Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “‘Sinicization’ Is Not Inculturation”, nghĩa là “‘Hán hóa’ không phải là hội nhập văn hóa”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

“Hội nhập văn hóa” đã là một thuật ngữ thông dụng của Công Giáo trong hơn nửa thế kỷ. Đây không phải là từ nhằm xuyên tạc ý nghĩa, lộng giả thành chân, như trong trường hợp nhiều thuật ngữ xã hội học khác. Trái lại, nó thể hiện một chân lý trong hoạt động truyền giáo của Công Giáo đã có từ hai thiên niên kỷ trước: Giáo hội sử dụng bất kỳ yếu tố thích hợp nào có sẵn trong một nền văn hóa nhất định để làm cho đề xuất Phúc Âm trở nên sống động trong môi trường đó. Các dụ ngôn do chính Chúa Giêsu đưa ra trong cuộc đời rao giảng của Ngài là sự bảo đảm trong Kinh thánh cho phương pháp truyền giáo này. Chúa đã sử dụng các yếu tố văn hóa quen thuộc có sẵn để truyền tải những chân lý quan trọng về Vương quốc của Chúa đang đi vào lịch sử—người buôn bán tìm thấy viên ngọc trai vô giá, người gieo hạt kiên nhẫn chờ đợi mùa gặt, hạt cải trở thành một cây lớn, v.v.

Thánh Phaolô là một “người hội nhập văn hóa” đầu tiên trong Công vụ Tông đồ 17, khi ngài cố gắng thuyết phục những người dân thành Athen hoài nghi rằng “vị thần vô danh” mà họ dùng để bảo vệ các luận lý tôn giáo của mình đã tự tỏ mình ra với dân Israel và trong Chúa Giêsu, bị đóng đinh và sống lại. Điều đó không hiệu quả như Phaolô hy vọng, nhưng chiến lược này là đúng đắn. Và vài thế kỷ sau, nó đã được Giáo hội triển khai để biến lời tuyên bố nguyên thủy của Kitô giáo—”Chúa Giêsu là Chúa”—thành tín điều và giáo điều, thông qua sự trung gian của các phạm trù rút ra từ triết học cổ điển tại các công đồng chung như Nicê I và Chalcedon.

Hội nhập văn hóa cũng có thêm một yếu tố quan trọng nữa. Khi Giáo hội tiếp nhận các yếu tố văn hóa từ một môi trường nhất định để làm cho thông điệp Phúc Âm trở nên “có thể nghe được”, thì một sự hội nhập văn hóa thành công sau đó sẽ dẫn đến việc Phúc Âm định hình lại môi trường đó để nó thể hiện sự hiểu biết theo Kinh thánh về phẩm giá và tình đoàn kết của con người. Như tôi đã giải thích trong Thư gởi người Công Giáo trẻ, sự hội nhập văn hóa của Phúc Âm ở Mễ Tây Cơ thông qua biểu tượng Đức Mẹ Guadalupe là một ví dụ điển hình về các yếu tố văn hóa bản địa đưa mọi người đến với đức tin, làm sâu sắc thêm đức tin đó và định hình lại một nền văn hóa.

Hội nhập văn hóa không phải là những gì đang diễn ra ở Trung Quốc ngày nay.

Dưới sự cai trị sắt đá của nhà độc tài Tập Cận Bình, chính sách tôn giáo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “Hán hóa”. Những người cả tin hoặc gian dối coi đây chỉ là một hình thức hội nhập văn hóa khác. “Hán hóa” không phải như vậy: Đó là sự đảo ngược lệch lạc của hội nhập văn hóa, nếu được hiểu đúng.

Đức tin Công Giáo ở Trung Quốc phải tuân theo “Tư tưởng Tập Cận Bình”; nó không được làm dịu đi, càng không được sửa đổi, ý thức hệ chính thức của nhà nước. Thực hành Công Giáo ở Trung Quốc phải thúc đẩy các mục tiêu bá quyền của chế độ cộng sản Trung Quốc; nếu chứng tá Công Giáo thách thức các mục tiêu đó, hoặc cách thức các mục tiêu đó được thúc đẩy thông qua các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong nước và xâm lược quốc tế, thì kết quả là sự đàn áp, thường là thông qua hệ thống pháp luật tham nhũng mà người bạn Jimmy Lai của tôi là một nạn nhân nổi bật.

Một sự hội nhập văn hóa thực sự của Phúc Âm tại Trung Quốc sẽ kêu gọi Trung Quốc và chế độ chuyên chế hiện đang kiểm soát nó hoán cải. Ngược lại, “Hán hóa” là lời kêu gọi Giáo Hội Công Giáo quỳ lạy, và phục tùng một cách ngoan ngoãn chương trình kiểm soát xã hội của chế độ, về cơ bản là sự tinh chỉnh những gì George Orwell mô tả trong tiểu thuyết phản địa đàng 1984—mặc dù phản địa đàng hiện được quảng bá như một xã hội lý tưởng của sự sung túc, kết hợp với việc khôi phục danh dự và phẩm giá quốc gia thông qua sự thống trị thế giới.

Sự kiên trì ngoan cố của Vatican trong thỏa thuận thảm họa về mặt truyền giáo, sai lầm về mặt chiến lược và đáng ngờ về mặt giáo luật mà họ đã thực hiện với chế độ Tập Cận Bình vào năm 2018 – trong thỏa thuận trao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc quyền đề cử giám mục, vi phạm giáo huấn của Công đồng Vatican II và lệnh cấm được nêu trong Điều 377 triệt 5 - là một dấu chỉ phản chứng chống lại tầm quan trọng của sự hội nhập văn hóa đích thực đối với Công cuộc Truyền giáo Mới. Thỏa thuận đó không thúc đẩy sứ mệnh công bố Phúc Âm của Giáo hội tại Trung Quốc. Thỏa thuận đó không đặt Giáo hội vào vị thế phục vụ xã hội Trung Quốc. Thay vào đó, thỏa thuận đó biến những người trong giáo hội thành những phát ngôn nhân trên thực tế cho một chế độ đang đàn áp người Hồi giáo và người Duy Ngô Nhĩ cũng như những người theo đạo Tin lành và Công Giáo thầm lặng. Vì vậy, Hồng Y Stêphanô Châu Thủ Nhân (Stephen Chow, 周星馳) của Dòng Tên mới được tấn phong gần đây thậm chí không thể dám nhắc đến những từ “Thiên An Môn” và “thảm sát” vào đúng ngày kỷ niệm 35 năm vụ thảm sát đó (hoàn toàn trái ngược với lời chứng dũng cảm của người tiền nhiệm của ngài là giám mục Hương Cảng, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, dòng Salêsiêng).

Sự đảo ngược của quá trình hội nhập văn hóa này cũng đang làm tổn hại đến danh tiếng của Công Giáo trên trường quốc tế. Nhà sử học vĩ đại người Anh Sir Michael Howard đã từng nói với tôi rằng sự chuyển đổi của Giáo Hội Công Giáo thành tổ chức bảo vệ quyền con người cơ bản nổi bật nhất thế giới là một trong hai cuộc cách mạng lớn của thế kỷ XX, cuộc cách mạng còn lại là cuộc tiếp quản của những người Bolshevik của Lênin ở Nga vào năm 1917. Cuộc cách mạng của Lenin vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc. Trong khi đó, cuộc cách mạng nhân quyền của Công Giáo đã bị đình trệ ở Rôma trong thập niên qua, gây bất lợi cho cả Giáo hội và thế giới.


Source:First Things