Paulina Guzik của tạp chí Our Sunday Visitor tường trình rằng Ông Paolo Ruffini, người đứng đầu Bộ Truyền thông Vatican, tại Hội nghị Truyền thông Công Giáo ở Atlanta ngày 21 tháng 6 năm 2024 đã trả lời các câu hỏi do các nhà báo đặt ra về việc Bộ thường xuyên đăng các tác phẩm nghệ thuật của Cha Marko Rupnik – một linh mục ở Rome bị cáo buộc về việc lạm dụng tình dục nhiều phụ nữ – trên trang web Vatican News và các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là để minh họa cho những ngày lễ của Giáo hội.



“Là (những) Ki-tô hữu, chúng ta được yêu cầu không phán xét,” Ông Paolo Ruffini nói trước một căn phòng đầy các chuyên gia truyền thông sau khi phát biểu tại Hội nghị Truyền thông Công Giáo. Ông giải thích rằng mặc dù quá trình điều tra của Vatican về Cha Rupnik vẫn đang được tiến hành, “theo quan điểm của chúng tôi, việc dự đoán trước một quyết định là điều không tốt”.

Ông cho rằng, “Có những điều chúng ta không hiểu”. Ông Ruffini cũng nói thêm rằng người ta “không đưa vào bất cứ bức tranh mới nào” về tác phẩm nghệ thuật của Cha Rupnik, mà chỉ sử dụng những gì họ có. Ông nói: “Chúng tôi không quyết định những gì không thuộc trách nhiệm quyết định của chúng tôi”.

Vào tháng 12 năm 2022, trụ sở Dòng Tên ở Rome tiết lộ rằng họ đã đình chỉ tư cách thành viên của linh mục và nghệ sĩ khảm nổi tiếng có trụ sở tại Rome sau khi có cáo buộc lạm dụng tình dục, nhưng các viên chức Dòng Tên cho biết các tuyên bố này đã bị Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican bác bỏ vì thời hiệu (statute of limitations) 20 năm của Giáo Hội.

Vào tháng 6 năm 2023, Dòng Tên cho biết họ đã trục xuất Cha Rupnik vì bất tuân sau khi thu thập một hồ sơ dài 150 trang về những cáo buộc đáng tin cậy chống lại ngài, được cho là có liên quan đến từ 20 tới 40 phụ nữ.

Tuy nhiên, vào ngày 27 tháng 10 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã miễn thời hiệu và chỉ thị cho Bộ giáo lý khởi động một cuộc điều tra mới sau khi Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên nêu bật “những vấn đề nghiêm trọng” trong việc xử lý trường hợp của vị linh mục này.

Đề cập đến “nền văn minh” và “nhân tính qua nhiều thế kỷ”, Ruffini đã trực tiếp trả lời câu hỏi mà một số người đã đưa ra về việc loại bỏ hoặc phá hủy nghệ thuật của Cha Rupnik.

Ông Ruffini nói: “Cởi bỏ, xóa bỏ, phá hủy tác phẩm nghệ thuật chưa bao giờ là một lựa chọn tốt”, đồng thời đề cập đến nghệ sĩ huyền thoại người Ý Michelangelo Merisi da Caravaggio, được biết đến rộng rãi với cái tên đơn giản là Caravaggio, người đã giết một người đàn ông trong suốt cuộc đời mình.

Ruffini nói: Việc loại bỏ tác phẩm nghệ thuật của Cha Rupnik khỏi không gian công cộng “không phải là một phản ứng của Kitô giáo”.

Trả lời câu hỏi đầu tiên được đặt ra bởi Colleen Dulle của Tạp chí America do Dòng Tên xuất bản, Ông Ruffini nhắc đến việc Lãnh đạo Dòng Tên ở Rome đã không loại bỏ tác phẩm nghệ thuật của Cha Rupnik khỏi nhà nguyện của họ.

Ông Ruffini nói: “Tôi nghĩ đây cũng là điều có thể truyền cảm hứng cho việc làm Ki-tô hữu”, đồng thời khuyến khích sự kiên nhẫn đối với quyết định của các cơ quan điều tra vụ việc của Vatican.

Trong một câu hỏi tiếp theo, Our Sunday Visitor News đã hỏi Ruffini rằng sự hiệp thông thông qua truyền thông, mà vị tổng trưởng đã đề cập trong bài phát biểu với các nhà báo tập trung ở đó, tương ứng như thế nào với sự hiệp thông với các nạn nhân bị lạm dụng liên quan đến việc đăng các hình ảnh của Cha Rupnik lên trang web Vatican News, và những gì ông muốn nói cụ thể với các nạn nhân về những bình luận của ông.

Ruffini trả lời: “Sự gần gũi của Giáo hội với bất cứ nạn nhân nào là điều rõ ràng.

Ông nói thêm, “Nhưng rõ ràng là có một thủ tục đang diễn ra. Vì vậy chúng ta phải đợi thủ tục.”

Ôg Ruffini nói: “Chúng tôi không nói về việc lạm dụng trẻ vị thành niên. Chúng ta đang nói về một câu chuyện mà chúng ta không biết.”

“Và tôi nghĩ rằng với tư cách là Kitô hữu, chúng ta phải hiểu rằng sự gần gũi với các nạn nhân là điều quan trọng. Nhưng tôi không biết đây là cách chữa lành”, Ruffini nói thêm và nói rằng “có những người đang cầu nguyện trong các thánh đường của nhiều nhà thờ trên khắp thế giới” trước những bức tranh khảm do Cha Rupnik tạo ra.

Ông nói: “Tôi không nghĩ chúng ta phải ném đá vì nghĩ đó là cách chữa lành”.

“Bạn có nghĩ rằng nếu tôi cất một bức ảnh nghệ thuật (cách xa) khỏi… trang web của chúng tôi, tôi sẽ gần gũi với các nạn nhân hơn không? Bạn có nghĩ vậy không?" ông ép các nhà báo ở cuối câu trả lời của mình. Khi câu trả lời được đưa ra là khẳng định, Ruffini trả lời: "Tôi nghĩ bạn nghĩ sai."

Sinh ra tại Zadlog, Slovenia, Cha Rupnik được thụ phong linh mục năm 1985 và trở nên nổi tiếng nhờ những bức tranh khảm quy mô lớn, được trưng bày tại hơn 200 trung tâm Công Giáo trên toàn thế giới, bao gồm Nhà nguyện Redemptoris Mater của Vatican và Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II ở Washington.

Sau những cáo buộc lạm dụng tinh thần và tình dục từ hàng chục phụ nữ, bao gồm cả các cựu nữ tu của Cộng đồng Loyola, lời kêu gọi dỡ bỏ các tác phẩm nghệ thuật của vị linh mục này đã phát xuất từ các nhóm vận động.

Các nạn nhân được cho là của Cha Rupnik nói với Our Sunday Visitor News vào tháng 4 rằng nghệ thuật của ngài không thể tách rời khỏi những cáo buộc lạm dụng.

Gloria Branciani, một cựu nữ tu của Cộng đồng Loyola ở Slovenia, người đã cáo buộc Cha Rupnik lạm dụng cô trong 9 năm khi tu sĩ Dòng Tên còn là giám đốc tinh thần của Cộng đồng Loyola, đã xác nhận mối liên hệ chặt chẽ giữa công việc nghệ thuật của Cha Rupnik và những hành vi lạm dụng mà ngài bị cáo buộc đã vi phạm.

“Nơi Rupnik, chiều hướng tình dục không thể tách rời khỏi trải nghiệm sáng tạo,” Branciani nói với Our Sunday Visitor News khi được hỏi về các dự án nghệ thuật của ngài. Cô giải thích: “Khi miêu tả tôi, ông ấy giải thích rằng tôi đại diện cho nữ tính vĩnh cửu: Cảm hứng nghệ thuật của ông ấy bắt nguồn chính xác từ cách ông ấy tiếp cận tình dục”.

Vào ngày 21 tháng 2, Vatican News đưa tin Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican “đã liên hệ với một số tổ chức trong những tháng qua để có được tài liệu liên quan đến Cha Marko Rupnik,” và Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã xác nhận rằng cuộc điều tra của Bộ là “ được mở rộng sang các thực tại khác của Giáo hội mà trước đây chưa từng được tiếp xúc”.