THUỘC VỀ ĐỨC KITÔ THÌ CAN CHI PHẢI SỢ !

(Chúa Nhật 12 TN A 2023)

Bất cứ sứ vụ nào cũng đi kèm với những thách đố; vì thế, bất cứ ai thi hành sứ vụ cũng phải đối diện với lắng lo, xao xuyến hay sợ hãi...

Vì thế, chẳng lạ gì, trong thời gian nầy, có rất nhiều thanh niên Nga bỏ trốn ra nước ngoài, trốn nghĩa vụ quân sự, vì họ sợ phải tan thây trên chiến trường ác liệt tại Ukraina...

Cũng vậy, trường hợp của ngôn sứ Giêrêmia trong Cựu ước là không ngoại lệ: đứng trước sứ vụ ngôn sứ đầy nghiệt ngã đắng cay, khi phải đứng ra vạch trần tội lỗi của dân và loan báo sự đe phạt của Thiên Chúa; và dĩ nhiên, sau đó phải “lãnh đủ” kết quả không mong muốn là sự ghét bỏ, hiềm thù và hãm hại của mọi người, nên nhà ngôn sứ đâm ra sợ hãi, đã từng có ý định đào ngủ, thối lui, như chính ngài từng thú nhận: Có lần con tự nhủ: "Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa." (Gr 20,9).

Tuy nhiên, Giêrêmia đã vượt qua nỗi sợ hãi nầy vì một niềm xác tín chắc nịch: “Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng”; và không chỉ đặt niềm trông cậy vào một Thiên Chúa là “người lính chiến hùng dũng”, mà, như chính ngài từng cảm nhận và sẻ chia như chúng ta vừa nghe qua Bài Đọc 1 hôm nay, còn là một Thiên Chúa, “Đấng xét xử người công chính, thấu suốt tâm can..., đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ.”.

Từ ý nghĩa đầu tiên mà sách ngôn sứ Giêrêmia khơi gợi, chúng ta có thể nói được rằng: sứ điệp lời Chúa của Chúa Nhật 12 TN A chính là sứ mệnh ngôn sứ và hành trang Đức Cậy.

Thật vậy, nối tiếp sứ mệnh ngôn sứ và niềm cậy trông của Giêrêmia trong Cựu ước, Chúa Giêsu cũng không làm gì khác hơn đó là trao cho các môn sinh, khi Ngài sai họ ra đi loan báo Tin Mừng, một phương thế, một hành trang mang tên “Trông Cậy” nhưng được Ngài thể hiện ra như một mệnh lệnh: “Đừng Sợ”: “Các con đừng sợ những người đó… Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn… Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần…”. (Mt 10,26-33).

Nhờ Nhiệm Tích Thanh Tẩy và Thêm Sức, mọi người tín hữu đều được gọi vào tham gia sứ mệnh Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế của Đức Kitô, tùy theo ơn gọi và điều kiện thích hợp. Cách riêng với sứ mệnh Ngôn sứ, nhất là trong một thế giới mà trào lưu tục hóa đang tràn lan khắp nơi, khắp chốn, người Kitô hữu hôm nay luôn phải đối diện với những nghiệt ngã và thách đố, mà đôi khi, đã làm cho nhiều người sợ hãi đầu hàng, thối lui và bỏ cuộc.

Vì thế, kinh nghiệm “vượt qua sợ hãi” của ngôn sứ Giêrêmia hay mệnh lệnh “đừng sợ” của Đức Kitô vẫn luôn là hành trang quý giá và mang tính thời sự cho mỗi người chúng ta hôm nay. Vâng, người mang sứ mệnh Ngôn sứ hay kẻ lãnh sứ vụ Tông đồ, không có nghĩa là tìm kiếm cuộc sống an bình thư thái, không có những gian nguy thử thách để lắng lo đối diện, những bão táp phong ba để lo sợ và chiến đấu…; nhưng là biết bình tâm để chiến đấu và chiến thắng sợ hãi, biết khôn ngoan và can đảm để vượt qua thử thách gian nan.

Nếu điểm tựa đã giúp cho ngôn sứ Giêrêmia vững vàng trong sứ vụ là “Vị Thiên Chúa, như Trang Dũng Sĩ uy hùng”, thì điểm tựa, sức mạnh để Đức Kitô bảo đảm cho các môn sinh của Ngài “đừng sợ” lại chính là một “Thiên Chúa Cha quyền năng và nhân ái chăm sóc từng con chim sẻ, đếm từng sợi tóc trên đầu”. Và để minh họa cho ý nghĩa về niềm trông cậy trên, người ta hay kể cho nhau nghe câu chuyện về một em bé con ông thuyền trưởng:

Người ta kể rằng, trên một con tàu xuyên đại dương, tất cả mọi hành khách đều nhốn nháo hoang mang lo sợ khi tàu phải đối diện với một cơn bão lớn. Trong khi đó, tại phòng lái của viên thuyền trưởng, có một em bé vẫn bình thản, vui chơi, như không cảm thấy sự gì xảy ra. Có người thấy vậy mới buột miệng hỏi em:

– Sao đang đứng trước phong ba bão táp như thế mà cháu vẫn bình tâm vô sự?

Em bé tươi tỉnh trả lời:

– Bố tôi đang lái tàu mà, tôi có gì mà phải sợ !

Thì ra em bé không hoang mang lo sợ không phải vì chính mình hay vì những bảo đảm chung quanh, mà giản đơn, chỉ vì một điểm tựa duy nhất: “BỐ TÔI ĐANG LÁI TÀU”. Quả thật, con người sẽ không còn hoang mang lo sợ bất cứ điều gì khi sống tâm tình tin yêu phó thác của một em thơ đối với Thiên Chúa là “Người Bố đang lái tàu”. Phải chăng, cũng vì lẽ đó mà Chúa Giêsu đã từng dạy bảo chúng ta “Hãy đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn của một trẻ em” (Lc 18,17).

Trên cuộc lữ hành về vĩnh cửu, nếu ai cả gan cho mình không biết sợ hãi chi thì chắc đó chỉ là người bất bình thường. Chính Con Một Thiên Chúa còn phải lâm cơn sợ hãi khi đối diện với khổ hình thập giá đến độ “đổ mồ hôi máu” trong vườn Cây Dầu (Lc 22,44). Thánh Phêrô thời bạo chúa Nerô bách hại, theo truyền thuyết, đã từng sợ hãi, bỏ đoàn chiên lại Rôma để đi trốn ra ngoại thành (Truyền thuyết Quo Vadis). Nhiều vị Thánh Tử Đạo, trước khi hoàn tất lời chứng đức tin với máu đào hy lễ, đã trầy trật chối đạo khi phải chịu hình khổ đớn đau (Thánh Phan Viết Huy, thánh Bùi Đức Thể...).

Vâng, Chúa không buồn vì chúng ta sợ hãi; nhưng Chúa sẵn sàng ban ơn trợ lực giúp chúng ta vượt qua khi biết khiêm hạ và dễ thương đặt trót niềm trông cậy nơi Ngài. Dĩ nhiên, để có được niềm trông cậy quý báu và cần thiết nầy thì Chúa Kitô đã liệu định cho chúng ta một con đường, một phương thế hay hành trang tối hảo: Thánh Thể. Khi được kết hợp với Chúa Kitô Thánh Thể thì “sự chết cũng không làm gì được chúng ta”; và đây chính là ơn huệ tuyệt vời nhất để chúng ta kiên vững trong Đức Tin, vững vàng trong Đức Cậy và bền đổ trong Đức Mến để chiến thắng cả sự chết, như cảm nhận của Thánh Tông Đồ Phaolô (Bđ 2): “vì nếu do tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ơn nghĩa của Thiên Chúa và ân huệ ban do ơn một người là Ðức Giêsu Kitô, làm cho nhiều người được ơn dư đầy hơn bội phần”.

Vâng, được thuộc về Đức Kitô thì can chi phải sợ ! Bởi vì, “Thầy đã thắng thế gian”.

Trương Đình Hiền