Trong cuộc họp toàn thể vào đầu mùa xuân năm nay, các giám mục Anh đã quyết định lập lại tập quán kiêng thịt vào các ngày thứ sáu quanh năm, và quyết định này có hiệu lực từ ngày 16 tháng 9 vừa qua. Bản tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Anh nói rõ: “Luật Giáo Hội đòi người Công Giáo kiêng thịt các ngày thứ 6, hay một hình thức thực phẩm khác, hoặc thực hành một hình thức đền tội khác do Hội Đồng Giám Mục qui định”. Do đó, các giám mục Anh “muốn tái lập tập quán đền tội vào ngày thứ sáu trong đời sống tín hữu làm dấu chỉ rõ ràng và khác biệt cho thấy căn tính Công Giáo của họ”.

Vị tổng giám mục đặt vấn đề

Được gợi hứng bởi quyết định này, ngày 16 tháng 8 vừa qua, Đức TGM Dolan của New York có nêu thách thức này trên trang mạng của Tổng Giáo Phận như một khởi điểm thăm dò. Ngài muốn khai triển vấn đề rộng rãi hơn, nên đã đặt tựa đề cho bài viết là “Các dấu chỉ bên ngoài của đức tin ta”.

Ngài nhắc lại tập quán kiêng thịt thường xuyên các ngày thứ sáu của lớp người từ tuổi quá 50 trở lên. Năm 1967, tập quá ấy đã được nới lỏng, không còn bắt buộc nữa, ngoại trừ thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh, qua quyết định của Đức Phaolô VI. Tuy nhiên vị giáo hoàng này vẫn khuyên người ta nên tự ý thực hành tập quán tốt lành này. Sự thay đổi này, theo Đức TGM Dolan, gần như đã trở thành biểu tượng cho “thay đổi” thời hậu Công Đồng Vatican II.

Dù đồng ý hay không đồng ý với quyết định đó, ai cũng nhận rằng đền tội và hãm mình, hai việc được chính Chúa Giêsu cho là chủ yếu đối với các môn đệ của Người, nay đã giảm đi một cách đáng buồn trong vai trò làm nét đặc trưng cho đời sống người Công Giáo. Điều ấy không thể là ý định của Đức Phaolô VI như giáo huấn năm 1967 của ngài đã chỉ rõ. Nhưng nó vẫn là một sự kiện ảm đạm.

Chính vì thế, các giám mục Đại Anh đã quyết định tái lập kỷ luật này, kêu gọi anh chị em tín hữu của họ trở về với các hành vi đền tội bề ngoài, những hành vi “cần có để chống lại sự cai trị của tội lỗi hiện đang quá hiển nhiên trong đời sống bản thân ta, trong thế giới và ngay cả trong Giáo Hội”.

Khai triển thêm vấn đề, Đức TGM Dolan mời gọi tín hữu của ngài xem sét tới giá trị “của điều người ta vốn gọi là các dấu chỉ bề ngoài dùng để tăng tiến bản sắc tôn giáo của ta”.

Ngài cho rằng các học giả về tôn giáo, về mọi tôn giáo chứ không riêng gì Công Giáo, thường cho rằng trong bất cứ tín ngưỡng nào, các dấu chỉ bề ngoài bao giờ cũng là nét chủ yếu cho thấy đời sống đức tin sống động, lâu bền, và lôi cuốn. Dĩ nhiên, yếu tính của đức tin là ở bên trong, là đời sống bên trong của linh hồn. Chúa Giêsu luôn dạy ta rằng điều ở bên trong mới đáng kể. Tuy nhiên, tôn giáo chân thực ở bên trong bao giờ cũng biểu lộ qua các nét bề ngoài, nhất là qua các hành vi bác ái và nhân đức. Trong số các nét bề ngoài ấy, các học giả nhắc tới các dấu chỉ bề ngoài (external markers). Đối với một số tôn giáo, đó có thể là y phục; đối với một số tôn giáo khác, đó có thể là ngày lễ, mùa lễ, niên lịch, âm nhạc, nghi thức, phong tục, lòng tôn sùng đặc biệt, và các bổn phận luân lý trói buộc.

Hồi Giáo, chẳng hạn, nổi tiếng nhờ tháng ăn chay Ramadan, là y phục, là cầu nguyện 3 lần một ngày, là phải đi hành hương. Người Do Thái Giáo Chính Thống được người ta nhận biết nhờ chiếc nón che chỏm đầu, coi trọng ngày Sabát, và giữ các ngày lễ.

Còn người Công Giáo thì sao? Dĩ nhiên ta được nhận ra nhờ đức tin, việc thờ phượng, việc bác ái và đời sống nhân đức của ta. Nhưng còn dấu chỉ bề ngoài thì những gì làm ta ra khác biệt? Có Chúa biết đó, ngày xưa chúng ta có hàng tấn: kiêng thịt các ngày thứ 6 là một, nhưng còn nhiều nét khác như coi trọng Thánh Lễ Chúa Nhật và Các Ngày Lễ Buộc; ăn chay các ngày bốn mùa (ember days); đặt tên thánh cho con; xưng tội ít nhất mỗi năm 1 lần; ăn chay 3 tiếng trước khi rước lễ….

Hầu hết các dấu chỉ bề ngoài ấy nay đã không còn. Một số người vỗ tay hoan hô việc này; nhưng không thiếu người buồn bã vì sự mất mát đó. Theo Đức TGM Dolan, một số dấu chỉ quả có ích, một số thì không. Ngoài vết tro đen trên trán vào ngày Thứ Tư Lễ Tro ra, còn có dấu bề ngoài nào khiến người Công Giáo khác biệt với người khác?

Bạn có thể tranh luận nếu muốn, nhưng các học giả cho ta hay: không có những dấu chỉ bề ngoài ấy, tôn giáo nào rồi cũng có nguy cơ trở thành hết sinh lực, nhạt nhẽo và hết lôi cuốn. Ngay linh mục kiêm nhà xã hội học Andrew Greeley, người mà không ai cho là thủ cựu cả, cũng phải kết luận rằng việc bỏ không kiêng thịt ngày thứ 6 nữa là một mất mát đối với căn tính Công Giáo.

Và đó là một lý do nữa khiến nhiều người hoan nghinh sáng kiến của các giám mục Anh, coi nó như một bước tiến đúng hướng: tái lập cảm thức thuộc về, tái lập dấu chỉ bề ngoài cho thấy mình là chi thể của Giáo Hội giữa thời buổi đầy trôi dạt này.

Đức TGM tự hỏi phải chăng đây là lúc nên tự vấn có đúng là ta đã đổ bỏ cả em bé cùng với nước tắm (dơ) hay không khi ta vứt bỏ quá nhiều dấu chỉ khác biệt cho thấy căn tính đời sống Công Giáo cách nay 5 thập niên? Dĩ nhiên, không ai lại đi tái lập mọi thứ dấu chỉ ấy. Kem đánh răng đã bóp ra khỏi ống rồi, làm sao lấy lại. Ngài chỉ cho rằng đây là đề tài đáng đem ra bàn luận.

Vấn đề mấu chốt có thể đặt ra là thế này: điều gì làm ta thành người Công Giáo, khác với người khác? Theo Đức TGM Dolan, quân bình vẫn là điều tốt: nếu chỉ nhấn mạnh tới các dấu chỉ bề ngoài, ta có nguy cơ trở thành kẻ giả hình và chỉ lo lo lắng lắng giữ các luật lệ do con người làm ra. Nhưng nếu chỉ nhấn mạnh tới nội tâm, bất cần dấu chỉ căn tính bề ngoài, ta sẽ có nguy cơ đánh mất cảm thức thuộc về và tình liên đới cộng đoàn. Ta cần cả hai thứ ấy.

Giáo dân phản ứng

Người giáo dân New York không thờ ơ với vị tổng giám mục của họ. Ít ra cũng có tới gần trăm rưỡi phản hồi xuất hiện trên trang mạng của tổng giáo phận.

Phần lớn các phản hồi ủng hộ chiều hướng của ngài và nhấn mạnh tới ý nghĩa tích cực của việc kiêng thịt các ngày thứ 6 quanh năm. Có người còn cho là cần kiêng thịt cả các ngày bốn mùa nữa. Theo họ, đây không phải chỉ để chứng tỏ bản sắc bề ngoài của ta mà còn là một hy sinh đòi ta phải thực hiện nữa. Nhiều người Công Giáo lười thực hành đức tin đến độ riết rồi họ chỉ biết chú ý tới sự thoải mái bản thân mà quên khuấy cả Chúa Kitô.

Tuy nhiên, một phần khá lớn chĩa mũi dùi vào các vị giám mục, ngầm cho thấy các ngài đã không cố gắng tái lập lại căn tính Công Giáo. Việc này dĩ nhiên không thể một sớm một chiều mà có được, dù ta đã một sớm một chiều đánh mất các dấu chỉ này. Chúng cần có thời gian mới mong được phục hồi.

Có người đi quá xa bằng cách nhấn mạnh toàn những câu truyện Chúa Giêsu ăn cá trong Tin Mừng. Ông ta thuật lại cảnh sau khi sống lại, Chúa hiện ra với các môn đệ và hỏi “Các con có gì để ăn không?” (Lc 24:41). Họ đưa cho Người mấy con cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt họ. Rồi cảnh Người vừa cời than trên “cá nướng” vừa hỏi: Phêrô, con có yêu Thầy không? Và cảnh Chúa Giêsu, sau khi rửa chân cho các môn đệ, chỉ dùng một bữa ăn thanh đạm gồm bánh và rượu nho, rồi ra Vườn Cây Dầu…

Có người nhấn mạnh đến tình hợp nhất nhờ các dấu bề ngoài này. Người này viết: thấy một người Công Giáo ăn một miếng sandwich kẹp cá tại một quán ăn vào ngày thứ 6 quả là một sợi dây vô hình nối kết ta và nhắc ta nhớ tới đức tin của mình. Điều ấy cũng có thể dẫn ta tới người đồng đạo kia để chào hỏi kết thân.

Tinh thần vâng lời được một số người nêu ra nhân dịp này. Họ viết rằng việc mất vâng lời đã làm hại đức tin ta một cách nặng nề. Vâng theo luật Giáo Hội dẫn ta tới việc vâng theo Chúa. Nới lỏng các giới luật này đã biến việc vâng theo các tín điều khác trong đức tin của ta trở thành chỉ còn là gợi ý.

Một tân tòng nhắc nhở mọi người nhớ rằng tập tục kiêng thịt ngày thứ 6 chưa bao giờ bị hủy bỏ, và gia đình bà luôn thực hành tập tục này. Một người tự xưng là Công Giáo hậu Vatican II, tuy chưa bao giờ biết kiêng thịt ngày thứ 6 là một việc đền tội, tuy nhiên ông đã thi hành việc này một năm qua. Có người yêu cầu Đức TGM Dolan, trong tư cách chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nên nêu vấn đề này với toàn thể Hội Đồng.

Nữ giáo dân Olivia có vẻ châm biếm khi cho rằng bà chưa bao giờ biết vẫn còn việc khuyến khích kiêng thịt ngày thứ sáu. Bà suốt đời theo Công Giáo, nhưng chưa từng thấy không những việc khuyến khích các điều bề ngoài mà cả các điều bề trong cũng ít được nhiều người coi trọng. Nhưng khi bà bắt đầu ý thức được đời sống đức tin bên trong và thay thế các thói quen không lành mạnh, có hại hoặc tội lỗi bằng các thực hành như xét mình, xưng tội, làm việc đền tội và cố gắng đạt nhân đức, bà cảm thấy một niềm vui và thanh thản lớn lao, điều mà trước đó bà chưa bao giờ cảm nhận được.

Và bà tỏ ra đồng quan điểm với vị tổng giám mục của mình khi cho rằng: với bà, kiêng thịt hay các việc khác được coi là dấu chỉ bề ngoài hay hữu hình không phải là chuyện chọn điều này bỏ điều kia, chọn điều bề trong bỏ điều bề ngoài. Tất cả đều tương tác và “thông tri” cho nhau một cách chân thực.

Tuy nhiên, bà cho hay: ngày nay, vì ta bỏ những thực hành bề ngoài kia quá lâu nên người ta khó tự động thực hành, vì không có thói quen, vì sợ sệt hay không muốn đồng nhất. Thành thử theo bà, cần phải cho họ hiểu tại sao đầu tiên lại thiết lập ra việc kiêng thịt ngày thứ sáu, tại sao Giáo Hội không bắt buộc cho rồi mà để người ta tùy ý, rồi thấy họ không tùy ý thực hành, lại bắt họ thực hành…

Giáo dân James Ignatius McAuley nhấn mạnh tới các lễ buộc; cần phải phục hồi chúng như trước trong Nghi Lễ Rôma, không nên rời qua rời lại, có khi còn bỏ nếu quá gần ngày Chúa Nhật như hiện nay. Ông coi việc đó như một thảm họa tiếp thị thiêng liêng, cần phải chữa chạy ngay, đừng ngồi đó đối thoại nữa!

Todd Drain muốn đóng vai huấn giáo ở hai điều. Trước nhất, ông bảo: kiêng thịt thứ sáu vẫn còn hiệu lực, nhưng ta được dâng một việc khác tương tự để đền tội hay hãm mình. Gia đình ông vẫn thường kiêng thịt ngày thứ sáu từ bao giờ, nhưng nếu quên thì ông sẽ dâng một tuần cửu nhật hay một việc nào đó để đền bù. Mà nếu quên việc đền bù như thế, ông sẽ xưng tội! Theo ông, cần giải thích cho người ta hiểu lý do của thực hành này để hướng họ về việc cầu nguyện và hy sinh vào ngày Chúa chịu chết cho ta. Thứ hai, nhân cơ hội này, ông “cố vấn” Đức TGM Dolan rằng Giáo Hội sẽ vận hành khi các mục tử lãnh đạo, Giáo Hội tê liệt, khi các mục tử không lãnh đạo. Một luận điểm nghe khá quen tai nhất là trong hậu cảnh Giáo Hội Việt Nam những ngày qua. Do đó, Đức Tổng phải quở trách, xây dựng, và sửa trị các linh mục của ngài. Mọi linh mục thuộc quyền tài phán của ngài đều là những cánh tay vươn dài của ngài. Ngài là giáo phận. “Con sợ rằng các mục tử không hiểu ra điều đó”. Ngài là giáo phận, ông nhắc lại một lần nữa. Mọi bí tích đều tuôn đổ qua ngài. Nếu các linh mục hiểu tại sao họ phải tái lập thực hành này, và hiểu rõ đây không phải chỉ là mong ước của ngài mà là một đòi hỏi, mà nếu không làm sẽ có hình phạt, thì theo ông, đấy là bước thành công của tổng giáo phận New York.

Stephen Matthew cũng thế, đưa ra đề nghị sau đây: Mọi giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, các định chế cả nước nên bắt đầu kiêng thịt ngày thứ sáu đi, rồi mới nên khuyến khích giáo dân tái lập thực hành này. Tóm lại, phải bắt đầu áp dụng vào phía “định chế” trước rồi mới nới rộng tới mọi thành phần Giáo Hội khác.

Nữ giáo dân Louise có quan điểm hơi khác. Cô bảo hình như ta đang muốn trở thành người Biệt Phái chứ không phải môn đệ Chúa Giêsu. Vì dấu chỉ bề ngoài của đức tin nơi Chúa Giêsu là gì? Là người mù được thấy, người què nhẩy mừng, người bệnh được khỏi, người đói được no nê. Đạo Công Giáo đâu phải là một câu lạc bộ hay một nhóm người tự đồng hóa mình với những hành động ngoài mặt để lấy le trong khi người lân cận đói lả, đau khổ, thiếu chăm sóc y tế, vô gia cư, bị cúp điện hay hơi nóng…

Người có tên David lại làm một cuộc mặc cả: con sẽ thôi ăn thịt vào ngày thứ sáu, nếu Đức Tổng đồng ý cho áp dụng Giáo Luật Điều 915 và phạt tuyệt thông các chính trị gia “Công Giáo” phò phá thai! Anh hỏi: con ăn thịt hay Nancy Pelosi, John Kerry rước Mình và Máu Chúa cách phạm thượng, điều nào tệ hơn?

Anh Marc có tích cực hơn. Anh bảo: bà xã nhà con kiêng thịt ngày thứ sáu nhiều năm rồi, con thì không. Ngày thứ sáu là con phải có xúc xích mới thôi. Nhưng bài của Đức Tổng làm con thay đổi. Ta cần có các dấu chỉ bề ngoài. Vì giữ cho các dấu chỉ này nhất quán với gia tài ta là điều hết sức quan trọng trong một thời đại không ngừng biến đổi này.

Lyda không những mong lập lại việc kiêng thịt ngày thứ sáu, mà cả những ngày lễ buộc, thánh lễ hướng đông (ad orientem) và chấn song rước lễ. Cô cũng cho rằng bớt nói, bớt đối thoại đi, nhưng nhiều hành động hơn.

Thickmick ngắn gọn: nói ít, làm nhiều. Ngài đứng đầu Hội Đồng Giám Mục, do đó hãy làm việc đó đi. Bớt giờ chụp hình với Derick Jeter đi… dành nhiều giờ hơn để cứu đoàn chiên của ngài.

Đối với Keith, kỷ luật bề ngoài và suy niệm bên trong đều cần thiết cả. Nhưng theo anh: kỷ luật đi trước ước muốn. Nghĩa là: ta phải làm những việc bề ngoài một cách trung thành trước khi cảm nhận được sự thay đổi bên trong.

Dennis cho rằng: quả là kỳ diệu khi các vị giám mục dẫn ta trở lại một số kỷ luật và truyền thống không đến nỗi quá xa xăm. Kiêng thịt là một khởi sự tốt. Nhưng cũng cần phải thục thi các bổn phận Chúa Nhật vào chính ngày Chúa Nhật và ăn mặc cho xứng đáng vào ngày đó. Năng xưng tội cũng quan trọng. Lần hạt hàng ngày trong gia đình, trường giáo xứ.

Người tên Jim cho hay: thực ra việc kiêng thịt ngày thứ sáu không hề bị bãi bỏ. Nếu đọc kỹ chỉ thị lúc bấy giờ, ta sẽ thấy Tòa Thánh ủy việc ấy cho các hội đồng giám mục quyết định. Chẳng may, ở Mỹ và nhiều nơi khác, việc ấy lại để cho các cá nhân quyết định. Việc này giống như nói với đội thể thao: nhiệm vụ của các anh là thi đấu, nhưng lại không hướng dẫn họ thi đấu thế nào.

Anh cũng nói tới chiều kích cộng đoàn khi cho rằng: các hành vi tập thể sẽ đem ơn thánh lại cho toàn thể cộng đoàn. “Ta là Nhiệm Thể. Dù Giáo Hội luôn khuyến khích lòng đạo đức cá nhân, nhưng Giáo Hội cũng đòi buộc các hành động tập thể như tham dự thánh lễ Chúa Nhật và việc đền tội ngày thứ sáu vừa vì ích lợi cho riêng họ mà cũng để đem ơn thánh lại cho toàn Nhiệm Thể".

Theo anh, kinh nghiệm đã chứng minh: nơi nào mạnh về các dấu chỉ bề ngoài, nơi ấy cũng thấy một đức tin sống động. Nơi nào những dấu chỉ bề ngoài ấy trở thành xìu xìu ển ển, như trong các giáo xứ kiểu quán cà phê, đức tin cũng xìu xìu ển ển luôn.

Dara hình như muốn nhái lời Chúa khi cô ngắn gọn mấy dòng: lễ hy sinh và của dâng đền tội, Ta không muốn mà chỉ muốn tấm lòng biết xót thương… buồn thay tấm lòng này rất thiếu trong Giáo Hội tiền Vatican II, một giáo hội đầy xa hoa…

Kathi Bee cho hay gia đình bà kiêng thịt ngày thứ sáu cách nay mấy năm nhân tình cờ khám phá ra là tập tục đó chưa bao giờ bị hủy bỏ. Bà cho rằng việc đó cần để biểu lộ căn tính. Và việc biểu lộ này cần thiết để củng cố ta. Bà lấy việc ủng hộ đội banh nhà ra làm thí dụ: thường ta mặc áo thun của đội, hay phất cờ của đội hay bất cứ biểu hiệu nào đó của đội… tất cả các dấu chỉ bề ngoài ấy cho thấy ta ủng hộ cùng một phía. Đối với đức tin, các dấu chỉ bề ngoài càng quan trọng hơn, chúng cho ta thấy nhiều người khác cùng chia sẻ đức tin với ta, và điều này giúp ta kiên tâm chạy hết cuộc đua cho tới đích.

Chàng Mars, vâng tôi đoán là chàng, vì chàng bảo nên đem khăn trùm đầu trở lại. Lúc đi thăm Nga, chàng thấy phụ nữ Nga đều trùm khăn khi tới nhà thờ. Vả lại, chính các phụ nữ Công Giáo khi vào yết kiến Đức Giáo Hoàng, đều phải có khăm trùm đầu mà! Thế trước mặt Chúa Kitô ở trong Phép Thánh Thể thì sao, Người há không hiện diện thực sự sao?

Bà Barb, chắc là Barbara, nhắc tới vị tiền nhiệm của Đức TGM Dolan là Đức HY John O’Connor, người từng khuyên kiêng thịt ngày thứ sáu để đền tội phá thai. Do đó, bà và người mẹ bắt đầu kiêng thịt ngày thứ sáu từ đó. Bà cho rằng các vị giám mục phải làm việc quá giờ để tái xác định căn tính Công Giáo, chứ 50 năm qua, việc giảng dạy giáo lý hết sức yếu kém. “Các ngài hãy chỗi dậy, hãy múa cao gậy vàng! Hãy nên như Thomas Becket và John Fisher!”.

Linh mục Vincent J. Rigdon, người cùng thế hệ với Đức TGM Dolan, thuật lại câu nhận xét của một người bạn Do Thái khi thấy việc kiêng thịt ngày thứ sáu không còn bắt buộc nữa: “Không phải người Do Thái duy trì ngày Sabát mà ngày Sabát duy trì người Do Thái. Người Công Giáo các anh bỏ đi một điều hết sức quan trọng”.

Ít nhất có hai người không đồng ý với câu: kem đánh răng đã ra khỏi ống của Đức TGM Dolan. Đối với Anne, chỉ cần lòng can đảm và ơn thánh. Bà cho rằng nhìn trở lui 25 năm cuộc sống gia đình, bà phải rùng mình khi nghĩ đến việc gì đã xẩy ra nếu bà theo câu nhận định ấy. Đối với bà, câu đó chỉ cho thấy một thiếu vắng lãnh đạo và thách thức, chính là lý do để nhiều người xa lìa Giáo Hội, vì thiếu giáo lý. Mầu nhiệm Chúa hiện diện thực sự trong Thánh Thể thường bị làm ngơ hay đánh giá thấp, lòng tôn kính mất hẳn ở nhiều nơi, bái qùy không có, nói năng điếc tai, cười nói xã giao trong nhà thờ cả trước lẫn sau Thánh Lễ, ăn vận quần áo tắm hở hang, giảng thì 3 phút…

Tom Cwiok có lẽ là người lý luận chi tiết nhất không tán thành việc các dấu chỉ bề ngoài dẫn tới một đức tin bên trong mạnh mẽ hơn. Anh đem trường hợp Ba Lan ra để chứng minh: Từ khi có người Ba Lan lên làm giáo hoàng, người Công Giáo Ba Lan rất ý thức các dấu chỉ bề ngoài: đặt thánh giá trên tường của mọi cơ chế công cộng như trường học, bắt đầu lớn tiếng nói về tôn giáo và vị giáo hoàng của họ. Kết quả: họ có ngôi nhà htờ chính toa lớn nhất ở Âu Châu trong thế kỷ 20 và tượng Chúa Kitô cao nhất thế giới vừa được khánh thành mấy tháng nay. Nhưng cùng một lúc, sự đoàn kết trong giáo hội bị băng hoại và hiện nay, giáo hội Công Giáo tại Ba Lan đang bị chia rẽ ở thượng tầng hàng giáo phẩm (vì ủng hộ các phe phái chính trị khác nhau) lẫn hạ tầng (khoảng 2 triệu người Công Giáo chạy theo ông linh mục giỏi truyền thông hơn là theo giám mục)…

John G. ngoài việc ủng hộ kiêng thịt ngày thứ sáu ra, còn đề nghị lập lại các lời cầu nguyện sau Thánh Lễ để xin Chúa chúc lành cho quê hương.

Mike Gallagher phản đối vì một lý do khác: nhấn mạnh tới các dấu chỉ bề ngoài như những ngày xa xưa ấy chỉ tổ gây chia rẽ với các Kitô hữu anh em. Anh bảo lúc ấy, nhiều người Công Giáo coi mình không phải là Kitô hữu, họ chỉ chăm chú tuân hành luật và lệ Giáo Hội chứ không lo sống cuộc sống thực sự có tính Kitô Giáo. Tuân theo những luật lệ ấy bề ngoài có vẻ có tính thách đố, mà thực sự thì không phải, đó chỉ là một thứ thay thế quá nghèo nàn và đơn giản hóa so với việc sống theo sứ điệp Tin Mừng và theo chân Chúa Kitô trong mọi khía cạnh của đời sống. Theo chân Người đòi có sự cam kết và tình yêu đích thực. Trong khi có những người chỉ mù quáng tuân giữ các luật lệ; đối với họ, luật lệ là tất cả. Sau cùng, nhấn mạnh tới dấu chỉ bề ngoài là đi lệch tinh thần Vatican II, một Công Đồng nhấn mạnh tới mạc khải Thiên Chúa, là đi lùi trở lại thời trước CĐ Vatican II. Anh cũng nhắc lại câu của Hôsêa 6:6: “Ta muốn lòng xót thương, chứ không muốn của lễ, Ta muốn việc nhìn nhận Thiên Chúa chứ không phải của lễ toàn thiêu”.

Người tự xưng là Notgiven nói tới nhiều hình thức đền tội căn cứ vào số 1438 của Sách Giáo Lý: linh thao, nghi thức đền tội, hành hương, tự ý hãm mình như ăn chay và bố thí, chia sẻ huynh đệ… đều là những hình thức đền tội để tưởng niệm cái chết của Chúa vào ngày thứ sáu, và nói lên căn tính Công Giáo của mình.

Qualis Rex, cái tên hơi lạ, nhưng dù là người sinh sau CĐ Vatican II, anh thường ăn chay các ngày thứ sáu hàng tuần, mang dấu tro đi làm, treo tràng hạt ở xe, mang thánh giá hay ảnh thánh ở cổ và luôn cố gắng nhớ rằng khi nói chuyện với bất cứ ai cũng phải hành động cách nào để họ biết và nhớ họ đã gặp “một gã Công Giáo”.

Nhắc lại

Tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Madrid trở về, Đức TGM Dolan có dịp nhắc lại đề tài được ngài nêu ra để thảo luận. Nhân dịp này, ngài nhắc tới kinh nghiệm cảm động tại Madrid: dù mệt mỏi và chật chội, dù ban tổ chức cho hay họ có thể ngồi dự Thánh Lễ, kể cả lúc đọc lời nguyện Thánh Thể, nhưng người trẻ nào cũng qùy thờ lạy Thánh Thể!

Sau chia sẻ của Đức TGM Dolan, Charles cho rằng các linh mục và phó tế nên mặc áo giáo sĩ nơi công cộng, dù là vào tiệm chạp phô. Còn Arlene B. Muller thì vẫn cho rằng sự chân thực của Kitô Giáo quan trọng hơn là căn tính Công Giáo. Căn tính ấy có thể trở thành dấu chỉ của việc ta coi mình cao hơn các giáo phái khác, với thái độ tự mãn hay hãnh tiến, những thái độ vốn có trước thời Vatican II.

Tuy nhiên, Jeffrey Sharp, một tân tòng (từ năm 2003), nhấn mạnh tới việc cung kính, một việc mà nền văn hóa ngày nay hầu như không còn nhận ra, họ chỉ chú trọng tới giải trí. Theo anh, biết đức tin chưa đủ, sống đức tin cũng chưa đủ, điều quan trọng là phải cảm nghiệm được Thiên Chúa, chủ yếu trong Thánh Lễ và các cử hành phụng vụ. Anh bảo có lần được xem Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh trên liên mạng, bỗng nhiên anh hiểu lý do tại sao nhiều người ngày nay muốn có sự cung kính.

Về điểm trên, HV Observer, một người đã 51 tuổi, phê phán chỉ thị trong Huấn Thị Tổng Quát Về Sách Lễ Rôma, trong đó có điều qui định: riêng tại Hoa Kỳ, khi rước lễ, qui luật là đứng. Theo ông, quì mới đúng và giáo phận New York cần tranh đấu cho việc này. Không dấu chỉ bề ngoài nào bằng dấu chỉ này!

Liz Kuntz cho hay dù luôn là Công Giáo, nhưng đi nhà thờ thì bà không luôn luôn đi. Lý do: quá nhiều thay đổi đến đếm không xuể. Suốt hai thập niên 1970 và 1980, không biết bao nhiêu linh mục đã đến rồi đi, mỗi vị tự ý thay đổi đôi chút, mà phần lớn những thay đổi này không được phép. Tận bây giờ, vẫn có những linh mục tự ý cử hành Thánh Lễ theo lối riêng của mình, có vị bỏ cả ghế quì.

Mary Ann thuật lại bà từng bỏ đức tin Công Giáo. Nhưng nhờ bà mẹ lúc nào cũng đọc kinh mân côi và dự thánh lễ cầu cho bà trở lại, nên một ngày kia tới khu Manhattan, bỗng nhiên bà muốn tham dự thánh lễ. Tạt vào Nhà Thờ Thánh Gioan ở Đường 31, bà gặp một linh mục Phanxicô với cỗ tràng hạt trong tay đi đi lại lại trong nhà thờ. Một thầy Phanxicô khác đang quì đọc kinh mân côi. Hình ảnh ấy bỗng tràn ngập tâm hồn bà. Đã từ rất lâu, bà không nhìn thấy một linh mục nào mang tràng hạt cả. Bỗng nhiên bà bật khóc và nhờ thế bà đã quay trở về với Đạo Công Giáo. Đối với bà, kinh mân côi, chầu thánh thể, thánh lễ hàng ngày, canh thức suốt đêm, hạnh các thánh, các thánh ca, nói về các thiên thần, Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ đều là các thực hành nói lên căn tính Công Giáo.

Tomas cũng vậy, theo anh, tuy ta phải cởi mở với thế giới như CĐ Vatican II dạy, nhưng việc cởi mở này phải vén mở một điều gì đó giúp thế giới ngạc nhiên và tìm hiểu, có khi hãi sợ nữa. Các thách đố nhìn thấy và rờ mó được đối với lối sống của họ sẽ làm họ phải ngạc nhiên và tự vấn.

Tim cho rằng dấu chỉ bề ngoài rõ ràng nhất ngày nay là các linh mục: các ngài hầu như đã biến mất khỏi đường phố. Anh bảo trong hai năm qua, anh chỉ trông thấy 1 linh mục rưỡi! Tại sao lại 1 linh mục rưỡi? Vì một ngày kia anh thấy một linh mục đi ngược chiều với anh. Anh toan tính tới chào ngài, thì ngài nhớn nhác trông trước trông sau, rồi vội bỏ cổ cồn ra bỏ vào túi. Theo anh, ngài xấu hổ vì đức tin của mình, nhưng anh, anh xấu hổ về ngài.

Các đóng góp còn dài,vì các dấu chỉ bề ngoài cho thấy căn tính Công Giáo thì rất nhiều. Chủ điểm của Đức TGM Dolan là phải có cả bề ngoài lẫn bề trong. Các đóng góp cho thấy dù có những tham luận có tính dạy đời, nhưng việc làm chứng cho đức tin vẫn là điều trổi vượt. Điều này khiến ta có đôi chút ưu tư, khi những lời chủ chăn ở Việt Nam được đem ra mổ xẻ một chiều, chiều chẳng ăn có gì tới việc sống đức tin, hay tại những lời chủ chăn đó muốn ôm đồm xa gần nhắc đến những vấn đề không nên nhắc.