Theo tin Tòa Thánh, sáng nay, 20 tháng Mười Một, 2024, trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phê-rô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Chúa Thánh Thần; và hôm nay, ngài nhấn mạnh tới Các đặc sủng, những ân huệ của Chúa Thánh Thần để sử dụng chung. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý tuần này của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong ba bài giáo lý trước, chúng ta đã nói về công trình thánh hóa của Chúa Thánh Thần được thực hiện trong các bí tích, trong lời cầu nguyện và bằng cách noi gương Mẹ Thiên Chúa. Nhưng chúng ta hãy lắng nghe một bản văn nổi tiếng của Công đồng Vatican II nói rằng: “Không những qua các bí tích và các thừa tác vụ của Giáo hội, Chúa Thánh Thần thánh hóa và dẫn dắt dân Chúa và làm cho họ giàu có bằng các nhân đức, nhưng ‘phân phát các ân huệ của Người cho mọi người tùy theo ý Người’” (x. 1 Cr 12:11) (Lumen gentium, 12). Chúng ta cũng có những ân phúc bản thân mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người chúng ta.

Do đó, đã đến lúc nói về cách thứ hai mà Chúa Thánh Thần hoạt động, đó là hành động đặc sủng. Có hai yếu tố góp phần định nghĩa nên đặc sủng là gì. Tôi sẽ giải thích một hạn từ hơi khó hiểu. Đầu tiên, đặc sủng là món quà được ban tặng “vì lợi ích chung” (1 Cr 12:7), để hữu ích cho mọi người. Nói cách khác, đặc sủng không phải chủ yếu và thông thường được dành cho việc thánh hóa bản thân người ta, mà là để “phục vụ” cộng đồng (x. 1 Pr 4:10). Đây là khía cạnh đầu tiên. Thứ hai, đặc sủng là món quà được ban tặng “cho một người”, hoặc “cho một số người” nói riêng, không phải cho tất cả mọi người theo cùng một cách, và đây là điều phân biệt đặc sủng với ân sủng thánh hóa, với các nhân đức đối thần và với các bí tích, vốn như nhau và chung cho tất cả mọi người. Đặc sủng được ban cho một người hoặc cộng đồng chuyên biệt. Đó là hồng phúc mà Chúa ban cho anh chị em.

Công đồng cũng giải thích điều này. Công đồng nói rằng Chúa Thánh Thần “phân phối các ân sủng đặc biệt cho các tín hữu ở mọi cấp bậc. Nhờ những ân sủng này, Người làm cho họ trở nên phù hợp và sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ và chức vụ khác nhau góp phần vào việc đổi mới và xây dựng Giáo hội, theo lời của Thánh Tông đồ: “Sự biểu lộ của Chúa Thánh Thần được ban cho mọi người để sinh lợi” (1 Cr 12:7).

Các đặc sủng là “những viên ngọc” hoặc đồ trang trí mà Chúa Thánh Thần ban phát để làm cho Cô dâu của Chúa Kitô trở nên xinh đẹp hơn. Do đó, người ta có thể hiểu tại sao bản văn Công đồng kết thúc bằng lời khuyên sau: “Những đặc sủng này, dù là đặc sủng nổi bật nhất hay đơn giản và phổ biến rộng rãi hơn, đều phải được đón nhận với lòng biết ơn và an ủi vì chúng hoàn toàn phù hợp và hữu ích cho nhu cầu của Giáo hội” (LG 12).

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khẳng định: “Bất cứ ai xem xét lịch sử của thời kỳ hậu công đồng đều có thể nhận ra quá trình đổi mới thực sự, thường có những hình thức bất ngờ trong các phong trào sống động và làm cho sức sống vô tận của Giáo hội thánh thiện trở nên gần như hữu hình”. Và đây là đặc sủng được ban cho một nhóm, thông qua một người.

Chúng ta phải khám phá lại các đặc sủng, vì điều này đảm bảo rằng việc thăng tiến giáo dân, và đặc biệt là phụ nữ, không những được hiểu là một thực tại mang tính định chế và xã hội học, mà còn theo chiều kích Kinh thánh và tâm linh. Thật vậy, giáo dân không phải là những người nhỏ bé nhất, không, giáo dân không phải là một hình thức cộng tác viên bên ngoài hay đội quân hỗ trợ của giáo sĩ, không! Họ có các đặc sủng và ân huệ riêng để đóng góp vào sứ mệnh của Giáo hội.

Chúng ta hãy nói thêm một điều nữa: khi chúng ta nói về các đặc sủng, chúng ta phải ngay lập tức xóa tan một sự hiểu lầm: đó là đồng nhất chúng với những ân sủng và khả năng phi thường hoặc ngoạn mục; thay vào đó, chúng là những ân sủng bình thường - mỗi người chúng ta đều có đặc sủng riêng - có giá trị phi thường nếu được Chúa Thánh Thần soi sáng và thể hiện bằng tình yêu trong các tình huống của cuộc sống. Một cách giải thích như vậy về đặc sủng là quan trọng, bởi vì nhiều Kitô hữu, khi nghe nói về các đặc sủng, cảm thấy buồn bã hoặc thất vọng, vì họ tin rằng họ không có bất cứ đặc sủng nào và cảm thấy mình bị loại trừ hoặc là Kitô hữu hạng hai. Không, họ không phải là những Kitô hữu hạng hai, không, mỗi người đều có đặc sủng bản thân và cộng đồng riêng. Thánh Augustinô đã trả lời những điều này vào thời của ngài bằng một so sánh rất hùng hồn: ‘Nếu anh chị em yêu thương,’ ngài nói với giáo dân của ngài, “Nếu anh chị em yêu thương, thì không phải là anh chị em không có gì: nếu anh chị em yêu thương sự hiệp nhất, thì bất cứ ai có bất cứ điều gì trong sự hiệp nhất đó cũng có nó cho anh chị em. Trong thân thể, chỉ có mắt nhìn thấy; nhưng có phải chỉ có mắt nhìn thấy không? Nó nhìn thấy cho cả tay và chân, và cho tất cả các chi thể khác”. [1]

Điều này tiết lộ bí mật tại sao đức ái được Thánh Tông đồ định nghĩa là “một cách tuyệt vời hơn nữa” (1 Cr 12: 31): nó khiến tôi yêu Giáo hội, hoặc cộng đồng nơi tôi sống và, trong sự hiệp nhất, tất cả các đặc sủng, không chỉ một số, là “của tôi”, giống như các đặc sủng “của tôi”, mặc dù chúng có vẻ nhỏ bé, đều thuộc về tất cả mọi người và vì lợi ích của tất cả mọi người. Đức ái nhân lên các đặc sủng; nó làm cho đặc sủng của một người, của một cá nhân, trở thành đặc sủng của tất cả mọi người. Cảm ơn anh chị em!

________________________

[1] Thánh Augustinô, Luận về Phúc âm Gioa-an, 32,8.