Đọc kinh cầu nguyện
Vấn đề này cần thiết. Chúa Giê-su đã làm gương cho chúng ta. Sách Tin Mừng nhiều lần nói đến việc cầu nguyện của Người (Mt 14,23 ; Mc 6,46 ; Lc 9,18).
Người còn cần gì nữa mà phải cầu nguyện ? Có chỗ Tin Mừng nói Người cầu nguyện suốt đêm. Trong khoảng thời gian dài như vậy, Người cầu nguyện những gì, chúng ta không biết. Nhưng có điều chắc là Người hiện diện và trò chuyện với Chúa Cha. Giữa Người và Chúa Cha, có một sự giao cảm và tiếp xúc thân mật. Vì thế đối với Người, cầu nguyện không nguyên chỉ có nghĩa là đọc kinh và xin ơn. Về điểm này sách Thánh vịnh đề ra cho chúng ta những bản mẫu cầu nguyện lý tưởng. Qua các thánh vịnh, chúng ta thấy nhiều cách thế cầu nguyện như ca tụng, tôn thờ, kêu xin và thú nhận.
Ngày nay nhiều người ngại cầu nguyện và có khi không cầu nguyện. Sở dĩ như vậy, có lẽ vì họ nghĩ cầu nguyện là xin ơn. Mà xin hoài không thấy được, nên họ không cầu nguyện nữa. Hay họ không có gì cần phải xin, nên cũng không cầu nguyện.
Chúng ta vẫn thường nói đọc kinh cầu nguyện. Hai việc này đi đôi với nhau. Có đọc kinh thì mới là cầu nguyện và có cầu nguyện thì phải đọc kinh. Đó là cách hiểu thông thường của phần đông tín hữu. Hiểu như thế không sai nhưng chưa hoàn toàn chuẩn xác, vì có nhưng lúc cầu nguyện mà không đọc kinh và có những lúc đọc kinh mà chưa chắc đã là cầu nguyện, như khi đọc kinh một cách máy móc, đọc cho có, miệng đọc mà lòng trí để ở đâu đâu ấy như có người nói đọc như vẹt, hay miệng vừa đọc mà tay lại làm việc khác . Vì thế, tưởng cần suy nghĩ lại về việc đọc kinh. Nghĩ lại để đọc kinh cho có ý nghĩa và có sưc thuyết phục người nghe. Một trong các cách nghĩ đó là đọc vừa phải không nhanh không chậm, không quá to quá nhỏ hay quá cao quá thấp. Lại chọn các kinh mà đọc cho có thứ tự và phân loại. Điều này khó vì từ bao đời nay, chúng ta đọc các kinh như vẫn quen theo các sách kinh đã có trong nhiều giáo phận. Ngoài ra, nếu không đọc kinh thì ở nhà thờ nhiều người ngồi không, không biết làm gì cả, nên phải đọc kinh để láp chỗ trống. Cũng vì quen đọc kinh như vậy, nên khi không đọc kinh, người ta thấy trống vắng và thường là dịp để nói chuyện . Cũng bởi vì không đọc kinh thì không biết làm gì cả và thấy yên lặng là trống vắng nên có cần tập cho quen với những phút giây yên lặng như phụng vụ nói là yên lặng thánh (silentium sacrum) chăng ? Trong những phút giây yên lặng như thế, người ta sẽ tập nội tâm hóa những điều vừa nghe đọc hay để có dịp nói thầm với Chúa một vài điều riêng của lòng mình. Đây chính là những phút để chúng ta có thể giao cảm cùng Thiên Chúa trong chốn thẳm sâu của lòng mình và cũng có thể là thời khắc đặc biệt chúng ta nếm cảm được Thiên Chúa ngọt ngào xiết bao như lời thánh vịnh : Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy !
Kinh lễ trong các nhà thờ của chúng ta còn quá ồn ào. Thật hiếm khi có được một chút yên lặng, để cảm được cái sâu lắng của tâm hồn trong sự suy nghĩ,, để tìm ra ơn ích và sự cần thiết của cầu nguyện cũng như lời mời gọi của nó hầu thấy được tất cả cái nghĩa lý của câu thánh vịnh nói trên.. Sự ồn ào của lời kinh tiếng hát cũng như các nhạc cụ được mở với âm lượng cực lớn đã phá tan bầu khí thanh bình của cầu nguyện, một yếu tố cần thiết cho tâm hồn tìm được sư thư giãn và nghỉ ngơi bên Chúa. Hèn chi không mấy khi thấy có người đến nhà thờ trong những lúc thanh vắng để cầu nguyện một mình. Và cũng ít ai nếm cảm được sự ngọt ngào của thinh lặng cũng như mật độ sâu lắng của nó trong những khi chuyện vãn với Thiên Chúa. Chính vì vậy mới cần đến những khu vực yên tĩnh của các đan viện hay những nơi dành riêng cho việc tĩnh tâm như những đài tiếp vận sức sống thiêng liêng cho tâm hồn. Chẳng may những nơi như thế này còn khá thiếu vắng trên quê hương chúng ta và số người cảm thấy nhu cầu cũng như thưởng thức được ơn huệ này còn khá hiếm chung quanh chúng ta. Thêm vào đó là khí hậu nóng bức, đời sống tất bật để lo chuyện mưu sinh, sự thiếu vắng cả một truyền thống chiêm niệm và những thói quen tĩnh nguyện làm cho sự cầu nguyện của của chúng ta dường như chỉ dồn về một phía là đọc kinh khi cầu nguyện. Đã mấy ai thưởng thức được một buổi hát kinh phụng vụ đích đáng. Và ngoài thánh lễ ra, có mấy ai nghĩ tới việc tới một tu viện hay đan viên nào đó để dự hát kinh phụng vụ ? Hỏi rằng đã được mấy tu viện có thể hát kinh phụng vụ làm say mê lòng người vì phẩm chất nghệ thuật và giá trị cầu nguyện trong đó ?
Tất cả những việc này còn đang trong giai đoạn bắt đầu và thử nghiệm. Ước chi các tu viện và các đan viện đầu tư thời giờ và công sức nhiều hơn cho việc thờ phượng cao cấp này. Mấy năm gần đây chúng ta may mắn có được sách Các giờ kinh phụng vụ. Đây là sách cầu nguyện chính thức của Hội thánh, trước kia bằng tiếng la-tinh, chỉ dành riêng cho linh mục, giáo sĩ và tu sĩ biết thứ tiếng này. Nay sách được dịch sang các thứ tiếng bản quốc và được khuyến khích cho mọi người đọc thay vì đọc các kinh như khi trước. Tuy vậy mới chỉ có một số hội viên các thứ dòng ba, nhất là dòng ba Đa minh và một số giáo xứ đọc chung vào các giờ kinh sáng, chiều, tối thôi, còn phần đông vẫn đọc các kinh cũ. Đọc kinh cũ cũng được, nhưng đó không phải là kinh phụng vụ và chỉ là các kinh do lòng sùng kính riêng tư của một vài tác giả đề ra và vì thế giá trị thờ phượng và công phúc cũng không ngang hàng với các kinh phụng của toàn Hội thánh. Bởi vậy, thiết tưởng nếu có cầu nguyện chung thì nên dùng kinh phụng vụ, còn cầu nguyện riêng do lòng sùng kính thì đọc các kinh như vẫn quen đọc. Đây là vấn đề ý thức, điều kiện cụ thể vật chất và công việc chuẩn bị, cộng thêm với cố gắng vượt lên trên cái đã quen đến nỗi trở thành cố hữu, cũng như quyết tâm đổi mới, dù phải gánh chịu một vài sự rầy rà bất tiện lúc ban đầu, hay những lời kêu ca chỉ trích của những người nặng óc chủ quan và thiếu hiểu biết.
Ngoài ra là các việc đạo đức và các thứ lòng sùng kính. Sau Công đồng Va-ti-ca-nô II, những thứ đó vẫn đưọc duy trì và khuyến khích. Có điều Công đồng khuyên nên dành ưu tiên cho việc cầu nguyện có tính phụng vụ cao như thánh lễ và các giờ kinh phụng vụ, còn những việc khác vẫn làm, nhưng với tính cá nhân và ơ múc độ không long trọng bằng các việc phụng vụ. Hai giờ kinh phụng vụ sáng và chiều là hai giờ kinh chủ chốt cần được làm cho nổi bật bằng cách cử hành và số người tham dự. Nhưng đáng tiếc là hai giờ kinh này vẫn chưa được người ta hiểu biết tham dự đông đảo và cử hành long trọng như đáng lý ra phải làm như thế.
Còn một việc liên quan đến vấn đề cầu nguyện nữa, đó là hát xướng. Đây là vấn đề phải nói nhiều, nói dài và nói hoài hoài. Nhưng hôm nay chỉ xin nói vắn tắt như sau : hát phải giúp người ta cầu nguyện vì hát hay hát đúng hát tốt là cầu nguyện gấp đôi như thánh Au-tinh nói. Chẳng may công việc này trong các nhà thờ của chúng ta hiện nay không giúp gì bao nhiêu mà có khi còn phá vỡ bầu khí cầu nguyện nữa, vì nội dung bài hát, cung cách hát, sự hiểu biết hạn chế và lệch lạc về âm nhạc trong phụng vụ. Đã có những tiếng kêu than trầm thống về vấn đề này từ nhiều năm nay, nhưng thật là những tiếng kêu trong sa mạc. Người ta cứ vịn vào thời mới và thị hiếu của giới trẻ. Hát trong nhà thờ là để thờ phượng Chúa với tất cả tâm tình đao đức và nghệ thuật ca hát chứ có phải để cho vui, hầu lôi kéo giới trẻ tới như tới một tụ điểm ca nhạc đâu. Nếu vậy thì nên tới tụ điểm ca nhạc hơn là tới nhà thờ. Tới nhà thờ là để tìm một cái gì khác cao đẹp và bền vững hơn. Làm sao cho người ta hiểu được như vậy về cả hai phía trẻ tham dự và phía mục tử lãnh đạo ?