1. Bộ Phong thánh thành lập Ủy ban Chứng nhân đức tin

Nhân dịp Năm Thánh 2025 tới đây, Ủy ban các Chứng nhân đức tin sẽ được thành lập tại Bộ Phong thánh.

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã thông báo tin trên đây, hôm ngày 05 tháng Mười vừa qua, tại Hội nghị về “Sự thánh thiện này nay”, do Bộ Phong thánh tổ chức tại Học viện Giáo hoàng Augustinianum, cạnh Vatican.

Ủy ban tương tự đã được thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng thành lập, nhân dịp Đại Năm Thánh 2000 để đưa ra ánh sáng những chứng nhân đức tin nam nữ, tuy không được phong thánh, nhưng đã mạnh mẽ biểu lộ đức tin.

Đức Hồng Y Semeraro cho biết Cộng đồng thánh Egidio được ủy nhiệm thành lập Ủy ban các chứng nhân đức tin và sẽ thiết lập danh sách cũng như tiểu sử những người nói với toàn thế giới Kitô, không riêng gì Công Giáo. Ủy ban này không chỉ gắn liền và giới hạn vào Năm Thánh 2025, nhưng liên kết với hoạt động của Bộ Phong thánh, vì thế đây là một Ủy ban bền vững và lâu dài.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phong thánh nêu ví dụ: ngài nghĩ đến “Dietrich Bonhoeffer, một mục sư và là nhà thần học Tin lành Đức, bị sát hại vì chống đối chế độ Đức quốc xã. Giáo Hội Công Giáo không phong thánh cho mục sư, vì không phải là tín hữu Công Giáo. Nhưng đó là một nhân vật nổi bật về chứng tá Kitô. Có bao nhiêu người khác như Bonhoeffer. Sự thánh thiện không luôn luôn hiển nhiên trước mắt các tín hữu. Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa những chứng tá ấy ra ánh sáng. “Chúng tôi không kiến tạo những vị thánh” nhưng giúp Đức Thánh Cha trong sự phân định. Cần chứng tỏ rằng sự thánh thiện không phải là điều xa lạ với chúng ta nhưng là một ơn gọi liên quan đến tất cả mọi người. Không nhất thiết phải được phong thánh, nhưng chúng ta phải đáp lại ơn gọi nên thánh”.

2. Thăm dò ý kiến của EWTN: Người Công Giáo Hoa Kỳ có niềm tin mãnh liệt vào các thiên thần, nhưng lòng sùng kính Thánh Thể lại bị tụt hậu

Một cuộc khảo sát mới cho thấy người Công Giáo thường tuyên xưng niềm tin vào các thiên thần hộ mệnh hơn là niềm tin vào giáo lý Công Giáo về Bí tích Thánh Thể. Các nhà bình luận nói rằng kết quả vừa là thách thức vừa là cơ hội để phát triển đức tin.

“Bạn càng đến gần các thiên thần, họ càng kéo bạn đến với Bí tích Thánh Thể.” Cha Wolfgang Seitz, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA. Cha Seitz, người đã làm linh mục được 20 năm cho biết: “Nếu lòng sùng kính đối với các thiên thần tăng lên, thì sự sùng kính đối với Thánh Thể cũng sẽ tăng lên.”

Cha Seitz là thư ký của Opus Sanctorum Angelorum, một phong trào Công Giáo quốc tế có trụ sở tại Ohio nhằm thúc đẩy lòng sùng kính đối với các thiên thần. Phong trào được dẫn dắt bởi các linh mục của Dòng các Kinh Sĩ Mến Thánh Giá.

Ý kiến của ngài được đưa ra để đáp lại một cuộc khảo sát mới về các cử tri Công Giáo cho thấy sự mâu thuẫn rõ ràng trong đường lối của họ đối với giáo huấn Công Giáo.

Theo một cuộc thăm dò của EWTN News / RealClear Opinion Research được công bố trong tuần này, gần 77% cử tri Công Giáo tin vào thiên thần hộ mệnh, 8.7% không tin và 14.6% không chắc chắn.

Ngược lại, chỉ có 50.3% số người được hỏi nói rằng họ tin vào giáo lý Công Giáo về sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể, cụ thể là “bánh và rượu được biến đổi là Mình và Máu Chúa Kitô chứ không phải biểu tượng”.

Trong số những người trả lời cuộc thăm dò, khoảng 80% người Công Giáo tham dự Thánh lễ mỗi tuần một lần tuyên bố tin vào giáo lý Công Giáo này. Con số này giảm xuống 61% ở những người tham dự Thánh lễ một hoặc hai lần một tháng và 42% ở những người tham dự một vài lần một năm. Khoảng 17% những người không bao giờ tham dự Thánh lễ tuyên xưng niềm tin này.

Để so sánh, khoảng 74% những người tham dự Thánh lễ một hoặc hai lần một tháng tuyên xưng niềm tin vào các thiên thần hộ mệnh, tương tự như những người tham dự mỗi năm một lần. Khoảng 65% những người không bao giờ tham dự Thánh lễ hoặc tham dự ít hơn một lần mỗi năm cho biết họ tin vào các thiên thần hộ mệnh.
Source:Catholic News Agency

3. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Anh kêu gọi nữ Thủ tướng đừng di chuyển đại sứ quán Anh từ Tel-Aviv về Giêrusalem

Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng giám mục Westminster, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Anh quốc, kêu gọi bà Thủ tướng Liz Truss đừng di chuyển đại sứ quán Anh từ Tel-Aviv về Giêrusalem.

Trong một Tweet truyền đi hôm mùng 06 tháng Mười vừa qua, Đức Hồng Y Nichols tuyên bố rằng việc di chuyển đại sứ quán như thế sẽ gây thiệt hại nặng nề cho mọi giải pháp hòa bình lâu bền trong vùng và cho thanh danh của Anh quốc trên trường quốc tế.

Giới lãnh đạo đảng bảo thủ ở Anh quốc nhiều lần muốn di chuyển đại sứ quán về Giêrusalem, mới đây nhất là tại Hội nghị “Những người bạn bảo thủ của Israel” (Conservative Friends of Israel) nhóm tại thành phố Birmingham, hôm Chúa nhật mùng 02 tháng Mười vừa qua. Trong một cuộc tiếp tân do Hội này tổ chức, cùng ngày 02 tháng Mười, bà Liz Truss tuyên bố mình là một “người đại sioniste và đại ủng hộ Israel”, đồng thời dấn thân củng cố quan hệ giữa Anh quốc và Israel”.

Chủ tịch đảng bảo thủ, Jake Berry, hứa ủng hộ Israel “trong cuộc chiến để bảo đảm an ninh của mình và để thủ đô Giêrusalem sẽ là nơi có đại sứ quán của Anh quốc”.

Nhưng Đức Hồng Y Nichols tái khẳng định xác tín của Giáo Hội Công Giáo, theo đó Thành Thánh Giêrusalem phải là một thành quốc tế. “Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các vị lãnh đạo Công Giáo tại Thánh địa từ lâu vẫn yêu cầu duy trì nguyên trạng quốc tế, status quo, về Giêrusalem, chiếu theo các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về vấn đề này. Thành Giêrusalem phải được chia sẻ như một gia sản cung, không bao giờ trở thành độc quyền của một phe nào”.

Đức Hồng Y nói: “Tôi không thấy có lý do giá trị nào để việc di chuyển đại sứ quán được cứu xét bây giờ. Tôi chân thành kêu gọi thủ tướng xét lại ý định đã bày tỏ và tập trung các nỗ lực vào việc tìm kiếm một giải pháp hai quốc gia, trong đó thành Giêrusalem có một qui chế đặc biệt được bảo đảm”.

Hôm thứ Hai, ngày 03 tháng Mười, Thủ tướng chính quyền Palestine, ông Mohammad Shtayyeb, trong cuộc họp của Hội đồng nội các, cũng bày tỏ lo âu về việc đại sứ quán Anh quốc có thể di chuyển từ Tel-Aviv về Giêrusalem.