Theo Hugh Kerr của tạp chí mạng The Catholic Herald, ngày 7 tháng 4 năm 2023, đám đông của Quảng trường Trafalgar, Luân Đôn, một lần nữa được thấy mình bao trùm bởi các biến cố của Tuần Thánh khi Wintershall trình diễn Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu.



Kể từ buổi biểu diễn đầu tiên vào năm 2010, màn tái diễn đầy cảm hứng Cuộc Khổ Nạn (The Passion) đã nhanh chóng trở thành một nét rất được mong đợi trong dịp Lễ Phục sinh ở Luân Đôn, thường thu hút ít nhất 20,000 người đến xem hai buổi biểu diễn.

Câu chuyện kỷ niệm ngày Chúa Giêsu bị người La Mã bắt giữ, xét xử và đóng đinh, trước khi sống lại từ cõi chết một cách kỳ diệu vào Chúa nhật Phục sinh, được làm sống động trở lại bởi hơn một trăm diễn viên, mặc trang phục đầy đủ, đi cùng với ngựa, chim bồ câu và thậm chí một con lừa.

Sự thay đổi đáng kể nhất trong quá trình sản xuất năm nay sẽ là sự vắng mặt của James Burke-Dunsmore, nam diễn viên đã đóng vai Chúa Giêsu trong quá trình sản xuất của Wintershall trong hơn 20 năm qua.

Năm nay, sau khi treo mão gai, anh sẽ được thay thế bởi Peter Bergin, giáo viên trung học và diễn viên được đào tạo dưới quyền của anh.

Việc nói chuyện với Peter về tác động của việc đảm nhận vai trò này đã tiết lộ sự phức tạp và tác động dường như cùng một lúc với việc thực hiện một câu chuyện như Cuộc Khổ Nạn, vốn là thành phần cấu tạo ra đức tin của tất cả các Kitô hữu.

Anh nói: “Từ góc độ của một diễn viên, tôi đóng một vai trò có vô số cách diễn giải khác nhau, và có rất nhiều điều để rút ra từ cách người khác thể hiện vai diễn”.

“Nhưng từ quan điểm Kitô giáo và quan điểm tâm linh, bằng cách thực sự dành thời gian để tìm hiểu sâu xa về những gì đang diễn ra trong tâm trí của Chúa Giêsu, trong thời gian mà ngày nay chúng ta gọi là Tuần Thánh, tôi đã có thể có được một cảm nhận về một nhân vật mà tôi đã biết suốt cuộc đời tôi.

“Việc nhận ra những khía cạnh con người hơn của Người đã đặt sự hy sinh vào đúng viễn ảnh của nó. Nói với chúng ta lúc chúng ta còn là những đứa trẻ rằng Chúa Giêsu đã chịu đau khổ và chết trên thập giá là điều tốt, nhưng điều đó có vẻ rất trừu tượng.

“Khi bạn đang diễn tập một cảnh đóng đinh và phải suy nghĩ về sự thống khổ phải đi trên đường thập giá như vậy, điều đó thực sự giúp bạn đặt được điều đó vào viễn ảnh và cho bạn thấy sự hy sinh đó vĩ đại như thế nào.

“Đây là cơ hội để tôi lớn lên trong đức tin và gần gũi hơn với Chúa Giêsu.”

Lớn lên trong khu vực, Bergin khi còn là một cậu bé thường xem các tác phẩm Cuộc đời của Chúa Kitô và Chúa giáng sinh, được dàn dựng tại Điền trang Wintershall ở Surrey. Được đào tạo như một diễn viên trong ba năm, hiện anh đang làm giáo viên tiếng Anh tại Trường St. John Baptist ở Woking.

Bất chấp định hướng Kitô giáo rõ ràng, cả Peter lẫn Charlotte de Klee, nhà sản xuất, đều rất muốn nhấn mạnh tính bao gồm của biến cố.

Peter nói: “Những vở kịch này rất quan trọng để tiếp cận những người theo tín ngưỡng khác, hoặc những người không có đức tin, để cho họ thấy chúng ta có điều gì đó đặc biệt. Đó không phải là cơ hội để đứng trên bục giảng và thuyết giảng.

“Nó chỉ đơn giản là cho thấy một con người có một thông điệp mạnh mẽ và thông điệp đó là tình yêu. Có cơ hội để chia sẻ điều đó trên một sân khấu lớn như vậy ở trung tâm Luân Đôn là một dịp may tuyệt vời.”

Charlotte lặp lại một tình cảm tương tự. Cô nói: “Chúng tôi không nói với mọi người rằng họ phải tin vào điều đó. Chúng tôi không rao giảng. Không có phụng vụ. Chúng tôi chỉ đang kể câu chuyện Tin Mừng. Những người mà chúng tôi đang cho xem có thể không bao giờ vào nhà thờ. Chúng tôi có các giáo phái hỗn hợp và những người thuộc mọi tín ngưỡng và không có tín ngưỡng đến xem.

“Tôi nghĩ mọi người chỉ muốn biết Chúa Giêsu là ai. Rất cần được biết con người này là ai, Người đã làm gì và tại sao Người vẫn có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng tôi như vậy.”

Peter Hutley, cha của Charlotte, ban đầu dàn dựng Cuộc Khổ Nạn như một lần duy nhất vào năm 1999. Kể từ đó, nó đã phát triển về tầm vóc và sự nổi tiếng theo năm tháng và Peter, hiện đã 96 tuổi, đã truyền cây gậy chỉ huy cho thế hệ tiếp theo của gia đình Hutley, bảo đảm rằng truyền thống này vẫn tồn tại.

Khi được hỏi về tầm quan trọng và di sản của các câu chuyện tôn giáo, chẳng hạn như Cuộc Khổ Nạn được trình diễn ở nơi công cộng, Charlotte nói: “Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng bởi vì với kiến thức, bạn sẽ không còn sợ hãi. Nếu bạn biết về một điều gì đó, thì bạn không phải sợ nó nữa. Với giáo dục, bạn học được rằng tất cả chúng ta đều là con người đang vật lộn để tiến qua cuộc sống.”

Thị trưởng Luâm Đôn Sadiq Khan cho biết: “Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đã làm sống động câu chuyện Phục sinh ở Quảng trường Trafalgar trong 12 năm qua và quy tụ hàng nghìn người từ mọi tầng lớp xã hội và bối cảnh để có một trải nghiệm Phục sinh khó quên. Sự kiện độc đáo này cho phép mọi người tôn vinh lòng khoan dung và sự đa dạng của thủ đô chúng ta, đồng thời truyền cảm hứng cho chúng ta tiếp tục nỗ lực hướng tới một Luân Đôn công bằng và tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.”

Việc Wintershall và gia đình Hutley có thể dàn dựng những tác phẩm này ở một khu vực như Quảng trường Trafalgar chắc chắn là một minh chứng cho tinh thần cởi mở có thể tìm thấy ở Luân Đôn. Khi gặp khó khăn, bất kể bạn có thể tìm thấy bất cứ sự khác biệt nào, tất cả chúng ta sẽ đoàn kết trong lời cầu nguyện để có được ánh nắng mặt trời.