1. Vatican truyền rằng các trường hợp được cho là Đức Trinh Nữ Maria hiện ra gần Rôma 'không phải siêu nhiên'

Hôm Thứ Năm, 27 Tháng Sáu, Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã truyền rằng những cuộc hiện ra được cho là của Đức Trinh Nữ Maria bên ngoài Rôma không phải là siêu nhiên, và tán thành lệnh cấm của vị giám mục địa phương đối với các Thánh lễ và hành hương đến địa điểm này.

Thông cáo của Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày 27 tháng 6 đã xác nhận giá trị pháp lý của sắc lệnh do một giám mục người Ý đưa ra rằng những cuộc hiện ra được cho là ở Trevignano Romano, một thị trấn cách Rôma khoảng 48 km về phía tây bắc trên bờ hồ Bracciano, “không phải là siêu nhiên”.

Đây là một trong những quyết định đầu tiên được biết đến từ Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican về các cuộc hiện ra của Đức Mẹ kể từ khi Bộ này ban hành các quy định mới để phân biệt các trường hợp được cho là Đức Mẹ hiện ra vào tháng trước.

Sự can thiệp của Vatican liên quan đến những tuyên bố của Gisella Cardia, người tự cho mình là người có thị kiến và chồng cô, Gianni, những người đã báo cáo về những lần được cho là hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria, Chúa Giêsu và cả Chúa Cha.

Các sự kiện được cho là bắt đầu sau khi hai vợ chồng mang về một bức ảnh Đức Mẹ Hòa bình từ Medjugorje vào năm 2014. Theo Cardia, bức ảnh này không chỉ chảy ra máu mà còn nhân lên nhiều thức ăn như trong trình thuật Phúc Âm khi Chúa hóa bánh và cá ra nhiều, đến mức hai vợ chồng không cần phải đi chợ nữa. Không biết thực hư thế nào nhưng báo chí và hàng xóm cả quyết lâu rồi không thấy họ đi chợ mà nhà lúc nào cũng có khách khứa tấp nập đến đọc kinh cầu nguyện.

Các thị nhân ở Medjugorje cho biết vào ngày 25 mỗi tháng, họ sẽ nhận được một thông điệp được cho là của Đức Trinh Nữ. Hai vợ chồng cô Cardia cho biết họ cũng được ơn đó, và nhận được thông điệp vào ngày mùng ba mỗi tháng.

Cardia, người đã thành lập một hiệp hội phi lợi nhuận nhận quyên góp và thành lập một nhà nguyện, đã tập hợp được rất nhiều tín hữu và linh mục cầu nguyện và dâng thánh lễ tại địa điểm này, nơi không được Giáo hội cho phép. Nhà nguyện của họ vừa bị chính quyền thành phố Trevignano đóng cửa vì người ta đến đông quá làm ách tắc giao thông trong vùng.

Trước những biến cố cho rằng đã thấy những thị kiến riêng, Giáo Hội luôn có những cuộc điều tra để có thể kết luận là “constat de supernaturalitate” – tức là, tính chất siêu nhiên được chứng thực hay “non constat de supernaturalitate” – hay tính chất không siêu nhiên được chứng thực – nói dễ hiểu là do người ta bày vẽ ra, không phải là thật. Năm ngoái, đấng bản quyền địa phương, là Đức Cha Marco Salvi của Civita Castellana, đã mở một cuộc điều tra. Cuối cùng ngài truyền rằng các cuộc hiện ra được tường trình là “constat de supernaturalitate” tính siêu nhiên không được chứng minh; và trong trường hợp này còn cần phải nhấn mạnh rằng đó là “constat de non supernaturalitate”, hay tính không siêu nhiên đã được chứng minh. Ngài cũng yêu cầu các tín hữu không tham dự các sự kiện tại nhà của Cardia.

Ngoài ra, văn phòng công tố Civilitavecchia đã mở một cuộc điều tra về tội lừa đảo đối với Cardia và chồng cô, đồng thời thị trưởng thị trấn đã ra lệnh đóng cửa nhà nguyện nơi những người theo cô đang nhóm họp.

Đức Cha Salvi đã ban hành một sắc lệnh vào ngày 6 tháng 3 giải thích cuộc điều tra của một ủy ban gồm các chuyên gia về Thánh Mẫu học, thần học, giáo luật, tâm lý học và các chuyên gia khác. Trong sắc lệnh của mình, vị giám mục giải thích rằng các thông điệp về những lần Đức Mẹ hiện ra được cho là chứa đựng “nhiều sai sót thần học”. Ông cấm các linh mục cử hành “các bí tích, các thánh lễ hoặc các sự kiện liên quan đến lòng đạo đức bình dân” kết nối “trực tiếp hoặc gián tiếp với các sự kiện của Trevignano Romano, dù trên cơ sở 'Hiệp hội ITS Madonna di Trevignano' hay trong các trường hợp riêng tư, công cộng và cả ở các địa điểm khác.”

Sắc lệnh cũng cấm các linh mục “đi đến nhà Cardia hoặc khuyến khích các tín hữu tin rằng có bất kỳ sự công nhận nào của giáo hội”. Đức Cha Salvi yêu cầu Cardia, chồng cô, và tất cả những người liên quan đến các sự kiện ở Trevignano phải “tôn trọng và tuân thủ các quyết định của giám mục giáo phận, bên cạnh việc sẵn sàng hoàn thành con đường thanh lọc và phân định, nhằm thúc đẩy và duy trì sự hiệp nhất của giáo hội. “

Vị giám mục cũng nói rõ rằng “danh hiệu 'Madonna di Trevignano' (Đức Mẹ Trevignano) không có giá trị về mặt giáo hội và không thể được sử dụng ngay cả trong lĩnh vực dân sự”.

Tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công nhận giá trị pháp lý của sắc lệnh do Đức Cha Salvi cả về phán quyết tiêu cực của Đức Giám Mục đối với sự kiện được cho là hiện ra và về những hạn chế mà đấng bản quyền đặt ra đối với việc thờ phượng liên quan đến địa điểm này.

Bộ Giáo Lý Đức Tin kết luận với lời cầu nguyện rằng: “Xin Đức Trinh Nữ Maria, mẹ Chúa Giêsu, mẹ Giáo hội, và mẹ chúng ta, khôi phục lại sự bình an và thanh thản trước lợi ích tinh thần của các tín hữu tại giáo xứ Trevignano Romano và của dân Chúa và trong toàn Giáo phận Civita Castellana”

2. Hai linh mục tử đạo tại Albani sẽ được phong chân phước

Hôm 20 tháng Sáu vừa qua, với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã công bố hai sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của hai linh mục:

Thứ nhất là cha Luigi Palić, người Albani, sinh ngày 20 tháng Hai năm 1877, tại Janjevo, tỉnh Kosovo một lãnh thổ thuộc Serbia, nhưng 90% dân cư là người Albani. Anh Luigi gia nhập Dòng Phanxicô ở Ý và thụ phong linh mục năm 1901, khi mới được 24 tuổi và rồi được gửi đi thi hành sứ vụ nơi những người Albani ở nguyên quán, cộng tác với giáo xứ Peje, từ năm 1912. Sau Thế chiến thứ I, miền này bị người Montegrini đồng minh của Serbia xâm lược và thi hành chính sách đàn áp người Albani, bó buộc những người Công Giáo và Hồi giáo tại đây phải theo Chính thống giáo. Cha Palić bênh vực cả hai nhóm tín hữu và nhắn nhủ họ hãy trung thành với tín ngưỡng của mình, mặc dù nhận thức là điều này nguy hiểm. Ngày 04 tháng Ba năm 1913, cha bị lính Montenegro bắt giam, đánh đập, tra tấn. Ngày 07 tháng Ba sau đó, lính lột áo dòng và sát hại cha.

Vị thứ hai là cha Gjon Gazulli, sinh ngày 26 tháng Ba năm 1893, thụ phong linh mục năm 1919, khi được 26 tuổi, và lần lượt làm cha sở tại ba xứ đạo, được giáo dân quý mến. Cha thiết lập một trường tại giáo xứ để dạy giáo lý Công Giáo, nhưng việc làm này của cha bị nhà nước coi là một cản trở cho việc giáo dục chung giữa người Hồi giáo và Công Giáo.

Chính quyền không ưa cha Gazulli vì ảnh hưởng mạnh mẽ của cha trên dân chúng và các cha sở khác về mặt luân lý và tôn giáo. Trong khi nhiều linh mục khác rời bỏ Albani, dưới chế độ của Tổng thống Ahmet Zogu, cha Gazulli quyết định ở lại với đàn chiên. Cha bị bắt ngày 28 tháng Mười Hai năm 1926, và bị xét xử trong một cuộc xử án ngụy tạo, rồi bị kết án dựa theo những lời cáo gian. Cha bị treo cổ tại quảng trường thành phố Scutari, ngày 05 tháng Ba năm 1927, khi ấy cha mới được 34 tuổi.

3. Hy vọng có giải pháp cho Giáo Hội Công Giáo Syro Malabar

Hôm 20 tháng Sáu vừa qua, hãng tin Công Giáo Á châu đưa tin: Giáo Hội Công Giáo Syro Malabar bên Ấn Độ đã tìm được một giải pháp dung hòa để giải quyết những tranh chấp về phụng vụ.

Từ lâu, trong Giáo hội này có sự tranh chấp về nghi lễ thánh lễ, nhưng Hội đồng của Giáo hội này, là cơ quan điều hành Giáo hội, đã quyết định dứt khoát về cách cử hành, theo đó trong phần đầu lễ và cuối lễ, linh mục quay xuống giáo dân, còn phần Phụng vụ Thánh Thể, với nghi thức truyền phép, linh mục quay lên bàn thờ.

34 giáo phận của Giáo hội Syro Malabar đã chấp nhận quyết định trên đây, ngoại trừ tại Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, là giáo phận lớn nhất, hàng trăm linh mục không chấp nhận.

Trong thư chung, công bố hôm mùng 09 tháng Sáu vừa qua, và được đọc trong các nhà thờ giáo xứ ở địa phương, hôm Chúa nhật 16 tháng Sáu vừa rồi, Đức Tổng Giám Mục Trưởng và Đức Cha Bosco Puthur, Giám quản Tông tòa Tổng giáo phận Ernakulam, khẳng định rằng sau ngày 03 tháng Bảy sắp tới, tín hữu Công Giáo nào tham dự thánh lễ Syro Malabar, không theo cơ cấu đã được Hội đồng Giáo hội chấp thuận, thì không chu toàn giới răn dự lễ Chúa nhật. Và cũng từ ngày 03 tháng Bảy, những linh mục nào không tuân hành kỷ luật phụng vụ trong thời gian đó, sẽ bị cấm không được thi hành thừa tác vụ linh mục nữa và bị đối xử như những người rời bỏ tình hiệp thông của Giáo Hội Công Giáo. Những linh mục ấy không thể cử hành thánh lễ nữa”.

Tuy có lệnh trên đây, trong một cuộc họp, khoảng 300 linh mục tuyên bố sẽ tiếp tục cử hành thánh lễ, quay xuống giáo dân, sau ngày 03 tháng Bảy.

Nay, hãng tin Ucan cho biết, có hy vọng giải quyết tranh chấp này, theo đó vào những ngày thường, các linh mục có thể cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ, nhưng thánh lễ Chúa nhật trong các giáo xứ, thì phải cử hành theo nghi thức đã được Hội đồng của Giáo hội chấp thuận. Linh mục nào đi ngược với quy định này sẽ bị phạt theo giáo luật.

Một lãnh tụ nhóm linh mục chống đối tuyên bố rằng lời thỉnh cầu của chúng tôi đã được chấp nhận.

Theo Ucan, quyết định trên đây đang chờ sự chấp thuận của Tòa Thánh.

Sáng ngày 21 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Sứ thần Tòa Thánh tại Ấn Độ và Népal. Có thể buổi tiếp kiến này có liên hệ tới vấn đề của Giáo Hội Công Giáo Syro Malabar.

4. Số tân linh mục gia tăng tại Pháp

Năm nay, số tân linh mục tại Pháp gia tăng so với năm ngoái: theo thống kê của Hội đồng Giám mục Pháp, công bố hôm 20 tháng Sáu vừa qua, năm nay tại Pháp có 105 tân linh mục, so với 88 linh mục được thụ phong trong năm ngoái, 2023, nhưng vẫn ít hơn so với 122 vị trong năm 2022.

Trong số các tân linh mục vừa nói, hai phần ba thuộc các giáo phận và phần còn lại thuộc các dòng tu và các cộng đồng, phong trào của Giáo hội. Ví dụ, có chín tân linh mục thuộc Cộng đoàn thánh Martin. Trong số hơn 90 giáo phận ở Pháp, hai giáo phận có số tân linh mục đông nhất, là Paris và Fréjus-Toulon.

Trong cuộc họp báo, hôm 19 tháng Sáu vừa qua, Đức Cha Bertrand Lacombe, Tổng giám mục Giáo phận Auch, thuộc Hội đồng các thừa tác viên thánh chức và Chủ tịch Hội đồng toàn quốc về phó tế, cho biết các giám mục Pháp đang suy tư và nghiên cứu về những sáng kiến trong các giáo phận để khơi dậy và cổ võ ơn gọi. Đức Cha cũng nhắc nhở về sứ mạng thiết yếu của các linh mục trong Giáo hội và ý nghĩa sứ vụ này ngày nay, giữa lòng một xã hội Pháp ngày càng bị tục hóa.

Trong số 67 triệu dân cư ở Pháp, khoảng một nửa còn xưng mình là tín hữu Công Giáo. Tuy nhiên, số tín hữu thực hành đạo, - theo báo chí - chỉ có 2%; số linh mục và tu sĩ giảm sút nhiều từ những thập niên qua.