Theo Tuần báo The Catholic Weekly của Tổng giáo phận Sydney, Phiên họp cấp lục địa của Đại Dương Châu bàn về tính đồng nghị đã kết thúc vào ngày 10 tháng 2.



Các Giám mục Công Giáo của Đại Dương Châu đã xác định “sự hoán cải sinh thái là ưu tiên truyền giáo khẩn cấp” cho toàn thể Giáo hội khi kết thúc cuộc họp kéo dài một tuần ở Suva, Fiji.

Cuộc họp năm 2023 của Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương (FCBCO) đã họp từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 2 như một phần của giai đoạn lục địa của thượng hội đồng về tính đồng nghị.

Các Giám mục từ Úc, New Zealand và Quần đảo Thái Bình Dương đã đến thăm Fiji, trải nghiệm sự hội nhập văn hóa của Tin Mừng vào nền văn hóa của người Fiji, tác động của việc khai thác mỏ và biến đổi khí hậu, đồng thời nghe các cuộc nói chuyện từ các viên chức cao cấp của Vatican và các diễn giả địa phương.

Trong một tuyên bố kết thúc, các Giám mục cho biết họ tìm cách trở thành những người đặt cơ sở trên Kinh thánh, Truyền thống và “cách giải thích của họ trong các truyền thống văn hóa của chúng ta”.

Tuyên bố cho biết, “Các giáo dân, những người có sứ mệnh ở giữa lòng thế giới, đặc biệt đòi hỏi được đào tạo theo truyền thống giảng dạy và hành động của Giáo hội đối với các vấn đề xã hội và khủng hoảng sinh thái – nghĩa là Giáo huấn Xã hội Công Giáo”.

“Chúng ta không được làm thành ‘thân thể của Chúa Kitô’ để tự giam mình và được bảo vệ khỏi thế gian.”

“Trên hết, việc đào tạo nên uốn nắn chúng ta trở thành những người vui vẻ chấp nhận lời mời tham gia vào sứ mệnh của Thiên Chúa.”

Thánh lễ khai mạc hội nghị Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương được cử hành bởi Đức Hồng Y Michael Czerny SJ, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự Phát triển Con người Toàn diện của Vatican.

Trong bài giảng của ngài, Đức Hồng Y Czerny nói với các Giám mục rằng Kitô hữu, là muối và ánh sáng, không phải cho chính họ mà là để nêm nếm và soi sáng cho người khác.

Đức Hồng Y Czerny nói, “Chúng ta không được làm thành ‘thân thể của Chúa Kitô’ để tự giam mình và được bảo vệ khỏi thế giới”.

“Đúng hơn, chúng ta được sáp nhập vào Giáo hội để được hòa lẫn vào lịch sử như muối và ánh sáng.

“Há niềm đam mê đối với Chúa Kitô không đáng để mạo hiểm hay sao? Chúa Giêsu đồng hành với các bước đi của chúng ta và tiếp tục gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta: há điều này không làm thay đổi cảm thức của chúng ta về những rủi ro hay sao?”

Các Giám mục cũng đã nghe từ Phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng, Sơ Nathalie Becquart XMCJ, người hiện đang thực hiện chuyến công du vòng quanh thế giới trong giai đoạn châu lục của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị.

Chủ tịch Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương, Đức Tổng Giám Mục Loy Chong của Suva, cũng kết thúc nhiệm kỳ của mình, với Đức Giám Mục Anthony Randazzo của Broken Bay được bầu làm người kế nhiệm ngài.

Đức Giám Mục Randazzo nói, “Được chọn làm Chủ tịch Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương, tôi tha thiết cầu nguyện để các Giáo Hội ở Châu Đại Dương cùng nhau bước đi trên con đường của Chúa Kitô trong tinh thần đồng nghị.

“Châu Đại Dương rộng lớn, và vì vậy làm việc cùng nhau không chỉ đơn thuần là một sự lựa chọn, mà còn là một cách thiết yếu cho thừa tác vụ, cuộc sống và sứ mệnh.”

Cuộc họp của Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương cũng chịu trách nhiệm chuẩn bị bản trả lời của Châu Đại Dương cho tài liệu của giai đoạn lục địa, “Mở rộng không gian cho chiếc lều của bạn.”

“Nhưng chúng tôi đang tìm kiếm và chờ đợi một bản giao hưởng có tính Thái Bình Dương đặc thù gồm những tiếng nói thần học…”

Tài liệu cuối cùng vẫn chưa được công bố, nhưng Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc nói rằng các Giám mục đã được mời hình dung một “nền thần học của Thái Bình Dương” mang lại tiếng nói đặc biệt cho khu vực.

Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, Australia, cho biết điều đang dần xuất hiện là “một giọng nói hoặc bản giao hưởng của các giọng nói đặc trưng của Thái Bình Dương”.

Ngài nói, “Bạn không có một tiếng nói chung ở Thái Bình Dương; bạn có nhiều tiếng nói.

“Nhưng chúng tôi đang tìm kiếm và chờ đợi một bản giao hưởng có tính Thái Bình Dương chuyên biệt gồm nhiều tiếng nói thần học, bởi vì thần học ở khu vực này của thế giới dựa trên một tập hợp các sự kiện khác với các khu vực khác trên thế giới.

“Không phải chỉ là thần học phương Tây từng được xuất khẩu.”