Care2Share hay Yêu thương và San sẻ.



‘Care2Share’ mà tôi tạm chuyển ngữ thành ‘Yêu thương và San sẻ’, là tên gọi của một nhóm thiện nguyện xuất phát từ Cincinnati, bang Ohio, nơi mà gia đình tôi định cư từ ngày đặt chân đến đất nước này cách đây hơn 13 năm.

Tôi nghe đến nhóm này cách đây cũng khá lâu nhưng thú thật, tôi không quan tâm lắm vì cái thời buổi và cái bối cảnh xã hội ‘vàng thau lẫn lộn’ này, vàng thật cũng có nhiều mà đồng thau cũng không ít, khiến tôi có thái độ ‘chờ xem’. Điều này khiến tôi đã, ít là vài lần, từ chối mua ủng hộ vài vé gây quỹ của nhóm, cho đến ngày gần đây.

Cái ngày gần đây ấy cách đây cũng đã hơn một năm, trong một dịp picnic lễ ngoài trời của Cộng đoàn trong một khu rừng thưa, khi tôi vẫn còn hờ hững mua giúp vài vé sổ số trúng thưởng cái trailer (một loại nhà lưu động nho nhỏ). Dịp này dường như chẳng ai trúng, vì có mấy ai mua. Thế rồi tôi có dịp tiếp xúc với các thành viên trong nhóm, tôi hiểu họ hơn, và mến họ hơn, thực ra là tôi mến công việc họ làm hơn, mến sự hy sinh của họ hơn, hay nói cách chính xác hơn là mến ‘Lòng yêu thương tha nhân kém may mắn và ý hướng làm việc để san sẻ’ của họ hơn.

Và mãi đến cuối tháng 10 vừa qua tôi mới tham dự buổi ca nhạc gây quỹ của họ, với sự góp tiếng hát của hai ca sỹ nổi tiếng Trần Thái Hòa và Diễm Liên, cũng như ban nhạc Hương Quê ‘cây nhà lá vườn’ và các ca sỹ địa phương. Trong hoàn cảnh khá giới hạn nhưng phần văn nghệ đã rất thành công. Về phần trình bầy các sinh hoạt của nhóm thì đã khiến những người tham dự thật cảm động. Kể từ ngày lập nhóm cách đây khoảng 9 năm, nhóm đã quyên góp được trên 500 trăm ngàn đô la, trung bình một năm khoảng trên 50 ngàn đô la.

Với số tiền quyên góp được, họ chỉ chi phí khoảng một phần trăm, số 99 phần trăm còn lại đã được sử dụng cho công việc từ thiện ở quê hương Việt Nam còn nhiều khó khăn của chúng ta. Họ đã đến với những người cần được giúp đỡ, không thành kiến chính trị, không phân biệt tôn giáo, và san sẻ số tiền quyên góp trên 500 ngàn đô la đó. Ngoài việc đem đến những phẩm vật cứu trợ, họ còn giúp xây dựng những trường lớp dạy nghề giúp những người nghèo có phương tiện kiếm sống.

Tôi thật sự xúc động khi nghe và xem hình họ ghé Thanh Hóa trong chuyến làm việc mới đây nhất và một thành viên trong nhóm đã phải thốt lên “Thanh Hóa sao có nhiều trẻ khuyết tật thế nhỉ”. Tôi tin rằng lòng thương người của họ khiến họ đặt những câu hỏi tương tự nhưng họ không đi tìm nguyên nhân vì nguyên nhân thì nhiều lắm. Họ chỉ đi tìm những thương đau nơi đồng bào ruột thịt và giúp hàn gắn những thương đau. Đặc biệt là trong chuyến làm việc này họ đã sang tận Xiêm Rệp của đất nước Cam Pu Chia láng giềng và đến với những người Việt đang sống lây lất tại đây. Những người Việt này sống bất hợp pháp, không giấy tờ tuỳ thân, và đương nhiên không kiếm được việc làm, phải tìm kiếm miếng ăn chủ yếu trên sông nước. Họ có những lý do riêng để không thể, hoặc không muốn trở về Việt Nam. Điều tai hại và thương tâm chính là các bé gái, chỉ mong ‘đủ lớn’ để bán thân nuôi miệng và giúp gia đình. Điều nào thương tâm hơn? Và điều nào ý nghĩa hơn khi nhóm thiện nguyện này đã dùng một phần của số tiền quyên góp tạo một lớp dạy nghề may để rồi những người Việt này có thể lãnh may thuê, phần nào giúp thay đổi cuộc đời cùng khổ của họ.

Để có tiền, nhóm thiện nguyện này thường quyên góp, tổ chức văn nghệ gây quỹ, và đặc biệt lần tổ chức mới đây, họ đã quyên góp được một nhẫn kim cương trị giá trên 12 ngàn đô la từ một cửa tiệm bán nữ trang, một TV mặt dẹp 42 inch, một Ipod, để bán vé sổ số, một số tranh để bán đấu giá. Người trúng TV đã tặng lại và bán đấu giá được 1 ngàn 3 trăm đô la. Vị nữ lưu may mắn trúng nhẫn kim cương đã tặng lại một ngàn đô la.

Việc làm của nhóm thiện nguyện này thì nhiều lắm, tuy vẫn còn giới hạn do phương tiện giới hạn. Mãi tới thời gian rất gần đây, tôi mới được biết rằng các anh chị trong nhóm này có gia đình riêng, có công ăn việc làm ổn định tại nước Mỹ, quê hương thứ hai của chúng ta. Thời gian họ về Việt Nam chính là những ngày nghỉ trong năm của họ. Tiền vé máy bay là chính họ bỏ ra. Còn những chuyến vacation nào đẹp hơn? Và còn sự nhung nhớ và xum họp nào ý nghĩa hơn khi người cha đi làm việc nghĩa trở về, ẵm đứa con nhỏ trên tay mà vợ anh nếu không vướng bận con thì cũng đã tham gia chuyến đi của anh?

Tôi xin tạm kết ở đây và xin ngả nón bái phục.