1. Đức Giáo Hoàng thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine với Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Hoa Kỳ
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine với vị tướng hàng đầu của Hoa Kỳ trong cuộc gặp gỡ tại Vatican hôm thứ Hai.
Theo Đại tá Dave Butler phát ngôn viên của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley “rất vinh dự và đặc ân” khi có cơ hội gặp gỡ Đức Giáo Hoàng.
Butler cho biết hai người đã gặp nhau trong khoảng 30 phút và Milley đã trao cho Đức Thánh Cha Phanxicô một bản sao của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Trong cuộc thảo luận về Ukraine, Đức Giáo Hoàng đặc biệt quan tâm đến con số dân thường thương vong trong cuộc chiến đang diễn ra.
Milley, người thường xuyên gặp gỡ những người đồng cấp và các chức sắc khác trong quân phục, đã mặc một bộ đồ dân sự trong cuộc triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đức Thánh Cha Phanxicô là người thẳng thắn chỉ trích cuộc chiến ở Ukraine. Đầu tháng này, khi đang ở Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha đã hỏi một cách hoa mỹ rằng Âu Châu đang đi theo con đường nào nếu không muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Ngài đã kêu gọi Nga tham gia lại Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải và cho biết Vatican là một phần trong sứ mệnh chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Trong một đoạn video do Vatican công bố, người ta nghe thấy Milley nói với Giáo hoàng rằng ông sẽ cầu nguyện cho ngài khi đáp lại yêu cầu Đức Giáo Hoàng thường đưa ra với những ai gặp gỡ ngài.
Đại tá Butler nói, đó là một “kinh nghiệm khiêm nhường” đối với Tướng Milley khi được gặp Giáo hoàng. Theo Đại tá Butler, Tướng Milley nói với Đức Giáo Hoàng rằng cuộc chiến sẽ chấm dứt ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay nếu người Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine mà họ chiếm đóng trái luật pháp quốc tế.
Ngay cả trong trường hợp người Ukraine buông súng đầu hàng, hòa bình cũng không được lặp lại. Có thể im tiếng súng ở Ukraine, nhưng không ai có thể bảo đảm một cách chắc chắn rằng sau khi đã thôn tính đến Ukraine, người Nga sẽ không tấn công Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic; và người Tầu sẽ không tấn công Đài Loan.
2. Pakistan trao tiền mặt cho các tín hữu Công Giáo bị mất nhà cửa trong cuộc bạo loạn kinh hoàng nhất trong lịch sử Pakistan liên quan đến cáo buộc xúc phạm Kinh Qur'an
Chính quyền Pakistan hôm thứ Hai đã trao hàng ngàn đô la cho gần 100 gia đình Công Giáo có nhà cửa bị phá hủy hoặc hư hại bởi một đám đông Hồi giáo tức giận sau một cáo buộc xúc phạm Kinh Qur'an vào tuần trước.
Chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Anwaar-ul-Haq Kakar cho biết mỗi gia đình sẽ nhận được 2 triệu rupee hay 6.800 USD tiền bồi thường vào hôm thứ Hai. Cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ thêm hàng chục kẻ bạo loạn trong các cuộc đột kích đang diễn ra, nâng tổng số người bị giam giữ trong các vụ tấn công ở thành phố Jaranwala lên 160 người.
Hôm thứ Tư, hàng trăm người Hồi giáo nổi giận vì cáo buộc rằng một người đàn ông Công Giáo và bạn của anh ta đã báng bổ cuốn sách thánh của đạo Hồi. Những người Công Giáo đã hốt hoảng chạy trốn khỏi nhà của họ để thoát khỏi những kẻ tấn công. Sau đó họ đã quay trở lại chứng kiến cảnh tượng bị tàn phá. Nhiều người đã sống bên lề đường kể từ đó, lo sợ các công trình bị đốt cháy có thể sụp đổ.
Vụ đốt phá, là một trong những vụ tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử đất nước, đã bị cả nước lên án. Kakar hôm thứ Hai đã đến khu vực này để gặp gỡ một số nạn nhân của các vụ tấn công và trao tiền bồi thường. Ông đã hứa trong một bài phát biểu trên truyền hình rằng nhà nước sẽ bảo đảm việc bảo vệ các nhóm thiểu số, bao gồm các tín hữu Kitô, người theo đạo Hindu, đạo Sikh và người Ahmadis.
Kakar cho biết không ai trong số những kẻ bạo loạn sẽ không bị trừng phạt, đồng thời mô tả những kẻ đứng sau các vụ tấn công là “kẻ thù của nhân loại”.
Trước đó cùng ngày, Mohsin Naqvi, quan chức hàng đầu của tỉnh Punjab, nơi Jaranwala tọa lạc, đã công bố các khoản bồi thường trên X, trước đây gọi là Twitter. Naqvi đã đến thăm thành phố vào hôm Chúa Nhật và tổ chức một cuộc họp với các quan chức địa phương tại một nhà thờ bị đốt cháy.
“ Họ lo lắng cho sự an toàn của mình, họ lo lắng cho con cái của họ, những người đã chứng kiến thảm kịch và bị tổn thương”. Ông cho biết tất cả 26 nhà thờ ở Jaranwala đều bị tấn công, đốt cháy hoặc hư hại.
Những kẻ bạo loạn cho biết một người Công Giáo địa phương và bạn của anh ta đã xé các trang trong Kinh Qur'an, ném chúng xuống đất và viết những nhận xét xúc phạm trên các trang khác. Cảnh sát đã bắt giữ hai người đàn ông. Tuy nhiên, các nguồn tin ban đầu của cảnh sát cho thấy họ bị cáo gian.
Cảnh sát cho biết các nhà lãnh đạo địa phương từ đảng Tehreek-e-Labaik Pakistan theo đường lối cứng rắn cũng đã kích động người dân bạo lực trong đó một nghĩa địa Kitô giáo bị xúc phạm. Đảng này có lịch sử tổ chức các cuộc biểu tình bạo lực ở Pakistan phản đối việc báng bổ Kinh Qur'an ở Thụy Điển, Đan Mạch và các nơi khác.
Naqvi cho biết việc bồi thường sẽ hoàn thành trong vòng 48 giờ tới và nói rằng chính quyền đã bắt đầu sửa chữa các nhà thờ.
Theo luật báng bổ của Pakistan, bất kỳ ai bị kết tội xúc phạm đạo Hồi đều có thể bị kết án tử hình. Trong khi các nhà chức trách vẫn chưa thi hành án tử hình đối với tội báng bổ, những lời buộc tội không bằng không chứng cũng có thể kích động đám đông bạo lực và treo cổ những người bị tố cáo.
Trong một báo cáo dày 68 trang được công bố vào năm 2018, Amnesty International đã phơi bày sự thật về luật báng bổ của Pakistan mà nạn nhân của nó từ năm 1987 đến nay là 633 người Hồi giáo, 494 người Ahmadis, 187 Kitô hữu và 21 người theo Ấn Giáo.
Báo cáo của Amnesty International có tựa đề “As Good as Dead”, nghĩa là “Cũng như là Chết”, trong đó ghi lại tình trạng của những người bị tố cáo là báng bổ tiên tri Muhammad. Họ sống cũng như là chết trước cơ man những hình thái bạo lực về tinh thần và thể xác chống lại họ.
Trong lời nói đầu, Amnesty International nói thẳng thừng rằng:
“Luật báng bổ của Pakistan đã được cẩn thận viết theo lối mở rộng cửa cho những lạm dụng.
Người ta cố tình không đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ cho những điều khoản trong luật này được diễn đạt đúng đắn như thường thấy trong hệ thống luật pháp của một quốc gia. Điều này có nghĩa là các bị cáo có rất ít phương tiện để tự bảo vệ mình.
Luật báng bổ của Pakistan thể hiện một sự xuyên tạc hệ thống tư pháp, trong đó các bị cáo thường bị xem là có tội, dù có rất ít hoặc chẳng có bằng chứng nào cả.
Báo cáo này ghi lại cẩn thận các trường hợp nhằm minh họa cho những vi phạm nhân quyền và lạm dụng trên một phạm vi rất rộng, để làm nổi bật sự cần thiết phải bãi bỏ một cách cấp bách luật này – và trong khi chờ đợi luật này bị bãi bỏ - chúng tôi muốn nêu bật sự cần thiết là chính quyền Pakistan phải đưa ra các thủ tục bảo vệ hiệu quả cho những người vô tội”.
Viện dẫn các phán quyết của tòa án, Amnesty International tố cáo trước công luận quốc tế rằng:
“Đa số các trường hợp bị tố cáo là phạm thượng dựa trên những cáo buộc sai lầm xuất phát từ những tranh chấp quyền sở hữu hoặc những bất hòa giữa các cá nhân hoặc giữa các gia đình, chứ không phải là thật sự báng bổ [tiên tri Muhammad], và chắc chắn những cáo buộc như thế sẽ dẫn đến hàng loạt những vụ bạo động trên quy mô toàn bộ cộng đồng”.