1. Căn cứ Nga ở Mariupol bị nổ tung trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn Storm Shadow

Một cố vấn của thị trưởng Mariupol ở đông nam Ukraine tuyên bố rằng những tiếng nổ được nghe thấy ở thành phố do Nga xâm lược vào đêm thứ Sáu đã diễn ra tại một căn cứ của lực lượng Mạc Tư Khoa.

Petro Andriushchenko, người không ở Mariupol, cho biết trên Telegram rằng đây là căn cứ có khoảng 150 binh sĩ Nga và được sử dụng chủ yếu để hỗ trợ phòng không.

Hội đồng thành phố Mariupol, hiện cũng có trụ sở bên ngoài lãnh thổ bị tạm chiếm, đã lặp lại tuyên bố của Andriushchenko.

“Cư dân Mariupol đã nghe thấy ba tiếng nổ lớn,” hội đồng Ukraine cho biết trên Telegram. Các báo cáo sơ bộ cho thấy các vụ nổ rất lớn đã diễn ra ở một căn cứ của Nga tại sân bay của thành phố.

“Đánh giá qua các video thu được, chúng tôi ghi nhận đối phương phải chịu những tổn thất đáng kể,” hội đồng cho biết.

Một nhóm địa phương tự nhận mình là “Kháng chiến Mariupol” cho biết vụ nổ đã làm rung chuyển một khu vực ở ngoại ô thành phố. Trên kênh Telegram của mình, họ cũng cho thấy những video được quay bởi cư dân địa phương.

Mariupol đã trở thành một điểm tập trung quan trọng của các lực lượng Nga ở miền nam Ukraine và các đoàn xe quân sự của Nga thường xuyên đi qua khu vực này. Vụ nổ mới nhất được cho là do hỏa tiễn Storm Shadow gây ra. Quân Ukraine đã từng dùng máy bay không người lái để tấn công thành phố Mariupol nhưng không gây ra các tổn thất lớn cho quân xâm lược.

Trong một tuần qua, Ukraine đã sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow do Vương quốc Anh cung cấp để chống lại lực lượng Nga. Các hỏa tiễn Storm Shadow, là vũ khí tầm xa nhất trong kho vũ khí của Ukraine, vừa mới được chuyển giao cho Kyiv trước một cuộc phản công được dự đoán trước nhằm vào quân đội Nga. Hỏa tiễn hành trình tầm xa này có khả năng tàng hình và tầm bắn hơn 250km, tương đương 155 dặm.

Các căn cứ quân sự của Nga ở Mariupol trước đây nằm ngoài tầm bắn của pháo binh và không quân Ukraine. Ngày nay, không quân Ukraine có thể bay ở đâu đó trên không phận an toàn ở Zaporizhzhia và phóng các hỏa tiễn Storm Shadow vào thành phố Mariupol dễ dàng.

Hôm thứ Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Vương Quốc Anh cho biết:

“Tất cả những gì tôi có thể xác nhận là hỏa tiễn Storm Shadow đã được sử dụng thành công, đó là thông tin tôi nhận được từ người Ukraine, và tôi rất vui vì nó giúp họ bảo vệ đất nước của mình”

Các hỏa tiễn này có tầm tấn công sâu vào lãnh thổ do Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine. Một quan chức phương Tây nói với CNN rằng Vương quốc Anh đã nhận được sự bảo đảm từ chính phủ Ukraine rằng những hỏa tiễn này sẽ chỉ được sử dụng trong lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine chứ không phải bên trong Nga.

Ben Wallace gọi khoản đóng góp này của Vương Quốc Anh là “cơ hội tốt nhất để Ukraine tự bảo vệ mình trước sự tàn bạo liên tục của Nga.”

Chính quyền dân sự-quân sự do Nga dựng lên ở Cộng hòa Nhân Dân Luhansk và Cộng hòa Nhân Dân Donetsk tự xưng đã báo cáo về các vụ pháo kích của quân Ukraine vào các kho đạn pháo và hỏa tiễn trong gần một tuần qua. Những địa điểm này trước đây chưa bao giờ bị tấn công vì nằm ngoài tầm bắn của HIMARS.

2. Các đơn vị Ukraine vẫn đang bảo vệ các phần của Bakhmut khi các cuộc phản công tiếp tục

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 20 tháng Năm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết tốc độ các cuộc phản công của Ukraine xung quanh Bakhmut đã chậm lại vào hôm thứ Sáu, nhưng “giao tranh rất ác liệt vẫn tiếp diễn” ở thành phố này.

Maliar cho biết người Nga đã “tăng sự hiện diện của quân đội ở khu vực Bakhmut lên vài nghìn người và đang cố gắng sử dụng lợi thế về pháo hạng nặng và số lượng đạn pháo”.

“Quân đội Nga tiếp tục tấn công với cái giá là tổn thất nặng nề, vượt xa tổn thất của chúng ta một cách không tương xứng,” cô nói. Trước đây, tỉ lệ được Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine xác nhận là 1 trên 7, nghĩa là khoảng 7 người Nga tử trận thì có 1 binh sĩ Ukraine hy sinh. Trong các cuộc tấn công trong tuần qua, tỉ lệ này là 1 trên 10.

Maliar nói thêm rằng việc Ukraine bảo vệ Bakhmut đang làm giảm tiềm năng tấn công của Nga và dành thời gian cho “các hành động đã được lên kế hoạch khác”.

Cô cho biết người Nga đang biến các tòa nhà trong thành phố thành tro bụi.”

Quân đội Ukraine vẫn đang giữ một khu vực gần tượng đài máy bay của thành phố và vẫn ở trong khu vực lân cận tượng đài ở góc xa về phía tây nam của Bakhmut.

Một chỉ huy Lữ đoàn Biệt Động Quân số 3 của quân đội Ukraine, Andriy Biletsky, cho biết trong hai ngày qua, hai đại đội của Lữ đoàn 72 Nga đã bị đánh bại và phải rút lui. Hôm thứ Năm, Lữ đoàn cho biết họ đã giành được một khu vực rộng hai km và sâu 700 mét.

3. Tuyên bố đầy đủ từ phía Hoa Kỳ khi họ xác nhận sẽ giúp đào tạo phi công Ukraine.

Hôm thứ Sáu 19 Tháng Năm, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết như sau:

Hôm nay, Tổng thống Biden đã thông báo với các nhà lãnh đạo G7 rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ nỗ lực chung với các đồng minh và đối tác của chúng tôi để đào tạo phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, bao gồm cả F-16, nhằm củng cố và cải thiện hơn nữa khả năng của Lực lượng Không quân Ukraine. Khi khóa đào tạo diễn ra trong những tháng tới, liên minh các quốc gia tham gia nỗ lực này của chúng tôi sẽ quyết định khi nào thực sự cung cấp máy bay phản lực, chúng tôi sẽ cung cấp bao nhiêu chiếc và ai sẽ cung cấp chúng.

Khóa đào tạo này sẽ diễn ra bên ngoài Ukraine tại các địa điểm ở Âu Châu và sẽ cần nhiều tháng để hoàn thành. Chúng tôi hy vọng chúng tôi có thể bắt đầu khóa đào tạo này trong những tuần tới.

Cho đến nay, Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác của chúng tôi đã tập trung vào việc cung cấp cho Ukraine phần lớn các hệ thống, vũ khí và huấn luyện mà nước này cần để tiến hành các chiến dịch tấn công vào mùa xuân và mùa hè này. Các cuộc thảo luận về việc cải thiện Lực lượng Không quân Ukraine phản ánh cam kết lâu dài của chúng tôi đối với khả năng tự vệ của Ukraine.

Cùng với các gói hỗ trợ an ninh ngắn hạn và trung hạn mà chúng tôi đang cung cấp cho Ukraine, Tổng thống Biden đang gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về việc Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi đoàn kết hoàn toàn như thế nào trong việc bảo đảm Ukraine duy trì chủ quyền, độc lập và an toàn với khả năng phòng thủ và ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai.”

4. Zelenskiy cảm ơn Mỹ vì đã đồng ý đào tạo phi công Ukraine

Tổng thống Zelenskiy đã hoan nghênh thông báo của Hoa Kỳ rằng họ sẽ hỗ trợ đào tạo phi công Ukraine sử dụng máy bay F-16 ở Âu Châu.

Trong thông báo hôm thứ Sáu, Hoa Kỳ cho biết sẽ hỗ trợ các nước Âu Châu giúp các phi công Ukraine học cách sử dụng máy bay phản lực F-16 cùng với các máy bay chiến đấu phản lực hiện đại khác, trước khi chúng được cung cấp cho nước này để giúp tự vệ chống lại Nga.

Zelenskiy đã tweet: “Tôi hoan nghênh quyết định lịch sử của Hoa Kỳ và tổng thống Biden trong việc hỗ trợ một liên minh máy bay chiến đấu quốc tế. Điều này sẽ tăng cường đáng kể quân đội của chúng tôi trên bầu trời. Tôi tin tưởng vào việc thảo luận về việc triển khai thực tế quyết định này tại hội nghị thượng đỉnh #G7 ở Hiroshima.”

Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak cũng cho biết ông ủng hộ thông báo này, đồng thời cho biết thêm rằng Vương quốc Anh sẽ hợp tác với Hoa Kỳ, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch để cung cấp khóa đào tạo

5. Éo le: Báo cáo cho thấy hỏa tiễn hành trình 'Kalibr' của Nga tấn công Crimea

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian 'Kalibr' Cruise Missile Hits Crimea–Reports”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy hỏa tiễn hành trình 'Kalibr' của Nga tấn công Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Theo một báo cáo của Ukraine, một người chăn cừu đã phát hiện ra một hỏa tiễn gần một ngôi làng ở Crimea do quân đội Nga bắn ra. Bán đảo này đã bị Nga sáp nhập vào năm 2014.

Các chuyên gia đến hiện trường kết luận rằng hỏa tiễn bị bắn hạ, được tìm thấy gần làng Vulkanivka ở phía nam bán đảo, là một hỏa tiễn Kalibr thuộc Bộ Quốc phòng Nga. Hãng tin Astra, cho biết không có thương vong.

Không có thêm thông tin chi tiết về sự hiện diện của hỏa tiễn bị bắn rơi ở bán đảo do Nga xâm lược. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

Các lực lượng của Nga thường xuyên sử dụng hỏa tiễn Kalibr để tấn công đất liền Ukraine, thường được phóng từ các tàu chiến đóng ở Hắc Hải. Vào tháng 3, Ukraine cho biết họ đã phá hủy “nhiều” hỏa tiễn hành trình của Nga đang được vận chuyển bằng đường sắt tới hạm đội Hắc Hải của Nga đóng tại Crimea.

Nga đã tăng tần suất tấn công hỏa tiễn vào Ukraine trong những tuần qua. Chúng bao gồm bốn lần tấn công hàng loạt trong tháng này, so với một lần vào tháng Tư và một lần vào tháng Ba, và hai lần vào tháng Hai. Ukraine, được hỗ trợ bởi các thiết bị do phương Tây cung cấp như hệ thống hỏa tiễn Patriot, dường như đang tự vệ thành công trước các cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa.

Hôm thứ Ba, Ukraine cho biết họ đã đánh chặn một cuộc tấn công hỏa tiễn hàng loạt vào đầu giờ sáng, bao gồm 9 hỏa tiễn Kalibr được bắn vào Kyiv. Theo Kyiv, việc đánh chặn 6 hỏa tiễn Kinzhal có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã củng cố niềm tin về khả năng phòng thủ hỏa tiễn của Ukraine.

Vào đầu giờ ngày thứ Năm, Ukraine cho biết lực lượng phòng không của họ đã đánh chặn 6 hỏa tiễn do Nga bắn.

Bộ tổng tham mưu Ukraine cho biết hôm thứ Năm rằng chỉ trong một đêm, 29 hỏa tiễn của Nga đã bị bắn hạ, cùng với hai máy bay không người lái kamikaze và hai máy bay không người lái trinh sát. Kyiv cho biết 6 hỏa tiễn hành trình Kalibr đã được phóng từ Hắc Hải cùng với 2 hỏa tiễn Iskander được bắn từ các hệ thống hỏa tiễn tác chiến-chiến thuật trên mặt đất.

Andriy Nebytov, người đứng đầu cảnh sát tỉnh Kyiv, cho biết không có thiệt hại đáng kể nào được ghi nhận do các mảnh vỡ hỏa tiễn rơi xuống và không có thương vong. Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh miền Nam của Ukraine báo cáo rằng một người đã thiệt mạng và hai người khác bị thương sau cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga ở khu vực Odesa.

Cũng trong ngày thứ Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết hỏa tiễn Storm Shadow do Anh cung cấp đã được Ukraine sử dụng nhưng không nói rõ thêm. Các hỏa tiễn phóng từ trên không có tầm bắn vượt quá 155 dặm, xa hơn tầm bắn của vũ khí do Mỹ cung cấp.

Trong một diễn biến khác, cũng tại Crimea, một đoàn tàu chở ngũ cốc giữa Simferopol và thành phố Sevastopol đã bị trật đường ray.Người đứng đầu quốc hội khu vực do Mạc Tư Khoa cài đặt, Vladimir Konstantinov, cho biết đó là kết quả của một vụ nổ do phá hoại.

6. NATO soạn thảo các kế hoạch bí mật chống lại Nga—'Chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu tối nay'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Forges Secret Plans Against Russia—'We Are Ready To Fight Tonight'“, nghĩa là “NATO soạn thảo các kế hoạch bí mật chống lại Nga—'Chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu tối nay'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các nhà lãnh đạo NATO chuẩn bị thông qua các kế hoạch phác thảo cách thức liên minh này có thể đáp trả một cuộc tấn công của Nga.

Động thái này được đưa ra khi một quan chức hàng đầu của NATO, Đô đốc Rob Bauer, cảnh báo rằng cần có sự chuẩn bị vì “một cuộc xung đột có thể xuất hiện bất cứ lúc nào”.

NATO, tổ chức đã tham gia vào các cuộc xung đột nhỏ hơn như Afghanistan trong những năm gần đây, đã không vạch ra các kế hoạch chi tiết như vậy để phòng thủ trước một cuộc tấn công của Nga kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin đã dẫn đến việc suy nghĩ lại.

Các kế hoạch dài hàng nghìn trang cũng sẽ hướng dẫn 31 thành viên của nó về cách nâng cấp lực lượng và hậu cần.

Động thái này sẽ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của liên minh ở Vilnius vào tháng 7, có thể mất vài năm để thực hiện đầy đủ, mặc dù các quan chức NATO nói rằng liên minh có thể lao vào cuộc chiến ngay lập tức.

“Chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu đêm nay”, Trung tướng Hubert Cottereau, phó tham mưu trưởng tại Trụ sở tối cao của NATO Lực lượng Đồng minh ở Âu Châu, gọi tắt là SHAPE, cho biết như trên.

Ông nói rằng liên minh không tin rằng cần phải tăng quân số ở phía đông, đó là điều mà các quốc gia vùng Baltics đã yêu cầu. “Nếu người Nga tập trung quân ở biên giới, chúng ta sẽ lo lắng. Cũng thế, nếu chúng ta tập trung quân ở biên giới, họ sẽ lo lắng.”

Năm ngoái, NATO đã đồng ý đặt 300.000 quân trong tình trạng báo động cao, tăng từ 40.000. Tuy nhiên, liên minh đã phải vật lộn để theo kịp nhu cầu của Ukraine về thiết bị quân sự và sẽ phải nâng cấp hậu cần để cho phép quân đội được triển khai nhanh chóng thông qua đường sắt hoặc đường bộ.

Nhà sử học tại SHAPE, Ian Hope, nói với cơ quan này rằng một cuộc xung đột có thể xảy ra với Mạc Tư Khoa sẽ khác với mối đe dọa gây ra trong Chiến tranh Lạnh, vì máy bay không người lái, vũ khí siêu thanh và internet “đặt ra những thách thức mới”.

Có những câu hỏi về sự sẵn sàng của NATO cho một cuộc xung đột với Nga. Vào tháng 9 năm 2022, một cựu chỉ huy cấp cao của NATO, Tướng Sir Richard Shirreff, nói với Newsweek rằng liên minh này chưa sẵn sàng tham chiến với Mạc Tư Khoa nếu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine biến thành một “trường hợp xấu nhất”.

Ông nói: “Sẵn sàng cho trường hợp xấu nhất có nghĩa là huy động nguồn dự trữ. Điều đó có nghĩa là xây dựng lại những khả năng đã mất đi sau nhiều năm cắt giảm quốc phòng.”

Tháng trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng tất cả các nước thành viên đã đồng ý rằng Ukraine sẽ tham gia liên minh, một khi chiến tranh kết thúc. Liên minh này đã tăng quy mô lên 31 thành viên sau khi Phần Lan gia nhập vào tháng trước, giúp tăng gấp đôi biên giới của NATO với Nga lên 1.600 dặm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO mặc dù các quan chức ở Kyiv muốn lộ trình trở thành thành viên của liên minh phải xảy ra trước hội nghị.

Newsweek đã liên hệ với NATO qua email để có thêm bình luận.

7. Ngoại trưởng Nga cho biết 2 tháng tới sẽ là “quyết định” về tương lai của thỏa thuận ngũ cốc Hắc Hải

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết hai tháng tới sẽ là “thời điểm quyết định” khi nói đến tương lai của thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải, cho phép xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ các cảng của Ukraine.

“Cân nhắc toàn bộ các tình huống và có tính đến lời kêu gọi của các đối tác, chúng tôi ủng hộ sáng kiến của Tổng thống Erdogan khi ông ấy đề xuất gia hạn thỏa thuận này thêm hai tháng, với sự hiểu biết rõ ràng rằng hai tháng này sẽ mang tính quyết định. Ông Lavrov nói trong một cuộc họp báo ở Mạc Tư Khoa.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov xác nhận hôm thứ Năm sau các cuộc đàm phán về việc nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu nông sản của Nga, Mạc Tư Khoa đã đồng ý gia hạn thêm hai tháng đối với thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải.

“Chúng tôi có thể xác nhận rằng phía Nga cũng đã quyết định tiếp tục cái gọi là thỏa thuận Hắc Hải này trong thời hạn hai tháng,” ông Peskov nói với các phóng viên.

Ông mô tả nó là một “kết quả tương đối” đối với Nga, đồng thời nói thêm rằng số phận của hiệp ước “nằm trong tay những nhà đàm phán Liên Hiệp Quốc, là những người phải đồng ý đối với các yêu cầu của Nga.”

Nga trước đó đã đe dọa rút khỏi thỏa thuận, phàn nàn rằng một thỏa thuận riêng với Liên Hiệp Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của Nga, được môi giới như một phần của các cuộc đàm phán về thỏa thuận vào tháng 7 năm ngoái, đã không được tuân thủ.

Thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải là gì? Thưa: Thỏa thuận này được thiết lập lần đầu tiên vào tháng 7 năm 2022 để bảo đảm xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine an toàn trong bối cảnh Nga phong tỏa các cảng của Ukraine. Thỏa thuận – mà Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp môi giới – đã hết hạn vào thứ Tư trước khi nó được gia hạn.

Theo Ủy ban Âu Châu, Ukraine chiếm 10% thị trường lúa mì thế giới, 15% thị trường ngô và 13% thị trường lúa mạch. Ukraine cũng là một quốc gia đứng đầu toàn cầu trong thị trường dầu hướng dương.

Nếu thỏa thuận không được gia hạn, an ninh lương thực trên toàn thế giới sẽ bị đe dọa. Ủy ban Cấp cứu Quốc tế, gọi tắt là IRC, đã viết vào thứ Ba rằng có tới 90% hàng nhập khẩu vào các nước Đông Phi là các lô hàng được hỗ trợ bởi thỏa thuận ngũ cốc. IRC cho biết nếu những hoạt động nhập khẩu này dừng lại, sẽ có “sự gia tăng đột biến về số lượng người thiếu dinh dưỡng” lên gần 19 triệu người vào năm 2023.

8. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang làm suy yếu ảnh hưởng của nước này ở Trung Á. Trung Quốc đặt mục tiêu lấp đầy khoảng trống

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ trải thảm đỏ cho các quốc gia Trung Á trong tuần này khi Bắc Kinh cố gắng mở rộng phạm vi hoạt động sang một khu vực từ lâu được coi là vùng ảnh hưởng của Nga.

Các nhà lãnh đạo của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đang tập trung tại thành phố Tây An miền trung Trung Quốc cho một hội nghị thượng đỉnh bắt đầu vào thứ Năm.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nguyên thủ quốc gia với Trung Quốc kể từ khi họ thiết lập quan hệ ngoại giao sau khi Liên Xô sụp đổ, điều này và diễn ra khi khu vực này đang vật lộn với các tác động kinh tế dây chuyền của nước láng giềng Nga trong cuộc xâm lược Ukraine.

Trung Quốc đã quảng cáo cuộc họp là “hoạt động ngoại giao lớn đầu tiên” mà nước này tổ chức trong năm nay và là cơ hội để vạch ra một “kế hoạch chi tiết mới” với khối các quốc gia hậu Xô Viết rộng lớn nằm giữa biên giới phía tây của nước này, Âu Châu và Trung Đông.

Sự kiện kéo dài hai ngày này cũng là một vở kịch của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình ở Trung Á, nơi Nga, từ lâu đã là đối tác cường quốc thống trị, hiện đang bị phân tâm bởi cuộc xâm lược Ukraine đang suy yếu và không thành công.

“Bối cảnh quan trọng nhất của hội nghị thượng đỉnh này là cuộc chiến Ukraine và sự không chắc chắn của khu vực với cam kết, ảnh hưởng và vai trò trong tương lai của Nga trong khu vực,” Vân Tôn (Yun Sun, 云孙) giám đốc Chương trình Trung Quốc tại tổ chức tư vấn Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết.

Bà nói: “Trung Á luôn được coi là sân sau của Nga và Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực và có những nguyện vọng và hướng đi mới cho quan hệ Trung Quốc-Trung Á - những cơ hội không có trong quá khứ”.

9. Bộ trưởng Quốc phòng NATO cho rằng Crimea là 'lằn ranh đỏ' đối với Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Crimea Is a 'Red Line' for Putin, NATO Defense Minister Says”, nghĩa là “Bộ trưởng Quốc phòng NATO cho rằng Crimea là 'lằn ranh đỏ' đối với Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Mặc dù kêu gọi các quốc gia NATO không chùn bước trước một chiến dịch của Ukraine đối với bán đảo này bất kể lo ngại về kho vũ khí hạt nhân của Mạc Tư Khoa, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia cho biết, mất quyền kiểm soát đối với Crimea là một “lằn ranh đỏ” đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin,

Trong một cuộc phỏng vấn tại Bộ Quốc phòng Estonia vào cuối tuần trước bên lề Hội nghị Lennart Meri, Hanno Pevkur nói với Newsweek rằng các đồng minh NATO có các kênh để cảnh báo Điện Cẩm Linh về việc sử dụng vũ khí hạt nhân và rằng việc Putin lặp đi lặp lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ không làm suy yếu sự ủng hộ Kyiv của phương Tây.

Pevkur nói: “Công việc của chúng tôi ở đây là giúp đỡ người Ukraine và lo làm sao để họ có thể thực hiện các động thái của mình, chứ không phải lo lắng về những gì Cẩm Linh sẽ làm.”

Crimea chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong huyền thoại quốc gia của Putin. Vụ chiếm giữ nhanh chóng và không gây đổ máu của quân đội Nga - lúc đó được gọi là “những người đàn ông màu xanh lá cây” do họ không có phù hiệu hoặc các dấu hiệu nhận dạng khác - vào năm 2014 đã được tôn vinh như một bằng chứng về sự tự tin và năng lực mới của Mạc Tư Khoa và sự đảo ngược của một sự sỉ nhục quốc gia được coi là đã chìm sâu trong lịch sử.

Nhưng quân đội Ukraine có thể đang hướng tới bán đảo cho cuộc phản công sắp tới của họ. Một cuộc tấn công thành công về phía nam từ Zaporizhzhia và phía đông từ Kherson để cắt đứt cây cầu trên đất liền nối Crimea với Nga có thể cô lập bán đảo và gây nguy hiểm cho hàng trăm nghìn binh sĩ và thường dân Nga ở đó.

Các quan chức nước ngoài đã bày tỏ lo ngại rằng tham vọng chiếm lại bán đảo của Kyiv có thể khiến Điện Cẩm Linh leo thang chiến tranh với Ukraine, mặc dù các quan chức phương Tây cũng cho biết không có dấu hiệu ngay lập tức cho thấy Putin đang xem xét vũ khí hạt nhân.

“Ukraine cần lấy lại tất cả các lãnh thổ,” Pevkur nói với Newsweek khi được hỏi về vấn đề Crimea. Ông nói thêm, số phận của bán đảo sẽ phụ thuộc một phần vào phản ứng của Nga đối với cuộc phản công sắp tới.

“Sẽ có tuyết lở chứ? Liệu họ có bắt đầu chạy không?...Rất khó nói. Vấn đề này có thể diễn ra trong một hoặc hai tháng, sau đó chúng ta sẽ có thêm thông tin,” ông nói. “Nhưng dựa trên thông tin công khai mà chúng tôi hiện có, thì chắc chắn Crimea là 'lằn ranh đỏ' đối với Putin. Nhưng chúng tôi không biết 'lằn ranh đỏ' đó có nghĩa là gì.

“Chúng tôi không biết, khi chúng ta ở trong giai đoạn Ukraine sẵn sàng chiếm Crimea, tình hình hoặc tình trạng hiện tại của Quân đội Nga sẽ ra sao. Có lẽ không có gì có thể chống lại. Có thể trận tuyết lở lớn, và sẽ mất vài tháng. Hoặc có thể ngược lại, và đó sẽ là một cuộc xung đột rất dài.”

Pevkur nói thêm, có lẽ Putin thậm chí có thể không còn là tổng tư lệnh nữa.

“Tôi tin rằng người Ukraine hy vọng như vậy,” ông nói. “Nhưng khi đó không phải là Putin, thì đó có thể là một người khác thậm chí còn hung dữ hơn đối với người Ukraine. Bạn không bao giờ biết người lãnh đạo mới sẽ như thế nào.”

NATO và Hoa Kỳ có các kênh thông qua đó họ có thể cảnh báo tổng thống Nga về việc sử dụng hạt nhân. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan trước đó đã cảnh báo sẽ có những hậu quả “thảm khốc” đối với Mạc Tư Khoa nếu nước này sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Ukraine.

Nhưng NATO đã kiềm chế không công khai chi tiết các bước tiếp theo mà tổ chức này có thể thực hiện, thay vào đó chọn “sự mơ hồ chiến lược”. Pevkur nói với Newsweek rằng đường lối này là một lời cảnh báo đủ cho Putin.

Ông nói: “Tôi tin rằng những gì NATO sẽ làm sẽ không bao giờ được công bố. “Và điều này là đúng bởi vì có những kênh để gửi thông điệp tới Nga về mối đe dọa hạt nhân, tấn công hạt nhân. Và chắc chắn, NATO và các đồng minh sẽ sử dụng các kênh này để gửi đúng thông điệp”.

Về việc liệu thông điệp này đã được gửi đi hay chưa, Pevkur nói: “Không cần phải suy đoán. Chúng ta đã thấy rằng Nga... đã hù dọa các đồng minh một chút. Chúng tôi thấy rằng mối đe dọa này vẫn là một mối đe dọa. Khi muốn đạt kết quả thực sự thì không nên làm công khai. Đặc biệt là khi nó không liên quan đến mối đe dọa hạt nhân.”

Pevkur nằm trong số những người kêu gọi thận trọng trước cuộc phản công sắp xảy ra—hoặc có lẽ đã diễn ra—của Ukraine.

“Điều đó rất quan trọng, tất cả chúng ta đều hiểu điều đó,” bộ trưởng quốc phòng nói. “Nhưng chúng ta đừng gây quá nhiều áp lực lên người Ukraine với điều đó. Vâng, đây là lý do tại sao chúng tôi cũng đã huấn luyện các binh sĩ Ukraine ở Âu Châu, cũng như ở đây, Estonia. Và đây là lý do tại sao chúng tôi gửi viện trợ quân sự cho Ukraine...Chúng tôi cần hy vọng rằng quốc gia này sẽ thành công nhất có thể.”

“Nhưng đặt mọi thứ vào bối cảnh, tiền tuyến là 800-900 km, giới tuyến đầy đủ hơn lên đến 1.000 km, đó là rất lớn. Rõ ràng, ngay cả khi bạn có 12, có thể là 13 lữ đoàn mới, bạn vẫn phải đối phó với hơn 300.000 người Nga.”

Ông nói: “Mọi quân đội đều hiểu rằng để có một cuộc phản công cực kỳ mạnh mẽ, bạn cần phải có tỷ lệ 1:3 hoặc 1:4 về phía mình. Đây là lý do tại sao tôi tin rằng chúng ta phải bình tĩnh đón nhận và không gây quá nhiều áp lực lên người Ukraine. Hãy chờ xem việc này sẽ đi đến đâu.”

Ukraine sẽ hy vọng rằng các lực lượng bị tấn công của Nga không thể chịu được cuộc tấn công. Các nhà lãnh đạo ở Kyiv đã nói rõ rằng mục tiêu chính của các trận chiến phòng thủ tiêu hao trong mùa đông và mùa xuân ở phía đông là làm suy yếu sức mạnh của Nga.

“Chắc chắn là họ đã mất rất nhiều chiến binh giỏi, ngay cả trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến,” Pevkur nói về người Nga. “Tất cả chúng ta cũng hiểu rằng phòng thủ dễ hơn nhiều so với tấn công. Mặc dù Quân đội Nga đã bị cắt giảm quy mô, nhưng họ vẫn có hàng trăm ngàn người ở đó.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận.

“Bạn không thể dự đoán những gì có thể xảy ra,” bộ trưởng nói. “Cuộc phản công có thể giống như một trận tuyết lở. Nếu bạn có một quả cầu tuyết và bạn ném nó xuống núi, nó có thể biến thành tuyết lở. Nhưng nó cũng có thể chỉ là một quả cầu tuyết. Chúng ta phải hy vọng nó sẽ xuất hiện như một trận tuyết lở.

“Và đừng quên rằng, dù sao đi nữa, điều đó không thể ảnh hưởng đến sự giúp đỡ của chúng tôi đối với Ukraine, vì mục tiêu cuối cùng của Ukraine vẫn như cũ: giành chiến thắng trong cuộc chiến và giành lại lãnh thổ của họ.”

Trong khi chờ đợi, Pevkur nói, các quốc gia NATO nên cố gắng hơn để trang bị cho người Ukraine chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công.

Ông nói: “Viện trợ quân sự của Estonia dành cho Ukraine cho đến nay là khoảng 400 triệu đô la, mà theo thuật ngữ của Estonia là hơn 1% GDP một chút. Chúng tôi có tổng cộng 54 quốc gia trong Định dạng Ramstein của Nhóm Liên lạc Ukraine với tổng GDP khoảng 50 nghìn tỷ đô la.”

“Khi bạn lấy 1 phần trăm của 50 nghìn tỷ, nó xấp xỉ 500 tỷ đô la. Cho đến nay, viện trợ quân sự tập thể đã xấp xỉ 50 tỷ đô la. Nó cho thấy rằng chúng tôi có thể làm nhiều hơn nữa. Và chắc chắn, khi Ukraine cần, chúng tôi có thể giúp đỡ”.