Có sự khác biệt giữa lãnh đạo và chủ chiên. Có người lãnh đạo tài giỏi nhưng khắt khe, tàn ác; lại có người lãnh đạo không dám quyết đoán để thuộc hạ, ngoại bang, lạm quyền. Có nhà lãnh đạo không tài giỏi nhưng có lòng nhân ái. Có người tự nhận là chủ chiên nhưng hành động lang sói. Có người vừa là chủ chiên vừa nhân lành. Đây là hình ảnh Đức Kitô muốn nói đến khi Ngài thấy đám đông thiếu chủ chiên nhân lành.

'Ngài chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt' Mc 6: 34

Khi tuyên bố lời này Đức Kitô cho biết có sự khác biệt rõ ràng giữa lãnh đạo và chủ chiên nhân lành. Đức Kitô nhận biết có người thích lãnh đạo vì họ yêu thích quyền hành, danh vọng hơn toàn dân. Ngài biết đám đông câm nín bởi họ ở thế yếu; mình gào mình nghe. Đám đông đi tìm chủ chiên nhân lành. Họ chạy đến môn đệ Ngài vì họ thấy các ông chăm sóc, lo lắng, che chở, bảo vệ họ. Chủ chiên nhân lành hy sinh tiện nghi, thoải mái và ngay cả sự sống mình, để phục vụ đàn chiên. Môn đệ Đức Kitô là những chủ chiên nhân lành, bởi họ học từ chính Đức Kitô là Đấng chăn chiên nhân lành. Hình ảnh môn đệ tụ họp quanh Đức Kitô và thuật lại cho Ngài biết các việc các ông đã làm cho thấy có sự cởi mở, thân thiện giữa Thầy và môn đệ. Cởi mở, thành thật, thân thiện, kính trọng Đức Kitô là chủ chăn nhân lành. Chính Ngài có lần tuyên bố,

'Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên'. Gn 10:11 'Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi'. c.14

Người chăn chiên nhân lành là người biết chiên và chiên nghe tiếng chủ. Đức Kitô không những là chủ chiên nhân lành mà còn hy sinh chính mạng sống mình để đàn chiên được sống. Nơi đâu có chủ chiên nhân lành, nơi đó có bình an, hạnh phúc và tình yêu mến. Lời khuyên môn đệ tìm nơi thanh vắng nghỉ lấy sức cho biết Đức Kitô thực sự yêu quý môn đệ.

Người ta tranh giành quyền lãnh đạo, nói về tự do, nhân quyền, bình đẳng, hứa hẹn mong đạt được số phiếu cao. Họ trở thành người lãnh đạo, đồng thời cũng là người thất hứa vì hứa hẹn những gì ngoài khả năng thực hiện. Người mục tử nhân lành không cổ võ, hứa hẹn mà thực sự sống, thi hành tự do, nhân quyền, bác ái, yêu thương, tha thứ trong cuộc sống. Đây là mẫu mực người chủ chiên nhân lành Đức Kitô giảng dậy, cổ võ. Chính Đức Kitô sống điều Ngài rao giảng. Hình ảnh chủ chiên vác chiên thương tật trên vai mang về chăm sóc chứng tỏ chủ chiên thương chiên như thương chính thân mình. Hình ảnh chủ chiên đi trước dẫn đường, nếu nguy hiểm xảy ra, chủ chiên là người đầu tiên hấng chịu mọi hiểm nguy thay cho đàn chiên. Hình ảnh chủ chiên canh cửa chuồng chiên cho biết chủ chiên nhân lành không chấp nhận bạo động, dưới bất cứ hình thức nào. Bạo động nếu không là lạm quyền thì chung vai với gian tà. Bộ ba này- bạo động, lạm quyền, gian tà- thường đi chung với nhau. Chủ chiên nhân lành chủ trương sống tha thứ, bình an và hạnh phúc thật.

Người ta tranh giành, hạ nhau sát ván mong thành người lãnh đạo. Không ai phấn đấu, gắng trở thành người chăn chiên nhân lành. Đức Kitô là Đấng duy nhất mở đường, cổ võ, khuyến khích người lãnh đạo trở thành người chủ chiên nhân lành. Chính Ngài thí mạng sống mình vì đàn chiên. Câu nói,

'Anh em hãy đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút....vì kẻ tới lui quá đông, nên các ông cũng chẳng cò thì giờ ăn uống' Mc 6: 31

Lời này nói rõ Đức Kitô lưu tâm đến phúc lợi, an vui, hạnh phúc của môn đệ. Ngài lo lắng cho môn đệ bằng cách tự đứng ra đảm trách công việc giảng dậy đám đông. Nhờ thế môn đệ có thời giờ nghỉ lấy sức. Môn đệ Đức Kitô đang học trở thành mục tử nhân lành. Phục vụ tha nhân, mệt nhọc, nhưng tâm thần vẫn tươi vui, tấm lòng yêu mến tha nhân quan trọng hơn cả lo cho bản thân mình.

Phúc Âm không chỉ kêu gọi mọi nhà lãnh đạo trở thành người mục tử nhân lành mà còn đưa ra hình ảnh, mẫu mực cần thiết mà một người mục tử nhân lành cần có. Đó là hình ảnh chủ chiên. Chủ chiên đứng nơi cổng chuồng chiên, cho chiên ra vào; tìm đồng cỏ xanh non cho chiên ăn; tìm dòng suối mát trong cho chiên uống và vác trên vai chiên thương tật về chăm sóc.

Ở thời điểm này, chưa có rạn nứt; tình Thầy trò còn sáng chói. Thầy trò đồng tâm, đồng lòng phục vụ đám đông. Rạn nứt, chia rẽ, phản bội mãi say này mới xảy ra. Nguyên do có thể do thành công rực rỡ sau lần sai đi rao giảng Tin Mừng. Nguyên do khác có thể do Đức Kitô tuyên bố Ngài sẽ ra đi, từ đó phát sinh vấn đề ai thay thế Ngài làm thủ lãnh. Nguyên do khác nữa có thể do lời hứa ban phần thưởng nên có tình trạng xin được ngồi bên phải, bên trái trong nước của Ngài. Nguyên do chối Thầy là do sợ hãi.

Kitô hữu xin ơn khôn ngoan; tránh ngoại cảnh chi phối, lung lạc niềm tin, lòng mến nơi Kitô.

TiengChuong.org