Cảm nghiệm Sống Lời Chúa # 35

GIỮ ĐẠO - SỐNG ĐẠO - HUYỀN ĐỒNG

Theo Tinh Thần Á Đông

“NGƯỜI KHÔN XÂY NHÀ TRÊN ĐÁ”

(Mt 7, 21-27)

Làm sao biết một người đã giữ Đạo, Sống Đạo ? Đó là người ấy đã biết dừng lại, biết đủ, mà phần đông người ta vì chạm đến lòng vị kỷ nên không muốn làm. Cho nên Sống Đạo thật khó.!

1- Giữ đạo không kể công: Thánh nhân nói: “Làm mà không cậy công sức mình, không khoe khoang, không để cho ai thấy cái tài đức của mình”. Nhưng người đời làm ít mà lại muốn khen nhiều, chỉ sợ người khác không biết đến, nên làm một mà kể công mười. Vì vậy Chúa Giêsu nói: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng… tay phải làm thì đừng cho tay trái biết, để việc bố thí được kín đáo…! (x.Mt 6, 1-4).

2- Sống Đạo cần công công chính: Thánh hiền nói: Sống đạo phải như cây cung giương lên: chỗ cao thì ép xuống, chỗ thấp thì nâng lên (có dư thì bớt đi, không đủ thì bù vào-bớt chỗ dư bù chỗ thiếu). Nhưng mà lòng người thê thái thì sao: bớt chỗ thiếu lại bù chỗ dư! Họ hay vị thân, vị kỷ, kết phe với kẻ gặp thời, cầu thân với kẻ đắc thế, rồi dựa vào đó mà bóc lột kẻ yếu, hà hiếp, lợi dụng kẻ cô thân. Vì thế, Chúa Giêsu đã dạy: Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã từng nhân danh Chúa mà mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỉ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điếu gian ác !” (Mt 7,22-23)

3- Theo đạo cần hạ mình: Cần phải hạ mình làm kẻ thấp hèn, sống trong kín đáo, không tự cho mình là hay, không tự cho mình là phải, không tự hào và khoe khoang. Nếu cái lòng hiếu danh chỉ suốt đời nơm nớp sợ không ai biết tên tuổi của mình, và mong được lưu danh. Cho đời là đục cả, một mình là trong, đời say cả, một mình ta tỉnh. Đức Giêsu nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! lạy Chúa là đượcc vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy…mới được vào mà thôi”. (Mt 7, 21)

4- Giữ đạo cần lấy đức báo oán: Thánh hiền nói: Nên biết, với kẻ lành thì lấy thiện mà ở; với kẻ không tốt cũng lấy lành mà ở; với kẻ thành tín, lấy chân thành mà ở, với kẻ không thành tín cũng lấy chân thành mà ở. Chúa Giêsu nói: “Các ngươi đừng báo oán, việc báo oán là của ta. Người xưa nói: phải lấy mắt đền mắt, răng đền răng; nhưng Ta bảo: đừng chống lại kẻ ác…” (x. Mt 5, 38-48)

5- Theo Đạo cần dứt bỏ dần là Huyền Đồng: Nghĩa là trở về đời sống dản dị, tự nhiên, ít riêng tư, ít tham dục như Thánh hiền nói. Công việc này chỉ là bước đầu, còn cần gột sạch lòng vị kỷ về đủ mọi phương diện. Bớt rồi lại bớt, bớt đến mức vô vi. Vô vi đây là vô dục. Phải dứt bỏ cả về lối suy tư theo nhị nguyên, dứt cả lòng tham muốn riêng tư, dứt bỏ theo cái danh lợi bên ngoài, đó là Huyền Đồng.

Phải dứt bỏ cái “Ta” mỏng dòn, chóng qua, tạm bợ này để trở về cái “Ta” đồng nhất với Trời Đất, trở về với thanh tịnh và vô vi. Như vây, Huyền Đồng là tất cả mọi sự vật đều hoà lẫn với nhau, không còn thấy riêng tư, phân biệt nữa. Trước con mắt của người, đã thực hiện được sự Huyền Đồng thì tất cả đều là Một. Đức Giêsu đã nói: “để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta…để họ được nên một như chúng ta là một.(Ga 17, 21-23)

6/ Sự Huyền Đồng với Đạo: Mưu cho con người được một sự yên tĩnh, bình an va khoan khoá trong tâm hồn, mà không gì trên đời này so sánh bằng…Không phải là một thứ sung sưúng theo giác quan; nhưng là cáh thanh thản, nhẹ nhàng, lâng lâng trong tâm hồn.

Vậy kẻ Huyền Đồng được với Đạo, dù không biết được họ có quyền lực gì khác người chăng, song chắc chắn họ sẽ không giống người đời, từ tư tưởng, tình cảm và hành động. Và chắc chắn họ không còn đau khổ nữa, vì chỉ có bản ngã mới là nguồn gốc của đau khổ mà thôi ! Mà kẻ Huyền Đồng được với Đạo là người không còn Sống cho mình nữa !

Tóm lại, mùi vị của Đạo: nhìn không thể thấy hết, lắng không đủ để nghe: nghĩa là không thể nào tả được. Vì thế, Chúa Giêsu dạy: “Ai nghe những Lời Thầy nói đây mà đem ra thi hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá”. (Mt 7, 24)

Ptế: GBM Nguyễn Định Sưu Tầm