SÀIGÒN - Các thương nhân đang tìm cách tăng nguồn tiêu thụ nội địa cho cafe, vì một lượng lớn cà phê thương nhân mua vào tại Việt Nam đã phải tồn kho do không tìm được thị trường tiêu thụ.

Việt Nam là nước sản xuất cà phê đứng thứ hai trên thế giới, riêng vụ mùa 2001-2002 sản lượng đã là 900 ngàn tấn.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), thì một trong những giải pháp cho tình trạng cung cao hơn cầu đó nằm ở chính thị trường nội địa, điều mà các nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới như Brazil hay Peru đã làm thành công.

Bà Ðào Thị Mùi, tổng thư ký Hiệp hội cho biết: "Cái cầu trong nước là một mục tiêu mà chúng tôi phải cần đạt đến".

"Cũng như Malaysia và Brazil, chúng tôi phải học tập các nước đó là tiêu thụ trong nước của họ rất lớn, nhờ đó giảm bớt số lượng cà phê dư thừa."

"Hiện nay chúng tôi đã mở rộng đến các thành phố nhỏ hay các tỉnh xa xôi trên toàn Việt Nam".

Tuy chưa có một thống kê chính thức nào về lượng cà phê tiêu thụ ở trong nước, song theo một số nghiên cứu độc lập thì con số này có thể dao động từ 30 tới 70 ngàn tấn một năm, một con số chưa thể gọi là lớn so với dân số 80 triệu người.

Thế nhưng thay đổi tập quán ăn uống của người dân không phải là dễ dàng và cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền hơn.

Bà Ðào Thị Mùi cho rằng: "Thường thường người Việt Nam quen uống chè, ít uống cà phê. Cà phê thường chỉ có ở các thành phố lớn".

"Hiện nay chúng tôi đang khuyến khích các hội viên để mở rộng các cửa hàng và tuyên truyền cho việc tiêu thụ trong nước."

Các quán cà phê đông khách không phải là chuyện hiếm tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, người uống cà phê ngày nay không còn ngồi nhâm nhi một chén đặc quánh hàng tiếng đồng hồ như trước nữa, mà có tác phong công nghiệp hơn, tuổi trung bình cũng trẻ hơn.

Ðiều đó cũng mang lại sự lạc quan nhất định cho những người làm nghề kinh doanh cà phê.

Ðoàn Anh Vũ, trưởng bộ phận kinh doanh của hãng cà phê Trung Nguyên tại Hà Nội cho biết hệ thống đại lý chính thức của hãng ở Hà Nội nay đã mở rộng ra tới 50 cửa hàng, chưa kể hơn 100 điểm kinh doanh có bán cà phê nhãn Trung Nguyên.

Ông Vũ nói: "Điều này cũng đang là một xu hướng trong thời gian vừa qua có rất nhiều chủng loại đồ uống như trà, các loại nước hoa quả, rượu, bia... nhưng cà phê trong thời gian vừa qua cũng tăng lên khá nhiều vào khoảng 30% hay 40%, phụ thuộc rất nhiều vào túi tiền cũng như sở thích."

Một điều khá thú vị là trong khi lượng cà phê rang xay tiêu thụ ở trong nước chỉ tăng có xấp xỉ 10% thì lượng cà phê hòa tan, chủ yếu là Nestcafe lại tăng tới 40%, theo một số thống kê độc lập.(BBC)