1. Đại Tá Mikhail Filiponenko, nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Luhansk, nổ tung

Lúc 12 giờ trưa ngày Thứ Tư, 8 Tháng Mười Một, theo giờ địa phương, tức là 4 giờ chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam, Đại Tá Mikhail Filiponenko, nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Luhansk, gọi tắt là LPR, đã bị đặt bom nổ tung khi ông ta đang lái xe trong khu vực Luhansk.

Những người lái xe đi ngang qua chứng kiến vụ nổ. Một trong những nhân chứng nói với RIA Novosti rằng mọi người đã cố gắng giúp đỡ Filiponenko nhưng ông ta đã chết ngay tại chỗ.

Đây không phải là nỗ lực đầu tiên nhằm vào cuộc đời của Filiponenko. Vào tháng 2 năm 2022, chiếc xe của ông bị nổ tung tại Bộ Tổng Tham Mưu của LPR mà ông ta đứng đầu. Filiponenko sống sót nhưng tài xế của ông ta bị thương.

Filiponenko là người Nga nhưng sinh tại Luhansk, Ukraine vào ngày 20 tháng 6 năm 1975. Ông tốt nghiệp Đại học Kiến trúc và Xây dựng Quốc gia Kyiv và là một doanh nhân tư nhân trong ngành xây dựng. Từ năm 2014 đến năm 2022, ông tham gia vào cái gọi là quân đội của Cộng hòa Nhân Dân Luhansk, và leo đến chức Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội LPR.

Sau khi dẫn toàn quân bỏ chạy trong trận Lyman hồi đầu tháng 10, 2022, Filiponenko bị cách chức và giải ngũ. Vào thời điểm bị nổ bom chết, Filiponenko là phó chủ tịch Quốc Hội LPR.

Filiponenko có hai người con. Đứa con trai ông ta, 13 tuổi nói với Trung tâm Thông tin Luhansk, một hãng thông tấn do các quan chức do Mạc Tư Khoa điều hành trong khu vực, là một thiết bị nổ phát nổ ngay trong xe của Mikhail Filiponenko.

Truyền thông Nga đăng tải những bức ảnh cho thấy một chiếc xe bị phá hủy đậu dọc bên đường, máu vương vãi khắp ghế lái, mà họ nói là hậu quả của vụ tấn công.

Ủy ban Điều tra Nga, cơ quan điều tra các tội ác lớn, sau đó thông báo rằng họ đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ đánh bom xe.

Một số nhân vật cao cấp ủng hộ cho cuộc xâm lược Ukraine của Mạc Tư Khoa, cũng như các quan chức được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn tại các vùng lãnh thổ bị lực lượng Nga chiếm giữ đã bị tấn công và ám sát.

Tháng trước, một tay súng ở Crimea đã bắn bị thương Oleg Tsaryov, một cựu nghị sĩ Ukraine, người từng được cho là Tổng thống lâm thời của Ukraine nếu Putin chiếm được Kyiv.

Mạc Tư Khoa đã tuyên bố rằng các cơ quan mật vụ Ukraine đứng đằng sau vụ này và một số vụ tấn công khác, bao gồm vụ đánh bom xe vào người theo chủ nghĩa dân tộc Darya Dugina bên ngoài Mạc Tư Khoa năm ngoái và vụ đánh bom blogger quân sự Vladlen Tatarsky tại một quán cà phê ở St. Petersburg vào tháng Tư.

Không có bình luận ngay lập tức từ Kyiv về vụ đánh bom hôm thứ Tư.

2. Ukraine triển khai thêm vũ khí mới, gây tổn thất nặng cho quân xâm lược

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Military Suffers Blow As Ukraine Deploys New Weapons”, nghĩa là “Quân đội Nga hứng đòn đau khi Ukraine triển khai vũ khí mới.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một nhà sản xuất công nghiệp quốc phòng Ukraine hôm thứ Hai thông báo rằng các máy bay không người lái cảm tử kamikaze được sản xuất trong nước đã sẵn sàng được triển khai trong cuộc chiến ở Kyiv chống lại Nga.

Theo một cuộc phỏng vấn được công bố bởi Economic Truth với Herman Smetanin, tổng giám đốc của nhà sản xuất vũ khí nhà nước Ukroboronprom, cho biết các máy bay không người lái có tầm bắn tối đa 1.000 km (khoảng 621 dặm) được sản xuất với sự trợ giúp của các nhà cung cấp nước ngoài.

Phát ngôn nhân của Ukroboronprom Nataliya Sad tuyên bố vào tháng 6 rằng một cuộc thử nghiệm thành công đã được thực hiện bằng cách sử dụng máy bay không người lái có khả năng đạt tới 1.000 km.

“Nó đã được sản xuất,” Smetanin nói với Economic Truth khi được yêu cầu cập nhật thông tin về vũ khí. “Đặc biệt là hợp tác với các đối tác nước ngoài. Chính xác ở đâu, tôi sẽ không nói cho bạn biết vì lý do bảo mật. Cái chính là chúng bay và phát nổ, lực lượng phòng vệ ra lệnh cho chúng. Thật tuyệt.”

Các máy bay không người lái mới được sản xuất dường như là loại máy bay không người lái có tầm hoạt động xa nhất mà Ukraine có. Vào tháng 8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố rằng đất nước của ông đã phát triển một loại vũ khí có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 700 km, theo báo cáo của hãng tin AP.

Quân đội Ukraine đã phụ thuộc rất nhiều vào “đội quân máy bay không người lái” trong cuộc chiến kéo dài 20 tháng chống lại Nga. Theo Viện Nghiên cứu Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh, Kyiv sử dụng khoảng 10.000 máy bay không người lái mỗi tháng, bao gồm máy bay không người lái kamikaze, đạn dược và máy bay không người lái trinh sát.

Trong cuộc phỏng vấn với Economic Truth, Smetanin nói rằng máy bay không người lái tầm xa do Ukroboronprom sản xuất không giống với máy bay không người lái Shaheeds của Iran mà Mạc Tư Khoa thường triển khai. Tuy nhiên, các nhà sản xuất khác đang nỗ lực chế tạo những loại vũ khí như vậy.

Smetanin nói: “Có rất nhiều nhà sản xuất nhà nước và tư nhân ở Ukraine. Chúng tôi có một mẫu tương tự như Shaheed và cũng có những mẫu mạnh mẽ hơn vì Shaheed không bay xa đến thế. Chúng tôi tập trung vào việc sản xuất các dự án phức tạp và đắt tiền hơn với hiệu suất cao.”

Trong khi đó, Nga đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu cung cấp vũ khí của mình và từ lâu đã dựa vào vũ khí do Iran sản xuất để bổ sung vào kho dự trữ của mình. Mạc Tư Khoa cũng được cho là đã bắt đầu sản xuất một tàu huấn luyện hải quân mới được thiết kế để dạy phi công đánh chặn máy bay không người lái của Ukraine.

Theo Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College Luân Đôn, người trước đây đã nói chuyện với Newsweek, Nga đã bắt đầu “từ từ bắt kịp” kho dự trữ máy bay không người lái của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Anh tuần trước lưu ý rằng các máy bay không người lái Lancet mới ra mắt gần đây của Nga “rất có thể là một trong những khả năng mới hiệu quả nhất mà Nga đã triển khai ở Ukraine trong 12 tháng qua”.

3. Nhà lãnh đạo chính quyền quân sự thị trấn cho biết Nga có thể sẵn sàng tiến hành cuộc tấn công mới vào Avdiivka

Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới của Nga vào thị trấn Avdiivka phía đông, sau nhiều nỗ lực gần đây không thành công của lực lượng Mạc Tư Khoa nhằm bao vây thị trấn này, AFP đưa tin.

“Làn sóng thứ ba chắc chắn sẽ xảy ra. Đối phương đang tập hợp lại sau đợt tấn công bất thành thứ hai”, Vitaliy Barabash, nhà lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự Avdiivka, cho biết hôm thứ Ba.

Barabash cho biết Nga có thể đã “sẵn sàng” tiến hành cuộc tấn công toàn diện tiếp theo vào thành phố, nhưng điều kiện thời tiết hiện không thuận lợi cho quân xâm lược.

Mặc dù bị pháo kích hàng ngày, khoảng 1.500 trong số 30.000 cư dân trước chiến tranh của thành phố vẫn ở lại, sống chủ yếu trong các tầng hầm được chuyển đổi thành hầm tránh bom.

Quân đội Nga đã tập trung vào các khu vực phía đông Donetsk và Luhansk sau khi từ bỏ mục tiêu ban đầu là chiếm Kyiv trong những ngày đầu của cuộc xâm lược tháng 2/2022.

Lực lượng Nga đã chiếm được thị trấn Bakhmut bị tàn phá vào tháng 5 sau nhiều tháng giao tranh và kể từ giữa tháng 10 đã tập trung tấn công vào Avdiivka, một cửa ngõ tiềm năng dẫn vào Donetsk, do lực lượng Nga và các đồng minh của họ nắm giữ kể từ năm 2014.

4. Liên Hiệp Âu Châu lên án vụ lính Nga sát hại người dân Georgia

Liên minh Âu Châu hôm thứ Ba đã lên án vụ quân đội Nga bắn chết một thường dân Georgia gần khu vực ly khai Nam Ossetia, do Mạc Tư Khoa kiểm soát kể từ cuộc xâm lược năm 2008.

“Liên Hiệp Âu Châu lên án mạnh mẽ việc sát hại một công dân Georgia và việc lực lượng biên phòng Nga bắt giữ một công dân khác ở Kirbali. Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay lập tức”, Josep Borrell, đại diện cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu về chính sách đối ngoại và an ninh, đồng thời là phó chủ tịch Ủy ban Âu Châu, cho biết như trên.

Chính phủ Georgia cho biết hôm thứ Hai rằng quân đội Nga đã giết chết dân thường và bắt cóc người thứ hai, trong một vụ việc được xác nhận bởi một phái đoàn giám sát của Liên Hiệp Âu Châu trên thực địa.

Kể từ khi Điện Cẩm Linh xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Georgia đã tăng cường nỗ lực trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu. Nước này đang hy vọng nhà điều hành của khối sẽ đề xuất đưa nước này trở thành ứng cử viên chính thức để tham gia vào một báo cáo sẽ được Brussels công bố vào hôm thứ Tư.

Người dân ở Kirbali nói với đài truyền hình độc lập Pirveli rằng nạn nhân là một người đàn ông 58 tuổi bị lính Nga bắn khi ông và một số dân làng khác đến cầu nguyện trong một nhà thờ mà binh lính Nga đã từ chối không cho người Georgia vào trong năm nay.

Khi được hỏi về vụ việc, phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên hôm thứ Ba: “Tôi không có bất kỳ thông tin nào về việc đó”.

5. Người được cho là sẽ kế vị Putin, nếu ông ta không ra tranh cử, đe dọa tung vũ khí hạt nhân

Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga, được tin chắc chắn sẽ là Tổng thống Nga, nếu Putin không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Patrushev được tin là một người kín tiếng, nhưng gần đây ông ta tung ra nhiều phát biểu mà các quan sát viên cho rằng đó là cách ông ta vận động cho mình.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Official Issues Nuclear Weapons Warning After Historic Achievement”, nghĩa là “Quan chức Nga đưa ra cảnh báo về vũ khí hạt nhân sau thành tựu lịch sử.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một quan chức cao cấp của Nga đang ca ngợi kho vũ khí hạt nhân của nước ông là tốt nhất thế giới.

Tại hội chợ giáo dục Znanie, tiếng Nga có nghĩa là Kiến thức, ở Mạc Tư Khoa, Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga, cho biết trong quốc gia của ông lần đầu tiên đã vượt qua tất cả các nước khác về trình độ hạt nhân.

Patrushev, cựu giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang và là người thân tín của Putin từ những năm 1970, được đồn đại là người có khả năng kế nhiệm Putin. Patrushev đã làm việc với Putin tại KGB và luôn kiên định ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine kể từ cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022.

“Lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại vũ khí hỏa tiễn hạt nhân, đất nước chúng ta đi trước các đối thủ trong lĩnh vực hạt nhân này,” Patrushev nói tại hội chợ Znanie, theo kênh truyền hình RT thuộc sở hữu nhà nước.

Ông được cho là đã ám chỉ đến “vũ khí chiến lược độc đáo của đất nước mình, bao gồm cả vũ khí siêu thanh”, và dự đoán rằng điều này “sẽ bảo đảm an ninh của Nga trong nhiều thập kỷ”.

Patrushev cũng đã xuất hiện ở hàng loạt những nơi khác. Ở Tomsk, Siberia, ông ta nói rằng số lượng các nhà khoa học ở Nga đã giảm khoảng 25% trong hai thập kỷ qua, cản trở khả năng đất nước đạt được “sự độc lập về công nghệ”. Nhiều người trong số những sự ra đi đó có liên quan trực tiếp đến việc phản đối cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

Trong đánh giá hàng năm về vũ khí, giải trừ quân bị và an ninh quốc tế toàn cầu, được công bố vào tháng 6, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, gọi tắt là SIPRI, cho biết Nga có kho dự trữ hạt nhân và kho hạt nhân lớn hơn so với đối thủ chính của họ trên mặt trận này là Mỹ.

SIPRI cho biết, trong khi Nga và Mỹ cùng sở hữu gần 90% tổng số vũ khí hạt nhân, thì kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của Nga, tính đến Tháng Giêng năm 2023, ước tính là 4.489, so với 3.708 đầu đạn của Mỹ. Tổng số đầu đạn tồn kho của Nga vượt Mỹ khoảng 650 đầu đạn.

SIPRI cho biết cả hai quốc gia đều có lượng tồn kho tương đối ổn định trong năm qua. Tuy nhiên, kể từ cuộc xâm lược Ukraine, tính minh bạch trong việc sử dụng các kho vũ khí đó đã không được đặt lên hàng đầu.

Cả hai nước đều sở hữu hơn 1.000 đầu đạn trước đây đã được rút khỏi nghĩa vụ giải trừ quân bị và đang được tháo dỡ.

John Erath, giám đốc chính sách cao cấp tại Trung tâm Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến Vũ khí, nói với Newsweek rằng sự khoe khoang của Patrushev giống như “đứa trẻ trên sân chơi luôn phải tin rằng mình giỏi hơn những người khác”.

Erath cho biết, trong khi sự tăng trưởng trong kho hạt nhân của Nga và quá trình hiện đại hóa nước này vẫn tiếp tục, thì thực tế đó là không liên quan vì khả năng ngăn chặn vẫn có thể thực hiện được và hiệu quả ngay cả khi có ít vũ khí hơn. Ngoài ra, ông cho biết toàn bộ kho dự trữ “không giúp ích gì nhiều cho cuộc chiến tranh xâm lược”.

“Có một mối nguy hiểm rõ ràng từ việc đánh đồng an ninh với số lượng vũ khí hạt nhân lớn hơn. Và cũng có một vấn đề nghiêm trọng nhưng ít được xem xét hơn là mức độ Nga ngày càng dựa vào lực lượng hạt nhân của mình để duy trì nhận thức về bản thân là một cường quốc, bất kể trong thực tế có sự suy thoái của lực lượng hạt nhân và lực lượng thông thường,” ông nói.

Erath tiếp tục: “Patrushev và cấp trên của anh ta muốn nhắc nhở mọi người rằng Nga vẫn là đứa trẻ tồi tệ nhất trong nhóm, đồng thời làm dấy lên lo ngại của phương Tây về việc leo thang hạt nhân nếu cuộc chiến Ukraine không kết thúc với chiến thắng của Nga - hoặc một điều gì đó có vẻ giống như thế.”

Một hỏa tiễn đạn đạo trong kho vũ khí hạt nhân của Nga đã thu hút được sự chú ý trong 18 tháng qua là Kh-47M2 Kinzhal, có trọng tải 480 kg. Mỗi hỏa tiễn có thể di chuyển từ 1.500 đến 2.000 km và được một số chuyên gia đánh giá là vượt trội so với công nghệ của Mỹ, bao gồm cả hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot.

Patrushev trước đây từng khoe khoang về khả năng hạt nhân của Nga. Vào tháng 3 năm nay, ông đã bình luận về tình trạng mối quan hệ Nga-Mỹ trên một tờ báo nhà nước và chỉ trích các quan chức Mỹ về những nhận xét của họ về cuộc chiến Ukraine.

“Vì lý do nào đó, các chính trị gia Mỹ bị giam giữ bởi chính sách tuyên truyền của chính họ vẫn tin tưởng rằng trong trường hợp xảy ra xung đột trực tiếp với Nga, Mỹ có khả năng tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn phòng ngừa, sau đó Nga sẽ không còn khả năng đáp trả. “, Patrushev nói với tờ báo Rossiyskaya Gazeta.

Ông nói thêm: “Đây là sự ngu ngốc thiển cận và rất nguy hiểm… Nga kiên nhẫn và không đe dọa bất kỳ ai bằng lợi thế quân sự của mình. Nhưng nó có vũ khí độc đáo hiện đại có khả năng tiêu diệt bất kỳ đối phương nào, kể cả Hoa Kỳ, trong trường hợp có mối đe dọa đối với sự tồn tại của nó.”

6. Phản ứng của Điện Cẩm Linh sau khi Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân

Điện Cẩm Linh hôm thứ Tư cho biết phương Tây đã thể hiện sự gây hấn đối với Nga nhưng nói rằng khi nói đến vũ khí hạt nhân, Mạc Tư Khoa có học thuyết hạt nhân và điều này không thay đổi.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev trước đó cho biết hôm thứ Tư rằng các chính sách “phá hoại” của Mỹ và các đồng minh đang làm tăng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học, Reuters đưa tin.

Khi được hỏi về nhận xét này, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết:

Patrushev là thư ký của Hội đồng An ninh Quốc gia. Ông ấy là một phần của Điện Cẩm Linh. Và những tuyên bố của ông là những tuyên bố từ Điện Cẩm Linh.

Đối với Liên bang Nga, chúng tôi có một học thuyết trong đó mọi thứ đều được trình bày rõ ràng. Không có sự thay đổi nào cả. Điều này được xác nhận bởi tổng thống.

Cho đến đầu tuần này, trước khi có tin Putin sẽ tiếp tục nắm quyền thêm 6 năm nữa. Nikolai Patrushev, được cho là người sẽ thay Putin trong chức vụ Tổng thống. Patrushev đã có các hoạt động ráo riết có vẻ như đang vận động cho khả năng thay thế Putin.

Các nhà lãnh đạo đối lập người Nga ít ai tin Putin có gan dám dùng đến vũ khí hạt nhân. Ngược lại, Patrushev, nguyên là trùm Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, là người có gan đó nếu ông ta rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, và nếu quân đội cũng đồng tình với ông ta. Khả năng quân đội Nga đồng tình trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân cho đến nay vẫn được đánh giá là thấp.

7. Các đồng minh NATO lên án việc Nga rút khỏi hiệp ước an ninh quan trọng thời Chiến tranh Lạnh

Các đồng minh của NATO đã lên án quyết định của Nga rút khỏi một hiệp ước an ninh quan trọng thời Chiến tranh Lạnh.

Hầu hết trong số 31 đồng minh của NATO đã ký hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở Âu Châu, nhằm ngăn chặn các đối thủ thời Chiến tranh Lạnh tập trung lực lượng tại hoặc gần biên giới chung.

Nó được ký vào tháng 11 năm 1990, nhưng mãi đến hai năm sau mới được phê chuẩn đầy đủ.

Trong một tuyên bố, NATO cho biết:

Các đồng minh lên án quyết định của Nga rút khỏi hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở Âu Châu, gọi tắt là CFE, và cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine trái với mục tiêu của hiệp ước này.

Việc Nga rút lui khỏi CFE là hành động mới nhất trong một loạt hành động nhằm phá hoại an ninh Âu Châu-Đại Tây Dương một cách có hệ thống.

Do đó, các quốc gia đồng minh có ý định đình chỉ thực hiện Hiệp ước CFE trong thời gian cần thiết, phù hợp với các quyền của họ theo luật pháp quốc tế.

Đây là một quyết định được tất cả các đồng minh NATO hoàn toàn ủng hộ.

Bộ Ngoại giao Nga trước đó đã thông báo vào thứ Ba rằng Mạc Tư Khoa đã hoàn tất việc rút khỏi CFE.

Nga cho biết việc Mỹ thúc đẩy mở rộng NATO đã dẫn đến việc các nước trong liên minh NATO “công khai phá vỡ” các hạn chế của nhóm trong hiệp ước, đồng thời nói thêm rằng việc Phần Lan gia nhập NATO và Thụy Điển gia nhập có nghĩa là hiệp ước đã chết.

8. Bộ Nội Vụ Nga đưa thêm vào danh sách truy nã một thẩm phán của Tòa án Hình sự Quốc tế

Nga vừa đưa vào danh sách truy nã thêm một thẩm phán của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, là cơ quan đang yêu cầu bắt giữ Vladimir Putin về tội bắt cóc trẻ em Ukraine.

“Truy nã trong khuôn khổ một cuộc điều tra hình sự,” một thông báo trong cơ sở dữ liệu của Bộ Nội vụ cho biết, đề cập đến Sergio Gerarde Ugaldo Godinez, thẩm phán Costa Rica của ICC có trụ sở tại The Hague.

Thông báo không cung cấp thông tin chi tiết về các cáo buộc chống lại Godinez.

Vào tháng 3, ICC đã công bố lệnh bắt giữ Putin với cáo buộc tội ác chiến tranh cụ thể là bắt cóc trái phép trẻ em Ukraine.

ICC cũng ban hành lệnh truy tố Maria Lvova-Belova, ủy viên tổng thống về quyền trẻ em, với cáo buộc tương tự.

Nga, vốn không phải là thành viên của ICC, nên đã khẳng định lệnh truy nã Putin là “vô hiệu”

9. Các quan chức hàng đầu của Mỹ thúc ép Quốc hội thông qua viện trợ Ukraine

Theo một lá thư công bố hôm thứ Ba, những nhà lãnh đạo Bộ Tài chính, Quốc phòng và Ngoại giao Hoa Kỳ đã kêu gọi Quốc hội tài trợ 11,8 tỷ Mỹ Kim cho viện trợ Ukraine như một phần trong yêu cầu chi tiêu bổ sung của Tổng thống Joe Biden.

“Khoản tài trợ này được hưởng lợi từ mức độ giám sát và minh bạch mạnh mẽ chưa từng có, đồng thời được củng cố bởi sự hỗ trợ ngân sách đáng kể từ Liên minh Âu Châu, các đối tác G7 khác và Quỹ Tiền tệ Quốc tế,” các thư ký, cùng với quản trị viên USAid, viết cho các nhà lãnh đạo quốc hội..

Vào tháng 10, chính quyền Tổng thống Biden đã đệ trình yêu cầu trị giá 106 tỷ Mỹ Kim lên Quốc hội về viện trợ quân sự và nhân đạo cho Israel và Ukraine cũng như hỗ trợ nhân đạo cho Gaza, khẳng định các nhà lập pháp có nghĩa vụ hỗ trợ các đồng minh của Mỹ đứng lên chống lại chế độ chuyên chế và xâm lược trên toàn thế giới.

10. Phát ngôn nhân quân đội Israel cho biết lãnh đạo Hamas 'là những cương thi biết đi trong và ngoài Gaza'

Trung Tá Jonathan Conricus, phát ngôn viên của quân đội Israel, đã mô tả giới lãnh đạo Hamas trong và ngoài Gaza như “những người chết biết đi” trong một cuộc phỏng vấn với Sky News Australia.

Trung Tá Conricus khen ngợi Sky News Australia đang đặt “những câu hỏi mới mẻ thực sự liên quan đến cuộc giao tranh và tình hình trên thực địa”, trước khi nói rằng:

“Nhiệm vụ bên trong Gaza của chúng tôi là giao chiến với Hamas và chỉ đơn giản là phá hủy từng thành trì của Hamas được chôn dưới lòng đất hay trong các công sự chiến đấu. Chúng tôi đang làm việc đó một cách chậm rãi và tỉ mỉ theo đúng kế hoạch. Những tiến bộ của chúng tôi là tốt, vững chắc.”

“Đó là một không gian chiến đấu đầy thử thách. Thật không may, Hamas đã chuẩn bị chiến trường rất tốt.”

Và nó hoàn toàn bị bao bọc bởi những đường hầm. Nhiều trong số đó là những đường hầm chiến thuật ngắn, về cơ bản chỉ là các vị trí chiến đấu, cho phép Hamas di chuyển từ công sự này sang công sự khác. Họ trồi lên mặt đất rồi lại nhào xuống một công sự khác. Và một số dài hơn, sâu hơn và rộng hơn. Nhưng chúng tôi đang dần dần tiếp cận được tất cả chúng và đạt được những thành tựu mỗi ngày trong cuộc chiến.”

“Chỉ thị chắc chắn là giết hoặc bắt giữ… tất cả các thủ lĩnh của Hamas. Những người lên kế hoạch, tạo điều kiện và thực hiện vụ thảm sát ngày 7 tháng 10 ở Israel. Chúng tôi đã nói rõ ràng như vậy. Tất cả đều là những người chết biết đi. Và việc những thủ lĩnh Hamas này bị Israel bắt hoặc bị giết chỉ còn là vấn đề thời gian.”

11. Ukraine tăng cường phòng thủ trước các cuộc tấn công mùa đông vào các cơ sở năng lượng

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, nói rằng Ukraine đã triển khai thêm hệ thống phòng không của phương Tây, khi nước này chuẩn bị cho mùa đông thứ hai các cuộc tấn công của Nga vào các cơ sở năng lượng, AFP đưa tin.

Các cuộc tấn công có hệ thống của lực lượng Mạc Tư Khoa năm ngoái đã nhắm vào mạng lưới năng lượng của Ukraine, khiến hàng nghìn người không có hệ thống sưởi hoặc điện trong thời gian dài trong điều kiện nhiệt độ đóng băng.

“Tôi đã nhận được báo cáo về việc nhận đạn dược, khí tài và thiết bị trong ngày hôm qua”, ông Zelenskiy nói trên mạng xã hội.

“Các hệ thống Nasam tức là hệ thống hỏa tiễn đất đối không tiên tiến quốc gia bổ sung của các đối tác đã được đưa vào trực chiến. Tăng cường kịp thời lực lượng phòng không của chúng tôi trước mùa đông”, ông nói thêm.