Tháng 6 hằng năm, phụng vụ dành riêng cho việc kính thờ Trái Tim Chúa Giêsu.

Tháng Trái Tim, bầu khí thiêng liêng thổi hơi ấm đạo đức bao phủ các cộng đoàn giáo xứ. Một cuộc trao đổi giữa trái tim tín hữu với trái tim Chúa Giêsu, giữa các trái tim tín hữu với cuộc đời.

Tấm lòng người Công giáo Việt Nam đối với Thánh Tâm đúng là tâm tình đạo đức nhiệt thành như là cách đáp trả lòng thương xót đặc biệt của Chúa. Trái tim là trung tâm điểm của tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu, nên nói tới tình yêu Thiên Chúa, chúng ta liên tưởng tới Trái Tim Chúa Giêsu.

1. Trái Tim Chúa Giêsu

Tất cả cốt lõi của đạo Công Giáo gồm tóm trong một quả tim (x. Mt 11, 25-30 ), bởi lẽ “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Trong cuộc khổ nạn, khi : “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra” ( Ga 19, 34). Hình ảnh Chúa Giêsu trên thập giá với Trái Tim bị đâm thâu là đỉnh cao của Lời tình yêu được tỏ bày. Máu và Nước chảy ra, nguồn mạch tình yêu được khai sinh. Giáo Lý Hội Thánh số 478 dạy : “Trong suốt cuộc đời, cả khi hấp hối và chịu khổ nạn, Đức Giêsu biết và yêu mến mọi người và từng người chúng ta. Người đã hiến mạng cho mỗi người chúng ta. "Con Thiên Chúa đã yêu mến tôi và thí mạng vì tôi" (Gl 2,20). Người đã yêu chúng ta bằng con tim nhân loại. Do đó Thánh Tâm Chúa Giêsu, bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta (x. Ga l9,34), "được coi là dấu chỉ và biểu tượng tuyệt vời của tình yêu mà Đấng Cứu Thế không ngừng dâng lên Chúa Cha hằng hữu và dành cho mọi người không trừ ai". ( ĐGH Pio XII, TĐ « Haurietis aquas » : DS. 3924 ; x. DS 3812).

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu được thiết lập từ những cuộc hiên ra của Chúa Giêsu cho thánh nữ Magarita Maria Alacoque, vào những năm cuối của thế kỷ 17. Vào năm 1899, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII chính thức lập lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cho toàn thể Giáo Hội.

Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với thánh nữ và tỏ cho thánh nữ biết Chúa yêu thương loài người đến thế nào. Ngài nói với thánh nữ: “Nầy là Trái Tim đã yêu thương loài người đến nỗi không còn tiếc gì với họ”.

Tôn thờ Thánh Tâm là nòng cốt của đức tin Công giáo như ĐGH Piô XI và Piô XII đã nói: "Tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu là điểm cốt yếu của đạo chúng ta ". ĐGH Lêo XIII đã dâng hiến toàn thể nhân loại cho Thánh Tâm Chúa. Tình yêu phát xuất từ trái tim Chúa là tình yêu cứu độ và thánh hoá. Nhờ ơn Chúa, trái tim chúng ta được cải đổi, để biết sống bé nhỏ trong tình yêu trái tim Chúa.

2. Trái tim Chúa Giêsu và trái tim Mẹ Maria

Trong niên lịch Phụng vụ của Giáo Hội, lễ kính Thánh Tâm Chúa và lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ đi liền nhau. Các nhà hội họa cũng thường vẽ Trái Tim Chúa Giêsu song song với Trái Tim Đức Mẹ, dưới hai biểu hiệu đau đớn giống nhau: Trái Tim Chúa Giêsu có vòng gai quấn quanh, và Trái Tim Đức Mẹ có lưỡi đòng đâm thâu. Hai Trái Tim biểu hiệu cho hai tình thương mến giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và tình thương yêu của hai Mẹ Con đối với loài người chúng ta.

Trên đỉnh đồi Canvê, hai Trái Tim đều bị đâm thâu qua. Trái Tim Mẹ bị đâm bằng thanh gươm, như lời cụ già Simêon đã tiên báo. Trái Tim Con Mẹ bị đâm thâu bằng lưỡi đòng của tên lính, máu cùng nước chảy ra cho đến giọt cuối cùng (x. Ga 19, 31-37). Trái Tim Con bị đâm thâu qua; Trái Tim Mẹ đớn đau vô cùng. Máu và nước từ Trái Tim Con chảy ra; Những dòng lệ từ đôi mắt Mẹ tuôn rơi chan hòa.

Ở Paray le Monial bên Pháp, Chúa đã tỏ Trái Tim cho Thánh nữ Margarita và dạy làm việc đền tạ Trái Tim Chúa bằng việc tôn sùng Trái Tim, làm giờ Thánh đền tạ, rước lễ các ngày thứ Sáu đầu tháng. Ở Fatima bên Bồ Đào Nha, Đức Mẹ hiện ra cho ba em nhỏ truyền dạy loài người ăn năn đền tội, siêng năng lần hạt Mân Côi, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ và rước lễ đền tạ các ngày thứ Bảy đầu tháng.

3. Trái tim yêu thương

Trái tim là nguồn phát máu đi nuôi thân thể con người, khi nào trái tim ngừng đập, lúc ấy không còn sự sống nữa. Trái tim làm việc kinh khủng để cung cấp máu, không hề nghỉ một giây phút, từ lúc con người sinh ra cho đến lúc chết. Tính ra mỗi phút trái tim chuyển được 10 lít máu,mỗi giờ được 600 lít, một ngày được 14.000 lít, một năm được 5.110.000 lít. Và nếu ai sống được 60 tuổi thì trái tim đã làm việc để chuyển đi được 30.000.000 lít máu. Một ngày, tim đập được 100.000 lần, có một sức mạnh tổng cộng có thể nâng được một toa xa hỏa nặng 45 tấn lên cao một mét. Quả tim có sức mạnh phi thường, không ai ngờ được. Trái tim, một công trình tạo dựng siêu bền. Rất nhỏ được đặt trong lồng ngực, nhưng hoạt động cách không thể ngờ. Mỗi người với 24 giờ, trái tim bơm và lọc được 14.000 lít máu. Thật bất ngờ khi biết được con số. Điều bất ngờ không dừng ở đó, và tôi khám phá ra công việc bơm và lọc 14.000 lít máu của trái tim, cho tôi 24 giờ sống tinh tuyền nhất mặc dù rất nhiều bất toàn trong tôi. Tôi nhớ đến Lời Chúa nói qua tiên tri Edêkiel với toàn thể dân Do thái : “Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới. Bên trong các ngươi Ta sẽ ban xuống một thần khí mới”. Lời ấy như một Lời tái tạo con người cũ thành con người mới.

Như trái tim lọc những dòng máu dơ bẩn khi đi qua các ngõ ngách của cơ thể, để thay vào đó dòng máu tinh tuyền và mang sức sống nuôi dưỡng và làm phát triển toàn thân; Thiên Chúa đang từng giây phút thanh lọc tôi bằng Lời của Người qua dòng đời tôi đang sống. Lời đã sáng tạo và Lời hằng làm nên cái mới. Thiên Chúa đang làm nên những cái mới lưu chảy trong tim tôi. Từng phút giây, Người vẫn không ngừng đổ rót hồng ân Thánh Thần đổi mới cuộc sống trong tôi. Kìa cái cũ đang qua đi và cái mới đang thành sự.

Như công việc của trái tim, tôi không thấy cụ thể những điều trái tim đang làm việc, nhưng tôi biết trái tim vẫn không ngừng rung nhịp đập với trung bình 70 lần một phút trong tôi. Theo từng nhịp đập của trái tim ấy, Thiên Chúa đang hoạt động trong tôi, bởi vì tôi biết rằng Người đã dựng nên tôi, Người cho tôi sự sống và sự sống ấy không ngừng lưu chuyển, cho đến khi tôi được yên nghỉ trong Người. Nếu một ngày kia trái tim này ngừng đập và tôi sẽ trở thành người thiên cổ, nhưng trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa tôi đang an nghỉ. Hôm nay, lúc này, xin tạ ơn Chúa, trái tim tôi vẫn còn nhịp đập. Và như vậy là tôi đang sống, đang hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa. Khám phá ra điều này, tôi nhận thức rằng, mỗi ngày tôi có cả ngàn lý do để tạ ơn Chúa. Sự sống nào không phải là hồng ân Chúa ban tặng để tạ ơn Người luôn mãi?

Như chức năng lọc của trái tim, Thiên Chúa đang thanh luyện cuộc đời tôi bằng Thánh Thần của Người. Lọc những vị kỷ để còn vị tha. Lọc hiềm thù để còn yêu thương. Lọc những gì là ô uế để còn những gì tinh trong. Nếu trái tim không lọc rửa, dòng máu sẽ trở thành dòng sông đem đến chết chóc. Nếu Thánh Thần không được ban xuống trong tôi, như trái tim không còn lọc tẩy, cuộc sống tôi sẽ chết dần chết mòn trong ô uế và tội lỗi. Thánh Thần đang đổi mới cuội đời tôi.

Như chức năng của máu là nuôi dưỡng những phần nhỏ nhất của cơ thể, Thiên Chúa đang tháp nhập toàn bộ cuộc sống này của tôi vào lòng yêu thương của Người bằng cách thẩm thấu. Nếu dòng máu bơm đi từ tim không tới được phần cơ thể nào, cơ thể ấy sẽ chết, và sớm cần được cắt rời khỏi thân thể. Thiên Chúa sống trong tôi và đó là điều tôi cảm nghiệm trong dòng máu lưu chuyển châu thân này, nên tôi biết trong thân thể mỏng giòn yếu đuối này, tôi cần được tham dự vào sự sống của Người.

Như thế, từng phút giây, tôi được mời gọi:

Hãy yêu như đang sống.Hãy sống như đang yêu. Yêu để sự sống tồn tại. Sống để tình yêu có mặt. Tình yêu làm hỗn mang trở nên mầu nhiệm sự sống. Và cũng chính tình yêu ấy làm cho sự sống trường tồn bất diệt khi vượt qua sự chết. Thiên Chúa đã bước vào trần thế bằng thân thể, bằng hình hài, và mang trái tim bằng thịt. Cuộc sống trở nên kỳ diệu khi Thiên Chúa biểu lộ bằng trái tim của nhân loại. Thiên Chúa, Người yêu thương tôi bằng trái tim con người và bằng trái tim của Thiên Chúa. Sự chết không thể chôn kín được tình yêu, bởi sức mạnh của tình yêu là làm cho sống. Một trái tim bằng thịt, không phải là bằng kim khí hoạt động như chiếc động cơ do con người chế tạo. Bằng thịt nên trái tim dễ bị tổn thương, và trái tim được đặt vào lồng ngực được những hàng rào xương sườn che chắn. Thiên Chúa biết tôi mỏng giòn và là bình sành dễ vỡ nên người yêu thương tôi, bao bọc tôi bằng ân sủng của Người. Tình yêu của Thiên Chúa khiến tôi không ngừng tự hỏi : “Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm”.

Lạy rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu, thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực thanh cực tịnh Đức Bà Maria cầu cho chúng con.