Hành hương như một kẻ lang thang tìm về chốn cũ, tìm về hồn thu thảo xưa để cảm nhận những vết tích Thầy Giêsu đã từng đi qua và đã từng để lại. Tôi đến Giêricô vào buổi chiều tà. Một thành phố nho nhỏ, bình yên. Nhà cửa san sát thanh bình. Người dân nở những nụ cười hiếu khách. Khi chúng tôi dừng lại để ngắm ngọn núi cám dỗ, tôi bắt gặp bầy cừu vừa đi ăn về, cậu bé chăn cừu lon ton đi sau thư thả. Tôi bắt gặp người nông dân đi làm đồng về chở trên xe máy cày hai quầy chuối. Anh hái những trái chuối chín vàng ươm tặng cho người tài xế xe buýt, và tôi cũng được hưởng một trái. Hương vị ngọt ngào, đậm đà, dân dã… tự dưng nhớ Việt Nam với những vườn trái cây trĩu quả và thơm ngon. Theo Kinh Thánh Giêricô là thành mà dân Israel dưới sự lãnh đạo của Giosua chiếm được với chỉ những tiếng hô vang trời và những tiếng kèn làm bằng sừng trâu của các vị tư tế.

Cây vả
Tôi được chiêm ngắm cây vả mà Giakêu xưa kia đã leo lên để nhìn được Chúa, được dừng lại nơi Chúa đã dừng, được lắng nghe lời Chúa nói với Giakêu, tôi cũng nghe như Chúa nói với mình rằng: hôm nay ta đến thăm nhà ngươi…

Ở Biển Chết, không một sinh vật nào có thể sống nổi, nhưng là nơi sống của biết bao con người. Khách hành hương ai mà không muốn một lần được thưởng thức được nổi trên biển chết và dù có không biết bơi cũng chẳng sợ chết. Thế là người dân địa phương có thu nhập, biết bao người có việc làm ờ vùng biển tưởng như chết này nhưng thực sự sống. Bùn và muối mặn nơi này được coi là tốt cho làn da và sức khỏe. Người Do Thái còn dùng nước ở Biển Chết để tạo thành một loại chất tưới cây rất tốt. Biển Chết nhưng không chết. Tên không phải là người là thế.

Đi về Bethlehem thăm máng cỏ nơi Hài Nhi ra đời, thăm cánh đồng chiên nơi Thiên Thần báo tin cho các mục đồng. Trong tôi những tưởng cánh đồng bao la bát ngát, nhưng đến nơi khách hành hương nhìn thấy những tòa nhà san sát…đâu rồi cánh đồng chiên thuở nào, đâu rồi hang đá các mục đồng trú ngụ. Về thăm nơi Chúa sinh, bây giờ thuộc nhà thờ Chính Thống Giáo, đang được phục hồi và sửa chữa bên trong. Chúng tôi đã phải xếp hàng dễ đến một giờ đồng hồ để được chạm vào nơi Chúa sinh, cũng chẳng được dừng lại chụp tấm hình làm kỷ niệm nữa vì quá nhiều người chờ đợi và chúng tôi bị đuổi như “ đuổi tà” và người trực ở đó luôn miệng nói: “ No photo, no photo”.

Đoàn chúng tôi được dâng lễ trong một nhà nguyện nho nhỏ nằm dưới hầm nhà thờ Gáng Sinh. Ở đây có những nhà nguyện như thế dành cho những nhóm hành hương đến dâng lễ. Căn hầm chúng tôi dâng lễ được mang tên của thánh Gieronimô.

Nói về thánh lễ, ở đây các nơi dâng lễ đã được dọn bài đọc và thánh lễ sẵn sàng. Nếu đến nhà thờ Đức Mẹ Đi Viếng thì đọc bài đọc ngày lễ ấy. Bởi vậy khi chúng tôi dâng lễ ở nhà thờ Giáng Sinh, trong khi chờ đợi đến lân vào lễ thì nhóm chúng tôi được nghe bài hát tạ lễ Đêm Thánh Vô Cùng của nhóm trước. Đến lần mình, trưởng đoàn cũng đã dọn sẵn những bài về mùa Giáng Sinh. Chúa không chỉ sinh ra trong một ngày, mà Chúa sinh ra nhiều lần mỗi ngày trong ngôi thánh đường này… và ngày nào cũng là ngày sinh ra của nhân loại trong Đức Giêsu.

Hành hương về chốn cũ để thấy lại những gì trong Kinh Thánh đã được nghe suốt bao năm nay hay như có người ví Kinh Thánh là bức thư tình hay nhất. Bước chân về chốn cũ, tìm lại hương vị xưa, nghe lại lòng mình qua bức thư tình mà không thể, lòng bỗng cảm thấy trống vắng và nỗi buồn miên man khó tả. Rồi sáng nay nghe người hướng dẫn nói rằng trên một tờ báo địa phương của Israel cho hay: tính từ năm 1990 đến nay, năm nay là cao điểm với 35 ngàn khách hành hương đổ về. Đây là lượng khách lớn nhất từ hai mươi năm nay. Có lẽ vì vậy mà bước chân khách hành hương dập dồn hơn. Hay vì cơ hội đến Đất Thánh là “ ngàn vàng” là “ ngàn năm một thuở” không biết bao giờ mình có thể đến nơi này lần nữa nên khách hành hương muốn nếm trải tất cả những nơi mang dấu tích của Thầy Giêsu. Có lẽ vì những lý do đó mà ai cũng vội vàng chăng?

Tuy nhiên chạm tay vào nơi Chúa sinh ra, ước nguyện cho cả mình và cho cả những người ở nhà gửi gắm rằng: xin cho được sinh lại trong Giêsu. Và chắc chắn một điều rằng lời cầu nguyện này sẽ được Chúa nhậm lời và chúc lành.