Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu trước những người hành hương tụ họp trong buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư ngày 20 tháng 11 năm 2024, tại Quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican. | Nguồn: Vatican Media


Almudena Martínez-Bordiú của ACI Prensa, đối tác tiếng Tây Ban Nha của CNA, ngày 21 tháng 11 năm 2024, tường trình rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố một lá thư gửi riêng cho các linh mục đang trong quá trình đào tạo để thúc đẩy đổi mới việc nghiên cứu lịch sử Giáo hội, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này trong việc diễn giải thực tại tốt hơn.

Mở đầu lá thư, được trình bày tại Văn phòng Báo chí Vatican vào thứ Năm, Đức Thánh Cha đề cập đến nhu cầu thúc đẩy "cảm thức lịch sử đích thực" có tính đến "chiều kích lịch sử vốn là của chúng ta với tư cách là những con người".

"Không ai có thể thực sự biết được bản sắc sâu sắc nhất của mình, hoặc họ muốn trở thành gì trong tương lai, nếu không chú ý đến những mối liên kết gắn kết họ với các thế hệ đi trước", Đức Thánh Cha nói. Đức Giáo Hoàng cũng chỉ ra rằng mọi người, không chỉ các ứng viên cho chức linh mục, đều cần sự đổi mới này.

‘Yêu Giáo hội như Giáo hội thực sự hiện hữu’

Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha tuyên bố rằng chúng ta phải từ bỏ quan niệm “thiên thần” về Giáo hội và chấp nhận “những vết nhơ và nếp nhăn” của Giáo hội để yêu Giáo hội như Giáo hội thực sự hiện hữu.

Tóm lại, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu thấy Giáo hội thực sự “để yêu Giáo hội như Giáo hội thực sự hiện hữu”, một Giáo hội đã học được “và tiếp tục học hỏi từ những sai lầm và thất bại của mình”.

Theo Đức Thánh Cha, điều này có thể “đóng vai trò như việc điều chỉnh cho cách tiếp cận sai lầm vốn chỉ nhìn nhận thực tại từ việc bảo vệ hiếu thắng cho chức năng hoặc vai trò của chúng ta”.

Nguy cơ của cách đọc lịch sử theo ý thức hệ

Trong bức thư, Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ trích việc thao túng lịch sử bằng các ý thức hệ “phá hủy (hoặc bãi bỏ) mọi sự khác biệt để chúng có thể thống trị mà không bị phản đối”. Ngài nói rằng những ý thức hệ này tìm cách dẫn dắt những người trẻ “từ chối sự giàu có về mặt tinh thần và nhân bản được thừa hưởng từ các thế hệ đi trước” và phớt lờ mọi thứ đã có trước họ.

Đối với Đức Giáo Hoàng, điều này cũng dẫn đến việc đặt ra “những vấn đề sai lầm” và tìm kiếm “những giải pháp không thỏa đáng”, đặc biệt là trong một thời đại được đánh dấu bằng xu hướng “bỏ qua ký ức về quá khứ hoặc bịa ra một ký ức phù hợp với yêu cầu của các ý thức hệ thống trị”.

“Đối diện với việc xóa bỏ lịch sử quá khứ hoặc với những câu chuyện lịch sử rõ ràng thiên vị, công việc của các nhà sử học, cùng với kiến thức và việc phổ biến công việc của họ, có thể đóng vai trò như một biện pháp kiềm chế những sự xuyên tạc, những nỗ lực phe phái trong chủ nghĩa xét lại và việc sử dụng chúng để biện minh cho” bất cứ số lượng tội ác nào, bao gồm cả chiến tranh và đàn áp, Đức Giáo Hoàng cho thấy.

Do đó, Đức Giáo Hoàng nói rằng “chúng ta không thể nắm bắt được quá khứ bằng những diễn giải vội vàng tách biệt khỏi hậu quả của chúng” và thực tại “không bao giờ là một hiện tượng đơn giản có thể giản lược thành những sự đơn giản hóa ngây thơ và nguy hiểm”.

Đức Giáo Hoàng cảnh cáo về những nỗ lực của những người hành động như “các vị thần” muốn “xóa bỏ một phần lịch sử và nhân tính”.

Sự yếu đuối của con người và việc truyền bá Tin Mừng

Đức Thánh Cha tiếp tục thừa nhận “sự yếu đuối của con người đối với những người được ủy thác Tin Mừng” và khuyên nhủ các tín hữu không nên bỏ qua những thiếu sót và “chiến đấu với chúng một cách cần cù” để chúng không cản trở việc truyền bá Tin Mừng.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “tha thứ không có nghĩa là quên lãng”, và ngài khuyến khích Giáo hội “khởi xướng — và giúp khởi xướng trong xã hội — những con đường chân thành và hiệu quả cho sự hòa giải và hòa bình xã hội”.

Ngài cũng kêu gọi tránh “cách tiếp cận chỉ theo trình tự thời gian” đối với lịch sử của Giáo hội, điều này “sẽ biến lịch sử của Giáo hội thành một chỗ dựa đơn thuần cho lịch sử thần học hoặc tâm linh của các thế kỷ trước”.