1. Đức Hồng Y O'Malley kêu gọi Vatican đừng sử dụng các tác phẩm nghệ thuật của linh mục Rupnik

Đức Hồng Y Sean O'Malley, Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, gọi tắt là PCPM, đã viết thư cho các cơ quan của Giáo triều Rôma để bày tỏ hy vọng rằng trong thời gian này, “sự thận trọng mục vụ sẽ ngăn cản việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật theo cách có thể ám chỉ sự miễn tội hoặc sự bào chữa một cách tế nhị” đối với những kẻ bị cáo buộc là thủ phạm lạm dụng tình dục “hoặc thể hiện sự thờ ơ trước nỗi đau và sự đau khổ của rất nhiều nạn nhân bị lạm dụng”.

“Chúng ta phải tránh gửi một thông điệp rằng Tòa Thánh không biết gì về nỗi đau tâm lý mà rất nhiều người đang phải chịu đựng”, Đức Hồng Y nói trong bức thư thay mặt Ủy ban gửi các nhà lãnh đạo Giáo triều vào ngày 26 tháng Sáu.

Trong những tháng gần đây, các nạn nhân và những người sống sót sau các vụ lạm dụng quyền lực, lạm dụng tinh thần và lạm dụng tình dục đã liên hệ với PCPM để bày tỏ sự thất vọng và lo ngại ngày càng tăng của họ trước việc một số văn phòng Vatican, bao gồm cả Bộ Truyền thông, tiếp tục sử dụng các tác phẩm nghệ thuật của Cha Marko Rupnik.

Hiện tại, Bộ Giáo lý Đức tin đang điều tra các cáo buộc lạm dụng tâm lý và tình dục của Cha Rupnik đối với một số nữ tu sĩ, người đã bị Dòng Tên trục xuất vào tháng 6 năm 2023.

Trong lá thư của mình, Đức Hồng Y O'Malley nói rằng trong khi việc suy đoán vô tội trong một cuộc điều tra như vậy cần được tôn trọng, Tòa Thánh và các văn phòng của Tòa thánh phải “thực thi sự thận trọng mục vụ một cách khôn ngoan và lòng trắc ẩn đối với những người bị tổn hại bởi việc giáo sĩ lạm dụng tình dục”.

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi chúng ta hãy nhạy cảm và bước đi trong tình liên đới với những người bị tổn hại bởi mọi hình thức lạm dụng. Tôi yêu cầu các bạn hãy ghi nhớ điều này khi lựa chọn hình ảnh để đăng tải các thông điệp, bài viết và suy tư thông qua các kênh truyền thông khác nhau mà chúng ta có sẵn”, Đức Hồng Y viết.


Source:tutelaminorum.org

2. Đức Hồng Y kêu gọi thế giới giúp đỡ Ukraine để chấm dứt “chiến tranh vô nghĩa”

Trong điều mà ngài nói là thời điểm kịch tính nhất trong 8 chuyến viếng thăm Ukraine của ngài, Đức Hồng Y Konrad Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, đã kêu gọi từ nghĩa trang Ternopil rằng thế giới cần giúp đỡ Ukraine mà không chậm trễ thêm nữa để “sự vô nghĩa của chiến tranh” chấm dứt.

Không đề cập đích danh nước Nga, ngài cũng nói rằng đối với những người gây ra chiến tranh, “chỉ cần có ai đó quỳ xuống và cầu xin sự tha thứ, thì Chúa Giêsu sẽ không mệt mỏi vì tội lỗi của chúng ta. Ngài sẽ tha thứ tất cả.”

Đức Hồng Y Krajewski đến thành phố phía tây Lviv, Ukraine vào ngày 25 tháng 6, và vào ngày 26 tháng 6, ngài khởi hành đi Ternopil vào lúc bình minh, khi ngài kể lại trong một tin nhắn thoại gửi đến OSV News

“Tôi đến Ternopil lúc 4 giờ sáng để bàn giao xe cứu thương của Đức Giáo Hoàng, và vì xe cứu thương là biểu tượng của cuộc sống nên mọi người đã dọn đường và tôi đến đó từ rất sớm,” ngài nói.

Vì vị linh mục địa phương vẫn đang ngủ nên Đức Hồng Y Krajewski quyết định đến thăm một nghĩa trang địa phương.

“Có một khu vực dành cho binh lính, đầy cờ Ukraine. Thế là tôi bắt đầu bước đi giữa những ngôi mộ của những người trẻ, 20, 23, 35 tuổi. Được chôn cách đây hai ngày, cách đây một tuần,” ngài nhớ lại.

“Tôi đến Ukraine lần thứ tám và điều đó khiến tôi bị sốc. Làm sao họ có thể chiến đấu suốt hai năm, được cả thế giới theo dõi trong khi họ vẫn chết? Mọi người đều sản xuất vũ khí, kiếm tiền từ những vũ khí đó và người Ukraine vẫn chết”, ngài giải thích với giọng điệu kịch tính trong thông điệp của mình, đồng thời lưu ý rằng “một phụ nữ trẻ đang mang thai đã đến và đứng đó trước mộ chồng mình”.

Đức Hồng Y Krajewski tiếp tục: “Trên huy hiệu của tôi có một dòng chữ: ‘misericordia’, lòng thương xót, nhưng không hiểu sao hôm nay tôi không thể hiểu được lòng thương xót đó”. “Tôi rất xúc động tại nghĩa trang này vào lúc bình minh, ở giữa Ukraine.”

Ngài so sánh sự giúp đỡ của các nước phương Tây dành cho Ukraine với nỗ lực giúp đỡ một đứa trẻ chết đuối ở hồ. Ngài nói: “Mọi người đều nhìn thấy điều đó và họ quyết định đặt mua một chiếc thuyền cấp cứu sẽ được vận chuyển trong vòng một tháng”. “Họ quyết định đặt hàng để giao dây cứu sinh trong ba ngày nữa… để giúp Ukraine nhưng trong vài tháng nữa, và sẽ cung cấp chiến binh trong một năm.”

Sau đó trong ngày, khi suy ngẫm về chuyến viếng thăm nghĩa trang, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng cho biết ngài “nhận ra rằng những suy nghĩ của tôi rất trần tục. Tôi nghĩ, 'Tôi đang bắt đầu nghĩ theo hướng thù địch với đối phương.' Và tôi nhận ra rằng vào tháng 6, chúng ta hát Kinh Cầu kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, một trái tim đầy lòng thương xót, tình yêu, sự tha thứ, lòng thương xót gây tai tiếng cho thế giới ngày nay vì nó đứng trên công lý.”

Đức Hồng Y Krajewski nói rằng trên thế giới ngày nay “chúng ta muốn loại bỏ những kẻ gây ra chiến tranh. Và trái tim Chúa Giêsu đầy lòng thương xót. Chỉ cần có ai đó quỳ xuống và cầu xin sự tha thứ thì Chúa Giêsu sẽ không mệt mỏi vì tội lỗi của chúng ta. Ngài sẽ tha thứ tất cả. Đây là điều đã xảy ra với tên trộm tỏ lòng ăn năn khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập tự giá: 'Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên thiên đường.'“

Đức Hồng Y Krajewski đã đến Ukraine để tặng xe cứu thương và các thiết bị y tế cho một bệnh viện ở vùng Ternopil của đất nước, nơi “có nhiều đoàn xe đến mỗi ngày để vận chuyển dân thường và binh lính buộc phải chạy trốn khỏi khu vực biên giới với Nga, nơi giao tranh ác liệt nhất”.

Đức Hồng Y cho biết, vào ngày 26 tháng 6, xe cứu thương đã được bàn giao cho bệnh viện ở thành phố Zboriv, “mọi người đều rất xúc động khi nhận được món quà từ Đức Thánh Cha Phanxicô”.

Trong chuyến đi của mình, Đức Hồng Y đã lên kế hoạch khánh thành trung tâm phục hồi Thánh Gioan Phaolô II thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô “để phục hồi toàn diện về thể chất và tâm lý cho những người bị chấn thương chiến tranh”.

Đức Hồng Y Krajewski chỉ ra rằng sự giúp đỡ của Vatican đã được thực hiện kể từ khi bắt đầu chiến tranh, với những máy phát điện cần thiết ở một quốc gia nơi tình trạng mất điện kéo dài chín giờ mỗi ngày. Ngài nói: “Nhờ có máy phát điện, việc làm được giữ lại, nguồn cung cấp thực phẩm tại nhà được tiếp tục, Vatican đã cung cấp một số xe tải chở máy phát điện và đó thực sự là sự trợ giúp quan trọng”.

“Tôi đến Ukraine lần thứ tám, nhưng lần này tôi nhận ra rõ ràng nhất sự vô nghĩa của chiến tranh,” Đức Hồng Y Krajewski nói trong một tin nhắn thoại gửi đến OSV News.

Ngài nói: “Những ngôi mộ mà tôi viếng thăm hôm nay ở Ukraine đã nhắc nhở tôi về những gì một người đàn ông có thể làm nếu không đặt Chúa lên hàng đầu mà là những ham muốn xấu xa của chính mình”.


Source:UCANews

3. Vụ kiện chấn động tại Bỉ: Người phụ nữ quá đáng nộp đơn kiện một Hồng Y và một Tổng Giám Mục vì không cho bà ta theo học để trở thành phó tế

Tờ Pillar Catholic có bài tường trình nhan đề “Church ordered to compensate woman denied deacon formation”, nghĩa là “Giáo hội bị buộc phải bồi thường cho người phụ nữ bị từ chối đào tạo thành phó tế.”

Một tòa án đã ra lệnh cho hai nhà lãnh đạo Giáo hội Bỉ phải bồi thường sau khi một phụ nữ không được phép ghi danh vào chương trình đào tạo phó tế.

Tòa án đã ra lệnh cho Hồng Y Jozef De Kesel đã nghỉ hưu và Đức Tổng Giám Mục Luc Terlinden, người kế nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Mechelen-Brussels, mỗi vị phải trả 1.500 euro, tức là khoảng 1.600 Mỹ Kim, cho Veer Dusauchoit.

Bà Dusauchoit, 62 tuổi sống ở Herent, tỉnh Flemish Brabant của Bỉ, đã phục vụ nhiều năm tại giáo xứ địa phương của bà, nơi không còn linh mục do sự suy giảm giáo sĩ giáo phận.

Bà là thành viên của một nhóm giáo dân tổ chức các buổi cử hành Lời Chúa và Rước lễ, tang lễ và các hoạt động khác của giáo xứ - một tình trạng phổ biến trong Giáo Hội Công Giáo ở Bỉ.

Vào tháng 6 năm 2023, được linh hứng bởi một chương trình đào tạo phó tế nữ ở Đức, Dusauchoit đã nộp đơn ghi danh tham gia chương trình đào tạo phó tế kéo dài 4 năm của tổng giáo phận Mechelen-Brussels do Đức Hồng Y De Kesel lãnh đạo –, nhưng đơn ghi danh của bà đã bị từ chối.

Giáo Hội Công Giáo dạy rằng bí tích truyền chức thánh được dành riêng cho nam giới. Ba bậc thánh là phó tế, linh mục và giám mục.

Dusauchoit lại nộp đơn không thành công vào tháng 10 năm 2023, sau khi Đức Cha Terlinden được bổ nhiệm làm tổng giám mục thay cho Đức Hồng Y De Kesel.

Trong một chuyên mục tháng 4 cho trang web tin tức DeWereldMorgen.be, Dusauchoit tự mô tả mình là “một người phụ nữ ngoan đạo, dấn thân hoạt động xã hội, đấu tranh cho nữ quyền và được truyền cảm hứng về mặt sinh thái”.

Bà viết: “Phụ nữ trong Giáo hội vẫn chưa được đánh giá đầy đủ và không có cơ hội đảm nhận vị trí xứng đáng của mình”.

“Từ sự thất vọng này, từ niềm tin rằng việc đào tạo làm phó tế có thể giúp Giáo hội phát triển, đồng thời từ quyết tâm không đoạn tuyệt với Giáo hội, tôi quyết định ghi danh tham gia chương trình đào tạo phó tế.”

Tuy nhiên, bà ta nói, trong khi “cả Đức Tổng Giám Mục De Kesel và Terlinden đều công khai tuyên bố ủng hộ việc phong chức phó tế cho phụ nữ trong câu trả lời của các ngài cho câu hỏi của tôi, tôi không tìm thấy thái độ sẵn lòng nào như vậy”.

Dusauchoit nói rằng vào những năm 1970, vợ của các ứng cử viên phó tế được yêu cầu tham gia khóa đào tạo phó tế cùng với chồng của họ, ngay cả khi họ không thực sự được thụ phong phó tế.

Bà nói: “Việc họ không thể được phong chức phó tế trong mọi trường hợp không phải là trở ngại cho việc theo đuổi khóa đào tạo này”.

Bà ta nói thêm: “Quyết định của Đức Hồng Y De Kesel và Đức Tổng Giám Mục Terlinden từ chối cho tôi quyền được đào tạo phó tế chỉ vì tôi là phụ nữ, theo ý kiến của tôi, vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới tính, là bất hợp pháp và sai phạm về mặt pháp lý”.

Dusauchoit đưa vụ việc của mình ra tòa án dân sự, lập luận rằng các vị Hồng Y và Tổng Giám Mục đã phạm tội phân biệt đối xử vì quyền bình đẳng giữa nam và nữ được quy định trong Điều 10 của hiến pháp Bỉ.

Theo báo chí Bỉ, các vị Hồng Y và Tổng Giám Mục không phản đối ý kiến cho rằng Dusauchoit đã bị từ chối tham gia khóa học vì cô là phụ nữ.

Phát ngôn nhân của tòa án ở Mechelen, một thành phố thuộc vùng Flemish của Bỉ, cho biết:

“Tòa án nhận thấy rằng các vị Hồng Y và Tổng Giám Mục này đã mắc sai lầm khi đánh giá đơn ghi danh.”

“Nó chỉ liên quan đến việc được nhận vào một khóa đào tạo, chứ không phải vấn đề bổ nhiệm làm phó tế.”

Phát ngôn nhân nói thêm rằng tòa án không có quyền quyết định liệu một cá nhân ứng viên có nên được nhận vào chương trình đào tạo phó tế hay không.

Ông nói: “Tòa án không có thẩm quyền xét xử việc này. Điều này sẽ trái ngược với tự do tôn giáo. Các tổng giám mục phải có khả năng tự quyết định xem ai là ứng viên phù hợp để đào tạo”.

Bình luận về phán quyết, luật sư của Dusauchoit cho biết: “Lần đầu tiên trong lịch sử, các giám mục Bỉ bị tòa án lên án vì phân biệt giới tính. Tòa án tuyên phải bồi thường thiệt hại cho bà Dusauchoit vì việc này.”

“Tòa án tin rằng họ không thể buộc các giám mục chấp nhận bà Dusauchoit được đào tạo, vì điều này ảnh hưởng đến quyền tự chủ của Giáo hội”.

Đề cập đến phiên họp tháng 10 này của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, các luật sư nói thêm: “Bà. Dusauchoit hài lòng vì tòa án đã phát hiện ra rằng đã xảy ra sự phân biệt đối xử. Bà hy vọng phán quyết này có thể giúp bảo đảm rằng phụ nữ sẽ được phép tham gia khóa đào tạo phó tế trong tương lai. Vấn đề này nằm trong chương trình nghị sự của Thượng Hội đồng Giám mục vào mùa thu này.”

Một phát ngôn viên của tổng giáo phận Mechelen-Brussels nói với trang web Công Giáo Đức katholisch.de: “Chúng tôi đã nhận được phán quyết vào chiều hôm qua, hiện đang nghiên cứu và sau đó sẽ quyết định xem sẽ tiếp tục như thế nào”.

Đã có những căng thẳng sâu sắc giữa Giáo hội và nhà nước ở Bỉ trong những năm gần đây sau khi bùng phát cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Năm 2010, Vatican phản đối sau khi cảnh sát Bỉ đột kích các tài sản của Giáo hội và làm gián đoạn cuộc họp của các giám mục khi cảnh sát tìm kiếm bằng chứng trong các vụ lạm dụng.

Giáo hội ở Bỉ hiện đang chống lại lệnh của các cơ quan bảo vệ dữ liệu nhằm các tài liệu trong sổ ghi danh rửa tội, nếu được yêu cầu.

Giáo Hội Công Giáo ở Bỉ kêu gọi mở chức phó tế cho phụ nữ trong báo cáo phản hồi trước cuộc họp thượng hội đồng vào tháng 10.

Hội Đồng Giám Mục Bỉ cho biết: “Công đồng Vatican II đã tái thiết lập chức phó tế vĩnh viễn cho nam giới. Không phải tất cả các hội đồng giám mục đều đã tận dụng khả năng này.”

“Bằng cách tương tự, chúng tôi yêu cầu, dựa trên sự tham vấn của chúng tôi với tư cách là Giáo hội Bỉ, rằng chức phó tế vĩnh viễn cho phụ nữ cũng nên được tái lập”.

“Trong phân tích của chúng tôi, việc trao các trách nhiệm mục vụ chính cho phụ nữ và truyền chức phó tế không nên là điều bắt buộc hoặc bị cấm trên toàn cầu”.

Các quốc gia khác cũng ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của người Công Giáo địa phương đối với các nữ phó tế trong báo cáo phản hồi của họ.

Tại Đức, giáp biên giới Bỉ, một tổ chức độc lập có tên là Mạng lưới Phó tế Nữ đã tổ chức các khóa đào tạo kéo dài 3 năm cho phụ nữ kể từ năm 1999, nhằm mục đích đào tạo chức phó tế.

Đức Giám Mục Ludger Schepers, Giám Mục Phụ Tá của Giáo phận Essen, đã cử hành Thánh lễ bế mạc khóa học vào tháng Tư.

Theo một thông cáo báo chí, Đức Cha Schepers nói trong bài giảng rằng phụ nữ cảm thấy bị phân biệt đối xử và bị gạt ra ngoài lề xã hội trong Giáo hội vì ơn gọi của họ.

Thông cáo báo chí cho biết: “Điều khiến vị Giám Mục tức giận là sự mất cân bằng này không được coi là một mối bất bình cần được giải quyết”.

“Mặc dù ngài chưa thể truyền giới cho phụ nữ, nhưng ngài và những người lãnh đạo khóa học đã ban phước lành cho từng phụ nữ khi họ nhận được chứng chỉ của mình.”

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Giám mục Georg Bätzing đã gửi thông điệp chúc mừng 13 phụ nữ đã hoàn thành khóa học.

Giám mục Georg Bätzing nói: “Các bạn là một phước lành cho Giáo hội của chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ thăm Bỉ, một quốc gia mà ngài có quan hệ lâu dài, từ ngày 26 đến 29 tháng 9.

Trong một cuộc phỏng vấn với CBS vào tháng 5, Đức Thánh Cha đã được hỏi liệu ngài có cởi mở với khả năng phụ nữ được làm phó tế hay không.

Ngài nói: “Nếu đó là các phó tế với chức thánh thì không. Nhưng tôi có thể nói, phụ nữ luôn có chức năng của nữ phó tế mà không phải là phó tế, phải không?”

“Phụ nữ phục vụ rất tốt với tư cách là phụ nữ, không phải với tư cách là thừa tác viên trong các chức thánh.”


Source:Pillar Catholic