LONDON - Hội nghị do Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) và Ngân hàng Thế giới tổ chức qui tụ đại diện các chính phủ, tổ chức phát triển, và các công ty.

ICO nói đang có sứ mất cân đối cơ bản trên thị trường cà phê thế giới với số cung vượt quá số cầu chừng 15%. Trong lúc đó số người uống cà phê chỉ tăng chậm.

Thậm chí tại một số nước phát triển, mức tiêu thụ cà phê tính trên đầu người thực ra đi xuống. Kết quả, theo Nestor Osorio, giám đốc điều hành của ICO, giá cà phê sụt giảm thật đáng kể.

Hội nghị ở Luân Đôn hôm nay cố tìm giải pháp. Nhiều người có vẻ ủng hộ chuyện khuyến khích các nhà trồng cà phê sản xuất ít lại. Nhưng vấn đề của nông dân là nếu sản xuất các hoa màu thay thế khác họ phải chịu thuế quan cao hơn.

Trong chiều hướng đó, khủng hoảng cà phê trờ thành một vướng mắc trong các cuộc đàm phán về bảo hộ nông nghiệp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Cà phê Việt Nam

Theo ICO, sản lượng cà phê của Việt Nam tăng gấp bốn lần so với đầu thập niên 1980, qua mặt Brazil gấp đôi so với cùng giai đoạn.

Từ khi tham gia thị trường cà phê thế giới Việt Nam đã nhanh chóng trở thành nước sản xuất cà phê nhiều thứ nhì trên thế giới.

Trồng cà phê trở thành nguồn sống chính cho nhiều hộ nông dân ở Tây nguyên mặc dù đa số chỉ khai thác theo tiểu công nghệ.

Ông Osorio nói một khả năng cần là loại trừ cà phê chất lượng kém bởi vì chúng làm tuột giá cà phê nói chung. Nhà chức trách Việt Nam nhìn nhận chất lượng cà phê của mình không đảm bảo.

Nhưng các tổ chức cứu trợ như Oxfam nói vấn đề không phải là giá cà phê thấp mà do có sự bất công trong việc thu mua và các khâu sau đó.

Các nhà chế biến và bán lẻ thường thu được nhiều lợi nhuận hơn so với người trồng cà phê.