ÐƯỜNG JERICO

Từ Núi Oliu, ngoài tường thành Jerusalem khoảng hai cây số, con đường trải mình, vòng qua ngõ ngách của ngoại thành Jerusalem đông đúc rồi trải xuôi xuống phía đông, hướng dần vào vùng sa mạc Judea hoang vắng.

Tôi đến Jerusalem ngày 31 tháng 3 và ba ngày sau tôi đi Jerico.

Mấy tiếng đồng hồ đi trong sa mạc, không gặp một ai. Hành hương Ðất Thánh, không mấy ai có cơ hội đi bộ trong vùng sa mạc này. Hôm nay, một xa lộ mới, rộng rãi chạy thẳng từ Jerusalem, và khách hành hương vội vã trên những chuyến xe tiện nghi này.Tôi theo một nhóm người Áo (Austria). Chuẩn bị bánh mì, nước uống, rồi theo mặt trời lên, khởi hành vào sa mạc. Jerico là cổ thành lâu đời nhất trên mặt đất. Khoa khảo cổ cho biết thành Jerico có mặt khoảng tám nghìn năm trước công nguyên.

Tôi muốn tìm một khoảng thinh lặng trong vùng sa mạc này để gặp gỡ lại người Samaritano trên đường nhân hậu.

“Một người kia từ Jerusalem xuống Jerico, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Ðức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Sa mạc Judea rất hùng vĩ, không phải một vùng đất đá với những giải cát khô và núi đồi thấp. Mênh mông là núi đá cao chênh vênh bên bờ vực thẳm. Vực sâu dưới kia nhìn chóng mặt. Có thể sâu hàng ngàn mét. Ai đã đi dưới dòng sâu của thung lũng, núi đá vùng Grand Canyon, Rocky Mountains mới có thể hình dung đường Jerico này. Ðọc trong Phúc Âm câu chuyện người Samaritano, tôi vẫn ngỡ, một con đường mòn, sa mạc chung quanh là những đồi đá không cao. Tôi không ngờ khi đến nơi đây. Sa mạc Judea là vùng núi đồi rất hiểm trở. Chung quanh, mênh mông chỉ có đá, núi không bóng cây, cả cỏ cũng không. Chỉ nắng trời và đá trơ trụi.

Tôi theo đoàn người đi trên độ cao lưng chừng núi. Họ là người Áo, xứ sở họ nhiều núi cao, họ thích đi leo núi. Suốt mấy tiếng đồng hồ không gặp một ai. Cả dân địa phương cũng không có. Không khách hành hương nào đi con đường này. Lý do đơn giản là đường đi không dễ: Không có đường đi.

Nhiều khúc đường rất nguy hiểm. Bạn phải có giầy tennis shoes loại tốt, bám chặt vào đá. Hai điều cần lưu ý là đường đá vụn dễ trơn tuột và đất lở dễ dàng. Bạn sẽ gặp thường xuyên những đoạn chỉ cách vực sâu độ hơn một mét. Vì không có cây nên bạn không bám vào đâu được. Phải dùng đôi chân thật cẩn thận. Có thể Ðức Kitô đã nhiều lần đi con đường này. Vào thời ấy không có đường nào khác. Tại sao có thể người Do Thái đã dùng đường này để giao thông giữa Jerusalem và Jerico?

Vì dưới vực sâu kia có một dòng suối. Trong sa mạc. Không gì quý bằng nước. Nhất là họ dùng lừa để chở đồ, thì nước là điều không thể thiếu. Ngoài ra, bên dòng suối ấy, thỉnh thoảng có đùm cây chà là.

Chỉ khi bạn đi bộ trong sa mạc này mới cảm được thế nào là đường Jerico.

Cái hoang vu của núi đồi mênh mông có huyền diệu riêng của nó.

Tôi không hình dung nổi sức nóng mùa hè của những núi đá này. Trên lưng chừng núi, không một bóng cây. Chắc người ta khát nước lắm. Nhưng sa mạc thường lạnh về đêm, và nếu trăng lên, nó sẽ huyền diệu thế nào với gió ngàn chuyển mình qua thung lũng và vách núi.

Sau những cây số khởi đầu, đoàn người đi không ai nói chuyện nữa. Vì thật sự chẳng ai đi gần ai. Mỗi người đi tìm một hương núi sa mạc cho riêng mình. Ai cũng biết họ đang đi trên con đường mà có thể chính Chúa đã đi. Ai cũng muốn cho riêng mình những hương gió thiêng liêng. Bây giờ là tháng Tư, nghĩa là trời còn lành lạnh. Bắt đầu vào mùa xuân ở Israel. Bây giờ là thời điểm của những cơn mưa hiếm hoi.

Hai đêm trước khi lên đường, trời đã thật sự mưa. Trận mưa khá lớn, mưa đứt quãng, lai rai cho đến gần về sáng. Ðối với Việt Nam, những trận mưa như thế không có gì là hiếm hoi. Nhưng ở đây thì khác. Một cha trong nhà Dòng tôi tạm trú cho biết trận mưa vừa rồi là một trong những trận mưa lớn nhất trong hai mươi năm ngài ở đây. Họ quý nước.

Chính sau trận mưa này, tôi vào sa mạc, đi Jerico. Thật may mắn. Toàn vùng núi đá hứng mưa đổ xuống con suối sâu dưới chân thung lũng, nên từ lưng chừng núi này, tôi nghe dòng nước vang lên ở dưới kia.

Toàn vùng sa mạc chỉ có dòng suối nối Jerusalem đổ xuống Jerico. Bởi đó, tôi tin rằng đây là con đường duy nhất người ta dùng để giao thông thời Chúa Giêsu. Và bên đưới dòng suối, vì nước ẩm nên có cây hai bên bờ. Không phải dọc hai bên bờ đều có cây lớn, nhưng bụi cỏ thì hầu như có. Vì có cây xanh, nên trong sa mạc, lúc dừng chân nghỉ tôi nghe tiếng chim rất trong.

Vì từ độ cao trên hai nghìn feet của Jerusalem đổ xuống Jerico thấp hơn mặt biển, nên dòng suối này thật đặc biệt.

Chúa Nhật tới là Lễ Lá. Ðức Kitô từ Jerico lên Jerusalem vào đầu mùa xuân. Nghĩa là mùa có những cơn mưa. Rồi từ Jerusalem, dòng suối đổ nước xuống vùng Biển Chết. Ði trên triền đá này. Con đường của người Samaritano nhân hậu. Những lúc dừng chân, tôi nghe nước từ dòng suối sâu kia vang lên. Chiều tối, khi về nhà, tôi tìm lời Thánh Vịnh nói về những dòng suối và sa mạc. Bấy giờ mới thấy tâm tư tác giả Thánh Vịnh thật tuyệt vời:

Chúa khơi nguồn: Suối tuôn thác đổ,

giữa núi đồi, lượn khúc quanh co,

đem nước uống cho loài dã thú,

bầy ngựa hoang đang khát được thoả thuê.

Bên dòng suối, chim trời làm tổ,

dưới lá cành cất giọng líu lo.

Từ cao thẳm, Chúa đổ mưa xuống núi,

đất chứa chan phước lộc của Ngài.

Người xẻ đá giữa sa mạc hoang vu,

khiến nước tuôn tràn cho dân được uống,

(Tv. 104:10-13)

Tôi nghe nước từ dòng suối. Tôi nhìn dòng suối chảy từ hướng Jerusalem. Tôi hình dung từ độ cao đem sự sống xuống chiều thấp. Tôi hiểu hơn lời phụng vụ trong đêm Phục Sinh:

TÔI ÐÃ THẤY

NƯỚC TỪ TRONG ÐỀN THỜ CHẢY RA,

VÀ NƯỚC ẤY CHẢY ÐẾN ÐÂU

THÌ TẤT CẢ ÐỀU ÐƯỢC SẠCH VÀ REO LÊN:

ALLELUIA!

ALLELUIA!

Lời kinh phụng vụ đọc trong cái nhìn địa lý vùng sa mạc, thế nào là dòng nước chảy từ Jerusalem, từ một độ cao xuống vùng đất thấp, thấp đến độ mang tên Biển Chết, ta sẽ thấy ý nghĩa lời kinh kia thấm thía biết bao.

Lời kinh phụng vụ đó cũng cần đọc trong cái nhìn với thời gian. Ðầu mùa xuân, Ðức Kitô đi ngược núi đá trên ba mươi cây số. Bước chân về Jerusalem lần cuối này cũng trên dưới ba mươi tuổi đời của Người. Mùa xuân với những cơn mưa. Núi đồi hứng nước đổ xuống thung lũng:

Từ khe đá, Người khơi dòng suối chảy,

nước đổ dạt dào như những con sông.

(Tv 78:15)

Với hai góc độ, địa lý và thời gian, lời kinh kia có thể gợi ý cho ta về chiều kích thiêng liêng. Rồi từ Jerusalem, hiến tế Núi Sọ đưa Người vào Phục Sinh, để rồi sự sống như dòng nước kia, như cơn mưa mùa xuân, chảy qua sa mạc cằn cỗi xuống vực sâu, sâu thấp nhất trên mặt địa cầu. Chẳng vùng Biển Chết nào mặn cay đắng như vùng Chết của linh hồn ta:

Khi CHÚA dẫn tù nhân Sion trở về,

ta tưởng mình như giữa giấc mơ.

Vang vang ngoài miệng câu cười nói,

rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.

Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán:

“Việc CHÚA làm cho họ, vĩ đại thay!”

Việc CHÚA làm cho ta, ôi vĩ đại!

ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

Lạy CHÚA, xin dẫn tù nhân chúng con về,

như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.

(Tv 126:1-4)

Tôi sẽ ở Jerusalem ba tháng. Tuần tới tôi tham dự Lễ Lá từ ngoài thành vào thánh đô Jerusalem. Tôi mong được sống âm hưởng ngày Chúa vào thành trên con đường này hai nghìn năm trước. Những ngày ở đây tôi sẽ cố gắng gởi về mạng lưới DUNGLAC.NET những tấm hình chụp từ một vùng trời quá nhiều chứng tích lịch sử.

NGUYỄN TẦM THƯỜNG

Jerusalem, những ngày vào Tuần Thánh, 2006

Tôi đã giữ được chỗ dâng lễ tại các thánh đường sau đây. Nếu có anh chị em hành hương Việt Nam nào muốn tham dự thánh lễ, xin mời cùng hiệp dâng.

APRIL 16: CHÚA NHẬT PHỤC SINH: CENACLE CHURCH

- Nơi đã xảy ra bữa Tiệc Ly: Lễ lúc 9 giờ sáng.

APRIL 17: FLAGELLATION CHURCH

- Nơi Chúa bị đội mạo gai và đánh đòn. Lễ lúc 10 giờ sáng.

APRIL 18: GETHSEMANE BASILLICA

- Nơi Chúa cầu nguyện với các môn đệ và Juda đã đem người đến bắt: Lễ lúc 9 giờ sáng.

APRIL 19: DOMINUS FLEVIT CHURCH

- Bên núi Oliu Chúa khóc JERUSALEM - Lễ lúc 11 giờ sáng.

Nếu giờ lễ thay đổi, tôi sẽ gởi tin về WWW.DUNGLAC.NET