng phê phán bộ Les Actes et Documents de La Sainte Siège Relatifs à La Second Guèrre Mondiale của 4 sử gia Dòng Tên thu thập và hiệu đính các tài liệu nói về triều Giáo Hoàng của Đức Piô XII vì đã cố tình chỉ sưu tập các tài liệu để biện minh cho Đức Piô XII, bỏ qua nhiều tài liệu bất lợi cho việc này.



Theo Nicole Winfield của Hãng tin Associated Press, chính Đức Cha Sergio Pagano, quản thủ các văn khố của Tòa Thánh, cũng thừa nhận nhiều thiếu sót của Bộ Tài liệu này. Thực vậy, ngài nói: các cha Dòng Tên “đôi khi chỉ nhìn một nửa tài liệu, mà không nhìn nửa kia” và ngài thấy các ngài bỏ sót nhiều tài liệu khác. Tuy nhiên, ngài xác nhận không phải vì các ngài muốn che giấu các sự thật gây bất lợi mà chỉ vì không tiếp cận trọn vẹn được mọi tài liệu và phải làm việc trong cảnh hỗn loạn của thời gian hạn chế trong khi văn khố chưa được sắp xếp đàng hoàng (Xem https://www.durangoherald.com/articles/vaticans-pius-xii-archives-begin-to-shed-light-on-wwii-pope/).

Có lẽ chính vì thế, Tiến sĩ sử học Johan Ickx, giám đốc văn khố lịch sử của Phân Bộ Liên hệ với Các Nhà Nước (bộ ngoại giao) thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, sau 10 năm làm việc tại Văn Khố, đã bổ túc Bộ tài liệu 11 cuốn của các Cha Dòng tên bằng cuốn Le Bureau — Les Juifs de Pie XII [Văn phòng – Người Do Thái của Đức Piô XII], do nhà Michel Lafon xuất bản ngày 10 tháng 9, 2020.

Văn phòng đây chỉ nhóm đặc biệt tại phân bộ ngoại giao của phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh phụ trách vấn đề Do Thái và Quốc Xã nói chung. Văn phòng này gồm những tên tuổi như Tardini và Montini (Đức Phaolô VI sau này).

Trong cuốn sách trên, Tiến sĩ Ickx tiết lộ một điều mà ông cho rằng các nhà sử học nên nghiên cứu sâu rộng đó là việc vào ngày 17 tháng 3 năm 1943, một công hàm của Tòa Thánh gửi cho Đức bị họ từ chối tiếp nhận (xem https://fsspx.news/en/news-events/news/pius-xii-silence-explained-60867).

Công hàm này là một lá thư của Tòa Thánh gửi chính phủ Đức phản đối chính sách dã man của Quốc Xã. Khi Quốc Xã không tiếp nhận, Đức Tổng Giám Mục Cesare Orsenigo, sứ thần Tòa Thánh tại Đức đã nhận lại nó. Và tại Tòa Thánh, có phiên họp khẩn giữa Đức Hồng Y Giuseppe Maglione, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Piô XII để bàn về việc phải làm gì với công hàm này. Phiên họp đã quyết định không đăng công hàm vào Actae Apostolicae Sedis (Công Báo của Tòa Thánh). Nhưng Đức Piô XII ra lệnh cho Đức Tổng Giám Mục Orsenigo viết thư cho chính phủ Đức, nói cho họ hay thái độ của họ “không thân thiện đối với Tòa Thánh” và thêm rằng “Tòa Thánh coi công hàm đã được đệ trình”.

Ickx giải thích rằng từ chối không tiếp nhận công hàm gần giống như một cuộc tuyên chiến và do đó, kể từ đó, Tòa Thánh và Đức rơi vào tình trạng “chiến tranh lạnh”. Việc xếp tài liệu này vào nhóm hồ sơ Do Thái cho thấy “các cố gắng và ý hướng của Tòa Thánh là cứu mọi sinh mạng bất kể mầu da hay tín ngưỡng”.

Biến cố lùng bắt người Do Thái ở Rome ngày 16/10/1943

Kertz cho rằng biến cố lùng bắt người Do Thái ở Rome ngày 16 tháng 10 năm 1943 đủ để chứng tỏ Đức Piô XII hoàn toàn im lặng trước nỗi thống khổ của người Do Thái. Nhưng theo giáo sư Napolitano (https://www.catholicworldreport.com/2021/01/08/pius-xii-the-new-vatican-archives-and-the-hypologists/), câu truyện thực sự diễn ra như sau:

Bản tường trình về ngày 16 tháng 10 năm 1943, một bản ghi nhớ viết tay của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Maglione (có thể lấy lại trong tập thứ chín của bộ Les Actes et Documents de La Sainte Siège Relatifs à La Second Guèrre Mondiale ), đã được chuẩn bị ngay sau cuộc đàm luận của Đức Hồng Y với von Weizsäcker, đại sứ Đức bên cạnh Tòa Thánh. Tài liệu cho thấy những điều sau:

1. Khi biết về cuộc vây bắt của Đức Quốc xã vào sáng sớm ngày 16 tháng 10 năm 1943, Đức Hồng Y Maglione, thực hiện chỉ thị khẩn cấp của Đức Piô XII, đã triệu tập Đại sứ Đức von Weizsäcker, yêu cầu ông can thiệp có lợi cho người Do Thái ở Rome, “những người tội nghiệp ”[Trong tiếng Ý:“ quei poveretti ”] nhân danh lòng nhân đạo và lòng bác ái Kitô giáo.”

2. Đại sứ Đức, người đã được thông báo về cuộc lùng bắt, đã xúc động trả lời rằng ông đang mong đợi Đức Hồng Y Maglione hỏi ông tại sao ông vẫn ở lại nhiệm sở của mình. Đức Hồng Y Maglione trả lời rằng vào một thời điểm khủng hoảng như thế này, ngài sẽ không hỏi điều đó, nhưng lặp lại lời kêu gọi thống thiết của mình, nhân danh Đức Giáo Hoàng: “thưa ngài, ngài là người có một trái tim dịu dàng và yêu thương như vậy, xin hãy cố gắng cứu rất nhiều người vô tội. Thật là một sự đau khổ không thể nói thành lời rằng ở Rome, dưới con mắt của Cha Chung Vĩnh Cửu [Von Weizsäcker là một người theo giáo phái Luthêrô], nhiều người phải chịu đựng chỉ vì họ thuộc một chủng tộc nào đó. "

3. Sau một hồi suy nghĩ, đại sứ Đức hỏi Vatican sẽ làm gì, nếu mọi việc vẫn tiếp tục như vậy. Đức Hồng Y Maglione trả lời, “Tòa thánh không thích bị đặt vào nhu cầu phải bày tỏ sự phản đối của mình.”

4. Von Weizsäcker cảnh báo, lệnh trục xuất người Do Thái ở Rome, phát xuất từ nguồn cao nhất (tức Hitler); do đó người ta phải suy nghĩ về những hậu quả mà việc vận động của Tòa thánh sẽ gây ra. Rồi, đại sứ nói: "Đức Cha có vui lòng tha cho tôi việc phải báo cáo cuộc trò chuyện này không?" Đức Hồng Y Maglione, khi để đại sứ tùy ý báo cáo cho Berlin hay không, đã trả lời, “Dù sao, không thể để Tòa thánh phải phản đối. Nếu Tòa Thánh buộc phải phản đối, nó sẽ dựa vào Chúa Quan Phòng để giải quyết hậu quả.”

5. Do đó, đại sứ, Đức Hồng Y Maglione kết luận, phải "làm điều gì đó cho những người Do Thái khốn khổ."

Cuộc nói chuyện giữa Maglione-Weizsäcker không thể truy cập được trong văn khố của Đức đơn giản chỉ vì, như chúng ta đã thấy, đại sứ Đức không muốn báo cáo nó với Berlin. Ông ta đã thể hiện hành vi tương tự một tháng trước đó trong một trường hợp giải cứu khác.

Trong những ngày tiếp theo (chính xác là ngày 17 và 28 tháng 10 năm 1943), von Weizsäcker đã viết một số bức điện, đầy "những lời nói dối chiến thuật", bảo đảm với cấp trên của mình rằng ở Vatican, ngay cả sau khi cuộc lùng bắt, tất cả đều diễn ra tốt đẹp và Đức Giáo Hoàng sẽ không nêu một phản đối nào. Do đó, trước khi Les Actes et Documents de La Sainte Siège Relatifs à La Second Guèrre Mondiale xuất hiện, các nhà sử học, vì chỉ làm việc với các cơ quan văn khố của Đức, bỏ qua cuộc trò chuyện giữa Maglione-Weizsäcker, nên đã dẫn đến việc đánh giá sai hoàn toàn tình hình. Nhưng ngay cả sau khi trình thuật về Đức Hồng Y Maglione được công bố, nhiều nhà sử học trong số đó vẫn giữ nguyên các giả thuyết trước đó một cách không thể giải thích được, có lẽ làm giảm độ tin cậy của “nguồn tin Vatican”.

Sự ngây thơ như vậy được chứng minh rõ ràng hơn bởi một sự thật đơn giản: Trình thuật của Đức Hồng Y Maglione đã được các nguồn tin của Anh xác nhận. Sau đây là nội dung bức điện mà Đại sứ Anh cạnh Tòa Thánh Francis D’Arcy Osborne gửi cho Bộ Ngoại giao vào ngày 31 tháng 10 năm 1943:

“Ngay sau khi nghe tin về vụ bắt giữ người Do Thái ở Rome, Hồng Y Bộ trưởng Ngoại giao đã triệu vời Đại sứ Đức và đưa ra một số hình thức phản đối: Đại sứ đã hành động ngay lập tức, với kết quả là một số lượng lớn đã được thả… Sự can thiệp của Vatican do đó dường như đã có hiệu quả trong việc cứu một số người bất hạnh này. Tôi hỏi liệu tôi có thể báo cáo điều này hay không và được cho biết rằng tôi có thể làm như vậy nhưng tuyệt đối chỉ dành thông tin cho ngài mà thôi chứ không phải một trình thuật để quảng bá, vì bất cứ công bố thông tin mới nào đều có thể dẫn đến cuộc bách hại mới".

Xây nhà trên cát

Các sử gia đều thừa nhận rằng sau khi Đức Piô XII qua đời, dư luận Do Thái nói chung hết lời ca ngợi nghĩa cử cứu vớt người Do Thái của Đức Piô XII. Dư luận thế giới và các nhà lãnh đạo thế giới cũng thế.

Tuy nhiên, theo William Doino (https://www.catholicworldreport.com/2020/03/03/history-redeemed-justice-for-pope-pius-xii/), tới thập niên 1960, dư luận ấy thay đổi hẳn, nguyên nhân chỉ vì một vở kịch của một tác giả ít tên tuổi, đó là cuốn Vị Đại Diện (1962) của Rolf Hochhuth, người vừa mới qua đời tháng 5 năm 2020. Vở kịch này mô tả Đức Piô XII là vị Giáo Hoàng đã không đưa ra hành động nào hay không lên tiếng chống Nạn Diệt Chủng. Chúng tôi dám nói Hochhut ít tên tuổi vì theo Wikipedia, tác phẩm “Vị Đại Diện” là tác phẩm đầu tay của ông ta. Dù sao, Hochhut cũng là một tác giả gây nhiều tranh cãi vì tháng 3 năm 2005, ông ta bị Paul Spiegel, chủ tịch Hội đồng Trung ương Người Do Thái tại Đức kết tội bác bỏ Nạn Diệt Chủng vì đã lên tiếng bênh vực David Irving, vốn là một sử gia bác bỏ Nạn Diệt Chủng.

Tuy nhiên, nó làm dấy lên cả một phong trào chống báng Đức Piô XII thậm chí cả nơi người Công Giáo, cụ thể là cựu chủng sinh John Cornwell với cuốn Hitler’s Pope (1999) và từ đó giới truyền thông thế tục nghiêng về phía kết tội đức Piô XII là im lặng trước tội ác Diệt chủng của Hitler. Tất cả đều khởi sự từ cuốn Vị Đại Diện của Hochhut.

Điều quan trọng là Hochhut không dựa vào tài liệu văn khố nào để tô vẽ lên khuôn mạo tiêu cực về Đức Piô XII. Encyclopedia Britannica cho rằng việc mô tả Đức Piô XII như người dửng dưng trước Nạn Diệt chủng “thiếu việc chứng minh đáng tin cậy”.

Theo Wikipedia, có nguồn tin cho rằng chính Giám Mục Alois Hudal đã cung cấp cho Hochhut hình ảnh “vị Giáo Hoàng vô tâm, chỉ biết vơ tiền bạc”. Hudal vốn được mô tả là “Giám Mục thân Quốc Xã khét tiếng nhất trong toàn bộ Giáo Hội Công Giáo”. Vị này vốn giúp các phạm nhân chiến tranh Quốc Xã như Adolf Eichmann, Josef Mengele, Franz Stangl, Eduard Roschmann, và nhiều người khác trốn thoát công lý. Khi quá lộ liễu trong việc này, ngài bị Đức Piô XII cho ra rìa. Để trả thù, vị này đã cung cấp cho Hochhut việc mô tả đức Piô XII như thế.

Tuy nhiên, chứng cớ tạo hoẹt của Hochhut được phanh phui trọn vẹn nhất vào năm 2007 khi Ion Mihai Pacepa, một tướng lãnh đứng đầu sở mật vụ Lỗ Ma Ni trước khi đào ngũ qua Tây Phương năm 1978, tiết lộ về Cuộc Hành Quân Tòa 12 (Operation Seat 12), tức chiến dịch thông tin giả của cộng sản về Thế chiến II để triệt hạ thẩm quyền tinh thần của Tòa Thánh, nhất là của Đức Giáo Hoàng Piô XII vì đã lớn tiếng chống chủ nghĩa cộng sản.

Theo Pacepa, vào tháng 2 năm 1960, Nikita Khrushchev đã cho phép một hoạt vụ bí mật nhằm làm mất thế giá tinh thần của Vatican ở Tây Âu bằng một chiến dịch thông tin sai lệch vì chủ nghĩa chống cộng nhiệt thành của Tòa Thánh, với Đức Giáo Hoàng Piô XII làm mục tiêu hàng đầu. Phương châm của Tòa 12 là "Những người chết không thể tự vệ", vì Đức Piô XII đã qua đời năm 1958. Pacepa nói rằng Tướng Ivan Agayants, giám đốc bộ phận thông tin sai lệch của KGB, đã đưa ra phác thảo cho những gì sẽ trở thành một vở kịch nhằm vẽ Đức Giáo Hoàng như người có cảm tình với Đức Quốc xã, tức vở Vị Đại Diện; việc tìm tòi nghiên cứu cho vở kịch này bao gồm các giả mạo; việc nghiên cứu không được thực hiện bởi tác giả được tuyên bố của nó là Rolf Hochhuth, mà là bởi các đặc vụ KGB; và nhà sản xuất vở kịch, Erwin Piscator, người sáng lập Nhà hát Vô sản ở Berlin, người đã xin tị nạn tại Liên Xô trong chiến tranh, là một người Cộng sản hăng say, người đã có liên hệ từ lâu với Liên Xô.

Pacepa tuyên bố rằng KGB đã thuê các điệp viên Lỗ Ma Ni để ngụy tạo rằng Lỗ Ma Ni đang chuẩn bị thiết lập lại liên hệ ngoại giao với Tòa thánh. Pacepa nói rằng với thủ đoạn này, ông đã xin được quyền vào văn khố của Vatican từ người đứng đầu Giáo hội về các cuộc thảo luận bí mật với Hiệp ước Warsaw, Đức ông Agostino Casaroli. Ba điệp viên cộng sản đội lốt linh mục trong hơn hai năm đã lấy mật tài liệu ra khỏi văn khố để sao chép và chuyển cho KGB. Pacepa cho hay “Trên thực tế, không có tài liệu buộc tội nào chống lại giáo hoàng được tìm thấy” Theo Pacepa, Tướng Ivan Agayants, người đứng đầu bộ phận thông tin sai lệch của Liên Xô, đã thông báo cho ông khi ở Bucharest vào năm 1963 rằng chiến dịch thông tin sai lệch đã "trở thành hiện thực trong một vở kịch mạnh mẽ tấn Công Giáo hoàng Piô XII ", Agayants vốn là tác giả của đề cương Vị Đại Diện và giám sát việc thu thập "nghiên cứu" của KGB, một việc tổng hợp các tài liệu mà các đặc vụ của Pacepa đã tìm ra từ Vatican (xem https://www.theaustralian.com.au/news/world/kgb-bid-to-depict-pope-as-anti-jew/story).

Nhà văn và giáo sư luật Ronald Rychlak nói rằng nhà sản xuất người Mỹ của vở kịch Tòa 12 cũng là một người cộng sản; nhiều giới báo chí ca ngợi vở kịch có mối liên hệ sâu xa với các chính nghĩa cánh tả hoặc cộng sản; một tạp chí định kỳ chịu ảnh hưởng cộng sản nặng nề đã giúp bảo đảm Vị Đại Diện được trình diễn trên sân khấu Broadway; và thậm chí các bài duyệt sách ban đầu cũng có liên kết với cộng sản. Pacepa cũng kể lại rằng vào năm 1974, Yuri Andropov thừa nhận rằng nếu vào năm 1963, Xô Viết biết những gì họ biết vào năm 1974 (thông tin mới được công bố rằng Hitler thù địch và âm mưu chống lại Đức Piô XII) thì họ đã không bao giờ truy lùng ngài.

Theo Rychlak, một bản ghi nhớ tình báo đã được giải mật của Anh, ngày 10 tháng 1 năm 1969, phỏng đoán rằng Hochhuth có thể đã đóng một vai trò hiểu biết trong việc phát tán tuyên truyền cộng sản, chứ không phải chỉ là một kẻ bị lừa bịp, cho rằng ông ta “có lẽ là ‘một điệp viên trí thức’, viết lách một là nhân danh Đông Đức hai là Xô Viết” và các điệp viên Anh từ chối “bác bỏ khả thể các cố gắng lâu dài của những người cộng sản nhằm thúc đẩy các cáo buộc của Hochhuth cho đến khi chúng trở thành huyền thoại”. Bản ghi nhớ tiếp tục: "liệu Hochhuth chỉ bị thúc đẩy bởi sự thôi thúc muốn viết những vở kịch lịch sử, để phục hồi người Đức hoặc thực hiện một trò chơi nào đó nham hiểm hơn là điều khó xác định ở giai đoạn này. Nhưng người Nga chắc chắn đang gặt hái một số lợi ích."

Rychlak kết luận rằng Hochhuth có thể không phải là một diễn viên hiểu biết của hoạt động tuyên truyền nhưng là một "ứng cử viên hoàn hảo để trở thành một kẻ bị lừa bịp mà không hay." Rychlak viết "ý thức hệ của ông không xa rời chủ nghĩa Mác. Ông cũng thừa nhận rằng ông, ít nhất đôi khi, là người phản giáo sĩ. Ông ta đặc biệt phản đối lối sống độc thân của linh mục."

Đề cập đến lời kể của Pacepa, nhà sử học người Đức Michael F. Feldkamp viết rằng "Báo cáo của Pacepa hoàn toàn đáng tin cậy. Nó giống như một mảnh ghép còn thiếu trong trò chơi ghép hình về tuyên truyền và thông tin sai lệch của cộng sản nhằm làm mất uy tín của Giáo Hội Công Giáo và vị Giáo hoàng của nó." Nhà sử học người Anh, Michael Burleigh, đồng tình với Feldkamp, nhận định: "Những nỗ lực của Liên Xô nhằm bôi nhọ Đức Piô đã thực sự bắt đầu ngay sau khi Hồng quân tràn sang Ba Lan Công Giáo", lưu ý rằng Liên Xô "đã thuê một nhà tuyên truyền chống tôn giáo có đầu óc hết sức tranh đấu, Mikhail Markovich Sheinmann- Vở kịch của Hochhuth... dựa nhiều vào các dối trá và tạo hoẹt của Sheinmann”.

Như Linh mục Anh Giáo Owen Chadwick, và là một nhà sử học, nhận định, việc Xô Viết âm mưu xảo quyệt như trên là điều dễ hiểu vì với việc Quốc Xã bị đánh bại, cuộc đấu tranh trực diện giữa Kitô giáo và Chủ nghĩa Cộng sản phải tiếp diễn với mức trả thù tối đa. Linh mục viết: “trong trường hợp này, các dã sử lớn dần và chiến dịch tuyên truyền cổ vũ chúng – chiến dịch tuyên truyền trước hết bởi tay chân của Stalin trong Chiến tranh Lạnh, khi Vatican dường như là thành phần của liên minh Hoa Kỳ chống cộng sản và Stalin muốn đập nát tiếng tăm của Đức Giáo Hoàng... Stalin rất cần việc biến vị Giáo Hoàng này thành người đáng ghét”.

Các tiết lộ trên lẽ dĩ nhiên không được các người chống đối Đức Piô XII lưu ý. Họ cho rằng tất cả những văn kiện hay sự kiện tích cực được trích dẫn lâu nay về vị Giáo Hoàng này chỉ là nằm trong mưu toan muốn tuyên thánh cho ngài. Điều ấy cho là đúng đi chăng nữa thì vẫn không thể chối cãi đó là các văn kiện và sự kiện tích cực có thật. Và nếu có thật thì phải được xem xét để có một phán đoán khách quan, đầy đủ. Phớt lờ chúng cho thấy các phán đoán, kết luận của họ, ít nhất, cũng một chiều, phiến diện như ai, và do đó vô giá trị.