CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN

Trong bốn Chúa Nhật tiếp theo sau, từ Chúa Nhật XVIII đến Chúa Nhật XXI, phụng vụ đề nghị cho chúng ta một trong những bản văn chính yếu của Tin Mừng Gioan: bài diễn từ của Đức Giê-su về bánh ban sự sống.

Xh 16: 2-4, 12-15: Các bài đọc I đều được chọn theo viễn cảnh nầy. Như vậy, vào Chúa Nhật nầy, chúng ta đọc đoạn trích sách Xuất Hành tường thuật bánh man-na, “bánh bởi trời” nầy giứp dân Do thái sống còn trong hoang địa.
Ep 4: 17, 20-24: Trong đoạn trích thư nầy, thánh Phao-lô mời gọi người Ki tô hữu đổi đời tận căn để trở nên một con người mới, được tái tạo theo hình ảnh Thiên Chúa.
Ga 6: 24-35: Tin Mừng dâng hiến cho chúng ta phần đầu của bài diễn từ bánh ban sự sống, vào ngày hôm sau của phép lạ bánh hóa nhiều.

BÀI ĐỌC I (Xh 16: 2-4, 12-15)

Sách Xuất Hành không chỉ là chuyện tích về cuộc xuất hành khỏi đất Ai-cập và cuộc hành trình của dân Do thái trong hoang địa, nhưng cũng là bản phác thảo lộ trình tâm linh.
Hoang địa tự nó đã mặc khải chỗ ưu tiên cho phép dân khám phá kế hoạch của Thiên Chúa trên mình, nhưng cũng còn là nơi thử thách nữa.

1. Thử thách của hoang địa.

Để đạt đến Đất Hứa, ông Mô-sê đã có thể dẫn dân Do thái đi theo một lộ trình ngắn nhất, tức là con đường chạy dọc theo Địa Trung Hải (thật ra con đường nầy đã được quân đội Ai-cập xây dựng những đồn lủy để chận đứng mọi cuộc xâm nhập của ngoại bang). Ông luôn luôn chọn con đường băng qua hoang địa đầy gian khổ và khó khăn.

Một tháng đã trôi qua kể từ lúc ra khỏi đất Ai-cập: dân Do thái vừa mới đóng trại trong ốc đảo trù phú mà sách Dân Số nói có mười hai suối nước và bảy mươi cây chà là (Ds 33: 9); bây giờ họ đi sâu vào trong sa mạc Xin trên đường tiến về sa mạc Xi-nai, ở đây họ lâm vào cảnh đói và khát.

Đây là lần đầu tiên, nhưng không là lần cuối cùng trong suốt cuộc hành trình dài lâu nầy, toàn thể “cộng đồng” con cái Ít-ra-en kêu trách: khi còn ở Ai-cập, chúng tôi đâu có thiếu thịt và bánh (thuật ngữ “cộng đồng” ở đây chỉ cho thấy rằng dân Ít-ra-en chưa là một quốc gia, nhưng mang nét đặc trưng của cộng đồng tôn giáo).

Bất chấp những kêu ca của dân, Thiên Chúa đáp trả bằng cách bày tỏ lòng từ bi nhân hậu của Ngài, nhưng đáp lại Ngài đòi hỏi ở nơi họ một niềm tin chứ không sự nghi nan ngờ vực: “các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Chúa các ngươi”.

2. Chim cút và bánh man-na.

Đoạn trích sách Xuất Hành nầy tập hợp hai biến cố để cho thấy tấm lòng ân cần chăm sóc của Thiên Chúa: chim cút bay đến rợp cả trại và bánh man-na mưa xuống trên mặt đất. Thật ra hai biến cố nầy đã không xảy ra cùng một ngày. Ít ra sách Dân Số trong cùng một câu chuyện cho thấy điều nầy (Ds 11 cho thấy hai truyền thống được trộn lẫn với nhau; trong hai truyền thống, truyền thống Gia-vít chỉ kể ra hiện tượng bánh man-na).

Biến cố chim cút bay đến rợp cả trại xem ra là đàn chim thiên di từ lục địa Phi-Châu vượt qua Địa trung Hải và khi đến hoang địa thì kiệt sức sà cánh xuống rất dể tóm bắt. Man-na có thể do từ nhựa cây liễu bách tiết ra khi bị những côn trùng châm vào; khi đêm xuống khí trời lạnh, nhựa đông cứng lại và rơi trên mặt đất thành những hạt nho nhỏ mịn màng có vị mật ngọt. Theo sách Dân Số, “man-na như hạt ngò và trông nó như nhựa hương. Dân cứ việc chia nhau đi lượm, cho vào cối xay hoặc cối giã mà nghiền tán ra, rồi bỏ vào nối nấu bánh, và mùi vị của nó như mùi vị bánh chiên dầu. Đêm về sương rơi trên doanh trại, thì manna cũng rơi xuống” (Ds 11: 7-9).

Chúng ta không thể tin rằng trong hoang địa dân Do thái được nuôi dưỡng chỉ bằng bánh man-na; họ còn sống bằng những sản phẩm từ đàn vật của họ và từ những ốc đảo. Nhưng bánh man-na đã là lương thực phụ thêm trong suốt cuộc lữ hành nầy.

Với tư cách là thiên ân, bánh man-na cũng là dịp thử thách: “Ta muốn thử thách chúng xem chúng có tuân theo luật pháp của Ta hay không”.

Đức Chúa phối hợp thiên ân với sự thử thách qua lời căn dặn rõ ràng: “Dân sẽ ra mà lượm
lấy khẩu phần từng ngày một”, mỗi người tùy theo nhu cầu của mình. Không được tích trữ. Không được bận lòng đến ngày mai, nghĩa là hoàn toàn tin tưởng vào Lời của Chúa (từ đó một mối giây liên kết chặc chẽ hầu như cho đến mức đồng hóa, giữa bánh man-na và Lời Chúa).

Đó cũng là bài học Đức Giê-su ban cho các môn đệ Ngài khi dạy họ kinh “Lạy Cha”: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.

2. Bánh bởi trời.

Cho đến lúc đó, đối với dân Do thái, đây là lương thực bất ngờ và lạ thường can dự vào thời điểm khó khăn, bánh man-na được truyền thống tôn giáo lý tưởng hóa và thần thiêng hóa.
Rồi, nhà biên soạn sách Xuất Hành nói rằng “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn”. Theo sách Đệ Nhị Luật, Đức Chúa “đã cho anh em ăn man-na là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông của anh em đã chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời Đức Chúa phán ra” (8: 3). Thánh Vịnh 78: 25 gợi lên bánh man-na là “bánh của những kẻ mạnh” mà bản Bảy Mươi đã chuyển dịch “bánh thiên thần”. Sách Khôn Ngoan ca ngợi bánh man-na là lương thực bởi trời, “bánh có muôn hương vị, thỏa mãn mọi sở thích” (16: 20-29). Văn chương kinh sư loan báo rằng bánh man-na sẽ là lương thực của thời đại thiên sai, khúc dạo đầu cho bàn tiệc cánh chung. Đối với thánh Phao-lô, theo cùng giải thích của truyền thống Cựu Ước, bánh man-na là thức ăn linh thiêng (1Cr 10: 3).

Chính ở nơi truyền thống nầy mà Đức Giê-su tham chiếu, dù minh nhiên hay mặc nhiên, trong bài diễn từ của Ngài về bánh ban sự sống.

BÀI ĐỌC II (Ep 4: 17, 20-24)

Tiếp theo sau phần đạo lý (ch. 1-3), mà chúng ta đã đọc nhiều trích đoạn, thánh Phao-lô gởi đến các tín hữu của ngài những lời khuyên luân lý: trước hết ngài kêu gọi hiệp nhất với nhau (chủ đề của bài đọc Chúa Nhật vừa qua) và sống một cuộc sống mới trong Đức Ki tô, đó là chủ đề của đoạn trích thư hôm nay.

Để trở thành một người Ki tô hữu đích thật, thánh Phao-lô đưa ra ba chỉ thị tổng quát:
- đừng ăn ở như dân ngoại;
- học biết Đức Giê-su để mà sống như Ngài đã sống;
- đổi đời tận căn và mặc lấy con người mới.

1. Đừng ăn ở như dân ngoại.

Thánh Phao-lô ngỏ lời với các tín hữu trong các cộng đoàn Tiểu Á, đa số họ xuất thân từ dân ngoại; nhưng lời khuyên dạy của thánh nhân cũng có giá trị đối với những tín hữu gốc Do thái giáo. Thư gởi cho tín hữu Rô-ma, như thư gởi cho các tín Cô-lô-sê, chứa đựng những cảnh giác tương tự.
Trước khi tiếp tục những khảo sát nầy, thánh nhân ngừng lại để nêu lên phẩm chất là người Ki tô hữu, đòi buộc phải thay đổi đời sống.

2. Học biết Đức Giê-su để mà sống như vậy.

Thánh nhân nhắc nhở cho các tín hữu giáo huấn mà họ đã lãnh nhận khi họ “học biết Đức Giê-su”, nghĩa là “thuộc về Đức Ki tô”. Cách dùng động từ “học biết” với túc từ chỉ người thì hiếm, nhưng ý nghĩa thật đặc biệt: là Ki tô hữu, chính là gắn bó không với đạo lý trừu tượng, nhưng với một con người, con người nầy chính là “sự thật hiện thân”.

3. Đổi đời tận căn và mặc lấy con người mới.

Thánh Phao-lô khai triển tư tưởng của mình bằng cách tập hợp những lời khuyên của mình dưới ba mệnh lệnh:
- Phải cỡi bỏ con người cũ với nếp sống xưa;
- Phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em;
- Phải mặc lấy con người mới.

Đây là chương trình giáo lý về Phép Rửa. Ý tưởng chủ đạo là đổi mới tận căn đời sống Ki tô hữu.
- Phải cỡi bỏ con người cũ, con người trước đây phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối.
- Cuộc sống của người Ki tô hữu, nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, cho phép đổi mới tâm trí, chủ đề mà thánh Phao-lô chủ ý lấy lại để minh chứng rằng Ki tô giáo mở ra phía sự khôn ngoan cao vời.
- Cuối cùng, người Ki tô hữu là một con người mới, mà Phép Rửa đã tái sinh, đã tái tạo, đã phục hồi trong tình trạng ban đầu “theo hình ảnh Thiên Chúa để sống theo sự công chính và thánh thiện đích thật”.

TIN MỪNG (Ga 6: 24-35):

Với đoạn trịch Tin Mừng nầy, chúng ta bắt đầu bài diễn từ của Đức Giê-su về bánh ban sự sống mà thánh Gioan xác định vào ngày hôm sau phép lạ bánh hóa nhiều.

Việc định vị biến cố thật là quan trọng; phép lạ bánh hóa nhiều đánh dấu đỉnh cao thừa tác vụ Ga-li-lê của Đức Giê-su. Khởi đi từ lúc nầy, thế phải chọn lựa sắp được nêu lên càng lúc càng quyết liệt hơn: tin vào Đức Giê-su hay từ chối Ngài. Diễn từ về bánh ban sự sống là một trắc nghiệm có tính quyết định: nó mở ra giai đoạn hoặc quay lưng lại với Ngài mà ra đi hay khẳng định niềm tin của mình vào Ngài. Vì thế Đức Giê-su sắp nhấn mạnh, tiên vàn phải “tin” vào Ngài.

Bài diễn từ bắt đầu ở bên biển hồ Ghê-nê-sa-rét và chấm dứt ở trong hội đường Ca-phác-na-um.

1. Bối cảnh.

Vào buổi chiều phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giê-su đã buộc các môn đệ lên thuyền trở lại thành Ca-phác-na-um. Còn Ngài thì lánh mặt đám đông cuồng nhiệt nầy đi lên núi một mình, đoạn, giữa đêm Ngài đã đi trên Biển Hồ mà đến với các ông. Đám đông đã thấy các môn đệ ra đi một mình mà Đức Giê-su không cùng xuống thuyền đó cùng với họ (thánh Gioan xác định ở đó chỉ có một con thuyền [6: 22]). Sáng hôm sau, mọi người nhận thấy rằng Đức Giê-su không còn ở trên bờ Biển Hồ nữa; họ quyết định quá giang những thuyền đến từ Ti-bê-ri-a mà trở về Ca-phác-na-um để tìm Ngài (6: 23).

Khi đến Ca-phác-nu-um, họ ngạc nhiên gặp thấy Đức Giê-su ở đây: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy”. Câu hỏi mà họ nêu lên mang đến một lời chứng gián tiếp về việc Đức Giê-su đi trên mặt biển.

Đức Giê-su không trả lời câu hỏi; Ngài đề cập thẳng vấn đề căn bản: ý định nào hướng dẫn đám đông mong ước được gặp lại Ngài? “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Trong Tin Mừng Gioan, lời khẳng định gấp đôi nầy (“Thật, tôi bảo thật”) đem lại một cung giọng trang trọng cho những lời nói theo sau: Đức Giê-su quở trách tâm trí của những người Ga-li-lê nầy quá phàm trần: họ chỉ thấy ở nơi Ngài một người phép thuật thần thông đã cho họ ăn no nê. Lúc đó cuộc đối thoại sắp được thiết lập mà tuyến phát triển của nó, rõ ràng cùng một tuyến phát triển như cuộc đối thoại của Đức Giê-su với người phụ nữ xứ Sa-ma-ri.

2. Cuộc đối thoại của Đức Giê-su với đám đông dân chúng.

Trước tiên Đức muốn họ biết rằng Ngài là một con người mầu nhiệm, Ngài có khả năng ban cho con người những thiện hảo còn hơn cả bánh vật chất nữa.

Với người phụ nữ xứ Sa-ma-ri, Đức Giê-su đã nói: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã hẳn ban cho chị nước hằng sống” (4: 10).

Với những người Ga-li-lê, Đức Giê-su nói: “Các ông hãy ra công làm việc không phải lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”.

Trong nhiều trường hợp, lời hứa mầu nhiệm của Đấng chỉ tỏ mình ra một cách bí ẩn, nhưng ở đây – như luôn luôn trong Tin Mừng Gioan – gợi lên mối liên hệ của Ngài với Chúa Cha.
Những lời nầy gây ấn tượng trên họ, vì thế vài người đặt ra cho Đức Giê-su một câu hỏi, có thể với ý định ngay thẳng, nhưng cũng có thể với mục đích làm cho Ngài lúng túng: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”.

“Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”. Đức Giê-su không muốn giản lược “những công việc” vào chỉ “đức tin”, nhưng những lời mà Ngài sắp công bố quá mạnh mẽ đến mức khó mà hiểu được, nếu trước hết những người đối thoại với Ngài không có niềm tin tưởng tuyệt đối vào Ngài. Đức tin phải là thái độ đầu tiên mà Ngài đòi hỏi ở nơi họ.

Nhưng ngay lập tức dân chúng tỏ thái độ nghi ngờ Ngài và bắt bẻ Ngài: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: ‘Người đã cho họ ăn bánh bởi trời”. Ở nơi lời bắt bẻ nầy, chúng ta gặp lại cũng một lời bắt bẻ của người phụ nữ xứ Sa-ma-ri trong cuộc đối thoại với Ngài: “Thưa ông, ông không có gàu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lại lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng nước nầy? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy” (4: 11).

Với từ “tổ tiên chúng tôi” trong lời bắt bẻ của những người Ga-li-lê nầy, Đức Giê-su đáp lại bởi “Cha tôi”, bằng cách đồng hóa “Cha tôi” với “Cha trên trời”, Đấng đã cho họ bánh bởi trời đích thật và bằng cách đồng hóa bản thân của Ngài với bánh ban sự sống nầy.

Chúng ta lưu ý rằng Đức Giê-su nói về “bánh bởi trời ban sự sống cho thế gian”, trong khi bánh man-na trong sa mạc “nuôi sống chỉ một mình dân Ít-ra-en”. Nói cách khác Ngài là Mô-sê mới nhưng cao vời vô tận trên ông Mô-sê.

Lúc đó, những người Ga-li-lê thốt lên: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh nầy”; cũng như người phụ nữ xứ Sa-ma-ri đã thưa: “Thưa ông, xin cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước” (4: 15).

3. Mở lòng ra trước mầu nhiệm.

Lúc đó, Đức Giê-su vén thêm một chút bức màn mầu nhiệm của Ngài: “Chính tôi là bánh ban sự sống”.

Trong Tin Mừng Gioan đây là lần thứ ba xuất hiện công thức: “Chính tôi là” (lần thứ nhất, Đức Giê-su ngỏ lời với người phụ nữ xứ Sa-ma-ri khi chị gợi lên việc Đấng Mê-si-a đến: “Đấng ấy chính là tôi” [theo sát nghĩa của từ: “Chính tôi là”: ego eimi] và lần thứ hai Đức Giê-su nói với các môn đệ kinh khiếp khi thấy một người đi trên mặt nước: “Thầy đây mà, đừng sợ” [theo nghĩa văn tự: “Chính tôi là”: ego eimi]).

Công thức: “Chính tôi là bánh ban sự sống” nầy khai mạc một loạt “tôi là” đi theo với thuộc ngữ: “tôi là đường, là sự thật và là sự sống”, “tôi là mục tử nhân lành”, vân vân (những lời khẳng định luôn luôn được liên kết với viễn cảnh của ơn cứu độ).

“Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”. Ở đây cốt là cái đói và cái khát thần thiêng. Cách nói nầy quy chiếu đến Kinh Thánh, chính xác là đến bản văn của sách Huấn Ca, nhưng trái với gợi ý của sách nầy. Lời mà Sách Huấn ca áp dụng cho Đức Khôn Ngoan theo hình thức khẳng định: “Hỡi những ai khao khát Ta, nào hãy đến…Ai ăn Ta sẽ còn đói, ai uống Ta sẽ còn khát” (Hc 24: 19-21). Hiền nhân nầy muốn nói rằng ai nếm lương thực của sự khôn ngoan thì người ấy ước muốn mãi không thôi. Trái lại Đức Giê-su lập lại lời nầy và áp dụng vào chính mình theo hình thức phủ định, nghĩa là Ngài hứa những thiện hảo siêu nhiên làm mãn nguyện mọi cái đói và cái khát tâm linh.