1. Một giám mục Công Giáo Armenia sẽ được tôn phong hiển thánh

Một giám mục chân phước tử đạo của Giáo Hội Công Giáo Armenia sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô phong hiển thánh.

Đức Cha Pablo León Hakimian, Giám mục Giáo phận thánh Gregorio de Narak ở Buenos Aires, thủ đô Á Căn Đình, thuộc Giáo Hội Công Giáo Armenia, kiêm Giám mục Đại diện Tông tòa của Giáo hội này ở Mỹ châu Latinh, cho biết vị sẽ được tôn phong hiển thánh là chân phước Ignacio Maloyan, chịu tử đạo hồi năm 1915, trong cuộc diệt chủng của Thổ Nhĩ Kỳ chống người Armenia.

Đức Cha Ignaciio Maloyan sinh năm 1869 tại Mardín và năm lên 14 tuổi gia nhập tu viện ở Bzommar bên Li Băng. Năm 1896, khi được 27 tuổi, thầy Maloyan thụ phong linh mục, sau đó ngài làm Giám mục Giáo phận Mardín.

Ngày 30 tháng Tư năm 1915, quân Thổ Nhĩ Kỳ bao vây Tòa Giám mục và nhà thờ Công Giáo Armenia ở Mardín viện cớ là được báo có các võ khí được giấu tại các địa điểm này. Ngày 03 tháng Sáu tiếp đó, lính Thổ Nhĩ Kỳ bắt Đức Cha Maloyan và điệu ngài đến tòa án cùng với 27 nhân vật thuộc Giáo Hội Công Giáo Armenia.

Trong phiên xử, viên chỉ huy trưởng cảnh sát, Mamdooh Bek, bảo Đức Cha Maloyan hãy hoán cải, theo Hồi giáo. Nhưng ngài trả lời là sẽ không bao giờ phản bội Chúa Kitô và Giáo hội của Người. Mamdooh Bek lấy báng súng đánh vào đầu Đức Cha và ra lệnh cho lính trói chân tay ngài, xô xuống đất và hành hạ tàn nhẫn. Sau đó chúng sát hại các tín hữu Công Giáo trước mắt Đức Cha.

Mamdooh Bek lại yêu cầu Đức Cha Maloyan hãy trở lại Hồi giáo, nhưng ngài đáp: “Tôi đã nói là tôi sẵn sàng sống chết vì đức tin và tôn giáo của tôi”. Mamdooh rất tức giận, chĩa súng vào Đức Cha và bắn hạ ngài.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ngài còn kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin thương xót con, con xin phó thác linh hồn con trong tay Chúa”.

Đức Cha Ignacio Maloyan đã được Đức Thánh Cha phong chân phước, ngày 07 tháng Mười năm 2001, như giám mục tử đạo, và lễ kính được cử hành vào thứ Bảy thứ hai Lễ Hiện Xuống.

Theo các sử gia, có một triệu 500.000 người Armenia đã bị Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt trong khoảng thời gian từ năm 1915 đến 1919. Các nguồn tin của Thổ có xu hướng giảm bớt con số này. Hằng năm, người Armenia vẫn tưởng niệm cuộc diệt chủng này vào ngày 24 tháng Tư.

2. Công Giáo Đức tiến hành việc áp dụng Tiến trình Công nghị bất kể ý kiến của Tòa Thánh

Có tám giám mục không tham dự khóa họp khai mạc Ủy ban Tiến trình Công nghị của Công Giáo Đức, hôm mùng 10 tháng Mười Một vừa qua, tại thành phố Essen, bắc Đức.

Ủy ban Tiến trình Công nghị này, trên nguyên tắc gồm 27 giám mục giáo phận, cùng với 27 đại diện của Ủy ban trung ương giáo dân Đức (ZdK) và 20 người khác, do Đại hội của Tiến trình Công nghị bầu lên. Ủy ban có nhiệm vụ chuẩn bị thành lập một Hội đồng Công nghị, trong đó các giám mục cùng với giáo dân sẽ bắt đầu, từ năm 2026, tiếp tục thảo luận về việc cải tổ Giáo Hội Công Giáo tại Đức, theo đó trong Hội đồng này, gồm giáo dân và giám mục cùng quyết định về tài chánh cũng như việc cai quản Giáo hội Đức, trái với giáo luật. Tòa Thánh đã hơn một lần cảnh giác về sự sai trái này.

Theo hãng tin Công Giáo Đức KNA, có tám giám mục không tham dự khóa họp vừa qua, trong đó có Đức Hồng Y Woelki, Tổng giám mục Giáo phận Koeln và các giám mục giáo phận Eichstaett, Passau, Regensburg, Freiburg, Hamburg, Augsburg và Hildesheim. Hồi tháng Sáu năm nay, bốn giám mục đầu tiên cho biết sẽ không chấp thuận việc dùng ngân quỹ của các giám mục để tài trợ Hội đồng công nghị vì cơ quan này trái giáo luật.

Tất cả các giám mục giáo phận đồng ý việc tham gia, thì mới có thể lấy quỹ của Liên minh các giáo phận Đức để tài trợ việc thành lập và hoạt động của Hội đồng Công nghị.

Chưa có thông cáo chính thức về khóa họp này của Ủy ban Tiến trình Công nghị.

Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức muốn bình quyền với Hội đồng Giám mục Đức nên không muốn chấp nhận tỷ số giám mục phải hiện diện trong Hội đồng Tiến trình Công nghị, cơ quan sẽ điều hành Giáo Hội Công Giáo Đức trong tương lai.

Tuyên bố trong buổi khai mạc, Đức Cha Georg Bätzing, Giám mục Giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, nói rằng: “Với Ủy ban này chúng ta bắt đầu một giai đoạn tới đây của Tiến trình Công nghị. Đây là một dụng cụ làm việc, để xác định rõ hơn những hình thức tiếp tục cộng tác và tiến hành tốt.”

Còn bà Irme Stetter-Karp, Chủ tịch Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức, tuyên bố rằng Tiến trình Công nghị của Công Giáo Đức liên kết chặt chẽ với Giáo hội hoàn vũ: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô khích lệ chúng ta, và chúng ta theo lời ngài, chúng ta kiên trì tiến bước. Cuộc họp hôm nay đã được hoạch định sau Thượng Hội đồng Giám mục thế giới”. Thượng Hội đồng vừa qua ở Roma cho thấy rõ trong Giáo hội cần có những thay đổi cụ thể, rõ ràng.

3. Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ cử hành Ngày cầu nguyện cho Kitô hữu bị bách hại

Tổ chức bác ái quốc tế “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” cùng cổ võ cử hành ngày Liên đới cầu nguyện cho các Giáo hội bị bách hại, năm nay có khẩu hiệu là “Đây luôn luôn là nhà của chúng tôi”.

Trong dịp này, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công Giáo Latinh ở Giêrusalem, đã được mời nói về tình hình khó khăn các tín hữu Kitô ở Thánh địa.

Đức Hồng Y cho biết ngài luôn giữ liên lạc với các tín hữu Kitô tại Gaza, một miền có hai triệu dân đang ở trong tình trạng bị quân đội Israel tấn công ồ ạt, sau vụ Hamas tấn công Israel ngày 07 tháng Mười vừa qua. Đức Hồng Y nói: “Gaza bị coi là vùng chiến tranh. Chúng tôi đã nói với các Kitô hữu [ở khu vực nhà thờ giáo xứ Thánh Gia] về vấn đề rời bỏ vùng này, nhưng hôm mùng 09 tháng Mười Một vừa qua, câu trả lời của họ vẫn là: “Chúng con muốn tiếp tục ở lại đây hơn”. Trong số những người ở lại đó, có các gia đình và khoảng 60 người khuyết tật được các nữ tu chăm sóc.

Đức Hồng Y cũng cho biết dân chúng tại Gaza bị cúp lương thực, điện và nước. Họ còn khoảng 10 ngày lương thực. Hầu hết các gia đình tị nạn tới giáo xứ là những người bị mất gia cư và vì thế họ quyết định ở lại. Họ không biết chạy đi đâu, vì mọi cơ cấu ở Gaza đều đầy người, vì thế họ không có hy vọng được chấp nhận như người tị nạn. Giải pháp khác đó là chạy tới những nơi nào không có người và chỉ có đất trống, nhưng đó không phải là giải pháp, vì không có nước tại đó. Di chuyển bây giờ rất nguy hiểm, vì thế họ trả lời là họ muốn chết tại nơi họ đang sống.

Đức Hồng Y Pizzaballa cho biết ngài cảm kích vì chứng tá đức tin của các tín hữu ấy.