BÀI VI: ĐỨC MẸ LÀ MẸ CỨU THẾ
(Hoặc ĐỨC MẸ LÀ MẸ CỦA ƠN GIẢNG HÒA)
Tại Cana, Đức Giêsu như đã muốn phủ nhận Đức Mẹ. Thật ra, Người đã muốn Đức Mẹ đi vào giai đoạn mới với một tư cách mới. Người bắt đầu đi làm việc cho Đức Chúa Cha thì quan hệ huyết nhục không còn ích lợi gì nữa. Đó là công việc của Thánh Thần, nên xác thịt phải lu mờ đi để quyền năng của Thiên Chúa tỏ hiện. Đức Mẹ đã vâng lời, kín đáo theo dõi xa xa hoạt động của Con. Người âm thầm chia sẻ mọi vui buồn và cầu nguyện đến Giờ của Con Người vì dù sao giờ cao điểm vẫn chưa đến.
Các môn đệ ở bàn tiệc ly được Thầy cho biết giờ ấy đã đến. Nhưng Đức Mẹ không được nghe lời ấy. Người đang ở đâu? Có lẽ tại nhà bà con nào đó ở Giêrusalem. Cũng có thể là tại nhà người chị em họ cũng có tên là Maria mà có người muốn đồng hoá với bà Salômê mẹ của Gioan, nhưng cũng có nhiều người nghĩ bà Maria đây và vợ ông Clêopas là một. Vì đã gần lễ Vượt qua rồi. Theo thông lệ, Mẹ Chúa Giêsu vẫn lên Giêrusalem vào dịp này.
Chắc chắn người cũng không có mặt ở vườn cây dầu, và cũng chẳng được vào công đường. Nhưng rất dễ tưởng tượng người cùng một số phụ nữ đón đường Đức Giêsu sẽ vác thập giá đi qua (Lc 23,27-31). Người đứng lại an ủi họ và cũng để biết ơn họ. Họ thương người thật. Người phải nói với họ một vài câu, những câu mở đường cứu độ cho họ. Mẹ Con chắc đã nhìn thấy nhau lúc bấy giờ. Hai tấm lòng đều như dao cắt. Rồi những người phụ nữ mộ mến ấy cũng tìm cách nào đó để có thể mon men đến gần chỗ đóng đinh. Và khi thiên hạ đã bắt đầu ra về, Đức Maria có thể đến gần hơn……
Tường thuật như vậy, kể ra cũng được nhưng chưa làm nổi giá trị của việc Đức Mẹ hiện diện gần thập giá. Thánh Gioan là tác giả duy nhất nói đến sự hiện diện này. Và chúng ta phải cám ơn người. Vì không những thiếu bài tường thuật của người, lòng tôn sùng Đức Trinh nữ của chúng ta không thể nào phát triển như ngày nay (như chúng ta sẽ nói nhiều hơn ở hai bài sau). Mà chúng ta cũng sẽ thấy vai trò của Đức Mẹ trong Lịch sử cứu độ mất giá đi rất nhiều. Người đã hiện diện ngay từ đầu trong việc truyền tin. Người đã sinh ra Chúa Cứu thế. Người đã đưa Chúa vào đền thánh. Đã chi phối những năm ẩn dật của Chúa trong câu chuyện lạc mất, đã có mặt ở buổi đầu cuộc đời công khai (Cana), làm sao tại cao đỉnh của Lịch sử cứu độ có thể thiếu người được? Gioan đã làm tròn phận sự của tác giả sách Tin Mừng cuối cùng, bổ sung những gì chưa được nói, đào sâu những gì chưa được rõ. Thật vậy, Matthêu (27,55) nói đến nhiều phụ nữ đứng xa mà nhìn, nhưng không kể tên Đức Mẹ. Maccô (15,40) cũng vậy. Luca nói có nhiều phụ nữ đón đường Đức Giêsu vác thập giá đi qua, họ đấm ngực than khóc số phận của Người (23,27). Còn ở gần Đồi sọ, tác giả chỉ nói trống “đứng từ đàng xa thập giá, có tất cả những người quen biết Ngài cùng những phụ nữ đã đi theo Ngài từ Galilê” (23,49). Như vậy rõ ràng chỉ có Gioan kể lại việc Đức Maria đứng gần thập giá. Ông đã nhiều lần khẳng định các điều ông nói đều thật. Và chẳng ai bác bỏ được chứng của ông vì chính ông ở trong cuộc.
Vậy chúng ta hãy theo chứng của ông mà dựng lại con đường dẫn Đức Mẹ đến chân thập giá. Chắc chắn Đức Mẹ theo dõi sát đời sống công khai của Chúa, không những với tâm tình tự nhiên của người mẹ, mà nhất là với thái độ của người môn đệ không muốn bỏ rơi một nét chấm nét phẩy nào của Thầy mình, hơn nữa với tất cả linh hồn và thể xác của con người đã được đưa vào cộng tác trong công cuộc cứu độ. Đức Maria phải biết việc Đức Giêsu dần dần đi lên Giêrusalem theo nghĩa đi đến chỗ bị nộp, bị xử như Người đã nhiều lần nói với các môn đệ. Nếu Tôma còn biết lần lên Giêrusalem cuối cùng là nguy hiểm (11,16), thì Đức Maria còn sợ hơn nữa theo tình mẫu tử huyết nhục, nhưng cũng dũng cảm như Đức Giêsu. Nên chắc chắn người có mặt ở Giêrusalem trong dịp này, cho dù có nhiều người muốn ngăn trở. Nhất là những bà mến Chúa, nhất định đã phải muốn giấu mọi tin tức về cuộc xử án. Và họ đã phải thua ý chí của Đức Mẹ khi không cản nổi người đi theo con đường thập giá. Và họ có thể đứng xa, còn Đức Mẹ phải đến gần. Thấy vậy họ phải tế nhị để yên cho người đi, vì họ nghĩ đây là giây phút thiêng liêng của hai mẹ con.
Như vậy, họ suy nghĩ theo tâm lý thường. Gioan hiểu mối tương quan giữa Chúa và Đức Mẹ hơn. Ông đã thấy hai người sống trên bình diện cứu độ ngay từ hôm ở Cana. Làm sao Đức Mẹ có thể không nổi bật trong giờ phút lịch sử này? Gioan đã hữu ý tách Đức Maria ra khỏi đám phụ nữ vẫn đi theo Chúa, để vai trò của Đức Mẹ nổi lên trong mầu nhiệm cứu thế. Người ngoài có thể chỉ thấy trong quang cảnh Núi Sọ của Gioan một Đức Mẹ dũng cảm. Nhưng Gioan bay cao, nhìn sâu, thấy đây là màn chót hoặc cao điểm của lịch sử cứu độ mà Đức Mẹ phải có chỗ đứng đặc biệt.
Đức Giêsu biết mọi sự sắp sửa hoàn thành. Người nói lời di chúc : "Thưa bà, đây là con Bà… và đây là Mẹ con". Lời xưng hô ở đây lập lại lời tại tiệc cưới Cana. Trước kia đó là lời như để phủ nhận: "Việc đó có liên hệ gì đến Bà và tôi. Giờ tôi chưa đến". Nay lời đó được lấy lại, tức là giờ đã đến và Đức Mẹ lại được đưa vào sự kết hiệp mật thiết hơn với Đức Kitô, để sự đau khổ của Đức Mẹ được dâng lên với cuộc hy tế của Chúa Cứu Thế.
Do đó thiết tưởng sẽ quá nông cạn nếu chỉ hiểu lời trối trăn kia như là một cử chỉ hiếu thảo trước khi lìa trần: Đức Giêsu trối Đức Mẹ lại cho Gioan để người có nơi nương tựa. Hiểu như vậy, sợ rằng đã không đọc kỹ Tin Mừng. Nếu bây giờ Đức Giêsu mới làm việc đó, e rằng Người không nhìn xa, không yêu Đức Mẹ đủ. Người đã phải tìm nơi nương tựa cho Đức Mẹ ngay từ khi giã từ căn nhà Nadarét.
Trối như vậy vào lúc này lại cũng thừa, nếu không muốn nói là xúc phạm; vì ba năm nay Đức Maria vẫn tự túc, hay đã sống với bà chị họ chẳng hạn. Xáo trộn bây giờ là phủ nhận và vô lễ đối với cách xếp đặt của Đức Mẹ và của bà chị. Đồng thời cũng làm cho Gioan khó nghĩ. Mẹ ông ta còn đó ! Bà Zêbêđê cũng sẽ phật ý.
Nhất là phân tích lối viết của Gioan, chúng ta sẽ thấy Chúa trối Gioan cho Đức Mẹ hơn là trối Đức Mẹ cho Gioan. Và điều này có hệ luận rất xa như chúng ta sẽ nói. Đàng khác lời di chúc thiêng liêng này được coi như nằm trong các điều đã viết trước về Con Người, tức là phải được xem như trong Lịch sử cứu độ, chứ không phải chỉ là một hành vi hiếu thảo thông thường. Ý tưởng này phải được nghĩ ra khi đọc tới câu 28. Gioan viết: “Sau đó, biết rằng mọi sự đã hoàn tất…”. Và giả như không có câu này và chỉ coi lời trối kia là một thái độ hiếu thảo, người ta sẽ làm mất giá trị bầu khí cao cả lúc Chúa Giêsu bị treo trên thập giá. Mọi lời của Người lúc ấy phải có giá trị cứu độ vô song.
Thế nên, trước khi bàn giải những lời kia, phải dựng lại bối cảnh, phải đến bên thập giá. Đây không phải là Giờ mà Đức Giêsu thường nói tới sao? Vì Giờ này mà Người đã đến trong thế gian. Cao điểm của công cuộc cứu thế là ở đây, vào lúc này, đây là lúc thực hiện lời hứa ngay từ ban đầu. Kn 3,15 viết: "Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó". Chúng ta có thể vẽ lại bối cảnh bồi bấy giờ: một cây trái cấm, Satan mặc lốt con rắn ở đó, còn Evà thì đứng bên. Nay tại đồi Sọ, cũng một cây, cây thập giá, Đức Giêsu đã bị treo lên như Maisen đã treo con rắn đồng trong sa mạc. Người lên đó để tiêu diệt kẻ cám dỗ loài người đã đưa họ vào con đường vô phúc. Đứng gần thập giá, có Đức Maria, mà bấy giờ chúng ta thấy đồng hóa người với Evà cũng tự nhiên thôi. Nói đúng hơn, người là Evà mới, người là người nữ mà dòng giống đánh được và đầu Satan và Thiên Chúa đã muốn dùng để thay thế Evà đã phạm tội.
Chúng ta có thể kể ra rất nhiều đoạn kinh thánh diễn tả mối thù giữa tên cám dỗ và người đàn bà. Cả lịch sử dân Cựu ước là một trường thiên về sự hằn thù này, cho đến ngày người đàn bà phải sinh, sẽ sinh con trai. Satan đã chờ sẵn như con rồng đỏ mà sách Khải huyền của Gioan nói một cách bóng bảy (12,1-6). Nó đã tấn công Đức Giêsu ngay từ khi Người vừa xuất hiện công khai. Lần đó thua, theo lời Luca viết (4,13), nó đợi giờ trở lại. Giờ đó đến khi Đức Giêsu vào Giêrusalem trong bầu khí căng thẳng. Người bảo: "Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài. Phần Tôi, một khi được giơ cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi" (Ga 12,31-32). Sự chết tưởng tiêu diệt được sự sống, nhưng chính sự sống đã tiêu diệt sự chết bằng sự sống lại. Đúng như lời người Do Thái nghĩ: Chuyện này sẽ còn tệ hại hơn chuyện trước (Mt 27,64). Và tên cám dỗ xưa lừa được Evà, nay rõ ràng bị lừa khi tưởng giết được Đức Giêsu là thắng được Người. Dòng giống người phụ nữ đã đánh vào đầu nó. Còn nó chỉ cắn được vào gót chân Người, nhưng như lời sách Khải huyền, Người đã được đưa lên ngự bên hữu Thiên Chúa trong mầu nhiệm Phục sinh.
Đức Mẹ đã tham gia mật thiết vào cuộc chiến này. Thân thể Con Người đầy các vết thương đẫm máu thế nào, thì tâm hồn Người cũng bị gươm đâm thâu như vậy. Những gì chưa rõ hôm người dâng Con trong đền thờ, nay đã sáng tỏ. Người đáng được chia sẻ chiến thắng. Người là người đàn bà được Thiên Chúa nói đến trong vườn Địa Đàng để thay thế Evà.
Chúng ta thường nghe nói về Evà-Maria nhân việc truyền tin: cả hai trước khi sinh con đều đồng trinh, nhưng Evà nghe lời Satan còn Maria nghe lời Gabriel; Evà bất tuân, còn Maria vâng theo ý Chúa… Nhưng giáp cảnh vườn địa đàng vào cảnh đồi Sọ mới thật là sâu sắc. Và như vậy trước khi nói đến việc Gioan là con của Đức Mẹ, hãy nói đến Đức Giêsu là dòng giống của người nữ; nghĩa là cần nhắc lại việc Người là con của Đức Maria. Và chính Người nói đến điều đó khi từ thập giá gọi Đức Mẹ: “Thưa Bà”. Người dùng lại cách xưng hô hôm tiệc cưới. Hôm đó cũng như hôm nay Người đánh vào quan hệ mẫu tử; Người phủ nhận giá trị huyết nhục; Người muốn chúng ta nhìn Người và Đức Mẹ ở bình diện Nước Trời.
Hôm xưa Người đã đưa Đức Mẹ vào việc thi hành dấu lạ dầu tiên, khiến các môn đệ tin Người, nghĩa là khiến xuất hiện khởi đầu của cộng đoàn dân Chúa. Hôm nay Người cũng muốn đưa Mẹ Người vào việc hoàn tất công cuộc Đức Chúa đã trao phó. Tại Cana, Người đã tỏ vinh quang vì lời xin tin tưởng của Đức Mẹ; nay Người muốn hoàn thành việc cứu thế với một sự cộng tác khác của Đức Mẹ. Từ thập giá, Người gọi Mẹ đau khổ của Người ngẩng đầu lên; kết hiệp với Người đang chịu khổ, để trở thành người đàn bà trong chương trình cứu độ. Lát nữa đây, Người phó linh hồn trong tay Đức Chúa Cha. Chúa Cha rước lấy Con Mình và tuyên bố: Con là Con Ta, hôm nay Ta sinh ra Con. Giêsu trở thành Chúa trên thập giá. Tại đây, Người là vua như Người đã nói với Philatô (Ga 18,37) và ông đã đề bản án như vậy. Do đó, tại đây phải áp dụng cho Người câu Thánh Vịnh phong vương cho hoàng tử. Tại đây, Người được tuyên phong là Con Thiên Chúa. Người bị giết vì tội này, thì Đức Mẹ cũng phải được nhắc lại ở đây là Mẹ của Đức Giêsu; nếu không, người là Mẹ Đấng Cứu Thế lúc nào vì Giêsu có nghĩa là Cứu thế. Ở đây theo kiểu loài người, người ta có thể nói Đức Maria mất Con của người. Nhưng Đức Giêsu đã nói: Ai biết bỏ mạng sống đi thì sẽ lại được nó. Người đi để trở lại. Người chết cho xác thịt để sống cho Thiên Chúa. Đức Mẹ chỉ mất người con xác thịt, và được lại người con là Chúa, khiến ở đây tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa lại càng đúng hơn.
Đức Mẹ kết hiệp với Người hơn bao giờ hết, nên cũng hơn bao giờ hết, người là Mẹ Đức Giêsu, một Đức Giêsu Cứu thế, một Đức Giêsu là Chúa. Gioan có lý để viết trong sách Khải huyền rằng: Người nữ đau đớn sinh con. Đức Mẹ đau đớn sinh Đức “Chúa” Giêsu. Và Luca cũng sâu sắc khi mượn lại mầu nhiệm Tử nạn – Phục sinh để thuật lại việc Đức Mẹ sinh Chúa tại Bêlem. Nửa bài đầu trong đau khổ…, nửa bài sau trong vui mừng. Tại đồi Sọ, Đức Mẹ là Mẹ theo ý nghĩa trọn vẹn (plenier), nếu nói được như vậy. Và chữ Fiat ở đây khi dâng Con trên thập giá nặng hơn tiếng Fiat lúc truyền tin.
Nhưng trên thập giá, Đức Giêsu không phải chỉ là Con Đức Chúa Cha. Người đã tuyên bố: Bây giờ thiên hạ sẽ biết chân tính đích thực của Người. Philatô đã giới thiệu trước: Ecce Homo. Ông không biết Người là Thiên Chúa nhưng ông biết Người là Người, Người chữ lớn, Người đúng như Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh mình. Muốn nói mau, chúng ta bảo Người là Adong mới. Adong cũ bị đóng đinh vào thập giá. Adong mới xuất hiện trong vinh quang Phục sinh tỏa ra từ thập giá. Và cũng như Thiên Chúa đã rút xương sườn Adong cũ làm ra Evà cũ, thì từ cạnh sườn Đấng chết trên thập giá cũng bị chọc thủng để có Evà mới: Nước và Máu chảy ra ban sự sống mới. Người ta hay nói : Hội Thánh được sinh ra ở đây. Và người ta thường chỉ nghĩ đến những người con mới của Chúa mà biểu tượng là Gioan. Tại sao người ta lại quên Đức Mẹ? Đức Mẹ không cần nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu sao? Giáo lý Công giáo vẫn dạy: Mọi ơn Đức Mẹ đều do công nghiệp của Chúa Cứu Thế. Do đó ở đây có thể coi Đức Mẹ là Evà mới, thành hình từ cạnh sườn Adong mới. Người là hình ảnh của Hội Thánh ở cả đây nữa, và chẳng đâu bằng ở đây.
Chúng ta cũng có thể nói thêm, sau khi bị phạt, Adong gọi bạn mình là Evà, tức là Mẹ của chúng sinh, thì ở đây, Adong mới cũng phải đặt tên cho Người nữ đã được ban để cộng tác với Người là Mẹ của những người có sự sống mới…
Đức Maria có những người con mới mà biểu tượng là Gioan, người môn đệ đồng trinh yêu dấu của Chúa. Đó là những người con không sinh ra bởi ý muốn đàn ông và bởi xác thịt, nhưng bởi Thiên Chúa. Đức Maria là mẹ của những người con này, những người được rửa bằng Nước và Máu, bằng lễ hy sinh giao hòa của Đức Giêsu. Đức Mẹ là Mẹ của việc giao hòa ấy. Từ nay chính người sẽ đưa người ta lại với Chúa, và đó là trách nhiệm làm Mẹ mới của người. Trước đây, từ ngày thụ thai Chúa, người đem Chúa đến trong thế gian, từ nay người sẽ giúp người ta nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu để thấy Nước và Máu ban ơn giảng hòa: như Gioan đã làm chứng.
Là những người tiếp tục việc giảng hòa của Thiên Chúa, chúng ta hãy dừng lại chiêm ngưỡng gương sáng của Đức Mẹ tại đây. Người đã rất đau khổ (perdolens) vì chia sẻ những đau khổ của Con Người (compations). Nói gì thì nói, ơn cứu độ giảng hòa đã được thực hiện trong việc đổ máu người vô tội. Chúng ta không thể mơ ước một cuộc đời tông đồ phong phú mà trái tim không đổ máu. Thực tế, đời sống linh mục có nhiều khó khăn, đau khổ, bề ngoài ít nhưng bề trong nhiều. Điều cần là chúng ta biết đón nhận bằng đức tin.
Người ta có thể nói, khi đứng gần thập giá, Đức Mẹ một phần nào đóng vai linh mục trong mầu nhiệm cứu thế. Người hiến dâng Chiên Con bị sát tế với tấm lòng đau như cắt của một người Mẹ. Người kêu gọi linh mục chúng ta "hãy cảm thông" với những lễ dâng trên bàn thờ, để không nguội lạnh nhưng nồng nàn muốn chia sẻ những đau thương của Chúa Cứu Thế. Đó là lúc tốt nhất để thiêu đốt các hy sinh của mình. Linh mục hãy đưa mọi đau khổ, cực lòng vào đĩa thánh để xin Chúa biến đổi nên nhiệm tích cứu độ. Nếu có đức tin và đức cậy với đức mến để dâng lễ như Đức Mẹ, tôi không sợ anh em linh mục chúng ta xuôi tay khi gặp khó khăn, không để cho Chúa trên thập giá kéo mình lên làm lễ tế với Người.
Thiêu đốt mọi nỗi lòng tại bàn thờ thánh giá rồi, linh mục được đổi mới. Trái tim cay đắng trước đây đã được Nước và Máu từ cạnh sườn Chúa chảy đến rửa sạch và nên mát, linh mục có tình yêu tươi tắn mới đối với mọi người và con chiên. Linh mục lại tha thứ, chấp nhận, săn sóc những con chiên bướng bỉnh, ghẻ lở, để trở thành cha, thành mẹ như Đức Maria khi đứng gần thập giá. Mục vụ sẽ là công việc giảng hòa, đem ơn tha thứ đến cho tội nhân, đem yêu thương đến kêu gọi mọi người và những đứa con kém nhất lại thách đố tình mẫu tử nhất…
Dĩ nhiên không phải một lần một ngày tiêu diệt được mọi hận thù và đau khổ, để ơn giảng hòa, Nước bình an của Chúa Cứu Thế tràn ngập mọi nơi. Trở lại Khải Huyền chương 12, chúng ta thấy cuộc chiến còn kéo dài. Những người đàn bà được đôi cánh phượng hoàng nâng lên đem vào sa mạc để nuôi dưỡng trong lúc Michael và Satan chiến đấu với nhau, chúng ta là dân mới cũng như dân cũ được mời vào sa mạc để được ăn manna và Lời Chúa và chịu thử thách. Chúng ta đi vào cầu nguyện, vào mầu nhiệm Thánh Thể, dâng các đau khổ cá nhân góp vào cuộc chiến giữa thần dữ và thần lành.
Chúng ta cũng phải đưa giáo dân vào sứ mạng giảng hòa này. Họ phải biết đau khổ khi đến dâng lễ như Đức Mẹ lúc ở gần thập giá. Lễ vật (bánh rượu) phải là lao công vất vả của họ. Tôi đã bỏ lỡ cơ hội, hôm truyền chức, để làm nổi bật ý nghĩa này. Lẽ ra trước khi trao chén đĩa cho Cha mới, tôi phải nhận được từ tay giáo dân (nếu được, từ tay cha mẹ Tân chức). Mọi người sẽ hiểu rõ phải góp phần, cộng tác vào sứ mệnh dâng lễ của linh mục như thế nào. Lẽ ra đồng tiền dâng cúng khi dâng lễ cũng phải làm cho giáo dân thấy phải đau như cắt khi cử hành mầu nhiệm Thánh Thể.
Và cũng vậy, khi ra về họ phải đầy ơn giảng hòa trong gia đình, ngoài xã hội. Thư Chung năm 1980 bảo họ hãy giảng hòa Công giáo với dân tộc, bằng đoàn kết, hài hòa và đóng góp… Có thể họ còn chờ gương sáng của chúng ta hơn là lời nói!
Chúa Giêsu đã phải đổ máu, thí mạng, ký kết giao ước mới, giảng hòa thế gian với Thiên Chúa, phá đổ mọi thành kiến chia rẽ… Đức Mẹ đã chia sẻ hoàn toàn lễ hy sinh giảng hòa này để trở thành mẹ của loài người được cứu chuộc. Linh mục dâng lễ hy sinh của Đức Giêsu, được gọi là cha sinh ra con cái mới, chúng ta hãy noi gương Đức Mẹ, thông phần đau khổ với Đức Kitô, để hoàn thành những gì còn phải vất vả cho Nhiệm thể của Chúa được lớn lên… Hình ảnh người nữ mang thai đau đớn khi sinh con, có ý bóng bảy nói về Đức Mẹ hay tựa vào sự kiện Đức Mẹ đứng gần thập giá để thực sự ám chỉ Hội Thánh phải quằn quại khi sinh con cái mới? Giải thích cách nào, chúng ta cũng không thể quên việc Đức Mẹ khổ đau dâng Con chịu chết. Người nêu gương cho linh mục chúng ta mỗi khi tế lễ và gặp đau khổ. Xin người ban ơn cho chúng ta.