Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 2008

Các Con Tha Tội Cho Ai Thì Người Ấy Được Tha

Tại sao tôi phải xưng tội với một linh mục mà không xưng tội trực tiếp với Chúa?

Trong Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, bài Tin Mừng nhắc lại cách rõ ràng việc Chúa Giêsu ban Chúa Thánh Thần cùng ban quyền cho các Tông Đồ để các Ngài thay Người mà tha tội. Tuy vậy vẫn có nhiều người thắc mắc rằng tại sao chúng ta phải xưng tội với các linh mục? Các ngài cũng là người như chúng ta mà làm sao có quyền tha tội? Mục đích của bài này không phải là để viết về Bí Tích Hoà Giải mà chỉ để trả lời những câu hỏi này, đặc biệt là cho các bạn trẻ và các Giáo Lý viên.

Đây là một trong những thắc mắc chính mà nhiều người Tin Lành đặt ra cho người Công Giáo làm cho chúng ta đôi khi cũng nghi ngờ sự cần thiết của việc xưng tội và hiệu quả của Bí Tích Hòa Giải.

Hơn bốn thế kỷ qua, người Tin Lành đả phá việc xưng tội như một cách các linh mục dùng để điều tra giáo dân cho "biết tẩy" họ để rồi các ngài tha hồ thao túng họ. Nhưng sau nhiều năm không chấp nhận Bí Tích Hòa Giải, một số người ngoài Công Giáo, nhất là các mục sư Tin Lành, đã nhận ra quyền năng của xưng tội trong việc giải thoát con người khỏi mặc cảm tội lỗi. Chúng ta sẽ lần lượt phân tích xem ích lợi thực sự của việc xưng tội ra sao không những cho linh hồn mà cả cho thể xác chúng ta.

1. Thú tội là một cách chữa bệnh tâm thần

Ngày nay người ta dùng việc thú tội như một cách chữa các bệnh tâm thần hoặc nghiện ngập. Y học dùng tập trung tư tưởng hoặc thôi miên để giúp bệnh nhân nhớ lại những việc họ đã làm trong quá khứ. Nhận biết lỗi lầm của mình và nói ra những lỗi lầm ấy trước mặt người khác là bước đầu trong việc chữa lành các bệnh tâm thần. Cách này được dùng rất nhiều trong việc chữa các bệnh nghiện ngập như nghiện rượu, ma túy, và các phim ảnh dâm dật, cùng trong việc cố vấn hôn nhân.

2. Một số các mục sư Tin Lành nổi tiếng đang cổ võ việc xưng tội

Sau nhiều năm chối bỏ Bí Tích Hòa Giải, một số mục sư Tin Lành thời nay đã nhận ra quyền năng chữa lành của việc xưng tội và đang dùng nó dưới hình thức cố vấn hoặc chữa bệnh tâm thần.

Mục sư Norman Vincent Peale viết trong tập san Guidepost (Tháng 4, 1989) rằng: Việc thú nhận lỗi lầm của mình trước mặt người khác là điều rất quan trọng bởi vì nó đưa những tội lỗi thầm kín ra ánh sáng để chúng ta có thể đương đầu với chúng.

Mục sư Robert Schuler viết trong sách "The be Happy-Attitude" (trang 127) rằng: nếu chúng ta không bao giờ chia sẻ với bất cứ người nào khác về điều gì bất hợp pháp hoặc vô luân mà mình đã làm hay toan tính làm trong bí mật, chúng ta không được giải thoát khỏi những cảm giác tiêu cực. Những cảm giác tiêu cực như thế sẽ làm cho chúng ta mất niềm tin vào Thiên Chúa.

Mục sư Quaker Richard Foster dành nguyên một chương cho việc thú tội trong sách "The celebration of Discipline: The Paths to Spiritual Growth" của ông. Ông quả quyết rằng tất cả mọi Kitô hữu cần phải thú tội và phải cảm nghiệm được ơn tha tội của Đức Kitô.

3. Đó là lý do tại sao Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo viết

Ngay trên bình diện thuần nhân loại, xưng tội hay thú tội giải thoát và giúp chúng ta dễ dàng hòa giải với anh em. Qua việc thú tội, con người nhận mình là tội nhân, nhận trách nhiệm về tội lỗi đã phạm, nhờ đó lại sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa và hiệp thông với Hội Thánh để có một tương lai mới (x. GLCG 1455).

4. Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Hòa Giải để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi

Đức Chúa Giêsu Kitô, vì là Thiên Chúa, nên biết rõ hơn ai hết sự cần thiết của việc "phải nói với người khác bí mật của bạn" cho nên Người đã thiết lập bí tích Hòa Giải để chúng ta trực tiếp đến với Người và nói cho Người biết những bí mật của chúng ta. Để đảm bảo cho chúng ta rằng Người có QUYỀN tha tội và có thể trao quyền này cho các Tông Đồ, Thánh Kinh viết:

“Nhưng để các ông biết rằng Con Người có quyền tha tội ở dưới đất này...” (Mc 2:10).

"Và Thầy cũng bảo con rằng con là Phêrô, (nghĩa là Ðá,) và trên chính đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cổng âm phủ sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời, và bất cứ sự gì con cầm buộc dưới đất, thì cũng sẽ bị cầm buộc trên trời, bất cứ sự gì con tháo mở dưới đất, cũng sẽ được tháo mở trên trời" (Mt 16:18-19).

Vào buổi chiều hôm ấy, ngày thứ nhất trong tuần, khi các cửa nơi các môn đệ ở đều đóng kín vì sợ người Do Thái. Chúa Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói, “Bình an cho các con!” Khi nói xong, Người chỉ cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Các môn đệ vui mừng khi các ông thấy Chúa. Chúa Giêsu lại bảo các ông, “Bình an cho các con! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con.” Nói rồi, Người thổi hơi vào các ông và bảo các ông, “Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Nếu các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha; nếu các con cầm buộc ai, thì người ấy bị cầm buộc” (Ga 20:19-23)

5. Những giải thích căn bản theo Giáo Lý Công Giáo

Tội trước hết là xúc phạm đến Thiên Chúa và làm tổn thương sự hiệp thông với Hội Thánh. Vì thế, khi hoán cải chúng ta được Thiên Chúa tha thứ đồng thời được hòa giải với Hội Thánh (x. GLCG 1440).

Tuy chỉ một mình Thiên Chúa có quyền tha tội, nhưng vì là Con Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu có quyền tha tội, và Người đã ban quyền này cho một số người để họ nhân danh Người mà tha tội (x. GLCG 1441-1442).

Trong đời sống công khai, chẳng những Chúa Giêsu tha tội, Người còn cho thấy hiệu quả của việc tha tội: Người đã đưa những người được tha tội trở lại cộng đồng dân Chúa vì tội đã tách lìa họ khỏi cộng đồng. Khi cho các Tông Đồ chia sẻ quyền tha tội, Chúa cũng cho các ngài quyền giao hòa tội nhân với Hội Thánh. Ai bị các Tông Đồ loại trừ khỏi sự hiệp thông với Hội Thánh, cũng không được hiệp thông với Thiên Chúa; ai được hiệp thông trở lại, cũng được thông hiệp lại với Thiên Chúa (x. GLCG 1443-1445).

Bí tích này được gọi là bí tích Hoán Cải, bí tích Thống Hối, bí tích Xưng Tội vì việc xưng tội với linh mục là một yếu tố cần thiết của bí tích này; bí tích Tha Tội, bí tích Hòa Giải, vì ban cho tội nhân ơn giao hòa của Thiên Chúa. (x. GLCG 1423-1424)..

Thống hối nội tâm của Kitô hữu có thể được diễn tả bằng nhiều cách. Quan trọng nhất là giữ chay, cầu nguyện và bố thí. Trong đời sống hằng ngày, việc hoán cải được thể hiện qua việc giao hoà, lo lắng cho người nghèo, thực thi cũng như bảo vệ công lý và hòa bình, bằng việc nhận lỗi, sửa lỗi cho nhau, xét lại cách sống, xét mình, linh hướng, chấp nhận đau khổ, kiên trì khi bị bách hại vì sự công chính. (x. GLCG 1434).

Bình thường xưng tội cá nhân và trọn vẹn, sau đó giải tội, là hình thức duy nhất để tín hữu giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh. Ðức Kitô hành động trong mỗi bí tích. Người đích thân nói với từng tội nhân: "Này con, tội con đã được tha". Người nâng dậy và dẫn họ về hiệp thông lại với anh em. Như thế việc xưng tội riêng là hình thức có ý nghĩa nhất trong việc giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh. (x. GLCG 1484).

Tội nhân muốn giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh, phải xưng cùng linh mục tất cả những tội trọng chưa xưng thú và nhớ được sau khi đã xét mình kỹ lưỡng. Hội Thánh tha thiết khuyên xưng các tội nhẹ, mặc dù điều đó không buộc (GLCG 1493).

Công thức giải tội trong Giáo Hội Latinh diễn tả những yếu tố cốt yếu của bí tích: Chúa Cha từ ái là nguồn mọi ơn tha thứ. Người thực hiện việc giao hòa tội nhân nhờ cuộc vượt qua của Chúa Con và hồng ân Thánh Thần, qua lời nguyện và thừa tác vụ của Hội Thánh:

Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa, mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội; xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh, mà ban cho anh (chị) ơn tha thứ và bình an. Vậy, tôi tha tội cho anh (chị) nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần (x. OP 46: Công thức giải tội) (GLCG 1449).

6. Ích lợi của Xưng Tội

Bí tích Hoà Giải là một món quà vô giá mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Nếu chúng ta quý trọng và sử dụng bí tích này cách thường xuyên, chúng ta sẽ thấy mình nhận được rất nhiều ơn ích.

a) Bí tích này giúp chúng ta cảm thấy chắc chắn rằng mình được Thiên Chúa tha tội - Thiên Chúa có thể cứu độ chúng ta bằng những cách khác, nhưng Người đã chọn làm người để ở cùng chúng ta. Người biết rằng chúng ta là con người có hồn và xác. Người hiểu rằng chúng ta cần phải bày tỏ sự ăn năn của mình và cần phải biết chắc rằng tội mình được tha. Người đến thế gian như một con người để chúng ta được gặp Người và nghe lời Người tha tội cho chúng ta. Trong bí tích Hòa Giải, Người cho chúng ta gặp riêng Người qua vị linh mục và nghe rõ ràng từ miệng Người: "Tội con đã được tha" như Người đã làm khi Người còn rao giảng nơi dương thế. Người hứa rõ ràng trong Tin Mừng rằng Người đã ban cho các môn đệ của Người quyền tha tội (x. Ga 20:19-23). Vì sự bảo đảm này, chúng ta ra về bình an.

b) Bí tích này giúp chúng ta đương đầu với vấn đề tội trọng - Bằng cách nhìn nhận các tội của mình và xưng chúng ra, chúng ta nhận thức rằng mình đã làm những điều dữ, nhưng chúng ta không phải là người dữ. Sau khi xưng tội và nhận được ân sủng của Chúa, chúng ta có thể xa lánh tội lỗi cách dễ dàng hơn là dựa vào sức mình mà tránh tội.

c) Bí tích này giúp chúng ta đương đầu với tội nhẹ - Nếu không xưng tội chúng ta không biết rằng mình xa Thiên Chúa thế nào khi mình chỉ phạm tội nhẹ. Nhiều người trong chúng ta vì lâu ngày không xưng tội cảm thấy là mình chẳng có tội gì để xưng. Nhưng sau khi xét mình cẩn thận, chúng ta mới biết rằng mình đã từ từ xa cách Thiên Chúa vì những ích kỷ nhỏ nhặt, nuông chiều xác thịt, tự hào, lười biếng, nói hành nói xấu, thiếu kiên nhẫn, bất công đối với người khác.... Những tội nhẹ nho nhỏ này sẽ từ đẩy ân sủng của Thiên Chúa ra khỏi lòng chúng ta, làm cho chúng ta ra yếu đuối, và đưa chúng ta đến tội trọng.

d) Bí tích này nhắc cho chúng ta đừng coi nhẹ tội lỗi - Tội của chúng ta, nếu tội nhẹ, là hành động từ chối tình yêu của Chúa Giêsu, là vả vào mặt Chúa hay đâm một cái gai nhọn vào đầu Chúa, hoặc đánh một roi đòn vào lưng Chúa. Nếu là tội trọng, thì chúng ta đóng đanh Chúa. Mỗi khi chúng ta đi xưng tội, là chúng ta ý thức rằng mình đã hành hạ Chúa Giêsu như thế nào, và cố gắng hàn gắn những sứt mẻ trong mối liên hệ của mình với Thiên Chúa do tội mình gây ra.

e) Nhờ lãnh nhận bí tích Hòa Giải, chúng ta lại thấy mình xứng đáng làm phần tử của cộng đoàn Đức Tin - Khi chúng ta phạm tội, chúng ta không chỉ phạm đến Chúa Giêsu, mà cũng làm tổn thương Hội Thánh, là Nhiệm Thể của Người. Khi chúng ta lãnh nhận bí tích Hòa Giải, chúng ta cũng hòa giải với Nhiệm Thể của Người và trở thành phần tử tốt của Hội Thánh.

7. Kết Luận

Mục đích và hiệu quả của bí tích Hòa Giải là giao hòa chúng ta với Thiên Chúa. Bí tích này cũng giao hòa chúng ta với Hội Thánh. Việc giao hòa với Thiên Chúa còn dẫn tới những sự giao hòa khác là chữa lành các vết thương do tội gây ra: chúng ta được giao hòa với chính mình, nhờ đó tìm lại được chính mình; được giao hòa với anh em là những người chúng ta đã xúc phạm và gây thương tổn. Khi thống hối và tin tưởng quay về với Đức Kitô, chúng ta "sẽ từ cõi chết bước vào cõi sống và khỏi bị xét xử" (x. GLCG 1468-1470).

8. Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận

1) Tại sao y học dùng việc thú tội để chữa bệnh tâm thần?
2) Tội là gì và gây ra hậu quả nào trên tội nhân và người khác? Hãy kể ra ba tội trọng và hậu quả của chúng.
3) Phải có những điều kiện nào để một tội thành tội trọng?
4) Tại sao Hội Thánh lại có quyền tha tội? Tìm những dẫn chứng trong Thánh Kinh để chứng minh cho câu trả lời của bạn.
5) Hãy chia sẻ với người khác về cảm giác của bạn sau khi xưng tội.

(Bài này được viết dựa theo sách "I Believe!" và "The Privilege of Being Catholic" của Cha Oscar Lukerfahr, C.M. và sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo.)