Sống, gặp gỡ một người nào đó một thời gian thì người đó sẽ có một kinh nghiệm với người mình sống, mình gặp gỡ. Với Thiên Chúa cũng vậy, trong lòng tin thì người gặp, sống với Ngài cũng sẽ có một cảm nghiệm riêng. Cảm nghiệm ấy có thể bộc lộ ra chính đời sống của người đó hay có thể là người đó viết lại cho người sau được biết. Cảm nghiệm của Thánh Gioan tông đồ thật là dễ thương, với Ngài thì Thiên Chúa là tình yêu. Cảm nghiệm của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu về Thiên Chúa thật hay là Ngài kết hiệp với Chúa trong những việc làm nhỏ bé thường nhật, Mẹ Têrêsa Calcutta thì gặp Chúa và sống với Chúa qua những hình ảnh của những người nghèo, bệnh hoạn. .. Hay là cảm nghiệm của Cha Thánh Anphong thì Ngài gặp Chúa ở những con người tất bạt ở Kinh thành Napoli thời Ngài sinh sống.

Với các ngôn sứ là những người tạm gọi là trung gian giữa Thiên Chúa và con người, người thiết thân giữa Thiên Chúa và con người. Các ngôn sứ cũng sẽ mang trong lòng mình cảm nghiệm về Thiên Chúa đấng Siêu việt mà mình may mắn được gặp gỡ cũng như cảm nghiệm về những thần dân lòng dạ cứ đổi thay soành soạch như dân Israel ngày xưa. Một trong những ngôn sứ nổi bật thời Cựu Ước đó là ngôn sứ Giêrêmia. Cảm nghiệm về cuộc đời của ông thật dễ thương: “Trước khi cho ngươi hình thành trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1, 5). Hoá ra từng sợi tóc của ông và cả cuộc đời của ông đã được Thiên Chúa đếm và đặt để cả rồi.

Và rồi với vai trò ngôn sứ của mình, cũng gặp Thiên Chúa để nghe lời Thiên Chúa và nói cho dân cho nên chắc chắn ông cũng có một cái cảm nghiệm gặp Thiên Chúa một cách thiết thân nào đó. Cách riêng trong chương 20, 7 – 9:

Ông đã miêu tả để bộc lộ kinh nghiệm của ông, những cố gắng của ông để ức chế lời Chúa. Mặc dù cố gắng một cách tuyệt vọng để giữ im lặng về Thiên Chúa. Cố gắng kháng cự lại, quá sức ông; lên tiếng nhân danh Thiên Chúa và chấp nhận hậu quả còn ít khó khăn và mệt nhọc hơn là cứ giữ tất cả bên trong mình. Giêrêmia cảm thấy bị Thiên Chúa quật ngã.

“Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh sức hơn con, và Ngài đã thăng. Suốt ngày con đã trở nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con.” (Gr 20, 7)

Giêrêmia đã mô tả số phận của mình: Ông trở thành trò cười và diễu cợt; người ta âm mưu chống lại ông, rình để bắt chẹt ông về những điều ông nói. Lời nguyện của ông đi từ những lời giận dữ. Lời cầu nguyện này của ông theo tinh thần đức tin của ông Giob hoặc ở một số thánh vịnh.

Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.” Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được ! (Gr 20, 9)

Suy nghĩ nghiêm túc câu than vãn này chúng ta thấy đó là lối diễn tả một tình yêu, một tình yêu say đắm và hạnh phúc đến nỗi Giêrêmia đã không quên được Đấng mà mình yêu. Lời nguyện kết thúc với những tâm tình gần với nỗi tuyệt vọng.

Đời sống bên trong của ông do có quá nhiều đau khổ nhưng những đau khổ này đã khiến ông khám phá ra hình thức mới của tôn giáo, ông đã kinh nghiệm nguyên tắc mới này: bị trục xuất, bị ruồng bỏ nhưng ông quen thuộc với việc tâm sự với Thiên Chúa. Lòng đạo đức của ông đôi khi có những khuyết điểm vì oán trách báo thù, chưa thở luồng khí của Tin mừng.

Nơi Giêrêmia, ta gặp thấy một con người bị giằng co giữa những yếu đuối tự nhiên và ơn gọi siêu phàm. Nhưng ông vẫn luôn trung thành, hết lòng tín thác vào Chúa và tiếp tục sứ mạng mà Thiên Chúa mời gọi ông. Giêrêmia dạy ta sống thực sự những giờ phút khiêm tốn, những giờ phút đau đớn với tất cả sự trung thành tín thác vào chính Thiên Chúa.

Giêrêmia đau khổ còn là hình ảnh người Tôi Tớ đau khổ (Is 52, 13 – 53, 12), tiên trưng Đức Kitô (Mt 16, 17), Đấng thực hiện ơn cứu độ chống đối thất bại và cái chết vì muốn trung thành và vân phục thánh ý Chúa Cha cho đến cùng.

Giêrêmia phải sống độc thân để làm dấu chỉ án phạt giáng xuống thế hệ ông. Và những cuộc đấu tranh trong đời ông là tiền ảnh thật lạ lùng của cuộc đời Đức Giêsu Kitô, đến nỗi khi Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai ?” thì đã không thiếu gì người đã trả lời: “Giêrêmia !”.

Giêrêmia đặc biệt là không những không liên kết với Chúa mà ông mong chờ cuộc giáng lâm, bằng sự tương đồng trong đau khổ, ông còn kiên kết với Người bằng sự mong chờ vinh quang sẽ đến.

Mỗi một người Kitô hữu đều mang trong mình sứ mạng ngôn sứ ngay từ ngày lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, cách riêng những tu sĩ là những người sống tròn đầy bí tích Thánh Tẩy hơn nữa thì sứ mạng ngôn sứ sẽ đặt nặng lên vai người tu sĩ gấp bội. Nghĩa là người tu sĩ trong mọi hoàn cảnh, mọi môi trường của mình phải sống triệt để và tuyệt đỉnh ơn gọi ngôn sứ mà Thiên Chúa ban cho mình.

Dẫu là vậy nhưng cũng giống như Giêrêmia, có những lúc cảm thấy Thiên Chúa yêu thương mình và mình hăng say loan báo Tin mừng của Chúa nhưng có những lúc cảm thấy tuyệt vọng vì bị bề trên hiểu lầm, anh em phỉ báng và thậm chí là chẳng còn thấy Thiên Chúa hiện diện trong đời mình nữa. Và với kinh nghiệm nhỏ bé như Giêrêmia đã sống là làm sao ta gắn kết với Thiên Chúa bằng chính đời sống cầu nguyện bằng những thổ lộ tâm tư của ta với Thiên Chúa. Tin rằng với những thổ lộ đó Thiên Chúa sẽ nghe ta nói và Ngài sẽ đáp lại tiếng của Ta và nhất là Ngài sẽ đồng hành với ta, nâng đỡ ta trong vai trò ngôn sứ mà Ngài đã “trước khi cho ngươi hình thành trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”. Vì lẽ người viết cảm nghiệm và tin rằng đúng là mình chẳng chọn con đường tu này, có chăng là hình như là Thiên Chúa đã quyến rũ mình, đã chụp cổ mình vì nhiều lần nhiều lúc ngẫm nghĩ về những biến cố đã qua trong cuộc đời thì hình như là Thiên Chúa đã biết mình từ trong dạ mẹ vậy. Và với lòng tin như vậy, người viết tin rằng Thiên Chúa đã gọi, đã chọn mình từ trong dạ mẹ thì Ngài cũng sẽ hoàn tất những gì mà Ngài thấy còn thiếu nơi con người mỏng dòn non yếu này vậy.