NÊN NHƯ TRẺ NHỎ
Nhân chi sơ, tính bản thiện.

William Barclay kể câu truyện về một thầy giáo già. Trước khi bắt đầu lớp học, thầy thường đứng trước lớp học và cúi đầu sâu chào học sinh. Thầy luôn làm như thế với sự kính trọng đặc biệt. Một ngày nọ, vài người hỏi tại sao thầy làm như thế? Thầy trả lời rằng cúi đầu chào học sinh, vì thầy không biết tương lai của mỗi trẻ sẽ ra sao. Thầy nhìn thấy nơi mỗi đứa trẻ có nhiều khả năng tiềm ẩn và thầy cúi chào với sự tin tưởng rằng trong thời gian tới, sẽ có nhiều học sinh sẽ thành đạt và thành nhân.

1. Chúa Và Trẻ Thơ

Trẻ nhỏ như là các thiên thần của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã yêu thương và đón nhận các trẻ nhỏ như là kho tàng của Nước Trời. Các trẻ nhỏ là những thụ tạo tinh túy nhất, có một tiềm năng vô song hướng về sự toàn thiện. Cha ông đã nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Trẻ thơ là món qùa vô giá mà Chúa trao ban cho các bậc cha mẹ. Nhìn xem sự chăm sóc trìu mến của các bà mẹ với các trẻ thơ, chúng ta nhận ra được mầu nhiệm của tình yêu. Mầu nhiệm của tình mẫu tử và tình phụ tử. Món qùa phải được trân qúi và bảo toàn với bất cứ giá nào. Chúa Giêsu rất yêu qúi trẻ thơ. Chúa đón nhận, chúc lành và ôm ẵm chúng vào lòng. Tiếp nhận trẻ thơ là tiếp nhận chính Chúa: “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mt 18:5).

Muốn vào Nước Trời, chúng ta phải có tâm hồn trẻ thơ. Nghĩa là có tâm hồn đơn sơ chân thật, không nói một lời hai ý. Trẻ em có sao nói vậy. Người ta thường nói: “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Đừng bao giờ chúng ta dạy trẻ nói dối. Tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng được trao phó cho cha mẹ và những người hữu trách dạy dỗ chăm nom và yêu thương dìu dắt. Trẻ thơ là niềm vui, là nụ cười và là niềm hy vọng của gia đình. Muốn có hạnh phúc thật, chúng ta hãy sống tinh thần trẻ thơ như thánh Nữ Têrêxa hài Đồng Giêsu. Chúa Giê-su nói: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng."(Mt. 19:14). Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng ngăn cấm trẻ thơ, hãy mở rộng vòng tay đón nhận và tôn trọng chúng như những món qùa mà Chúa trao ban để yêu mến và dưỡng dục.

2. Dắt Con Trên Đường Đời

Trước sân nhà thờ nơi tôi phục vụ có một ngã tư. Đứng quan sát xe cộ nhường nhau qua lại theo dấu chỉ của đèn đường và nhiều người đi bộ vội vàng tranh thủ bước qua. Một hình ảnh làm tôi suy nghĩ khi nhìn thấy những người mẹ dắt tay con trẻ vội vã qua đường tránh làn xe. Mẹ luôn bước rảo thật nhanh, tay kéo theo con nhỏ. Bước chân mẹ rộng và dài, mẹ đi hối hả kéo con đi cùng. Con nhỏ vừa đi vừa chạy cho kịp theo bước chân của mẹ. Tôi không biết mẹ có để ý đến những bước chân nhỏ bé của con không, nhưng con cứ phải theo mẹ. Mẹ dẫn và dắt con theo. Mẹ bảo vệ cho con được an toàn. Mẹ dắt con theo cách của mẹ, cho dù con bước vội vàng và hụt cả hơi. Nhưng rồi khi con biết chập chững biết đi, biết chạy, con lại muốn rời tay mẹ và đi tự do một mình.

Người ta nói: Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính. Mỗi đứa con có một khả năng, tính tình và một sở thích khác nhau. Cùng chung dòng máu, chung cha chung mẹ nhưng mỗi cá nhân đều có một căn tính khác biệt. Cha mẹ cần nhận diện sự khác biệt này để đối xử và dạy dỗ con mình. Tâm hồn trẻ thơ thật mong manh và nhạy cảm, cha mẹ và các thày dạy đừng khi nào làm tổn thương tâm hồn bé nhỏ. Sự phán đoán của người lớn cần sự khôn ngoan và chân thật. Không nên hàm hồ và có khuynh hướng thiên tư sai lạc. Dẫn dắt con thì phải dẫn cho đúng đường. bàn tay nhỏ bé của con cái nắm chắc vào bàn tay chai cứng của cha mẹ trong sự phó thác và cậy trông. Cha mẹ phải luôn nêu gương mẫu mực cho con cái. Sự dậy dỗ và dẫn dắt trẻ thơ cũng cần có thời gian và điều kiện thích hợp theo khả năng. Chúng ta không nên dồn ép. Thánh Phaolô dạy: “Anh em, về mặt phán đoán thì đừng sống như trẻ con; về đàng dữ, sống như trẻ con thì được, nhưng về mặt phán đoán thì phải là người trưởng thành” (1 Cor.14:20).

3. Giáo Dục Con

Trẻ em cần được hướng dẫn và dạy dỗ theo sự hiểu biết và lãnh hội của từng lứa tuổi. Thơ của Thánh Phaolô gởi cho tín hữu Corintô viết rằng: “Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con (1 Cor. 13:11). Khi còn nhỏ, các trẻ thơ rất bén nhạy trong cảm xúc và phản ứng tự nhiên. Nghe sao nói vậy. Học biết và bắt chước mọi điều rất mau lẹ. Tất cả mọi thứ mà các em hiểu biết được, các em đều phải học. Học từ cha mẹ, học từ thầy cô giáo ở trường lớp, học từ bạn bè và học từ mạng lưới truyền thông. Chọn trường mà học, chọn bạn mà chơi. Hoàn cảnh chung quanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ em. Trẻ em cần có những hướng dẫn căn bản về đạo lý và cách học làm người. Tác giả thơ gởi tín hữu Do-thái đã viết: “Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con. Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ” (Dt. 5:13-14).

Biết rằng không cha mẹ nào muốn cho con cái mình những của xấu. Từ muốn sự tốt lành đi đến thực hành còn một khoảng cách xa. Cha mẹ luôn yêu thương con cái, nhưng rồi có những cách yêu thương không thích hợp. Có khi cha mẹ dung dưỡng con cái, chiều lòng mọi thứ và con muốn gì được nấy. Thích trò chơi điện tử nào là cha mẹ đáp ứng ngay, đôi khi cha mẹ không lưu tâm đến nội dung. Con cái được tự do đổi đài truyền hình mà chúng ưa thích, cho dù đài có bạo loạn hay cả bạo dâm. Chúng ta đừng buông con cái cho những kẻ không có lương tâm đạo đức chỉ giáo. Cách thu hút thị hiếu con trẻ qua sự quảng cáo của các nhà thương mại không luôn là tốt. Chúng ta luôn tỉnh thức và canh chừng đừng để con cái rơi vào cạm bẫy của sự xấu. Cha mẹ dù là kẻ xấu cũng muốn cho con cái của tốt lành. Chúa Giêsu dậy: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?"(Lk 11:13).

4. Sự Khôn Ngoan của Trẻ Thơ

Không phải những người trí thức hay học cao hiểu rộng mà có thể nắm bắt được chân lý Nước trời. Khi Chúa xuống trần, Ngài đã muốn tỏ mình ra cho các mục đồng đơn sơ và nghèo nàn. Chính Chúa chọn các tông đồ là những người ít học và không tham dự trường lớp và không bằng cấp. Các Tông đồ chỉ là những người chài lưới sống đời đơn sơ và mộc mạc ven biển. Chúa đã yêu thương và mặc khải chân lý Nước trời cho họ. Lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn (Mt.11:25). Sự khôn ngoan của thế gian là sự khôn ngoan trần thế dựa trên những kho tàng tri thức của nhau để tự đánh giá mình. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa là sự khôn ngoan của ơn cứu độ và giải thoát.

Sự khôn ngoan của trẻ thơ là sự khôn ngoan trong sự phó thác hoàn toàn theo thánh ý Chúa. Đón nhận ý Chúa với tất cả sự tin tưởng và lòng cậy trông. Không cậy dựa vào sự hiểu biết và sức lực của mình, nhưng tin vào quyền năng của Chúa. Chúa Giêsu nói rằng:” Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào."(Lk 18:17). Nhìn xem trẻ thơ tin tưởng nơi cha mẹ thế nào, thì chúng ta cũng đặt trọn niềm cậy trông nơi Chúa như thế. Quan sát hai bố con đang đi dạo quanh hàng xóm. Kìa, có một con chó chạy tới xủa to và gầm gừ, em bé sợ hãi quá vội chạy nhảy lên lòng của bố. Em cảm thấy sự bảo vệ an toàn. Đó chính là thái độ của trẻ thật đơn sơ và dễ mến.

5. Lạm Dụng Trẻ

Trong những tháng năm qua, chúng ta nghe nhiều về các vụ lạm dụng tình dục trẻ em. Những tố cáo lạm dụng như những gương mù, gương xấu đã được phơi bày trên truyền thanh, truyền hình, báo chí, mạng lưới và đâu đâu cũng được nhắc đến để kết án. Trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội, vấn đề đã nổi cộm và nhức nhối. Sự thật không thể dấu giếm. Sự thật đau lòng đã được mổ xẻ trên công cộng. Hơn bao giờ hết, sự lạm dụng tình dục trẻ em là một lầm lỗi không thể dung tha. Sự lạm dụng này đã làm mất đi sự ngây thơ trong trắng và tính bản thiện nơi trẻ thơ. Gần hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu đã nhắn nhủ dân chúng rằng: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mk 9:42). Tại sao lại có những người đang tâm hủy hoại tuổi thơ vô tội? Để được thành nhân cần cả trăm năm để giáo dục và trồng người. Dập tắt hay hủy hoại một sự sống trẻ thật dễ dàng.

Đau lòng hơn nữa là ngay chính trong lòng Giáo Hội, một số các giáo sĩ đã rơi vào các cạm bẫy này. Giáo Hội đã phải bước vào một thời kỳ khổ giá để đền tội vì sự yếu hèn này của con cái mình. Sự thật về sự lạm dụng không thể chối cãi. Sự thật này không thể che đậy. Sự thật này không có lý do để bào chữa. Cho dù con số phần trăm thật ít trong hàng giáo sĩ, nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể làm ngơ. Giáo Hội đã đau khổ quá nhiều. Có nhiều Địa Phận đã phải phá sản vì phải đền bù cho các nạn nhân. Đúng thật, đã có những lạm dụng đòi bồi thường và làm tiền một cách trắng trợn của một số người. Nhưng chúng ta biết sự lạm dụng là có thật. Những giáo sĩ đã sa phạm phải trả lẽ về mình trước mặt Chúa. Họ phải chịu hình phạt và tự sám hối ăn năn. Chúng ta phải yêu mến và đón nhận trẻ nhỏ như đón nhận các thiên thần của Chúa: “Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”(Mt 18:2-3).

6. Nước Trời của Trẻ Thơ

Khi còn trẻ, ai cũng mong cho mau lớn, ước thêm tuổi, thích sớm được vào trường và đôi khi còn muốn nhảy lớp cho mau chóng được ra trường. Ra trường rồi lại lo lăn xả vào công ăn việc làm và xây dựng hạnh phúc gia đình. Cứ thế ngày qua tháng lại, tuổi về chiều lúc nào không biết. Khi chúng ta nhìn lại cuộc đời, ngày tháng của tuổi thơ đã qua mất rồi. Nhưng dù có bao nhiêu tuổi đời, tâm hồn của chúng ta vẫn có thể trở nên như tâm hồn trẻ nhỏ: Chúa Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời (Mt 18:2-3).Làm sao có thể trở lại mà nên như trẻ nhỏ được. Điều quan trọng là mỗi người hãy sống trọn vẹn phút giây hiện tại. Hãy vui với tuổi thơ của con cái trong phút giây này. Trẻ thơ chính là các thiên thần đang hiện diện bên cạnh làm cho cuộc đời chúng ta thêm niềm vui và ý nghĩa. Chúng ta hãy bình thản sống trong an lạc. Vui với cái hiện có. Khi chúng ta đã bước vào qũy đạo cuộc sống, nó sẽ cứ xoay hoài làm cho chúng ta choáng ngợp và âu lo. Thế là chúng ta đánh mất dần nụ cười tươi mát của tuổi thơ. Chúa Giêsu nói nếu chúng ta không trở nên như trẻ thơ, chúng ta không được vào Nước Trời. Chúng ta phải làm gì bây giờ? Chúa Giêsu lại mách nước cho chúng ta: “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18:4).

Nhìn lại khi tuổi đời xế bóng, chúng ta đã có nhiều thứ. Có chức vị và bằng cấp. Có sự hiểu biết và kinh nghiệm. Có nhà có cửa, có công ăn việc làm. Có con cái và cháu chắt. Có của ăn và của để rồi. Chúng ta định gối đầu vào đâu cho những tháng ngày sắp tới? Cậy dựa vào các bảo hiểm của cải vật chất, sẽ không có bảo đảm vững bền. Dựa dẫm vào khả năng con người và văn minh khoa học kỹ thuật, cũng không an toàn. Cách tốt nhất là chúng ta hãy tự hạ để nhận biết sự quan phòng và quyền năng của Chúa. Hãy phó thác cuộc đời nơi vòng tay nhân lành của Chúa, chúng ta sẽ tìm được con đường giải thoát.

Như lời kết, Chúa Giêsu đã vào đời qua tiến trình của một trẻ thơ. Chúa cũng đã nằm trong nôi. Chúa được Đức Mẹ Maria ẵm bế trong lòng. Chúa lớn lên trong tình thương yêu chăm sóc của cha mẹ. Chúa Giêsu rất yêu mến trẻ thơ. Chúa xác định rằng Nước Trời thuộc về những kẻ giống như chúng. Muốn được vào hưởng niềm vui Nước Trời, chúng ta không thể đi con đường khác. Trước tôn nhan Chúa, chúng ta cũng chỉ là một thụ tạo ngây ngô và yếu đuối mỏng dòn. Chúng ta hãy phó thác cuộc đời của chúng ta trong sự quan phòng của Chúa. Hãy đưa tay cho Chúa dắt đi, chúng ta sẽ đạt tới bến bình an.