Chúa Nhật 23 Tháng Tư, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 3 Mùa Phục Sinh.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

Một trong hai người tên là Clêôpát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” Đức Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng ta, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ítraen. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng ta đã làm chúng ta kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng ta đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”

Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng ta, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.

Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”

Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn.” Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Vào Chúa Nhật3 Phục Sinh này, Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ làng Emmaus (x. Lc 24:1335). Đây là hai môn đệ cam chịu cái chết của Thầy, quyết định rời Giêrusalem trở về nhà vào ngày Lễ Vượt Qua. Có lẽ họ hơi bất an vì đã nghe những người phụ nữ từ trong mồ đi ra nói rằng Chúa đã sống lại… và họ bỏ đi. Và trong khi họ vừa đi vừa buồn bã nói về những gì đã xảy ra, Chúa Giêsu xuất hiện bên cạnh họ, nhưng họ không nhận ra Người. Ngài hỏi họ tại sao họ lại buồn như vậy, và họ nói với Ngài: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay?” (câu 18). Và Chúa Giêsu trả lời: “Việc gì?” (câu 19). Và họ kể cho Ngài toàn bộ câu chuyện. Sau đó, trong khi họ đang đi, Người giúp họ giải thích lại các sự kiện theo một cách khác, dưới ánh sáng của các lời tiên tri, của Lời Chúa, của tất cả những gì đã được loan báo cho dân Israel. Đọc lại: đó là điều Chúa Giêsu làm với họ, giúp họ đọc lại. Chúng ta hãy tập trung vào khía cạnh này.

Thật vậy, đối với chúng ta, điều quan trọng là cùng với Chúa Giêsu đọc lại lịch sử của chúng ta: câu chuyện về cuộc đời chúng ta, về một giai đoạn nhất định, về thời đại của chúng ta, với những thất vọng và hy vọng của nó. Ngoài ra, chúng ta cũng giống như các môn đệ đó, khi đối mặt với những gì xảy đến với mình, có thể thấy mình lạc lõng trước những biến cố này, đơn độc và không chắc chắn, với nhiều câu hỏi và lo lắng, thất vọng, nhiều điều. Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nói với Chúa Giêsu mọi sự một cách chân thành, không sợ quấy rầy Người: Người lắng nghe; không sợ nói sai, không xấu hổ trước cuộc đấu tranh của chúng ta để hiểu. Chúa vui mừng mỗi khi chúng ta mở lòng ra với Người; chỉ bằng cách này, Người mới có thể nắm lấy tay chúng ta, đồng hành với chúng ta và làm cho trái tim chúng ta bừng cháy trở lại (x. c. 32). Như thế, chúng ta cũng vậy, giống như các môn đệ Emmau, được mời gọi ở với Người để khi chiều đến, Người sẽ ở lại với chúng ta (x. c. 29).

Có một cách hay để làm điều này, và hôm nay tôi muốn đề xuất với anh chị em: nó bao gồm việc dành ra một ít thời gian, vào mỗi buổi tối, để kiểm điểm ngắn gọn lương tâm. Điều gì đã xảy ra hôm nay trong đời tôi? Đó là câu hỏi. Vấn đề là đọc lại một ngày với Chúa Giêsu, đọc lại một ngày của tôi: mở lòng ra với Người, mang đến cho Người những con người, những chọn lựa, những sợ hãi, những sa ngã và những hy vọng, tất cả những gì đã xảy ra; dần dần học cách nhìn mọi thứ bằng con mắt khác, bằng con mắt của Ngài chứ không chỉ của riêng chúng ta. Nhờ đó, chúng ta có thể sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ đó. Trước tình yêu của Chúa Kitô, ngay cả những điều dường như mệt mỏi và không thành công cũng có thể xuất hiện dưới một ánh sáng khác: một thập giá khó chấp nhận, quyết định tha thứ cho một hành vi phạm tội, một cơ hội sửa chữa bị bỏ lỡ, công việc cực nhọc, sự chân thành phải trả giá, và những thử thách của đời sống gia đình có thể hiện ra với chúng ta dưới một ánh sáng mới, ánh sáng của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, Đấng biết cách biến mọi vấp ngã thành một bước tiến. Nhưng để làm được điều này, điều quan trọng là chúng ta phải từ bỏ thái độ phòng thủ: dành thời gian và không gian cho Chúa Giêsu, không giấu giếm Ngài bất cứ điều gì, mang đến cho Ngài những đau khổ của chúng ta, để chúng ta bị tổn thương bởi sự thật của Ngài, để trái tim chúng ta rung động trước sự thật, và hơi thở của Lời Ngài.

Chúng ta có thể bắt đầu từ hôm nay, để dành buổi tối hôm nay một phút cầu nguyện, trong đó chúng ta tự hỏi: ngày hôm nay của tôi thế nào? Niềm vui của nó là gì, nỗi buồn của nó là gì, những thứ trần tục của nó là gì, chuyện gì đã xảy ra? Những viên ngọc trai trong ngày để tán tụng Chúa là gì, chúng có thể không tỏ tường nếu chúng ta không suy tư? Có một chút tình yêu trong những gì tôi đã làm không? Và đâu là những vấp ngã, những buồn phiền, những nghi ngờ và sợ hãi phải mang đến cho Chúa Giêsu để Ngài mở ra cho tôi những con đường mới, nâng tôi lên và khích lệ tôi? Xin Mẹ Maria, Vị Trinh Nữ khôn ngoan, giúp chúng ta nhận ra Chúa Giêsu đang đồng hành với chúng ta và đọc lại – đọc lại – mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta trước mặt Người.

Sau khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Hôm qua, tại Paris, Henri Planchat, linh mục của Dòng Thánh Vincent de Paul, Ladislas Radigue và ba linh mục đồng hành của Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã được phong chân phước. Là những mục tử được khơi dậy bởi lòng nhiệt thành tông đồ, các ngài đã hiệp nhất trong việc làm chứng cho đức tin cho đến mức tử đạo, ở Paris vào năm 1871, trong thời kỳ được gọi là “Công xã” Paris. Một tràng pháo tay cho các Tân Chân Phước!

Hôm qua là Ngày Trái Đất. Tôi hy vọng rằng cam kết chăm sóc tạo vật luôn được kết hợp với tình liên đới hiệu quả với những người nghèo nhất.

Thật không may, tình hình ở Sudan vẫn còn nghiêm trọng, và do đó tôi lập lại lời kêu gọi chấm dứt bạo lực càng sớm càng tốt và quay trở lại con đường đối thoại. Tôi mời mọi người cầu nguyện cho anh chị em người Sudan của chúng ta.

Hôm nay là ngày thứ 99 của Đại Học Công Giáo Thánh Tâm, với chủ đề Vì tình yêu tri thức. Những thách thức của chủ nghĩa nhân văn mới. Tôi hy vọng rằng trường đại học Công Giáo lớn nhất của Ý sẽ đối mặt với những thách thức này với tinh thần của những người sáng lập, đặc biệt là tinh thần của bạn trẻ Armida Barelli, người đã được tuyên Chân Phước cách đây một năm.

Thứ Sáu tới, tôi sẽ đến Budapest, Hung Gia Lợi, trong ba ngày, để hoàn tất chuyến đi mà tôi đã thực hiện vào năm 2021 cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế. Đây sẽ là cơ hội để một lần nữa ôm lấy Giáo hội và một dân tộc rất thân thương đối với tôi. Đó cũng sẽ là một hành trình đến trung tâm Âu Châu, nơi những cơn gió lạnh của chiến tranh vẫn tiếp tục thổi qua, trong khi việc di dời của rất nhiều người đặt ra những vấn đề nhân đạo cấp bách trong chương trình nghị sự. Nhưng giờ đây, tôi muốn ngỏ lời thân ái với anh chị em, hỡi anh chị em Hung Gia Lợi thân mến, vì tôi mong được đến thăm anh chị em như một người hành hương, người bạn và người anh em của tất cả mọi người, và gặp gỡ, trong số những người khác, chính quyền, giám mục, linh mục và những người tận hiến, giới trẻ, cộng đồng đại học và người nghèo. Tôi biết anh chị em đang nỗ lực rất nhiều để chuẩn bị cho sự xuất hiện của tôi: Tôi chân thành cảm ơn anh chị em vì điều này. Và tôi xin tất cả anh chị em hãy đồng hành với tôi trong cuộc hành trình này bằng những lời cầu nguyện của anh chị em.

Và chúng ta đừng quên những người anh chị em Ukraine của chúng ta, vẫn còn bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này.

Tôi chân thành chào tất cả các bạn, những người Rôma và những người hành hương từ Ý và nhiều quốc gia – tôi nhìn thấy những lá cờ của rất nhiều quốc gia – đặc biệt là của Salamanca và các sinh viên của Albacete, cũng như nhóm VenetoTrentino của Dòng Malta Quân đoàn cứu trợ.

Tôi chào các tín hữu của Ferrara, Palermo và Grumello del Monte; cộng đoàn Trường Giáo phận Lodi; các bạn trẻ của các thị trấn khác nhau trong các giáo phận Alba, Bergamo, Brescia, Como và Milan; các ứng sinh lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức đến từ nhiều giáo xứ của Ý; các em học sinh Dòng Thánh Tâm Cadonenghe; hợp tác xã “Volœntieri” từ Casoli và nhóm “Mototurismo” từ Agna.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành; và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana