CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN NĂM B: MC 6,30-34

30 Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông: “Anh anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thời giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.

33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.


NHÌN THIÊN CHÚA VÀ NHÌN ĐÁM ĐÔNG

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay giống như một trò chơi trốn tìm, mà rốt cuộc kẻ muốn trốn người đi tìm lại gặp thất bại. Thầy trò Đức Giê-su mong thoát khỏi đám đông, cuối cùng lại phải chăm lo cho đám đông. Qua câu chuyện này, Mác-cô trình bày cho chúng ta hai bức ảnh cùng với hai bài học về đời tông đồ. Một tấm trình bày Đức Giê-su với môn đệ, một tấm trình bày Đức Giê-su với đám đông.

1. Đức Giê-su với môn đệ

Họ đã trở về, những con người mới đây được Đức Giê-su sai đi trên mọi nẻo đường, không lương thực, tiền bạc, bao bị, nhẹ nhàng như gió Thánh Linh. Họ đã trở về, những con người mới đây thực hiện một chuyến tiễu trừ ma quỷ, chữa kẻ đau ốm, kêu gọi lòng người hoán cải, biến Tin Mừng từ lời nói thành hành động. Giờ đây, quây quần quanh Đức Giê-su, họ báo cáo về những việc mình đã làm. Thiên hạ cũng bu lại theo dõi. Như một nhà huấn luyện lành nghề, Người lắng nghe những kẻ mình đã chọn trở về từ chuyến truyền giáo đầu tiên. Đây là lần duy nhất Mác-cô gọi họ là “Tông Đồ”, chắc hẳn để đánh dấu mối quan hệ mới của họ với Đức Giê-su. Họ kể, họ kể. Đức Giê-su lắng nghe với một sự chăm chú đầy thân tình, họ đã trở thành các cộng tác viên của Người, những kẻ sẽ lôi tới cho Người nhiều đoàn lũ.

Nghe xong, Người bảo họ: “Anh em hãy lánh riêng ra, đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Nhóm nhỏ này cần tìm lại được những giây phút thân tình với Thầy để tâm hồn được bồi dưỡng. Thoạt tiên, Người đã chọn các ông để “ở với Người” (Mc 3,14), rồi mới sai các ông đi rao giảng. Ngày mai đây các ông sẽ lại ra đi, nhưng hiện thời thì cần phải được thưởng thức hương vị của tình nghĩa sư đệ. Phải ra đi, rồi phải biết lui về nơi yên tĩnh hoặc trong thanh vắng của tâm hồn, đó luôn luôn là vấn đề sinh tử. Thành thử khó mà không nghĩ rằng thái độ ân cần đáng yêu nầy của Đức Giê-su chính là lời mời gọi cầu nguyện thinh lặng.

Lánh riêng, đến nơi thanh vắng. Tất cả chúng ta đều cần sự đoạn tuyệt hoàn toàn này. Các thất bại trong việc cầu nguyện đều xuất phát từ chỗ ta không biết giật các giây phút đặc biệt ấy khỏi tất cả những gì làm nên cuộc sống thường nhật của ta.

Đó không phải là chạy trốn khỏi các nghĩa vụ, các lo lắng và tình yêu huynh đệ. Ta sẽ trở lại với những cái đó ngay, nhưng với một cách thức khác hẳn và mới mẻ biết chừng nào.

Vì trong ba mươi phút hay một giờ, chúng ta đã chạm đến Thiên Chúa và bình an của Người. “Hãy lánh riêng ra, đến nơi thanh vắng” quả là một cuộc đắm mình trong Thiên Chúa thật sự. Thình lình, những tiếng như “Thiên Chúa là Tình yêu, Thiên Chúa yêu chúng ta, tôi muốn yêu Thiên Chúa” trở nên một thực tại sờ mó được. Có một Đấng yêu tôi, và tôi đứng đó, trước tình yêu ấy, trong tình yêu ấy. Làm sao ra khỏi đó mà tôi lại không yêu mến anh em, yêu mến nghĩa vụ, yêu mến nhân loại cách mới mẻ cho được? Ai kết hợp sâu xa với Chúa thì cũng kết hợp sâu xa với anh em mình, ai hời hợt với Người trong giờ cầu nguyện thì cũng hời hợt với tha nhân trong cuộc sống.

Suốt nhiều năm, thầy già đáng kính Silouane (một đan sĩ người Nga, thuộc Chính thống giáo, tu ở núi Athos Hy-lạp) coi sóc cơ xưởng cho tu viện. Trong xưởng có một số thanh niên nghèo từ miền quê lên làm việc để kiếm tiền giúp gia đình. Một ngày kia các tu sĩ hỏi Silouane: “Thưa Thầy, làm sao thầy có thể bảo bọn thợ kia làm việc chăm chỉ đến thế mà không cần canh chừng họ; trong khi mắt chúng con không rời họ nửa phút mà họ vẫn đánh lừa được chúng con?” Thầy Silounane trả lời: “Tôi cũng không rõ. Chỉ biết rằng mỗi buổi sáng, tôi không bao giờ đến xưởng mà trước tiên không cầu nguyện cho họ; tôi đến với họ bằng quả tim yêu thương. Khi bước vào xưởng, tôi yêu họ với tất cả tình yêu dạt dào của lòng mình. Tôi phân công cho họ rồi ra về với quyết định sẽ cầu nguyện cho họ trong suốt thời gian họ làm việc. Trong phòng riêng, tôi đặt mình trước mặt Chúa và cầu nguyện thì cảm thức về sự hiện diện của Chúa càng xâm chiếm lấy tôi, cho đến một lúc nó trở thành mãnh liệt, đến nỗi tôi không còn nhìn thấy các người thợ với gia cảnh của họ nữa. Nhưng rồi, ngay trong sự hiện diện ấy của Chúa, tôi bắt gặp tình yêu Chúa và trong tình yêu này, tôi gặp lại các bạn thợ cùng với gia đình của họ. Bấy giờ, với tình yêu của Chúa, tôi lại tiếp tục cầu nguyện cho các người bạn của tôi… Có lẽ vì thế mà họ làm việc chăm chỉ !?!”

2. Đức Giê-su với đám đông

Sang tấm ảnh thứ hai: Đức Giê-su đã lại bị quần chúng bắt lấy và Người nhìn họ. Cái nhìn của Người làm ta nhớ lại cái nhìn của ta, các Ki-tô hữu: phải chăng ta nhìn một đám đông như thế?

Mác-cô viết: “Người chạnh lòng thương”. Trong Tin Mừng, thành ngữ này luôn luôn nói lên một sự thổn thức âu yếm, bồn chồn gan ruột. Và Mác-cô cho thấy ngay lý do: Đức Giê-su nhìn họ “như bầy chiên không người chăn giữ”. Đối với nhiều đám đông hôm nay, chúng ta cũng có thể nói thế nhưng theo kiểu hiện đại: đấy là những con người bối rối, chẳng còn biết tại sao mình sống, tại sao mình vất vả.

Thành thử dẫu hết sức mệt mỏi, hết sức cần thư giãn giữa đám môn đồ nhỏ bé, Đức Giê-su vẫn hết lòng với đám đông ấy và bắt đầu “dạy dỗ họ nhiều điều”. Sau đó, sẽ có phép lạ hóa bánh ra nhiều, nhưng không phải vì thứ bánh vật chất nầy mà Đức Giê-su đã đến. Vâng, Người sắp nuôi sống họ, và sau này sẽ chính là bánh sự sống cho họ trong Thánh Thể. Nhưng để họ hiểu Người là ai và mang đến cái chi, trước hết Người phải nói với họ đã.

Nói, phải chăng đó là chạnh lòng thương một đám đông? Chắc chắn rồi, khi ta ngỏ lời với nhiều con người để cho họ thấy các nỗi chờ mong sâu thẳm của họ và giá trị của những gì ta đề nghị với họ. Chỉ mình Đức Giê-su mới có thể làm điều ấy, và chúng ta cũng có thể làm điều ấy khi vang vọng lại lời Người, bằng không, chúng ta chỉ là những tay “lên lớp” bất lực.

Trở thành Đức Giê-su đối với đám đông, đó là nhìn họ như Người, với một con tim thổn thức vì mến yêu, và nói với họ về ý nghĩa cuộc sống. Bằng cách cổ vũ cuộc sống ! Trong nền văn minh rất tiến bộ của chúng ta, biết bao người chết vì đói khát hay bị chiến tranh nghiền nát, điều đó chứng tỏ cho thấy các lãnh tụ đang điều khiển thế giới chẳng nhìn vào đám đông, mà chỉ đếm lui đếm tới các hỏa tiễn của họ.

- Vậy thì chúng ta đâu làm được gì ! Việc suy ngắm về “Đức Giê-su và đám đông” sẽ chẳng thay đổi thế giới. Tốt hơn tôi nên nhìn đến vài người chung quanh mà tôi có thể giúp đỡ và có lẽ giáo dục được.

- Dĩ nhiên, phải làm điều này; nhìn quá xa đôi lúc là một kiểu đào thoát. Nhưng khi khép mình trong mối bận tâm duy nhất về những kẻ thân cận, chúng ta để thế giới lang thang không người chăn dắt. Ai có thể hét to Tin Mừng trên các mái nhà (thời hiện đại là internet), nếu chẳng phải là các Ki-tô hữu? Ai sẽ biết Đức Giê-su có đó, giữa chúng ta, để cứu thế giới, nếu các Ki-tô hữu đều câm miệng? Ai hay được Ki-tô giáo mang lại tự do, nếu các Ki-tô hữu, đặc biệt là các chủ chăn, để cho quyền lực trần gian khống chế bằng mua chuộc hay dọa dẫm? Họ ở đâu, các Ki-tô hữu, các lãnh đạo Ki-tô hữu, những kẻ không biết rằng người ta chờ họ lên tiếng trong cái xã hội duy vật vô thần đang thối rữa vì băng hoại tinh thần và đạo đức này sao?

Hạnh phúc của dân chúng, tiến bộ của xã hội, thịnh vượng của quốc gia tùy thuộc các cuộc bầu cử (tự do), các quốc hội đại diện dân (đích thực), các thảo luận về đạo luật và ngân sách (chẳng bị lèo lái), các cuộc tranh đấu vì công lý và sự thật (không bị đàn áp), các phương tiện truyền thông tạo nên công luận (đúng nghĩa)... Đứng xa tất cả những cái ấy để tới ẩn náu bên Đức Ki-tô, đó là lầm Đức Ki-tô rồi. Đức Ki-tô đích thực, khi nhìn quần chúng, đã thổn thức âu yếm, nhưng là một sự âu yếm mang tính dấn thân. Người đã nói lắm điều với đám đông và đã chết cho họ. Giáo hội Hàn Quốc hiện được coi là Giáo hội phát triển nhất châu Á. Lý do là họ đấu tranh cho công lý không ngừng.

Làm môn đệ của Người, đó là cố gắng nói với các đám đông bằng mọi phương tiện có thể. Đó là đi vào trong những hoạt động lớn lao, có phối hợp, chống lại ngu dốt, đói nghèo, dối trá, áp bức, bất công. Chỉ tình yêu dấn thân mới nói về Đức Ki-tô thật sự.