THEO CHÚA, PHẢI TỪ BỎ MÌNH VÀ VÁC THẬP GIÁ

Chúa Nhật 22 Thường Niên, Năm A

Gr 20:7-9; Rm 12:1-2; Mt 16:21-27

Ðọc báo chí hay coi tin tức truyền hình hằng ngày, ta thấy đầy dẫy những câu chuyện tang thương, những cảnh khổ đau, buồn tủi của loài người. Mặc dầu loài người cố thoát khỏi đau khổ, đau khổ vẫn đến với loài người.

Phúc âm hôm nay, cũng như Phúc âm Chúa nhật 24 Năm Phụng vụ B theo thánh Marcô, và Phúc âm Chúa nhật 12 Năm Phụng vụ C theo thánh Luca có nội dung và lời lẽ giống nhau hầu như đồng nhất. Trong cả ba Phúc âm nhất lãm, Ðức Giêsu bầy tỏ cho thánh Phêrô và các tông đồ thấy điều nghịch lý của Kitô giáo. Chúa đến làm đảo ngược những giá trị của loài người. Phúc Âm mang ý nghĩa đối nghịch với những ai muốn biến đạo Kitô giáo thành chủ nghĩa nhân bản. Kitô giáo không phải là đạo sống theo sở thích cá nhân và tìm thoả mãn tính ích kỷ. Ðể nhấn mạnh và bàn sâu rộng về mỗi ý tưởng của lời Chúa, vào Chúa nhật 24 Năm Phụng vụ B, ta sẽ suy niệm về ý nghĩa lời Chúa: Con Người phải chịu đau khổ nhiều (Mc 8:31). Sang Chúa nhật 12 Năm Phụng vụ C, ta sẽ suy niệm về lời Chúa: Ai liều mạng sống vì Thầy, thì sẽ cứu được mạng sống mình (Lc 9:24).

Hôm nay ta cùng suy niệm về lời Ngài: Ai muốn đi theo Thày, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (Mt 16:24). Từ bỏ chính mình, vác thập giá là điều kiện để làm môn đệ Chúa. Ta không thể theo Chúa mà không từ bỏ. Vậy từ bỏ chính mình có nghĩa là gì? Ðứng trước những lựa chọn, ta không thể chọn hết. Chọn vật này thì phải bỏ vật kia. Từ bỏ chính mình là từ bỏ ý riêng, từ bỏ những xu hướng cá nhân và từ bỏ cái tôi. Từ bỏ cái tôi để Chúa có thể vào nhà mình. Khi cái tôi lớn quá thì không còn chỗ cho Chúa vào. Từ bỏ mình để Chúa được tăng trưởng như thánh Gioan tiền hô đã đề xướng: Người phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi (Ga 3:30).

Từ bỏ mình để có thể vác thập giá. Nếu không từ bỏ thì không thể vác thập giá. Vậy vác thập giá mình có nghĩa là gì? Vác thập giá là chấp nhận những đau khổ, khó khăn trong cuộc sống vì yêu mến Chúa. Nói chung, vác thập giá là chấp nhận những giới hạn và hoàn cảnh mình đang sống. Có một câu hỏi mà người chịu khổ thường thắc mắc là câu hỏi tại sao? Tại sao Chúa để tôi chịu đau khổ? Tại sao Chúa gửi thánh giá đến cho tôi và gia đình tôi? Ða số lòai người, trừ trẻ nhỏ, phải mang những thánh giá của bệnh tật, đau khổ phần xác hay phần hồn, thánh giá của cảnh lo âu, sợ hãi, cô đơn, tẩy chay, thất vọng, thánh giá của cảnh gia đình đổ vỡ, chia ly, phân tán. Có những người phải mang thánh giá kéo dài suốt cả cuộc sống. Bài trích sách ngôn sứ Giêrêmia cho thấy vị ngôn sứ phải rơi lệ khi thành Giêrusalem thất thủ, và dân chúng phải rơi vào cảnh lưu đầy. Mặc dầu bị dân chúng tẩy chay và chống đối vì thái độ chủ bại, vị ngôn sứ vẫn trung thành với sứ mạng..

Ðức tin vào Chúa không bảo đảm cho ta một đời sống miễn trừ khỏi bệnh tật, đau khổ và thánh giá hay khỏi những khủng hoảng và trắc trở của cuộc sống. Như vậy thì người có đức tin hay không có đức tin cũng có thể phải mang bệnh tật và đau khổ như nhau. Ðiều khác biệt ở đây là: người có đức tin không chịu khổ vì khổ như một đường cùng không lối thoát. Họ có Chúa là bạn đồng hành trên đường đau khổ thánh giá. Người có đức tin chịu đau khổ, vác thánh giá vì lòng yêu mến Chúa để được tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa.

Chúa không bảo ta đi tìm đau khổ và thánh giá. Chúa chỉ bảo ta vác thập giá mình. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều khi người ta tự chuốc lấy đau khổ và thánh giá cho mình. Ta phải mang bệnh tật đau khổ vì nghiện ngập, hút sách, không biết giữ gìn sức khoẻ hay không biết kiêng cữ. Ta phải chịu cảnh tù đày vì không tôn trọng luật pháp. Ta phải chịu đau khổ về tâm linh, về tình cảm vì tạo ra những mối tình ngang trái, tạm bợ. Và khi phải cắt đứt những mối tình tạm bợ và ngang trái, ta sẽ bị héo hắt tâm can.

Chìa khoá để mở cửa cho sự hiểu biết và đương đầu với đau khổ là ý nghĩa và mục đích. Chúa đến để đem lại ý nghĩa và mục đích cho đau khổ và sự chết. Ta không chuốc lấy đau khổ chỉ vì muốn khổ, như là một đường cùng không lối thoát. Nếu dừng lại ở đau khổ và thánh giá là ta chọn đi con đường cụt và ta sẽ bị bế tắc. Nói như vậy có nghĩa là khi gặp bệnh hoạn tật nguyền, ta cần đi bác sĩ và uống thuốc chữa trị. Bác sĩ và thuốc men là dụng cụ Chúa dùng để chữa trị bệnh tật loài người. Ðôi khi Chúa còn chữa trị loài người cách trực tiếp mà không cần bác sĩ hay thuốc men. Cách thế chữa trị như vậy, được gọi là phép lạ. Vậy khi gặp đau khổ và sau khi đã tìm cách chữa trị, mà vẫn không thuyên giảm, ta cần học chịu đựng vì yêu mến Chúa, để chia sẻ vào cuộc khổ nạn của Chúa, thì việc chịu đựng mới mang lại ơn ích thiêng liêng. Ta cũng cần tiếp tục cầu nguyện, xin Chúa ban thêm đức tin và sức mạnh để ta có thể chịu đựng vì yêu mến Chúa.

Mang lấy gánh nặng của cuộc sống đòi hỏi người tín hữu một đức tin kiên trì và một tâm hồn tín thác vào Chúa. Chỉ bằng việc suy niệm về nỗi khổ nạn của Chúa, bằng kinh nghiệm đau khổ cá nhân, và bằng lời cầu nguyện, ta mới có thể cảm nghiệm được ý nghĩa của lời Chúa: Hỡi những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11:28).

Lời nguyện xin cho được biết tử bỏ mình, vác thập giá:

Lạy Chúa, con xin cảm tạ đội ơn Chúa

đã đến chịu khổ hình thập giá vì tội lỗi loài người.

Xin tha thứ những lần con phàn nàn kêu trách Chúa

vì những đau khổ thánh giá con phải mang vác.

Xin ban ơn nhẫn nại để con biết từ bỏ mình, vác thánh giá.

Xin Chúa là sức mạnh và là niềm an ủi

khi con phải mang vác thánh giá của cuộc sống.

Xin dạy con thánh giá là dụng cụ biến đổi ở đời này

và là dụng cụ cứu rỗi đời sau. Amen
.