1. Thánh Lucy trở thành ánh sáng ở Scandinavia như thế nào?

Trong dịp Giáng Sinh, các tín hữu Kitô bao gồm người Công Giáo và người Chính Thống Giáo ở Nga có những lễ hội đặc biệt để kính Thánh Nicolas, cũng thường được gọi là Ông già Noel. Theo tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, các tín hữu Kitô ở vùng Scandinavia bao gồm Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển lại có những lễ hội mừng để kính Thánh Lucy tử đạo.

Vị tử đạo này chết ở Ý nhưng đã trở thành vị thánh nổi tiếng nhất của miền Scandinavia.

Vào thế kỷ thứ 3, một cô gái tên là Lucy hay Lucia trong tiếng Latinh, được sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là quý tộc. Ngay từ khi còn nhỏ, Lucy đã hiến dâng trinh tiết của mình cho Chúa Kitô, nhưng mẹ cô không biết điều đó và đã sắp xếp để cô kết hôn.

Lucy đã từ chối vì lời thề của mình và người đàn ông mà cô ấy phải kết hôn đã nổi giận, phản ứng mạnh và đưa cô vào chỗ chết vì lý do cô là một Kitô hữu. Điều này dẫn đến một cuộc tử đạo khủng khiếp, trong đó đôi mắt của cô bị khoét ra trước khi bị giết. Cô ấy chết ở Sicily, nhưng danh tiếng của cô ấy nhanh chóng lan rộng khắp Âu Châu. Khi các nhà truyền giáo Kitô giáo đến Scandinavia, họ đã mang theo câu chuyện về Thánh Lucy và cuộc đời cũng như cái chết của cô đã thu hút người dân địa phương.

Tên của cô ấy bắt nguồn từ từ tiếng Latinh lux, có nghĩa là “ánh sáng”, và có một câu chuyện khác về cuộc đời cô ấy kể rằng cô ấy đội một chiếc vương miện bằng nến để giúp cô ấy nhìn thấy trong các hang toại đạo của Kitô giáo.

Mối liên hệ của Lucy với ánh sáng đã gây được tiếng vang với những người Scandinavi. Họ tổ chức Lễ Đông chí, tức là ngày đen tối nhất trong năm, gần thời điểm diễn ra ngày lễ của cô, ngày 13 tháng 12. Cô là ánh sáng trong một nơi tối tăm và tấm gương trung thành của cô đã soi sáng trái tim và khối óc của họ trong nhiều thế kỷ sau.

Nhiều bài hát cổ của Thụy Điển nêu bật biểu tượng này, chẳng hạn như bài này.

Đêm bước đi nặng nề

xung quanh sân và nhà ở

Ở những nơi không có mặt trời chiếu tới,

bóng tối

Cô ấy đến trong ngôi nhà tối tăm của chúng tôi,

mang nến thắp sáng,

Thánh Lucia, Thánh Lucia.

Xin cầu cho chúng tôi.

Từ lòng sùng kính mãnh liệt xung quanh Thánh Lucy đã nảy sinh nhiều truyền thống về Ngày Thánh Lucy. Ở nhiều quốc gia vùng Scandinavi đã phát triển Lussibrud, một truyền thống mà con gái lớn nhất trong gia đình mặc một chiếc váy trắng và thắt lưng màu đỏ với một chiếc vương miện bằng nến trên đầu. Cô ấy đánh thức cả gia đình vào ngày 13 tháng 12 và mang đến cho họ nhiều loại đồ ngọt khác nhau.

Ngày Thánh Lucy là một ngày lễ lớn để chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh, một ngày báo hiệu sự xuất hiện của ánh sáng Chúa Kitô vào ngày Giáng Sinh.
Source:Aleteia

2. Tài khoản Twitter của Đức Giáo Hoàng tròn 10 tuổi: 53.5 triệu người theo dõi bằng 9 ngôn ngữ

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã gửi dòng tweet đầu tiên vào ngày 12 tháng 12 năm 2012. Vào năm 2020, một năm dữ liệu đặc biệt chủ yếu do đại dịch, các dòng tweet của @ Pontifex đã được xem tổng cộng 27 tỷ lần.

Vào lúc 11 giờ 30 sáng ngày 12 tháng 12 năm 2012, mười năm trước, phép lành đầu tiên của Đức Thánh Cha đã được ban phát qua mạng xã hội. Ngày nay, tài khoản @Pontifex, được mở vào ngày 3 tháng 12 năm 2012, là một trong những tài khoản Twitter được theo dõi nhiều nhất trên toàn thế giới.

Sử dụng tài khoản @Pontifex, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã tweet “Các bạn thân mến, tôi rất vui được liên lạc với các bạn qua Twitter. Cảm ơn bạn đã trả lời một cách hào phóng. Tôi chúc phúc cho tất cả các bạn từ trái tim của tôi.”

Vatican News đã báo cáo một cột mốc quan trọng khác liên quan đến tài khoản Twitter của Đức Giáo Hoàng: Hơn 50 triệu người theo dõi

Đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập, Vatican News cho biết tài khoản Twitter của Đức Giáo Hoàng đã đạt 53.5 triệu người theo dõi trên 9 kênh ngôn ngữ của Vatican News (tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Ba Lan, tiếng Ả Rập và tiếng Latinh).

Tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha có gần 19 triệu người theo dõi, tiếng Ý và tiếng Bồ Đào Nha hơn 5 triệu.

Từ tháng Giêng đến nay, tài khoản đã tăng thêm 800,000 người dùng. Các tài khoản tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể nhất.

Các dòng tweet với lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Ukraine của Đức Thánh Cha Phanxicô là nội dung thu hút nhiều tương tác nhất trong năm qua, tương tự như các dòng tweet với thông điệp gửi tới người dân và cộng đồng bị tổn thương bởi xung đột và thiên tai mà Đức Giáo Hoàng kêu gọi những người theo dõi tham gia cầu nguyện.

Cũng rất phổ biến là những thông điệp được đăng trong hai năm qua liên quan đến đại dịch. Lời nói của Đức Giáo Hoàng trong những thời điểm khó khăn được đánh giá rất cao trên Twitter.

Vào năm 2020, một năm đặc biệt bị ảnh hưởng bởi đại dịch, các tweet của @Pontifex đã được xem tổng cộng 27 tỷ lần
Source:Vatican News

3. Tổng thống Lukashenko bổ nhiệm Đại sứ cạnh Tòa Thánh Sergei Aleinik làm Ngoại trưởng mới.

Hôm thứ Ba, 13 tháng 12, Cơ quan truyền thông chính thức của Belarus, BelTa, cho biết, Đại Sứ cạnh Tòa Thánh Sergei Aleinik, đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Belarus.

Tổng thống Aleksandr Lukashenko đã ký sắc lệnh bổ nhiệm trước sự chứng kiến của tân Bộ trưởng và tân Tư lệnh Lực lượng Phòng không và Không quân, Andrei Lukyanovich, người cũng được bổ nhiệm hôm thứ Ba.

Sergei Aleinik sẽ thay thế Vladimir Makei, người đột ngột qua đời vào ngày 26 tháng 11 ở tuổi 64. Báo chí quốc tế cho rằng Makei là một trong số ít các chính trị gia của Belarus tỏ ra chống đối ảnh hưởng của Nga.

Cho đến cuộc bổ nhiệm vào hôm thứ Ba, ông Sergei Aleinik, là Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Belarus, đồng thời giữ chức Đại sứ tại Vương quốc Anh, Bắc Ái Nhĩ Lan và Tòa Thánh.

Ông sinh ngày 28 tháng Giêng năm 1965 tại Minsk. Ông đã kết hôn và có hai con.

Sergei Aleinik sinh ra và lớn lên ở Belarus. Ông học tiếng Đức và tiếng Anh tại Học viện Ngoại ngữ Sư phạm Minsk và Học viện Ngoại giao ở Vienna. Ông đã dạy cả hai môn tiếng Anh và tiếng Đức trong nhiều năm. Vào đầu những năm 1990, khi Belarus giành được độc lập, Aleinik đã đăng ký học sau đại học về Quan hệ quốc tế tại Học viện Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Áo.

Năm 1995, ông bắt đầu công việc ngoại giao đầu tiên với tư cách là lãnh sự tại Hague và sau đó trở thành Đại biện lâm thời tại Hà Lan. Trong thời gian ở Hà Lan, ông được thăng hàm đại sứ và làm việc tại Văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Geneva, kiêm Đại Sứ cạnh Tòa thánh và Dòng Malta.

Năm 2009, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao Belarus phụ trách quan hệ song phương với các nước Phi Châu, Á Châu và Nam Mỹ với nhiệm vụ cụ thể là mở rộng quan hệ ngoại giao của Belarus. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Nigeria, Ethiopia, Indonesia và Brazil.


Source:Sismografo