Luke Coppen của tạp chí mạng The Pillar, ngày 28 tháng 11 năm 2023, tường trình về cuộc tranh cãi sôi nổi giữa chủ tịch hội đồng giám mục Đức và người đồng cấp Ba Lan, vốn âm ỉ xưa nay, nhưng nóng lên vào Chúa nhật vừa qua.



Tờ báo Rzeczpospolita của Ba Lan đã đăng vào ngày 26 tháng 11 những gì họ nói là toàn văn bức thư của Đức Giám Mục Georg Bätzing và Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki.

Trong lá thư ngày 21 tháng 11, Bätzing chỉ trích gay gắt Gądecki vì đã viết một lá thư cho Đức Giáo Hoàng về “đường lối đồng nghị” gây tranh cãi của Đức mà không hỏi ý kiến ngài, đồng thời mô tả đó là “hành vi rất phi hội đồng và không có tình huynh đệ”.

Hai vị lãnh đạo Giáo Hội này là ai? Tại sao họ lại mâu thuẫn? Thật sự nó có quan hệ không? Và điều gì có thể xảy ra tiếp theo?

Sau đây là những điều đáng lưu ý.

Các ngài là ai?

Bätzing, Giám mục 62 tuổi của Limburg, đã giữ chức chủ tịch hội đồng giám mục nhiều quyền lực của Đức kể từ tháng 3 năm 2020, khi ngài được bầu vào nhiệm kỳ sáu năm.

Gądecki, Tổng Giám mục 74 tuổi của Poznań, sẽ kết thúc nhiệm kỳ 5 năm thứ hai trong tư cách chủ tịch hội đồng giám mục Ba Lan vào mùa xuân năm 2024.

Vì Đức và Ba Lan có chung đường biên giới nên Bätzing và Gądecki là những người hàng xóm trong Giáo hội. Mặc dù cuộc bầu cử Bätzing trùng với thời điểm châu Âu đóng cửa vì virus corona, nhưng hai người đã gặp mặt trực tiếp thường xuyên kể từ khi các hạn chế được dỡ bỏ.

Khi Bätzing đến thăm Gądecki ở Poznań vào tháng 11 năm 2021, hai vị hy vọng sẽ tiếp tục cuộc đối thoại nhạy cảm nhưng hiệu quả giữa các giám mục Đức và Ba Lan được phát động sau Thế chiến thứ hai và được các vị tiền nhiệm thúc đẩy.

Nhưng hai năm trôi qua, mối quan hệ của họ rõ ràng là rạn nứt.

Tại sao các ngài lại đụng độ?

Khi Bätzing kế nhiệm Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich làm chủ tịch hội đồng giám mục, đường lối đồng nghị của Đức đang được tiến hành rồi.

Sáng kiến tập hợp các giám mục của đất nước và các giáo dân chọn lọc để thảo luận về những thay đổi sâu rộng trong giáo huấn và thực hành của Giáo hội giữa lúc tai tiếng lạm dụng đang được đà lan rộng.

Mặc dù Bätzing ít được biết đến hơn Marx, nhưng ngài nhanh chóng xuất hiện như một nhà đấu tranh mạnh mẽ và rõ ràng cho đường lối đồng nghị, mà các nhà phê bình cho rằng có thể khiến Giáo Hội Công Giáo ở Đức rơi vào tình trạng ly giáo.

Trong số những người quan tâm đến thí nghiệm của Đức có Gądecki. Vào ngày 22 tháng 2 năm 2022, ngài đã viết ra những lo lắng của mình bằng một bức thư dài gần 3,500 chữ gửi cho Bätzing.

Ngài viết: “Giáo Hội Công Giáo ở Đức rất quan trọng trên bản đồ Châu Âu, và tôi biết rằng Giáo hội này sẽ lan tỏa đức tin hoặc sự vô tín của mình ra toàn bộ lục địa”.

“Vì vậy, tôi thấy khó chịu trước những hành động của ‘con đường đồng nghị’ của Đức cho đến nay. Khi quan sát những thành quả của nó, người ta có thể có ấn tượng rằng Tin Mừng không phải lúc nào cũng là cơ sở để suy gẫm”.

Bätzing đã trả lời vào ngày 16 tháng 3 năm 2022 bằng một lá thư dài 1,100 chữ bày tỏ sự khó chịu khi văn bản của Gądecki được công bố cùng lúc với thời điểm vị giám mục người Đức nhận được nó.

Bätzing cho rằng vị tổng giám mục Ba Lan đã không thực sự nắm được “lý luận thần học” trong các nghị quyết của Con đường Đồng nghị. Ngài nói rằng ngài “sẽ quan tâm đến một cuộc trao đổi thần học thực sự với Đức Tổng Giám Mục về lập luận của những bản văn này, vì chúng cố gắng mở đường cho việc truyền giáo”.

Vào ngày 28 tháng 3 năm 2022, Gądecki đã có buổi tiếp kiến riêng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican, nơi ngài chia sẻ những lo ngại của mình về dự án của Đức. Một thông cáo từ hội đồng giám mục Ba Lan nói rõ ràng rằng Đức Phanxicô “đã được thuyết trình ngắn gọn về những khó khăn gây ra cho Giáo hội hoàn vũ bởi những vấn đề được nêu ra bởi điều gọi là ‘Con đường đồng nghị’ của Đức”.

Nó nói thêm, “Đức Phanxicô tránh xa sáng kiến này”.

Bätzing và Gądecki lại đối đầu nhau tại hội nghị lục địa châu Âu ở Praha vào tháng 2 năm 2023. Những người tham gia nói về những căng thẳng không liên quan chuyên biệt đến hai vị mà là những tầm nhìn rộng hơn về Giáo hội mà họ hiện thân.

Sau đó, hai người đã dành nhiều tuần trong cùng một hội trường tại phiên họp đầu tiên của thượng hội đồng ở Rome vào tháng 10 năm nay. Ngay sau khi phiên họp kết thúc, với việc công bố một báo cáo tổng hợp, Gądecki đã có một cuộc phỏng vấn thẳng thắn với tờ Catholic World Report [Báo cáo Thế giới Công Giáo] của Hoa Kỳ.

Ngài nói rằng vào ngày khai mạc Thượng Hội đồng, những người tham gia đã nhận được các tài liệu của Con đường Đồng nghị qua email.

Ngài cho biết, “Hầu hết tất cả các yêu cầu được liệt kê ở đó đều gây ra những lo ngại nghiêm trọng cho tôi. Tôi tin rằng Giáo hội ở Đức đang ở trong cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ cuộc Cải cách”.

Gądecki cho rằng việc gửi tài liệu qua đường bưu điện là một nỗ lực “để phổ biến các vấn đề của Đức trong khắp Giáo hội”.

Ngài cho rằng, “Các tài liệu đã rút tỉa rất nhiều từ nền thần học Thệ Phản và ngôn ngữ chính trị hiện đại. Từ đó xuất hiện niềm xác tín cho rằng Giáo hội nên phù hợp với thế giới bằng cách áp dụng một hệ thống dân chủ và các tiêu chuẩn của bộ máy hành chánh tự do.”

“Ở Đức, chúng ta thường có một Giáo hội với bộ máy hành chánh mở rộng. Từ đó nảy sinh mong muốn hạn chế quyền lực của các giám mục và ý định xây dựng một cơ cấu quyền lực thế tục song song với cơ cấu phẩm trật, cũng như giới thiệu sự giám sát thế tục đối với các giám mục”.

Ngay sau khi cuộc phỏng vấn được công bố, một lá thư ngày 9 tháng 10 đã được Gądecki gửi cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trong văn bản dài gần 1,000 chữ, vị tổng giám mục Ba Lan bày tỏ sự cảnh giác trước viễn cảnh “đường lối đồng nghị” của Đức có thể định hình kết quả của thượng hội đồng về tính đồng nghị tại phiên họp cuối cùng vào tháng 10 năm 2024.

Gądecki viết: “Các tác giả dường như rất xấu hổ về cách các giám mục Đức phản ứng trước các báo cáo về lạm dụng tình dục của các giáo sĩ đến mức họ quyết định thực hiện một cuộc cách mạng về đạo đức và pháp lý trong Giáo hội hoàn vũ. Tuy nhiên, có vẻ như đây không phải là một cuộc cách mạng Tin Mừng, mà là một cuộc cách mạng được truyền cảm hứng từ các ý thức hệ cánh tả tự do.”

Đức Tổng Giám Mục nêu bật các cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng được tóm tắt trong một đoạn trong báo cáo tổng hợp nói về khả năng các Hội đồng Giám mục giải quyết “các câu hỏi về tín lý nảy sinh tại địa phương”.

Gądecki nói rằng nếu các hội đồng giám mục được công nhận là có thẩm quyền về mặt tín lý, thì các luận điểm cấp tiến của Con đường Đồng nghị “sẽ được coi là Công Giáo và - có lẽ - sẽ được áp dụng đối với các hội đồng khác của phiên họp lục địa, bất chấp tính cách rõ ràng là phi Công Giáo của chúng”

Ngài nhận định: “Việc ý thức được sức mạnh nằm ở sự thật đã khơi dậy niềm hy vọng của con về Thượng hội đồng đang diễn ra, nghĩa là nó sẽ không bị thao túng dưới bất cứ hình thức nào và được sử dụng để cho phép các luận điểm của Đức mâu thuẫn một cách công khai với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo”.

Trong phản hồi ngày 21 tháng 11 đối với bức thư của Gądecki gửi cho Đức Phanxicô, Bätzing một lần nữa chỉ trích cách vị tổng giám mục người Ba Lan bày tỏ quan điểm của mình.

“Chúng ta đã nói chuyện với nhau nhiều lần trong suốt bốn tuần diễn ra Thượng Hội đồng. Xin cho tôi nói một cách thẳng thắn, đó là hành vi rất phi đồng nghị và không có tình huynh đệ mà ngài, tổng giám mục, đã không đề cập một lời nào về bức thư này với tôi trong các cuộc trò chuyện này,” vị giám mục người Đức được cho là đã nói trong bức thư, mà cho đến nay chỉ có sẵn bằng tiếng Ba Lan.

Trong bức thư mà hội đồng giám mục Đức dường như không bình luận, Bätzing viết: “Tôi tự hỏi mình… dưới quyền nào mà chủ tịch hội đồng giám mục của một Giáo hội dám phán xét tính Công Giáo của một Giáo hội khác? và hàng giám mục của nó? Do đó, hãy để tôi nói rõ rằng tôi coi lá thư của tổng giám mục là một sự vượt quá quyền hạn của ngài rất nhiều.”

Bätzing gợi ý rằng, thay vì đoạn tuyệt với Giáo hội rộng lớn hơn, sáng kiến của Đức đã hòa hợp với thượng hội đồng về tính đồng nghị; ngài trưng dẫn báo cáo tổng hợp để hỗ trợ cho quan điểm của ngài.

Ngài nói rằng sự đồng nhất giữa hai sáng kiến không chứng minh rằng “các giám mục Đức đã thâm nhập, truyền bá hoặc thậm chí làm băng hoại hội đồng giám mục thế giới hoặc Thượng Hội Đồng Giám Mục”.

Ngài viết: “Những ý tưởng như vậy chỉ đơn giản thuộc về lĩnh vực của các thuyết âm mưu phức tạp. Các điểm tiếp xúc phát sinh từ sự kiện các vấn đề rất giống nhau nảy sinh ở nhiều nơi trong Giáo hội hoàn vũ và nhiều Giáo hội địa phương theo những cách rất có thể so sánh với nhau được”.

Tại sao nó lại đáng kể?

Cuộc đụng độ giữa Bätzing và Gądecki có thể được coi là một cuộc cãi vã địa phương - một trường hợp đáng tiếc khi hàng xóm la hét qua hàng rào vườn, nhưng ít có ý nghĩa rộng hơn.

Nhưng thực ra, cuộc tranh chấp đang phơi bày những bất đồng rõ rệt giữa các nhà lãnh đạo Công Giáo về những gì tạo nên cuộc cải cách thực sự ở các bình diện địa phương, lục địa và hoàn vũ của Giáo hội.

Đằng sau cuộc chiến ngôn từ là những câu hỏi chưa được giải quyết về thẩm quyền của các hội đồng giám mục, phương hướng của diễn trình thượng hội đồng hoàn cầu và vai trò của Đức Giáo Hoàng trong một Giáo hội phân cực ở thế kỷ 21.

Chúng cũng đề cập đến những vấn đề chưa được giải quyết về việc Giáo hội có thể tiếp thu các đặc tính của các nền dân chủ nghị viện hiện đại đến mức nào mà không làm suy yếu cơ cấu phẩm trật của nó.

Một cách không thể tránh khỏi, các cuộc trao đổi cũng đề cập tới các vấn đề nóng bỏng như linh mục nữ và việc chúc lành cho các cặp đồng tính.

Mặc dù các cuộc trao đổi bằng văn bản giữa hai vị đều đề cập nhiều đến các vấn đề nhã nhặn và xã giao trong giáo hội, nhưng sẽ không hợp tình hợp lý khi giản lược chúng chỉ là xung đột về nhân cách.

Trong quan điểm qua lại của các ngài, Bätzing và Gądecki là những đại diện của những quan điểm cạnh tranh - và dường như không tương thích - về Giáo hội được những người Công Giáo trên khắp thế giới chia sẻ.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Sau cuộc gặp gỡ trực tiếp này, thời điểm quan trọng tiếp theo có thể sẽ đến vào mùa xuân năm 2024, khi nhiệm kỳ thứ hai và cũng là cuối cùng của Gądecki trong tư cách Chủ tịch hội đồng giám mục Ba Lan kết thúc. Đó có thể là một thời điểm quan trọng vì có thể - mặc dù không chắc chắn lắm - rằng người kế nhiệm Gądecki sẽ có một quan điểm khác đối với Giáo hội Đức.

Sau đó vào tháng 10 năm 2024, Bätzing và Gądecki có thể gặp lại nhau tại phiên họp thứ hai và mang tính quyết định của thượng hội đồng về tính đồng nghị. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng vào lúc này: Vatican đã nói rằng những người tham gia phiên họp đầu tiên sẽ tham dự phiên họp thứ hai. Nhưng nếu chủ tịch hội đồng giám mục tiếp theo của Ba Lan chưa là thành phần phái đoàn Ba Lan dự thượng hội đồng, liệu Gądecki có nhường chỗ cho vị này hay không?

Cuộc tranh luận giữa Bätzing và Gądecki có người tham gia thứ ba mà chúng tôi ít đề cập đến: Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Liệu ngài có quyết định trực tiếp tham gia vào cuộc bất đồng giữa hai vị lãnh đạo Giáo hội địa phương không? Hay ngài sẽ thích giải quyết những vấn đề mà cả hai người đang nêu ra một cách gián tiếp?

Việc khơi lại tranh chấp giữa Bätzing và Gądecki trùng hợp với một loạt động thái của Vatican dường như nhằm hạn chế dự án của Đức. Chúng bao gồm một lá thư của Đức Phanxicô gửi bốn người Công Giáo Đức có liên quan và một thông điệp từ Quốc vụ khanh Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin, nói rằng các cuộc nói chuyện với các giám mục Đức vào năm 2024 sẽ không được đề cập đến các nữ linh mục hoặc giáo huấn của Giáo hội về các hành vi đồng tính luyến ái.

Những hành động này có liên quan đến bức thư của Gądecki gửi giáo hoàng không? Không thể nói được vì thiếu bằng chứng công khai.

Dường như chỉ có một điều chắc chắn: Cuộc tranh cãi giữa Bätzing và Gądecki vẫn chưa kết thúc.