Nếu "Thầy không phải là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống"



Đã hai mươi thế kỷ rồi, nhưng “Hình tượng Giêsu người Na-da-rét” xem ra vẫn chưa cũ trong tâm thức và trong nhịp sống của nhân loại. Nếu Đức Giêsu trong “Qui luật của muôn đời của Dumbatze” được đề cao như một thần tượng đầy hấp dẫn và thuyết phục tuyệt đối, thì với “Cơn cám dỗ cuối cùng của Nikos Kazant-zakis”, hay với “Mật Mẫ Da Vinci cả Dan Brown”, Ngài bị lột trần xúc phạm như một kẻ phàm phu tục tử đến độ làm sôi lên cơn phẫn nộ của giới Kitô giáo…Thì ra, Giêsu Na-da-rét, sau 2000 năm, vẫn còn sống mãi giữa lịch sử nhân loại. Nói cách khác, Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn còn là một vấn nạn cho muôn con người, một vấn nạn mà chính Ngài đã đặt ra cho các môn sinh cách đây 2000 năm trước: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?”.

Đức tin của chúng ta, đức tin của người Kitô hữu, phải chăng chính là câu trả lời dứt khoát và thường xuyên cho vấn nạn đó; hay đúng hơn, ý nghĩa của niềm tin Kitô giáo chỉ được đong đầy khi Chúa Giêsu người Na-da-rét thực sự là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống” đối với mỗi người kitoo hữu, mỗi người chúng ta hôm nay.

Tại sao đức tin lại phải như thế ?

1. Vì, nếu Giêsu Na-da-rét không phải là Đức Kitô thì…:

- Ba Vua phương Đông mất công làm chi để lặn lội suốt bao dặm đường trường để tìm đến hang đá nhỏ Bêlem mà phủ phục tôn thờ !

- Hêrôđê đâu cần phải hoảng sợ đến độ điên cuồng tàn sát các trẻ em ở Belem từ hai tuổi trở xuống.

Nếu cái bào thai trong dạ người Trinh Nữ Maria Na-da-rét đã chẳng là Đấng Kitô, thì cái thai nhi vừa tròn 6 tháng kia làm sao có thể nhảy lên vui mừng trong lòng của người chị họ I-sa-ve?

Và còn bao nhiêu sự kiện khác có liên hệ mật thiết đến sự kiện nầy “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Bởi vì, nếu “Thầy không là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, thì

- Phêrô và các bạn thuyền chài khác dại gì bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ vợ, bỏ cha ? và sau nầy, dám bỏ cả mạng sống !

- Matthêô đánh liều bỏ thoải mái hạnh phúc gắn liền với “chiếc bàn thu thuế hái ra tiền” để lên đường chấp nhận lang thang cảnh màn trời chiếu đất bên cạnh một con người “không viên đá gối đầu”.

- Giakê chấp nhận một cuộc đổi đời, một cuộc đời mới mà phần chắc gia nghiệp kếch sù sẽ bay xa để chỉ còn lại cái tự do của kẻ nghèo biết sẻ chia và công bình chính trực.

- Maria Ma-đa-lê-na quyết làm lại cuộc đời trong nước mắt buồn đau cho dù nhan sắc và tiếng tăm vẫn còn có thể kéo dài kiếp sống trong đam mê hưởng thụ của tiếng cười dục vọng.

Và những trang Tin Mừng vẫn còn mới tinh những mẫu chuyện: Nếu “Thầy không là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”,

- thì trăm phần trăm những thân phận cùi hũi sẽ héo tàn thương đau và chết trong nổi sầu bất hạnh ở xa tít ngoài kia trong những hoang mạc tăm tối.

- Những kẻ mù, què, đui, điếc làm gì có được niềm hy vọng được phục hồi…

- Những chàng thanh niên như La-da-rô ở Bê-ta-ni-a hay con trai bà góa ở Na-im đã nằm sâu trong huyệt mộ với xác thân chết thối…

Và cũng vậy, nếu “Thầy không là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”, thì hàng hàng lớp những kẻ nghèo hèn, vô danh tiểu tốt, thấp cổ bé miệng…của bao thế hệ con người, làm sao có thể ngẫng cao đầu với niềm vui khi xác tín rằng “mình thực hạnh phúc vì được Thiên Chúa yêu thương và tận tình chăm sóc còn hơn những con chim sẻ trên cây, những cánh hoa huệ ngoài đồng…!

Cũng in như thế. Nếu “Thầy không là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”, thì bước chân trên sóng nước của Phêrô đã chìm sâu dưới đấy đại dương, và Hội Thánh được thiết lập trên “Hòn đá tảng Phêrô” đó, chắc chắn cũng đã bị xóa tên trong lịch sử con người khi Hội Thánh bé bỏng đó đối diện với không biết bao nhiêu là những cuộc bách hại và loại trừ đẩm máu…

Hôm nay cũng thế thôi. Nếu nhân vật “Giêsu người Na-da-rét” kia chắc chắn không phải là “Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”, thì chúng ta tập trung ở đây, trong ngôi Thánh đường nầy làm chi cho mất thời gian, và đành chịu bao quấy rầy, rắc rối có khi phải thiệt thòa đủ thứ, cả đến thiệt thân.

Và như thế, câu trả lời của Phêrô ngày xưa hay của muôn thế hệ Kitô hữu “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” đâu chỉ là một lời tuyên xưng đức tin ngắn gọn để được lặp đi lặp lại như một công thức thuộc lòng, mà chính là: một niềm hy vọng ngút ngàn, một tiếng kêu òa vỡ của hạnh phúc và niềm vui khi chợt khám phá ra “Nước Trời đang đến”, ơn cứu độ đã được trao ban, Thiên Chúa đã nhập thể và đang đồng hành cùng nhân loại.

Với đám dân nghèo Do Thái ngày xưa, câu trả lời đó chính là một “đáp số tròn đầy”, một tiêu đích bất di bất dịch, một giải pháp trường cửu và tuyệt đối quan trọng, cần thiết vì họ đang thật sự dõi mắt trông chờ ngày hiện thực của những lời sấm ngôn thuở trước như: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Ngài đã xức dầu tấn phong tôi để tôi đem Tin mừng cho kẻ nghèo…”, hay như trích đoạn Lời Chúa hôm nay: “Chìa khóa nhà Đa-vít Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được. nó đóng lại thì không ai mở ra được…” (BĐ 1). Với họ, giải pháp duy nhất, con đường đích thực được đặt trên ngôi vị của Người thợ mộc đến từ Na-da-rét phải là: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Vì chỉ như thế: Kẻ mù mới hy vọng được sáng mắt, kẻ què mới hy vọng nhảy cửng lên như nai, kẻ phung hủi bị đọa đầy cách ly ngoài hoang mạc mới có cơ may trở về sống kiếp con người, kẻ lầm đường lạc lối như Maria-Mađalêna, Giakê, Matthêu… mới còn sinh lộ làm lại cuộc đời, và kẻ chết như con trai bà góa Naim, như Lazarô ở Bêtania mới có ngày được thấy lại mặt trời sự sống…

Và suốt 2000 năm nay, có hàng hàng lớp người nhờ câu trả lời như thế mà tìm được ý nghĩa cho cuộc đời, tìm lại được niềm hy vọng để can đảm bước đi, tìm được hạnh phúc đích thực. Agata, Lucia, Augustinô, Phanxicô Assisi, Têrêsa Calcutta, Anrê Phú Yên, Anê Lê thị Thành…phải chăng đã sắp hàng nên thánh khi xác tín và làm chứng họ thuộc trọn về con người mang tên “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”.

- Cũng vậy, nếu không có câu trả lời đó, thì làm gì có cuộc tập họp cả 500.000 ngàn người tại La Vang để chỉ được vài ngày sống cảnh màn trời chiếu đất ?

- Làm gì có hàng trăm ngàn bạn trẻ khắp thế giới cứ mỗi 3 năm tập trung quây quần chung quanh một ông già mang áo trắng chống gậy mà quyền uy và quyền lực chỉ là “nhân danh Chúa Giêsu người Na-da-rét”…

Cho nên, không phải chỉ Phêrô vì được ơn linh ứng mới tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống”, mà thế giới hôm nay, mọi người chúng ta hôm nay đều có thể cảm nhận ra rằng:

- Thầy phải là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống để thế giới hôm nay hòa bình hơn, huynh đệ hơn.

- Thầy phải là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống để những giá trị tinh thần được thăng hoa, để hạnh phúc các gia đình được thiết định trên nền tảng Tin Mừng, để tình yêu hôn nhân được liên kết và vững bền bằng giao ước thánh, để thiếu nhi được chăm sóc yêu thương và giáo dục, để người trẻ sống có lý tưởng và can đảm dấn thân xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống, để những người già được yêu thương và kính trọng…

- Thầy phải là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống để chúng ta nhìn nhận nhau là huynh đệ một nhà, để người giàu biết sẻ chia, người nghèo biết khiêm nhu đón nhận, kẻ bịnh hoạn tật nguyền luôn mỉm cười hy vọng được ủi an, người tội lỗi biết mở lòng sám hối để làm lại cuộc đời…

2. Đức tin: lời đáp trả đòi hỏi phải dấn thân lên đường

Tuy nhiên, đó lại là môt câu trả lời kèm theo một đòi hỏi phải dấn thân chọn lựa. Ở đây, chính là chọn lựa đi con đường thập giá mà Đức Kitô đã đi qua để cứu chuộc muôn người. Khước từ con đường nầy, chọn lựa này chính là sự thỏa hiệp với Satan, là chắp cánh cho sự dữ, là ngăn cản công trình của Thiên Chúa. Phêrô mới vừa được khen tặng trước đó với câu trả lời xuất thần “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”, lại bị quở trách thật nặng lời kế liền sau đó cũng chỉ vì muốn tránh né con đường và chọn lựa nầy: “Satan, lui lại đằng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người”. Tuy nhiên, cuối cùng Phêrô đã viết lại nguyên vẹn câu trả lời hôm xưa tại vùng Cê-sa-rê Philip bằng chính chọn lựa nghiêm túc của mình: chịu đóng đinh ngược đầu xuống đất để trung thành trọn vẹn với chính Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng mà Ngài phụng sự, yêu mến và loan báo không mệt mõi.

Cũng như Phêrô ngày xưa, hôm nay rất nhiều người trong chúng ta có thể trả lời câu hỏi đó của Chúa Giêsu một cách gọn ghẽ, ngon ơ. Tuy nhiên, cũng như Phêrô, sẽ có không ít người tránh né chọn lựa con đường thập giá, khước từ chọn lựa những đòi hỏi dấn thân anh hùng và gian khổ của Tin Mừng để uốn mình nô lệ cho những giàu sang và đam mê thế tục.

Trong sứ điệp gởi cho giới trẻ nhân ngày quốc tế giới trẻ lần thứ XX, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã nhắn nhủ các người trẻ hôm nay:

Việc thờ phượng Vị Thiên Chúa chân thực là một hành động thực sự chống lại tất cả mọi hình thức ngẫu tượng. Các bạn hãy tôn thờ Chúa Kitô: vì Người là Đá Tảng dựng xây tương lai của các bạn và một thế giới công chính và kết đoàn hơn. Chúa Giêsu là Hoàng Tử bình an: mạch nguồn của sự thứ tha và của giải hòa, Đấng có thể làm cho tất cả mọi phần tử thuộc gia đình nhân loại trở thành anh chị em với nhau.”

Chúng ta cầu nguyện cho nhau, hôm nay và mãi mãi, không chỉ trung thành tuyên xưng kinh Tin ngắn của Thánh Phêrô “Thầy là Đức Kitoo, Con Thiên Chúa Hằng sống”, mà còn lên đường đón nhận Đức Kitô vào cuộc sống để yêu mến Ngài hơn và thuộc trọn về Ngài nhiều hơn nữa trong mọi ứng xử và biến cố trên mọi bước đường đời. Amen.