THƠ VŨ THỦY
ĐÓA HỒNG GAI DÂNG MẸ
Mẹ! Tháng Năm này con dâng lên Mẹ
Một đóa hồng đã úa đã tàn phai,
Vì cơn bệnh hiểm nghèo đã lấy đi của con đôi mắt.
Và đôi mắt ân cần của Mẹ
Đã giúp con lần đi trong bóng tối.
Tháng Năm này con xin dâng lên Mẹ
Một Đóa hồng trổ đầy gai nhức nhối
trổ những lời gây bực bội giữa nhân gian,
Vì lưỡi con là dao, là mác.
Con dâng Mẹ lòng buồn đau tan tác
Ôi, tay Mẹ đón lấy gai sầu muộn
Nhỏ máu đào nhuộm thắm trái tim con.
Mẹ! Tháng Năm này con dâng lên Mẹ
Một đóa hồng biểu tượng của Tình Yêu
Tìm yêu Chúa qua con người trần tục
Con chắc rằng Mẹ vui sướng hơn con
Vì con Mẹ hướng theo lời Chúa dạy.
Tháng Năm này con xin dâng lên Mẹ
Một đóa hồng đỏ thắm máu Phục Sinh,
Vì đóa hồng đầy gai và mục nát
Lại bừng lên khao khát tỏa hương thầm.
Con muốn ngày con đến cõi thiên thu
con sẽ là đóa hồng gai duyên dáng
trong vườn hoa của Mẹ nơi Thiên Đường vĩnh cửu.
13. 5. 2007
Vũ Thủy
ĐI TÌM HẠNH PHÚC
Nếu một lúc nào đó, bạn thử lấy một mảnh vải đen che mắt mình và thử làm việc trong bóng tối khoảng một tiếng đồng hồ _ Lúc đó bạn sẽ biết cuộc sống của người mù là khó khăn như thế nào. Nhưng chưa hết đâu, bởi lẽ bạn chỉ có một tiếng đồng hồ thôi. Những người mù phải đối diện với bóng tối cả một đời, với sự thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần và với những nỗi phiền muộn do sự phân biệt đối xử của những người đồng loại. Nói thế, nhưng không phải là tuyệt vọng, chúng tôi có thể học tập, lao động, ca hát, chơi thể thao, làm thơ.. như bao nhiêu người khác, nếu như xã hội đừng quên chúng tôi cũng có cảm xúc, cũng có ước muốn, cũng có những sở thích và có nhân quyền. Chúng tôi có thể sống vui tươi, vô tư như các bạn khi chúng tôi không bị cô lập (nghĩa là xin mọi người chung quanh đừng nghĩ rằng chúng tôi là người ngoài hành tinh và gạt chúng tôi ra khỏi những công việc bình thường.) Khả năng chúng tôi có nhưng còn cần sự giúp đỡ của các bạn để phát huy nó. Không nhìn thấy nhưng chúng tôi có thể cảm nhận được thế giới xung quanh bằng những giác quan còn lại.
Một điều đáng buồn là chỉ thiểu số người khiếm thị sống lạc quan. Đa phần còn lại thường sống trong lặng lẽ và cô độc vì hoàn cảnh gia đình, điều kiện sinh sống và sự tự ty mặc cảm. Họ có vẻ như đang chôn mình trong nấm mồ tăm tối. Vả lại, thường là cái nghèo đi đôi với người mù. Có một bạn nữ trong khi tâm sự với tôi đã thốt lên rằng : "cuộc đời của tôi khốn nạn, giấc ngủ của tôi cũng khốn nạn nốt!" Có người trách móc: "Tại sao cha mẹ tôi lại sinh ra tôi để tôi phải sống trong bóng tối khốn cùng này?". ..
Tôi thì may mắn hơn đã trải qua cuộc sống như một người bình thường trong mười mấy năm. Lúc tôi mới trở thành một người mù, tôi đã có những ngày tháng ảm đạm và dài đằng đẵng. Điều mà trước đây tôi không hề trải qua vì tôi vốn là một cô gái rất tinh nghịch và náo nhiệt. Khi đó, tôi chỉ còn biết cầu nguyện với Chúa xin cho con biết con phải làm gì để không trở thành người vô dụng. Và Người đã hành động khi những cơn bệnh trầm trọng của tôi bỗng nhiên lui dần. Tôi bắt đầu đi học chữ nổi, học sử dụng computer, học cách đi đứng sinh hoạt như người mù. tôi bắt đầu tiếp cận với những người mù có vẻ buồn bã, khắc khoải, thầm lặng. Tôi khuyến khích họ tâm sự, và lắng nghe tất cả những nỗi bực dọc, những nỗi buồn chán, tuyệt vọng... Giải thích cho họ về những điều rất đơn giản đến không thể ngờ nhưng lại là một khái niệm trừu tượng đối với những người mù bẩm sinh. Có những ngày tôi phải liên lạc điện thoại suốt mấy tiếng đồng hồ để ngăn cản một người bạn trong cơn tuyệt vọng muốn nhảy lầu. Rồi tôi viết chữ nổi, đọc băng cát xét để dạy người bạn này học tập cho quên đi những khắc khoải. Thỉnh thoảng tôi đi thăm người khuyết tật vận động ở vùng sâu, vùng xa và những mái ấm, nhà mở của người khuyết tật trong thành phố....Tất cả những công việc đó thật là nhỏ bé. Tôi đã cho những người bạn của tôi chỉ là một ly nước lã, nhưng hiệu quả thật là bất ngờ. Đôi khi, người bạn trước đây đã cho rằng cuộc đời cô ta thật khốn nạn, nói với tôi rằng: "Nhờ những lời khuyên của chị, bây giờ em cảm thấy cuộc đời em thật là có ý nghĩa." Một người bạn sau khi nghe tôi đọc bài thơ: "Cô gái mù với ly cà phê trắng" qua đài phát thanh đã gọi điện thoại cho tôi nói rằng anh ta đang sống thật vô vị và rất ngạc nhiên khi thấy một người mù lại có vẻ tự tin yêu đời như trong bài thơ đó. tôi cho anh ta bí quyết của tôi là học tập và làm tất cả những gì mình có thể. Bây giờ anh ta đã trở thành một người mù khá bận rộn và công nhận rằng: "Trước đây một năm tôi không biết cười, nhưng bây giờ tôi có thể cười được rồi...."
Tôi cảm thấy thật là hạnh phúc và mong cho những người bạn của mình luôn được vui vẻ mãi. Vậy là khi tôi nghĩ rằng tôi cho họ lời an ủi và sự cảm thông thì chính là họ đã đem đến cho tôi hạnh phúc. Và cứ thế những phiền muộn trăn trở của tôi đã biến mất nhường chỗ cho con người trước đây của tôi. Hầu như tôi quên mình là người mù, không gian quanh tôi rộn rã tiếng cười. Tuy thế, mỗi khi gặp một hoàn cảnh xấu số nào đó, tôi lại cảm thấy đau lòng và tôi lại rơi vào tâm trạng phiền muộn, lúc đó tôi liền chạy đến Chúa để tìm nguồn ủi an. Cây Thập Giá vẫn còn đó, nó là biểu trưng của sự chiến thắng đau khổ. Tôi chợt hiểu ra rằng không có đau khổ thì không có hạnh phúc. Đó là một cặp phạm trù luôn tồn tại bên nhau.
Trong chúng ta chắc không ít người đã từng băn khoăn với câu hỏi: "tại sao Chúa lại để cho người ta phải chiụ những sự đau khổ; khi mà Chúa có thể giơ tay chữa lành tất cả những nỗi đau khổ đó?" Tôi cũng đã từng băn khoăn như thế. Và tôi đã tìm được câu trả lời sau những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Tôi bị mù do biến chứng của bệnh tiểu đường. Một căn bệnh nan y mà tôi đã mắc phải khi mới 17 tuổi với rất nhiều biến chứng như viêm đa thần kinh, viêm xương chậu và thoái hoá cột sống. Có nhiều đêm cơn đau quằn quại và khó chiụ triền miên tưởng chừng như không thể nào chịu đựng được. Những lúc ấy, bác sĩ và người thân của tôi chẳng giúp gì được cho tôi. Nước mắt cứ tự trào ra. Tôi chỉ biết bám vào một câu kinh thánh: "Hãy đến với Ta! Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng. Ta sẽ bổ sức cho các ngươi..." Tôi nghĩ về sự đau khổ của Chúa Giê Su trên Thập tự và thường là tôi thiếp đi qua khỏi cơn đau. Những lúc ấy, tôi thường nghĩ đến những bệnh nhân đang trải qua cơn đau quằn quại của bệnh ung thư, những bệnh nhân tâm thần sống như một động vật và những người liệt giường từ nhiều năm. tôi cảm thấy cơn đau của tôi thật là bé nhỏ so với họ. Và những cơn đau của tôi hầu như không còn nữa. Tôi bắt đầu hiểu ra rằng Chúa gởi đến trong thế gian những sự đau khổ của loài người cũng như chính sự đau khổ của Chúa là để làm gương cho ta sống vươn lên, vượt qua những thử thách của ta và ý thức được thân phận hèn mọn của con người.
Sau tất cả những cảm nhận ấy tôi hiểu ra rằng hạnh phúc chỉ có được khi ta biết chia sẻ và quan tâm đến người chung quanh ta. Tôi nghĩ rằng ai cũng có những nỗi khó khăn, khắc khoải, khổ đau của riêng mình, chúng chỉ khác nhau về góc độ; vậy, ta còn chần chờ gì mà không đi tìm hạnh phúc ở chung quanh ta ?
các bạn sẽ tìm thấy chung quanh bạn đang có những người còn đau khổ hơn mình, nhất là những người khuyết tật như chúng tôi. Họ ở đó chờ một lời an ủi, một cuộc thăm viếng, một sự cảm thông. Và đó chính là lúc bạn nhận ra cặp mắt đau đáu của Chúa Giê su trên Thập giá.
Phần tôi, Chúa đã ban cho tôi quá nhiều, Chúa mới chỉ lấy lại ở tôi một đôi mắt. Giờ đây tôi tin rằng Chúa đang làm những điều tốt đẹp cho tôi. Tôi xin sẵn sàng chấp nhận Thập Giá Chúa trao cho mình.
Tôi thật sự cảm ơn các bạn đã chia sẻ với tôi những kinh nghiệm sống này, chúc các bạn luôn vui vẻ và yêu đời.
Vũ Thủy
17. 10. 2004
CÔ GÁI MÙ VỚI LY CÀ PHÊ TRẮNG
Không phải ngẫu nhiên mà tôi đã đặt cho một trong những bài thơ của mình cái tựa đề nghe có vẻ kỳ lạ này. Có lẽ bất cứ một người bình thường nào cũng cảm thấy cái gì đó thật là khủng khiếp hoặc đen tối trước một người mù. Khi mới trở thành một người mù, không khí trong gia đình tôi có vẻ hơi nặng nề và từ “mù” hình như bị cấm. Mấy đứa cháu nhỏ của tôi mà nói động đến chữ mù thì mẹ nó: “suỵt”- không được nói” nhưng tôi bảo cứ để cho chúng nói thoải mái bởi vì nếu chỉ có từ mù mà tôi không chấp nhận được thì cả một cuộc sống đen tối trước mắt làm sao tôi vượt qua nổi.
Điều thứ hai, ly cà phê thường làm cho tôi cảm thấy sảng khoái trước bất kỳ công việc nào.
Thứ ba, điều khiến tôi viết bài thơ này để nói lên một triết l1y sống là: Mình chọn cách sống chứ không phải cuộc sống đã chọn mình. Cuộc đời này có nhiều điều u ám và đen tối, tuy nhiên vẫn có những nét chấm phá để ta thấy bức tranh cuộc đời thật là đẹp đẽ. những gì khổ cực, nghèo hèn, bất hạnh, lọc lừa... ta thường ví nó với màu đen. Những gì hạnh phúc, tươi sáng, tốt đẹp, lòng nhân ái... ta thường ví với màu trắng và màu trắng đó như những tảng băng nổi trên mặt nước nhấn chìm tất cả những gì đen tối. Với những suy nghĩ ấy tôi thấy cuộc đời thật rực rỡ và tươi đẹp và tôi đã không thất bại trong cuộc đời này. Sự thành công đang chào đón tôi trước mặt.
CÔ GÁI MÙ VỚI LY CÀ PHÊ TRẮNG
Ly cà phê đen trước mặt
Ngụm đắng nhuộm cuộc đời?
Cuộc đời trắng hay đen, thành công hay thất bại ?
Hãy hỏi lòng mình chọn trắng hay đen
Cả bầu trời trước mặt. ..
Đôi mắt con không thấy ánh mặt trời
Nhưng với con cuộc đời đầy nắng ấm
Bởi quanh con đã có những bàn tay
Trao cả con tim, xiết chặt tình người
Đôi chân con bước đi vững chãi
Bởi có những bàn chân đi mở lối tâm hồn
Gieo hy vọng cho người mù tăm tối
Ly cà phê cho con ngọt ngào hơi sữa
Bởi nó như cuộc sống đầy bao dung
Đã cho con ngọt bùi trong cay đắng
Cuộc đời trắng hay đen ?
Riêng cô gái mù thấy ly cà phê trắng
Bởi dòng sữa yêu người, đời đã ban cho
Cô giơ tay hướng về Thượng Đế
"Xin cảm ơn Người, người mãi ở bên con!"
29. 5. 2002. Vũ Thủy
HANG TOẠI ĐẠO
Phúc cho ai không thấy mà làm thơ
Tôi thì thấy cảnh một hang toại đạo
Giữa mảnh đất thanh bình như tên gọi
Vào buổi tối êm đềm ngày thứ bảy
Đầu thế kỷ 21 rất bôn ba
Khi người ta tắt hết các bóng đèn
Cảnh yên bình ở đây như gói lại...
Những cây nến Phục Sinh được thắp sáng
Tiếng nến sèo sèo đệm nhịp lời cha giảng
Tiếng nguyện cầu xen lẫn tiếng thương yêu
Chúng tôi nắm tay nhau giơ cao lòng thỉnh nguyện
Cha đi đến ôm vai đầy thân ái
Nghe họ nói cha Uy còn trẻ lắm
Nhưng tôi vẫn hình dung,
Một ông già chống gậy
Mái tóc bạc phơ, râu cằm một búi
Hình ảnh thánh tông đồ trong Quo Vadis...
Ấn tượng nhất lời những người chứng tá
Kẻ làm Đại phu miệt mài tìm chân lý
Nhận ra rằng chân lý là tình yêu
Tình yêu Chúa luôn chờ trong thinh lặng
Những phép lạ xưa, nay Chúa vẫn làm
Giấy báo tử nằm trên bàn chờ chữ ký
Người bệnh ung thư trỗi dậy sống vô tư...
Chúa vẫn gửi xuống trần gian nhiều thiên sứ
Những cô tiên đi khắp các nẻo đường
Hầu đem lại dầu chỉ lời an ủi
Cho kẻ bơ vơ không cửa, không nhà
Không manh áo, không người thân bên cạnh...
Một chứng tá của người mù kiên vững
Rằng: " Tôi đã thấy một niềm tin xác tín
Mặc dầu có bước chông chênh
Tôi không sợ những gì đen tối nữa
Bởi bàn tay Chúa vẫn quan phòng.
Hãy cứ bám vào tình yêu của Chúa
Rồi đời mình sẽ hết chông chênh!"
Khi bữa ăn tối dọn ra là nồi chè hấp dẫn
Thoảng mùi thơm, ngọt nghĩa ngọt tình
Hang toại đạo lùi trở về quá khứ
Gió ngoài kia vẫn rất xôn xao
Ở trong này bình yên đang reo hát.
Sau chuyến đi Hòa An
6. 7. 2004.
Vũ Thủy
Đồng Xanh Thơ 3
www.dunglac.net - Mạng Lưới Dũng Lạc, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa Công Giáo